Vào nội dung chính
MẶT TRĂNG- MỸ- TRUNG QUỐC-NGA

Mặt Trăng : Viễn cảnh hợp tác Nga- Mỹ-Trung ?

50 năm trước, phi thuyền Apollo 11 cùng phi hành đoàn Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đặt chân lên Mặt Trăng. Thành công của Mỹ là một vố đau đối với các nhà khoa học Liên Xô. Nhưng ngay trong thời Chiến Tranh Lạnh, Apollo và Soyouz từng cộng tác năm 1975. Nga, Mỹ và Trung Quốc có sẽ hợp lực thám hiểm Mặt Trăng trong thập niên tới ?

Buzz Aldrin cắm lá cờ Mỹ trên Mặt Trăng ngày 20/07/969.
Buzz Aldrin cắm lá cờ Mỹ trên Mặt Trăng ngày 20/07/969. NASA/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Nửa thế kỷ qua, báo chí bình luận quá nhiều về tác động tâm lý, địa chính trị từ sự kiện này, mà thường ít nhắc đến những mục đích khoa học của chương trình thám hiểm Mặt Trăng đặt dưới sự điều hành của cơ quan không gian NASA.

Neil Armstrong và Buzz Aldrin cách nay đúng nửa thế kỳ không chỉ cắm cờ Mỹ lên Mặt Trăng, mà họ còn đã để lại đây nhiều dụng cụ khoa học, cho dù nghiên cứu về khoa học không phải là ưu tiên số 1 của nhóm người đầu tiên đổ bộ cung Trăng. Nghĩa vụ chính của Apollo 11 nhằm chứng minh rằng người của Trái Đất có thể chinh phục Chị Hằng.

Sau này người ta mới biết trong chuyến bay đã đi vào huyền thoại đó, Aldrin và Armstrong đã để lại máy đo độ rung của Mặt Trăng, nhờ thế mà đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn còn nhận được những tín hiệu cho thấy là Mặt Trăng thường bị rung chuyển. Nghiên cứu kỹ về những đợt rung đó giúp cho con người hiểu rõ hơn về địa chất của Chị Hằng.

Các nhà thám hiểm Mỹ còn đem về mẫu đá từ cung Trăng. Họ cũng đã đặt máy phát hiện các luồng hạt điện tích đến từ vùng thượng quyển của Mặt Trời. Aldrin và Armstrong còn để lại cung Trăng một tấm phản chiếu laser để đo khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Nhờ đó mà chúng ta biết một cách chính xác mỗi năm, chị Hằng lùi xa Trái Đất thêm 3,2 cm. Những dụng cụ để lại trên Mặt Trăng không quá cầu kỳ, nhưng là những công cụ chứng minh rằng Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã từng dạo bước trên cung Trăng.

Thành công rực rỡ của Apollo 11: Thất bại ê chề đối với Liên Xô

Liên Xô là quốc gia đầu tiên làm chủ kỹ thuật phóng vệ tinh. Phi hành gia đầu tiên là người Liên Xô và Liên Bang Xô Viên đã đi tiên phong trên con đường chinh phục không gian, thế nhưng trong cuộc chạy đua lên cung Trăng, Mỹ đã viết nên trang sử đầu tiên cho nhân loại. Người ta thường nói đến một cuộc chạy đua không gian giữa hai siêu cường trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, nhưng không biết Liên Xô có thực sự đọ sức với Mỹ hay không.

Đầu năm 1967, Liên Xô thực sự có một cơ hội khi phi thuyền Apollo 1 bị tai nạn ngay tại trên mặt đất, ba phi hành gia tử vong. Hai tháng sau, Vladimir Komarov cất cánh từ Baikonour, nhưng phi thuyền Soyouz 1 của ông đã bị cháy khi trở lại Trái đất. Komavov tử vong. Soyouz chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ chinh phục Mặt Trăng.

Nhiều người cho rằng tham vọng chinh phục Mặt Trăng của Liên Xô dừng lại sau tai nạn này. Hơn thế nữa phía Liên Xô phải đối mặt với nhiều thất bại sau cái chết của Komarov.

Bước kế tiếp chúng ta đã biết, Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã bước lên mặt Trăng lúc 9 giờ 56 phút, giờ Houston- Mỹ, ngày 20 tháng 7 năm 1969 và họ đã để lại nơi này một chiếc mề đay có khắc tên ba phi hành gia người Mỹ thiệt mạng trong chuyến bay Apollo 1, cùng với tên của Youri Gagarin và Vladimir Komarov.

Tới nay có bao nhiêu người từ Trái Đất đổ bộ lên cung Trăng ?

Có tổng cộng 12 người đã có dịp đến gõ cửa Hằng Nga trong các chuyến thám hiểm từ Apolo 11 đến 17. Phi thuyền Apollo 13 bị trục trặc và đã không thể đáp xuống cung Trăng. Nếu như Armstrong là người đầu tiên bước lên Mặt Trăng, thì Eugene Cernan là vị khách cuối cùng đến thăm Chị Hằng trong chuyến du hành từ ngày 11 đến 14/12/1972. Trong các chuyến thám hiểm này, các phi hành gia Mỹ đều tận dụng thời gian để thực hiện tối đa các cuộc thí nghiệm khoa học.

