Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Beyonce - Phục hưng dòng nhạc dance/house thập niên 1980

Đăng ngày:

Mùa hè ở  châu Âu thêm phần rực lửa nhờ album Renaissance của nữ ca sỹ Beyonce ra mắt cuối tháng 07/2022. Đây là album được chờ đón nhất của diva dòng nhạc R&B sau 6 năm vắng bóng. Nữ ca sỹ 41 tuổi muốn phục hưng dòng nhạc house/dance cũng như không khí tiệc tùng trước đại dịch.

Nữ ca sĩ người Mỹ Beyonce tại lễ trao giải Grammy lần thứ 63, Los Angeles, Mỹ, ngày 14/03/2021.
Nữ ca sĩ người Mỹ Beyonce tại lễ trao giải Grammy lần thứ 63, Los Angeles, Mỹ, ngày 14/03/2021. © AP - Chris Pizzello
Quảng cáo

Beyonce - Biểu tượng nữ quyền trong âm nhạc

Kể từ năm 2003, Beyonce trở thành biểu tượng âm nhạc sau khi tách khỏi nhóm Destiny Child để hoạt động solo. Không quá lời, diva 41 tuổi thường được coi là thế hệ kế cận của nữ hoàng nhạc soul - Aretha Franklin. Hiếm có nữ nghệ sỹ Mỹ gốc Phi có thành tích âm nhạc nổi trội như Beyonce. Cô là nữ nghệ sỹ solo tiêu thụ hơn 120 triệu đĩa hát khắp toàn cầu. Đồng thời, nữ ca sỹ sinh năm 1981 nắm giữ kỷ lục có 6 album phòng thu xếp hạng 1 bảng xếp hạng Billboard 200. Beyonce khá chung thủy với thể loại R&B, hip hop, soul, pop với vũ đạo nóng bỏng.

Album Renaissancenăm 2022 lấp đi khoảng trống âm nhạc kể từ album phòng thu gần nhất Lemonade (2016). Với album mới nhất, nữ ca sỹ thêm thể loại dance/house vào bảng màu âm nhạc cô theo đuổi. Thể loại âm nhạc này “đo ni đóng giày” với nhóm nghệ sỹ da màu Mỹ gốc Phi đồng tính thập niên 1970, 80 và 90. Chia sẻ về album mới, Beyonce cho biết đây là một trong ba album phòng thu đánh dấu sự hồi sinh sau đại dịch Covid-19 : “Tôi sáng tạo album nhạc này như một chốn mộng mơ và trốn thoát khỏi thời gian đáng sợ nhất trên trái đất này”.

Cô dành tặng album này cho “mẹ già” Uncle Johnny, nghệ sỹ qua đời vì biến chứng căn bệnh thế kỷ. Ông là nghệ sỹ đồng tính nuôi dưỡng cô khi còn nhỏ. Trong tâm thư gửi người hâm mộ, diva da màu chia sẻ muốn dành tặng album nhạc tới những “thiên thần sa ngã” của văn hóa hộp đêm.

Thế giới hộp đêm của Beyonce

Nữ ca sỹ muốn khán giả trải nghiệm cảm giác phiêu bồng trong các hộp đêm, không khí tiệc tùng. Disco, nhạc house, không khí hộp đêm sẽ dẫn dắt khán giả trốn thoát khỏi thực tại khắc nghiệt như trước khi đại dịch xảy ra. Đĩa đơn Break my soul (Phá vỡ tâm hồn) trích trong album được giới thiệu trong tháng 6. Bản nhạc house có tiết tấu mạnh mẽ tạo nên làn sóng trái chiều. Ca khúc mô tả cuộc sống như ngục tù trong công việc nhàm chán từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Thông điệp “Hãy thôi việc!” của Break my soul trùng hợp với làn sóng nghỉ việc bùng nổ trên khắp nước Mỹ. Một mặt, khán giả hào hứng với sự mê hoặc của Break my soul. Ca khúc đánh trúng tâm trạng bất ổn với cuộc sống khó khăn thích nghi với đại dịch. Mặt khác, khán giả gắn bó với công việc hoài nghi về thông điệp của Beyonce.

