Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tiết lộ mới về Donald Trump: Cựu TT Mỹ từng gợi ý bắn gãy chân người biểu tình

Đăng ngày:

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng gợi ý xả súng vào người biểu tình, bắn tên lửa sang Mêhicô. Trùm ma tuý khét tiếng nhất Colombia bị dẫn độ sang Mỹ. Phần mềm gián điệp khiến nội bộ Tây Ban Nha căng thẳng. Iran, giá nhu yếu phẩm tăng vọt, có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị xã hội. Đó là những chủ đề chính của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này.  

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Orlando, Florida, 28/02/2022.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Orlando, Florida, 28/02/2022. AP - John Raoux
Quảng cáo

Sau cuốn sách của nhà báo Mỹ Michael Bender, xuất bản năm 2021, tố cáo những lời lẽ thô bạo của Donald Trump yêu cầu quân đội can thiệp, giải tán những người biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc sau cái chết của Georges Floyd, cuốn sách của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper tựa đề "A Sacred Oath: Memoirs of a Secretary of Defense in Extraordinary Times"(Lời thề thiêng liêng: Hồi ức của một bộ trưởng Quốc Phòng trong những thời điểm đặc biệt), ra mắt vào ngày 10/05/2022, một lần nữa khuấy đảo công luận Hoa Kỳ và quốc tế.

Hôm 02/05 vừa qua, hãng tin trực tuyến Axios lần đầu đăng tải những trích đoạn phát ngôn gây sốc của ông Trump trong cuốn sách. Thông tín viên RFI từ Washington, Guillaume Naudin ngày 02/05/2022, cho biết thêm : 

"Chẳng lẽ chúng ta không bắn vào họ được ? Bắn vào chân hay chỗ nào đó khác ?" Đó là những gợi ý của Donald Trump khi những người biểu tình tập trung trước nhà Trắng vào tháng 6/2020. Giống như nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ, người dân phẫn nộ đi biểu tình sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd ở Minneapolis, bị ngạt thở do một cảnh sát dùng đầu gối đè lên đầu trong vòng 8 phút, viên cảnh sát liên quan hiện đã bị kết án.

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper (giữ chức vụ này từ 7/2019 đến 11/2020) đã trích lại những câu nói này trong cuốn sách " Lời Thề Thiêng Liêng " mà nhờ vào đó, hãng tin trực tuyến Axios đã khai thác được nhiều thông tin.  

Cuốn sách miêu tả một vị tổng thống đỏ mặt vì tức giận, ngồi trên bàn và phàn nàn về những người biểu tình với một giọng điệu gắt gỏng. Donald Trump rất tức giận vì ông Mark Esper đã từ chối huy động quân đội, và chỉ vài tháng sau đó, ông Esper đã bị cách chức. Theo cựu lãnh đạo bộ Quốc Phòng, cách chức là một quyết định dễ dàng, điều khó khăn ở đây là làm sao để khiến tổng thống chùn bước mà không tạo ra cảnh bạo loạn, cảnh mà ông Esper cố gắng tránh.

Ông Mark Esper cũng không phải là người đầu tiên đề cập đến tình tiết này. Trong một cuốn sách khác, xuất bản năm 2021, nhà báo Michael Bender cũng đã đề cập đến vụ đó. Ông Bender kể chuyện Donald Trump yêu cầu « đập vỡ sọ » của những người biểu tình. 

Còn trước công chúng, tổng thống đã viết trên Twitter, trang mạng xã hội yêu thích của mình : " Khi những vụ cướp bóc bắt đầu thì cũng là lúc súng nổ."

New York Times cho biết, cuốn sách cũng nêu ra đề nghị của ông Trump về khả năng sử dụng tên lửa tấn công các cơ sở sản xuất ma tuý ở Mehicô vì ông cho rằng Mỹ có thể giả vờ như không liên quan đến vụ tấn công.  

Xu hướng bạo lực của Donald Trump

Theo tạp chí Vanity Fair, những đoạn trích về tư tưởng “bạo lực” của Trump không phải không có căn cứ. Trong nhiệm kỳ từ 2016 – 2020, Donald Trump thường đề xuất sử dụng bạo lực để chống lại những người có quan điểm khác biệt. Vào tháng 2/2016, sau khi đuổi một người biểu tình khỏi một trong những buổi tập hợp của ủng hộ viên khi ông tranh chức tổng thống, ông Trump đã kích động bạo lực bằng câu nói : "Tôi muốn đấm vào mặt ông ta".

