Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Việt Nam: Ông Trọng trồng “cổ thụ”, dân chê chủ tịch Nước nói trước quên sau

Đăng ngày:

Lãnh đạo Việt Nam lần đầu tiên trồng cây « gần như cổ thụ » vào dịp Năm Mới, dân mạng chỉ trích; Bắc Kinh ép giáo viên Hồng Kông dạy luật An ninh Quốc gia ngay từ lớp một ; Ân Xá Quốc Tế tước quy chế « tù nhân lương tâm » đối với lãnh đạo đối lập Nga. Tỉ phú Bill Gates ra sách mới về khí hậu: ngăn dịch Covid, « chuyện đơn giản », hãm đà Trái đất hâm nóng mới là điều nan giải. Tạp chí Thế giới Đó Đây  xin giới thiệu.

Ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 01/02/2021.
Ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 01/02/2021. REUTERS - KHAM
Quảng cáo

Việc ông tổng bí thư, chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trồng cây gần như « cổ thụ », nhân dịp Tết cổ truyền hoàn toàn không phải là một hành xử mới ở giới cầm quyền Việt Nam. Chuyện các quan chức cao cấp Việt Nam trồng cây to có sẵn đã trở thành chuyện khá bình thường từ nhiều năm nay. Hành động này đã bị phê phán, chỉ trích ngay trên nhiều phương tiện truyền thông của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, điều đáng nói đây là lần đầu tiên đích thân ông Nguyễn Phú Trọng tham gia vào hoạt động này, trong lúc cũng chính ông, cách đây ba năm (hồi 2018), đã là người nửa chỉ trích, nửa chế giễu điều đã gần như trở thành « tập quán » đối với nhiều lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam. Chính ông Trọng đã từng nói: « Cứ cầm cái xẻng nghêu ngao… Gẩy gẩy mấy tí đất; chân thì đi giầy. Xong lại đưa cái khăn với chậu nước ... Nó phản cảm quá !... Cái đó là đã nói rồi, nhưng dưới địa phương nó không chịu chuyển… ».

Nhưng lần này báo chí chính thức đã lặng như tờ trước hành động « nói trước quên sau » của ngài tổng bí thư, chủ tịch Nước. Ngược lại, trên các phương tiện truyền thông ngoài Nhà nước, rộ lên nhiều chỉ trích. « Tết trồng cây … giả » hay « Khi ngài tổng bí thư… quên » là tựa của một số bài viết trên trang mạng truyền thông độc lập Việt Nam Thời Báo. Các bài viết nhắc lại truyền thống trồng cây con đầu Năm mới của cố lãnh đạo Hồ Chí Minh, để tố cáo tính chất hình thức, giả tạo của hành động trồng cây « gần như cổ thụ » của đương kim lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng. Trên Facebook, các dân mạng bình luận đầy chua chát : « Các vị lãnh đạo đã trồng cây kiểu này bao nhiêu năm nay các vị không thấy nhục sao ?» (Son Le),  « Trò hề… Chứ ai đời bứng cây to về trồng lại rồi xum xoe, tưới nước » (Ho Duc Tham).

Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) tìm cách lý giải hành động bất thường của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, bị phản đối dữ dội, trong một bộ phận công luận Việt Nam:

01:18

Nhà báo Võ Văn Tạo, Nha Trang

« Nếu nhìn chung, thì đây là bệnh phô trương, quan liệu, nhưng với trường hợp ông Trọng, tôi thấy là ông ấy đã biết phê phán, thì không phải là ông ấy không biết là sai trái, nên tránh. Nhưng việc hôm vừa rồi, mới đây, ông ấy đến Hoàng Thành Thăng Long và ông ấy lại lặp lại chuyện trồng ‘‘cổ thụ’’ như thế, thì tôi lại cho rằng không phải do ông ấy đã quên cái clip ông ấy đã từng phê phán đâu. Nhưng mà là do tính ông ấy cả nể. Khi người ta mời ra trồng cây, thấy cây to ông ấy cũng cứ ra làm. Ngôn ngữ mà các ông ấy hay dùng với nhau, trong trường hợp này, người ta gọi là ‘‘hữu khuynh’’, nhưng mà tôi dùng cái từ để cho dân gian, gọi là ‘‘cả nể’’. Bởi bây giờ, nếu làm căng, sẽ mất lòng cơ sở ở chỗ Hoàng Thành Thăng Long, thế nên tặc lưỡi làm cho xong chuyện đi. Đấy là quan điểm cá nhân của tôi. Có thể người khác, họ nghĩ khác (…) ».