Riêng Alan Sheparda trong chuyến bay Apollo 14 đã lén đem theo một cây gậy golf và thế là ông trở thành người duy nhất của hành tinh của chúng ta đã chơi golf trên Mặt Trăng!

Đến năm 1972 chương trình thám hiểm cung Trăng của Mỹ kết thúc. Apollo 18,19 và 20 có được dự trù, nhưng đã bị hủy khi Quốc Hội cắt giảm ngân sách dành cho cơ quan không gian NASA. Tuy nhiên, trang thiết bị của Mỹ đã được sử dụng lại cho chuyến bay Apollo Soyouz. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Liên Xô hợp tác trong giai đoạn tan băng thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Tại sao không một ai trở lại Mặt Trăng từ năm 1972 ?

Chương trình Apollo quá tốn kém. Mỹ đã chi ra hơn 200 tỷ đô la. Đây là một trong những yếu tố khiến từ đó tới nay, chưa một ai quay trở lại cung Trăng. Ngân sách của NASA bị cắt giảm mạnh và thế là cơ quan này hướng về những dự án khác, chẳng hạn như trạm không gian thu nhỏ Skylab hay phi thuyền con thoi.

Cơ quan NASA đã cùng với các đối tác quốc tế tập trung vào việc xây dựng trạm không gian quốc tế và như vậy không còn ngân sách cho các chương trình đưa người lên Mặt Trăng. Hơn nữa mục tiêu địa chính trị không còn kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Dù vậy, yếu tố địa chính trị như đang được hồi sinh : Hoa Kỳ đề ra mục tiêu trở lại cung Trăng trong 5 năm sắp tới. Nga và Trung Quốc cũng đang có những kế hoạch tương tự.

Mỹ đề ra mục tiêu trở lại Cung Trăng 2024 và Artemis sẽ thay thế Apollo.

Mục tiêu của Hoa Kỳ giờ đây là đưa một cặp nam và nữ lên Mặt Trăng năm 2024. Năm năm là thời gian quá ngắn ngủi, khiến giới chuyên gia lo ngại. Nhưng cơ quan NASA trấn an rằng phi thuyền SLS đang được phát triển, cáp-sul Orion gần như đã sẵn sàng. Công việc duy nhất còn lại là thiết kế bộ phận cho phép đáp xuống Mặt Trăng. Do thời gian có hạn, trung tâm không gian Hoa Kỳ mời các công ty tư nhân cùng hợp tác.

NASA thực sự chỉ lo ngại có một điều : tàichính. Cựu tổng thống George W. Bush đã đề cập đến mục đích trở lại Mặt Trăng, nhưng rồi người kế nhiệm ông là Barack Obama lại dành ưu tiên cho chương trình thám hiểm sao Hỏa. Sao Hỏa quá xa vời trong mắt tổng thống Trump, ông chọn quay trở lại cung Trăng.

Cơ quan NASA muốn bằng mọi giá tránh được kịch bản các đời tổng thống Hoa Kỳ thay đổi ý kiến liên tục, do vậy mục tiêu của NASA là đầu tư tối đa vào dự án trở lại Mặt Trăng 2024 để Nhà Trắng, bất luận là thuộc về ai, cũng không thể đổi ý được nữa.

Có khả năng Mỹ cộng tác với Nga và Trung Quốc hay không ?

Nếu như tất cả các bên đều thực hiện đúng hạn kỳ các mục tiêu đã công bố thì đến năm 2030 Mỹ, Trung Quốc và Nga cùng hiện diện trên Mặt Trăng. Với chương trình trở lại cung Trăng năm 2024, NASA đang đi trước các đối thủ Nga và Trung Quốc một bước. Tuy nhiên, đừng quên là Matxcơva và Bắc Kinh cũng có những chương trình tham vọng không kém.

Trung Quốc dư thừa khả năng tài chính. Cơ quan không gian của Trung Quốc muốn đặt hẳn một căn cứ nghiên cứu khoa học ở nam cực của cung Trăng. Trước mắt, mục tiêu đó còn xa vời. Dù vậy tới nay, Trung Quốc luôn thành công trong những mục tiêu đã đề ra.

Phía Nga sau thất bại hồi năm 1969 giờ đây hướng tới ngưỡng 2030. Mục tiêu và lộ trình của Nga tương tự như của Trung Quốc. Có điều Nga còn có rất nhiều việc phải làm : Phi thuyền bay lên cung trăng mới chỉ có trên giấy tờ, bộ phận để đáp xuống mặt Trăng cũng vậy.

Cuối cùng, với những căng thẳng hiện nay giữa Washington với Bắc Kinh, giữa tổng thống Trump và tổng thống Putin, khó có thể nghĩ rằng ba quốc gia này hợp tác với nhau để cùng lên cung Trăng, nhưng cũng không loại trừ khả năng, Mỹ Nga và Trung Quốc sẽ hợp lực, như kịch bản từng diễn ra giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong chương trình Apolo Soyouz trong bối cảnh Chiến Tranh Lạnh. Khi đó, cầm chắc là con đường chinh phục Mặt Trăng sẽ được thu ngắn đáng kể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.