Thành công lớn nhất của nữ ca sỹ là khiến cho giới truyền thông tốn giấy mực về món ăn tinh thần. Cô nói : “Ý định của tôi là tạo ra một nơi chốn an toàn, một thế giới không có phán xét. Một nơi không có gì hoàn mỹ và suy nghĩ quá thận trọng. Đó là nơi có thể hò hét, giải phóng bản thân, tự do. Đó là hành trình khám phá tuyệt vời nhất”. Mười sáu ca khúc đưa khán giả đột nhập vào thế giới hộp đêm, thoát y vũ, vũ trường và cả những tầng hầm. Đó là thế giới ngầm của nhạc house của những nghệ sỹ da màu đồng tính mà khán giả sẽ trải nghiệm trong Pure/Honey.

Album này đánh dấu sự hợp tác của Beyonce với rất nhiều nghệ sỹ khác. Trong album, cô quy tụ rất nhiều nhà sản xuất, nghệ sỹ tên tuổi của dòng nhạc dance như Honey Dijon. Beyonce còn là đồng tác giả ca khúc Heated (Hâm nóng) với rapper Drake. Trong Alien Superstar (Siêu sao ngoài hành tinh), danh sách tác giả lên tới 24 người trong đó có Beyonce và Jay Z. Các ca khúc đáng nhớ như Cuff it (nhạc disco), Break my soul (house) và Move (Jamaica dance). Album cũng trích dẫn nhiều ca khúc nổi tiếng khác để tạo sự đa dạng, độ cuốn hút. Bất ngờ nhất là, bản nhạc Summer Renaissance dựa trên nền bản nhạc dance đình đám của Donna Summer, I feel love (Em cảm nhận tình yêu).

Giọng hát và phong cách biểu diễn nam châm

Tờ Financial Times đã có nhận định khá trung lập về album. Nếu cả album là thánh đường cho các hộp đêm thì chất giọng Beyonce là chất liệu trang trí lộng lẫy nhất. Chất giọng diva như thỏi nam châm mặc dù quãng giọng không quá thừa thãi. Các bài hát có sự hài hòa giữa giọng nữ chính và giọng bè. Thế mạnh về R&B của nữ ca sỹ tạo được cảm xúc rõ rệt cho từng bài hát.

Album đem tới sự hài lòng cho khán giả nhờ đầu óc thông minh và sáng tạo của Beyonce và ê-kip sản xuất. Sản phẩm âm nhạc lội ngược dòng lịch sử 40 năm về trước. Hai ca khúc như Plastic off the sofa hay Virgo Groove tái hiện giọng ca R&B ngọt ngào và nồng nàn cảm xúc. Cô cuốn hút khán giả bằng giọng hát và lối trình diễn nam châm, hơn hẳn trang phục thiếu vải bốc lửa. Tờ New York Times dành cho Beyonce lời khen có cánh về cú rẽ ngoạn mục này. Album này dành cho nhạc dance/house như ngôi nhà đích thực, một pha cứu sinh trên một nền tảng cũ.

Âm nhạc - thông điệp chính trị - xã hội

Một ca khúc đáng nhớ trong album là America Got a problem (Nước Mỹ có vấn đề). Nguyên bản ca khúc này của rapper người Atlanta, Kilo Ali năm 1990 có tựa đề Cocaine (America Got A Problem). Khi chuyển qua tay Beyonce, sản phẩm âm nhạc trở thành một thông điệp ẩn ý rằng một bà hoàng da màu như Beyonce có thể trở thành mối nguy hiểm với bất cứ quốc gia nào. Ca từ bài hát xoáy sâu vào sự phân biệt chủng tộc với người da màu tại Mỹ.

Tuy mới ra mắt nhưng album nhạc gặp khá nhiều rắc rối về vấn đề bản quyền và ca từ gây tranh cãi. Nữ ca sỹ Kelis lên tiếng khi Beyonce sử dụng một phần ca khúc Milkshake (2003) trong ca khúc Energy của album. Ngoài ra, Beyonce buộc phải thay đổi ca từ trong ca khúc Heated (Hâm nóng) trước những cáo buộc phân biệt đối xử với người khuyết tật. Sự kiện này tương tự như trường hợp các nghệ sỹ như Lizzo, Taylor Swift, Black Eye Peas, Micheal Jackson từng trải qua để tôn trọng khán giả.  

Xét tổng quan, album Renaissance đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Beyonce. Ở tuổi 41, cô không ngại những thách thức trước vấn đề xã hội phức tạp của nước Mỹ. Giới phê bình và khán giả dành lời khen cho Renaissance nhờ sự đổi mới. Âm thanh thể nghiệm của dance, house, disco nhằm lăng xê sự tự do luyến ái, đề cao cái tôi bản thân.

(Theo New York Times, Variety, Entertainment Weekly, Financial Times)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.