Nguyễn Phú Trọng tưởng nhớ « các tiên đế »

Một số nhà quan sát cũng đặt câu chuyện trồng cây « gần như cổ thụ » của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong một bối cảnh rộng hơn. Ông Trọng đến khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, không phải chỉ để trồng cây đầu Năm Mới, mà đây chủ yếu là dịp lãnh đạo Việt Nam « dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, hiền tài, các anh hùng, liệt sĩ có công với đất nước », theo mô tả của hệ thống truyền thông Nhà nước.

Cụm từ khiến nhiều người bị sốc là « các bậc tiên đế ». Theo nghĩa thông thường, « tiên đế » - một từ ngữ cổ - thường được những người trong hoàng tộc dùng để kính cẩn nói về các vị vua đã qua đời của cùng một triều đại với mình. Việc một lãnh đạo nhà nước cộng sản coi các vua thời xưa là « tiên đế » đáng được coi là « một sự kiện chính trị ».

Nhà báo Trân Văn, trên một trang mạng tại Hoa Kỳ, nhận định : việc « tất cả (hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam) cùng hoan hỉ xem việc ông Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đế, trồng cây là… sự kiện chính trị quan trọng ». Theo nhà báo Trân Văn, « Chỉ có tự xem mình như… vua, tự tin vì được trọng kính như… vua, mới vừa lớn tiếng đề cao… đạo đức, buộc… nêu gương, tuyên bố tiến hành… tự chỉnh đốn, vừa chà đạp các qui định của Hiến pháp và pháp luật. Chẳng hạn, tuy thường xuyên tham dự các sự kiện qui tụ nhiều người song ông không mang khẩu trang, dù hành vi này vi phạm các qui định phòng dịch hiện hành » (trong bài Việt Nam lại có… vua như thời… Trung cổ?).

« Cả nể » hay đứng trên pháp luật ?

Lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng « cả nể » cấp dưới, không thực thi đúng nguyên tắc « tập trung dân chủ » của chế độ chính trị Việt Nam (khi trên bảo, nhưng dưới quyết không nghe), hay ngược lại, chính ông đã tự coi mình là người có quyền lực tuyệt đối như một ông vua thời xưa, bất chấp Hiến pháp, pháp luật ?

Hiện tại khó có câu trả lời duy nhất. Thế nhưng, nhiều người cũng lưu ý, hành xử nói trên của Nguyễn Phú Trọng không thể tách rời khỏi việc ông Trọng vừa « tái đắc cử lần thứ hai » chức vụ tổng bí thư ĐCS Việt Nam, mà không cần dựa vào việc sửa đổi Điều lệ Đảng, vốn chỉ cho phép tái ứng cử tối đa một lần. Người vừa có quyền lên án thực trạng « trên bảo, dưới không nghe » cũng là người sẵn sàng hành xử bất chấp quy tắc nội bộ của chính đảng Cộng Sản, chưa nói đến câu chuyện Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Đâu là thực, đâu là hư trong câu chuyện này ?

Bắc Kinh ép giáo viên Hồng Kông dạy luật An ninh cho trẻ lớp 1

Trẻ em ở Hồng Kông, ngay từ 6 tuổi, đã bắt đầu bị chính quyền Bắc Kinh nhồi vào đầu một số nội dung của bộ Luật mới về An ninh Quốc gia, vốn bị phản đối dữ dội tại đặc khu hành chính, theo một quy định mới đưa ra đầu tháng 2/2021. Lẽ dĩ nhiên là việc giảng dạy được tiến hành thông qua các biện pháp vừa học, vừa chơi. Một bộ phận giáo viên Hồng Kông phản đối quyết định này. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

 « Giai điệu cuốn hút màu sắc tươi mát, một bầu trời xanh ngắt, một chú cú mèo, trong vai thầy giáo, với giọng nói trầm vang : Chương trình hoạt hình nói trên, mang tên ‘‘học để hiểu về vấn đề an ninh quốc gia’’, đi kèm với 3 giờ học, bổ sung vào 15 giờ đã có dành cho môn học về Hiến pháp, tại các trường học Hồng Kông.

Việc giảng dạy này là bắt buộc, theo điều 10, trong luật về An ninh Quốc gia, được Quốc Hội Trung Quốc thông qua ngày 30/06, năm ngoái. Người bình luận trong clip nói trên cho biết rõ, một luật tương tự có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia khác nhau. Nước Pháp được trích dẫn đầu tiên, bên cạnh đó là Úc, Anh, Hoa Kỳ và Canada.

Các giờ học bổ sung này có mục tiêu ‘‘giúp cho các học sinh trở thành những sinh viên giỏi’’, theo tiêu chuẩn của chế độ cộng sản Trung Quốc. Việc giảng dạy được tiến hành ngay từ lớp tuổi nhỏ nhất, và các phương tiện sư phạm đi kèm với ‘’chương trình giáo dục yêu nước’’, mà chính quyền thúc đẩy. 

Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên Hồng Kông không hưởng ứng việc này. Theo một phó chủ tịch Nghiệp đoàn giáo viên Hồng Kông, được báo Anh The Guardian dẫn lại, các chính sách mới này sẽ dẫn đến nhiều lo sợ hơn, và nhiều hành động tự kiểm duyệt hơn ». 

Ân Xá Quốc Tế tước quy chế « tù nhân lương tâm » với lãnh đạo đối lập Nga

Lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny vừa bị một tòa án Nga y án tù giam 2 năm rưỡi. Cùng lúc đó, ông Navalny bị hiệp hội bảo vệ nhân quyền Amnesty International tước quy chế « tù nhân lương tâm », do các phát biểu bị cáo buộc là « kích động hận thù », và « bài ngoại », cách nay gần 20 năm.  Tuy nhiên, Ấn Xá Quốc Tế khẳng định vẫn tiếp tục tranh đấu để chính quyền Nga phải trả tự do cho nhà đối lập. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

« Ngày 17 tháng Giêng vừa qua, sau khi ông Navalny bị bắt ngay khi ông trở về từ Đức, là lúc mà tổ chức Ân Xá Quốc Tế quyết định coi Alexei Navalny là tù nhân lương tâm. Tổ chức phi chính phủ cho rằng nhà đối lập Nga là nạn nhân của một ‘‘chiến dịch tàn nhẫn’’, do chính quyền Nga chủ trương, và ông Navalny đã bị bắt ‘‘do lập trường tranh đấu chính trị ôn hòa, và bởi vì ông đã thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình’’.

Tuy nhiên, năm tuần sau, Amnesty International đã đảo ngược lại quyết định này, với lý do Navalny đã có các tuyên bố dân tộc chủ nghĩa và kỳ thị chủng tộc, trong những năm 2000. Trả lời AFP, Ân Xá Quốc Tế giải thích là các nhận định này của ông Navalny liên quan đến « việc kêu gọi hận thù, và điều này đi ngược lại định nghĩa của chúng tôi về tù nhân lương tâm ». Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International cũng tỏ ý tiếc là nhà đối lập đã không công khai bác bỏ các tuyên bố trước đây của ông. Tuy nhiên, Ân Xá Quốc Tế cũng khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi chính quyền Nga trả tự do cho Navalny.

Quyết định không gọi ông Navalny là tù nhân lương tâm của Ấn Xá Quốc Tế khiến những người ủng hộ nhà đối lập tức giận. Ân Xá Quốc Tế bị cáo buộc đã lùi bước trước một chiến dịch bôi nhọ, nhằm làm mất uy tín nhà đối lập.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Ân Xá Quốc Tế đưa ra một quyết định như vậy. Thêm vào đó, một so sánh cũng có thể làm vui lòng Alexei Navalny. Đó là, vào đầu những năm 60, chính tổ chức bảo vệ nhân quyền này đã tước bỏ quy chế của một tù nhân lương tâm đối với Nelson Mandela, với lý do tổng thống Nam Phi tương lai đã có phát biểu ủng hộ con đường bạo lực chính trị, để lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ».

Bill Gates: Covid là « chuyện vặt », khủng hoảng khí hậu mới khó

Khủng hoảng đại dịch Covid dường như làm chìm đi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều: Biến đổi khí hậu. Tỉ phủ Bill Gates có cuốn sách vừa ra mắt về chủ đề này: « Khí hậu: cách tránh thảm họa. Các giải pháp hiện tại. Những cách tân cần thiết ».

Nhân dịp cuốn sách mới về khí hậu ra mắt, tỉ phú Bill Gates có cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Anh. Bill Gates nhận xét : so với việc hãm đà Trái đất bị hâm nóng mới, vô cùng nan giải, thì việc ngăn chặn đại dịch Covid chỉ là chuyện vặt.

Đối với tỉ phú Bill Gates, dự án thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, tiêu thụ mang tính toàn cầu hiện nay – một biến đổi mà nhân loại chưa từng thực hiện, và sẽ phải hoàn tất trong 30 năm tới – là một dự án chỉ có thể thành công nếu có sự đi đầu của chính phủ các nước. Tỉ phú Bill Gates tin rằng nhiệm vụ của nhà nước sẽ là tạo điều kiện và thực thi những chuyển đổi này, phát minh ra những thứ chưa tồn tại, cho phép tạo ra các đột phá trong hàng loạt lĩnh vực. Theo nhà xuất bản Pháp Flammarion, trong cuốn sách này, nhà tỉ phú nổi tiếng về các hoạt động thiện nguyện, đã đề ra một kế hoạch rộng lớn, « vừa thực tế, vừa dễ tiếp cận » để đạt được sự trung hòa về khí thải đúng hạn, giúp cho nhân loại tránh được thảm họa khí hậu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.