Cho đến khi lên làm tổng thống, Trump đã yêu cầu cảnh sát ghì đầu nghi phạm vào thành xe ô tô để tránh bị cáo buộc lạm dụng vũ lực. Một lần khác, Trump đã khen ngợi một nghị sỹ đã hành hung một phóng viên có những câu hỏi táo tợn về vấn đề chăm sóc sức khoẻ. Và vào tháng 1/2021, cựu tổng thống Mỹ đã kích động những người ủng hộ ông tấn công điện Capitol và tuyên bố rằng đó là hành động chính đáng. 

Phần mềm gián điệp Pegasus khiến nội bộ chính giới Tây Ban Nha lục đục  

Nhìn sang châu Âu, bê bối phần mềm gián điệp Pegasus, do một công ty Israel phát triển, một lần nữa khiến công luận Tây Ban Nha xôn xao, sau khi có thông tin cho rằng 56 lãnh đạo phe ly khai của vùng Catalunya bị theo dõi bằng phần mềm này. Vụ việc gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa Madrid và Barcelona. Về phần mình, chính quyền Madrid, ngay sau đó cho biết, điện thoại di động của thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và bộ trưởng Quốc Phòng Margarita Robles cũng bị phần mềm này theo dõi.  

Chính giới và công luận Tây Ban Nha, không tin rằng Maroc đứng sau vụ việc, mà chính là chính quyền Sanchez. Hôm 05/05, 10 nghị sỹ của một uỷ ban Quốc Hội, kiểm soát các quỹ đặc biệt của Cơ Quan Tình Báo qQuốc Gia Tây Ban Nha (CNI) đã nghe giải trình của Paz Esteban, người đứng đầu cơ quan này, về bê bối phần mềm gián điệp Pegasus, và dường như thủ tướng Sanchez đã sai lầm khi tự cho mình là nạn nhân. Thông tín viên RFI François Musseau, tường trình từ Madrid ngày 05/05/2022 :   

"Vụ bê bối Pegasus ngày càng trở nên rối rắm hơn bao giờ hết. Cuộc khủng khoảng chính trị ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước tiên, chính phủ của thủ tướng Sanchez bị cáo buộc sử dụng phần mềm theo dõi các lãnh đạo của phe ly khai Catalunya. Kể từ nay, mọi người chỉ trích ông ta không có khả năng bảo đảm an ninh quốc gia. Các cơ quan tình báo là đối tượng bị chỉ trích đầu tiên. Một người dân Tây Ban Nha, Juanma Varela, thợ làm bánh, cảm thấy mơ hồ.    

"Thật là hỗn loạn. Ai làm gián điệp cho ai ? Chính phủ làm gián điệp cho lãnh đạo ly khai ư ? Hay phe ly khai làm gián điệp cho chính phủ ? Cuối cùng thì mọi chuyện vẫn luôn giống nhau. Tất cả họ đều có phần mềm và ai cũng muốn có lợi. Vậy ai là người gánh chịu hậu quả? Như mọi khi, đó là người dân. Bởi vì những người bị theo dõi nhiều nhất là chính chúng tôi."  

Người dân Tây Ban Nha không biết nên nghĩ như thế nào về vụ Pegasus. Ai chính là kẻ chủ mưu của vụ bê bối gián điệp này ? Chính phủ ? Hay Maroc? Hay một nước khác ? Nhà tin học Gabriel Sanchez phân tích tình hình này như sau: .  

"Đây là một vấn đề khủng hoảng niềm tin giữa các cấp chính quyền. Bởi vì nếu thực sự họ không gặp những vấn để tổ chức nội bộ để biết ai theo dõi ai, thì sẽ không cần phải mở một ủy ban điều tra để làm sáng tỏ trách nhiệm của mỗi người." 

Tổng thống Pedro Sanchez phải chịu áp lực ngày càng lớn. Ông đã thành công tránh được ủy ban điều tra, nhưng sẽ khó mà tránh được việc phải giải trình trước nghị viện."  

Iran tăng giá ngũ cốc, người dân điêu đứng 

Tại Trung Đông, chính phủ Iran vừa đưa ra quyết định tăng 100% giá mì sợi và tăng gấp 13 lần giá bột mì đối với các nhà sản xuất bánh mì công nghiệp. Bánh mì là một loại thực phẩm chủ yếu trên bàn ăn của người dân Iran. Quyết định tăng giá gây sốc làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn an ninh lương thực, chính trị cũng như xã hội, ở đất nước Hồi Giáo hùng mạnh về quân sự nhưng phụ thuộc vào nguồn lương thực từ bên ngoài. 

Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran ngày 05/05/2022: 

"Quyết định này được công bố đột ngột. Bộ trưởng bộ Nông Nghiệp Javad Sadatinejad giải thích trên TV tình hình chiến tranh Ukraina đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và trong khu vực ra sao. Ông Sadatinejad cho biết, những khoản gia tăng này nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu ra nước ngoài, nơi mà bột mì giá cao gấp 13 đến 14 lần. Quốc gia láng giềng với Iran bị thâm hụt 3 triệu tấn lúa mì và phụ thuộc vào lượng bột mì buôn lậu từ Iran để bù đắp lỗ hổng.  

Tuy nhiên, đối với nhiều người Iran, quyết định tăng giá này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế vốn đã khó khăn. Tỷ lệ lạm phát trên 40% khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Bà Reyhaneh làm nội trợ từ 40 năm qua, xác nhận :“Mọi thứ đều rất khó khăn. Giá cả leo thang từng ngày. Chúng tôi phải hạn chế mua các sản phẩm thiết yếu, thực phẩm hàng ngày. Những sản phẩm mà trước kia bất cứ ai cũng có thể mua được một cách dễ dàng thì nay trở thành đồ xa xỉ, vượt xa tầm với của thường dân." 

Giá gạo, giá thịt đã tăng thêm 100% trong năm qua. Chính phủ hứa sẽ trợ giá trực tiếp để bù đắp lại các khoản tăng giá, nhưng tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn, đó là điều mà một nghị sỹ Iran đã xác nhận trong một bài đăng trên Twitter."

Giống như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran chủ yếu nhập khẩu hầu hết các loại thực phẩm cơ bản từ Nga. Trong số 52 tỷ đô la chi cho nhập khẩu tất cả các loại hàng hoá vào năm 2021, Iran chi 19 tỷ đô la để mua 30 triệu tấn lúa mì, ngô, dầu ăn… Nguy cơ thiếu nguồn cung lương thực trở nên nghiêm trọng hơn, do cuộc chiến tại Ukraina, đã buộc Nga hạn chế xuất khẩu để đảm bảo tự cung tự cấp lương thực trong nước, tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó có Iran. 

Trùm ma tuý khét tiếng bị dẫn độ sang Mỹ 

Nhìn sang châu Mỹ, trùm ma tuý, thủ lĩnh của băng nhóm Clan del Golfo (tiếng Anh: The Gulf Clan) lớn nhất Colombia, Dairo Antonio Usuga, bí danh là Otoniel, đã bị dẫn độ sang Hoa Kỳ hôm thứ Tư, 04/05 và phải đối mặt với các các buộc từ 3 toà án ở Hoa Kỳ.  

Trước khi bị bắt vào tháng 10/2021, Otoniel là kẻ bị truy nã gắt gao nhất Colombia. Chính phủ nước này đã treo thưởng 800.000 đô la nếu ai đưa tin về nơi ở của ông ta, trong khi đó, Mỹ đã đặt tiền thưởng lên đến 5 triệu đô la nếu triệt hạ được trùm ma túy này. 

Từ lâu, Otoniel đã nằm trong danh sách bị truy tố của lực lượng chống ma tuý Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Otoniel bị truy tố tại một toà án liên bang Manhattan vào năm 2009 , với tội danh buôn ma tuý và hỗ trợ nhóm bán quân sự cực hữu, mà chính phủ Hoa Kỳ xếp là một tổ chức khủng bố. Sau đó là tại toà án ở Brooklyn và ở Miami, nơi ông bị truy tố vì nhập khẩu 73 tấn thuốc phiện vào Mỹ từ một số quốc gia ở Nam và Trung Mỹ từ năm 2003 đến năm 2014.  

Nhà chức trách Colombia cho biết Otoniel đứng đầu đường dây buôn bán ma tuý Clan del Golfo, từ 180 đến 200 tấn cocain mỗi năm và đã giết hại hàng trăm thành viên của lực lượng an ninh Nam Mỹ. Băng đảng gồm khoảng 1800 thành viên, có vũ trang, hoạt động ở khắp nơi tại Colombia và có nhiều liên kết với quốc tế, không chỉ buôn ma tuý, buôn người, mà còn khai thác vàng trái phép và tống tiền.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.