Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Pháp : Hòa nhạc tưởng niệm 10 năm ngày tác giả Georges Moustaki qua đời

Đăng ngày:

Tháng 5 năm 2023 đánh dấu đúng 10 năm ngày giỗ của ca sĩ kiêm tác giả Georges Moustaki. Nhân dịp này, một buổi hòa nhạc lớn nhằm tưởng niệm nam danh ca người Pháp được tổ chức tại nhà hát Olympia ở Paris. Theo nguyện vọng từ phía gia đình, buổi trình diễn sẽ diễn ra vào ngày sinh của tác giả (03/05) chứ không phải vào ngày ông mất (23/05).

Georges Moustaki nhân một buổi trình diễn tại Barcelona năm 2005
Georges Moustaki nhân một buổi trình diễn tại Barcelona năm 2005 REUTERS / Gustau Nacarino
Quảng cáo

Theo đề xướng của con gái của tác giả là Pia Moustaki, ban nhạc trước đây của ông gồm 7 thành viên, nay tái hợp để trình bày lại các giai điệu nổi tiếng của ông với nhiều nghệ sĩ khách mời. Đa phần các thành viên trong nhóm đều chơi nhạc cụ acoustic gồm piano, ghi ta, sáo, kèn gỗ hay bộ gõ với sự hợp tác của tay đàn phong cầm bậc thầy Richard Galliano.

Khoảng 20 nghệ sĩ tên tuổi đều đã nhận lời tham gia chương trình do Pia Moustaki tổ chức để tưởng niệm thân phụ, trong đó có Anne Sila, Enzo Enzo, Élodie Frégé, Kent, Cali, Angélique Kidjo, Celia Reggiani (con gái của nam danh ca Serge Reggiani). Phía gia đình ca sĩ Renaud có Romane Serda và Gauvain Sers, về phíaa các nghệ sĩ đến từ nước ngoài có Maria Teresa Ferreira hay Rosemary Standley.

Thành danh nhờ sáng tác bài hát cho Édith Piaf

Điểm chung giữ các nghệ sĩ này là họ đã từng hát chung với Georges Moustaki hay từng ghi âm các nhạc phẩm của ông. Trong số các album tưởng niệm được phát hành gần đây có tuyển tập của nam ca sĩ Cyril Mokaiesh (Et pourtant le monde). Giọng ca Anne Sila, người từng đoạt giải nhất cuộc thi The Voice, phiên bản All Stars cũng đã ghi âm lại nhạc phẩm nổi tiếng của ông ''Le temps de vivre'' (Thời gian tận hưởng cuộc sống). Còn nam danh ca Renaud đã chọn nhạc phẩm ''Le Métèque'' (tạm dịch : Lãng tử da màu) làm tựa đề cho album phòng thu thứ 18, phát hành vào mùa xuân năm 2022.

Về phần mình, Pia Moustaki, ngoài việc triệu tập giới nghệ sĩ cho buổi biểu diễn 03/05/2023, còn cho tái bản quyển tự truyện ''Fille de Métèque'' được nhà xuất bản Plon phát hành cách đây hai năm. Trong quyển sách này, cô hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm với song thân, thời còn nhỏ cô ít được gần gũi với gia đình do học nội trú, nhưng đến khi trưởng thành, Pia thường đi theo thân phụ trong các chuyến lưu diễn và học hỏi được nhiều điều thú vị khi khám phá những nền văn hóa khác nhau. Quyển tự truyện của Pia Moustaki cũng khắc họa tâm hồn nghệ sĩ cũng như tư tưởng phóng khoáng của người cha.

Georges Moustaki sinh trưởng tại Alexandria, Ai Cập trong một gia đình người Hy Lạp gốc Do Thái, có lẽ cũng vì thế từ khi còn nhỏ, ông đã thấm nhuần nhiều luồng ảnh hưởng văn hóa khác nhau kể cả Hy Lạp, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Pháp. Năm 1951, ông lúc đó mới 17 tuổi, đã đến Paris lập nghiệp. Ban ngày ông đi làm để kiếm sống, ban đêm ông làm thêm trong các quán nhạc, tuy thù lao chẳng có bao nhiêu nhưng nhờ vậy ông có cơ hội trao dồi sáng tác. Trong 10 năm đầu hoạt động trong nghề, ông chủ yếu sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác. Trên album ghi lại giai đoạn 1955-1961, trích từ bộ toàn tập Georges Moustaki, đã có hàng chục nghệ sĩ hát nhạc của ông, kể cả Dalida, Hélène Martin, Hugues Aufray hay Henri Salvador... Mãi đến nhiều năm sau, Georges Moustaki mới được công nhận là một tác giả quan trọng vào năm 1958, khi ông gặp thần tượng Édith Piaf và sáng tác cho bà một trong những nhạc phẩm nổi tiếng là bài ''Milord''.

Từ tác giả trở thành ca sĩ ''bất đắc dĩ''

Theo lời kể của cô con gái, ngoài đời, Georges Moustaki còn là bạn thân của Barbara hay Reggiani. Chính cũng vì Serge Reggiani đã từ chối hát bài ''Le Métèque'' (1969) và khuyên ông nên trình bày sáng tác của chính mình, cho nên tác giả này mới bất đắc dĩ trở thành một ca sĩ. Hầu hết các hãng đĩa thời bấy giờ đều đã không chịu ký hợp đồng với Georges Moustaki, bởi vì họ chưa bao giờ nghĩ rằng giọng ca của ông có thể ăn khách. Theo Pia Moustaki, tất cả đều từ chối ngoại trừ công ty Polydor. Câu chuyện sau đó, giới yêu nhạc Pháp đều biết : ''Le Métèque'' (Lãng tử da màu) trở thành bản nhạc ăn khách nhất của Mousstaki.

Giai điệu đậm chất dân ca theo truyền thống Hy Lạp (cũng như bản ghi âm trước đó ''Les enfants de Pirée'' Ta pedia tou Pirea) gợi lên hình ảnh của một người nghệ sĩ đa tình mà phong trần, với cuộc sống lang thang, nay đây mai đó, ôm đàn mơ mộng đi tìm chất thơ bình dị, diễn đạt qua lời lẽ chân thành, bằng ca từ mộc mạc những khoảnh khắc thanh thản trầm lắng nhất trong cuộc sống. Giai điệu ''Le Métèque'' là một trong những bài hát ăn khách nhất của Georges Moustaki, để rồi đi vào lòng người mến mộ, trở thành di sản nhạc Pháp từ lúc nào không hay.

Sự nghiệp của Georges Moustaki trải dài trên hơn nửa thế kỷ. Sinh thời, ông đã ghi âm trên 20 album, sáng tác hàng trăm ca khúc và đã tặng cho làng nhạc Pháp nhiều bản tình ca tuyệt đẹp, nhiều giai điệu kinh điển như La Dame Brune (Phu nhân dáng huyền), Ma solitude (Nỗi cô đơn bản thân), Ma Liberté (Tự do của tôi)... Trong mắt của Pia Moustaki, bài hát ''Ma Liberté'' (Tự do của tôi) cũng như bài ''Le Temps de vivre'' (hiểu theo nghĩa Tận hưởng cuộc sống) là những giai điệu có ý nghĩa nhất của cha cô. Có lẽ cũng vì các bản nhạc thể hiện một cách gần sát, trung thực nhưng không kém phần hóm hỉnh tư tưởng của Georges Moustaki. Sinh thời tác giả này đã từng nói : Chúng ta có cả cuộc đời để vui chơi và ngàn thu (cái chết) để tha hồ nghỉ ngơi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.