Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Nga tuyên bố sẵn sàng "giúp châu Phi" giải quyết nạn đói

Đăng ngày:

Nga đề xuất đứng ra giải quyết nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, xuất hàng nông phẩm của Ukraina. Trung - Mỹ tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bạo loạn ở sân vận động Pháp (Stade de France) và nghi vấn về khả năng tiếp đón các sự kiện thể thao của Paris. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế giới Đó đây tuần này. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Senegal Macky Sall tại điện Sochi, Nga 03/06/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Senegal Macky Sall tại điện Sochi, Nga 03/06/2022. AP - Mikhail Klimentyev
Quảng cáo

Nếu nói tiếng bom đạn súng nổ ở Ukraina khiến người dân ở tận châu Phi hay châu Á có thể nghe thấy, có vẻ như không phải nói quá, như nhận định của Les Echos. Cả Nga và Ukraina đều là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn. Cảng Odessa miền nam Ukraina bị quân đội Nga phong toả khiến gần như toàn bộ hàng nông phẩm xuất khẩu chủ đạo của Ukraina không xuất đi được. Các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây, do Matxcơva xâm lăng Ukraina, khiến các doanh nhân Nga khó khăn xuất hàng.   

Các nước châu Phi cận Sahara và Indonesia phụ thuộc nặng nề vào ngũ cốc của Nga và Ukraina, chiếm khoảng 30 % kim ngạch nhập khẩu. Con số này lên đến 50 % đối với Bangladesh và 85 % đối với Hy Lạp, Liban và Pakistan.   

Nhiều nước rơi vào cảnh thiếu lúa mì, ngô, dầu hướng dương, hay thậm chí là phải đối mặt với nạn đói. Trong vòng 3 tháng ngắn ngủi, giá ngũ cốc đã tăng 30%. Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ nhiều lần cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhất là ở các nước châu Phi. Theo Liên Hiệp Quốc, 4,1 triệu người tại châu Phi, đang phải đối mặt với cảnh bất ổn ninh lương thực, tức là tương đương với 1/3 dân số của châu lục. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng gần đây do khô hạn ảnh hưởng đến mùa màng và lạm phát giá nhu yếu phẩm do khủng hoảng Ukraina. 

Trước tình cảnh này, trong tuần qua, Nga thông báo sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển khoảng 20 tấn ngũ cốc của Ukraina mắc kẹt tại cảng Odessa của Ukraina, đồng thời, đổ lỗi cho phương Tây áp đặt trừng phạt, gây ra khủng hoảng. Ngày 03/06, tổng thống Nga Putin tiếp đón chủ tịch của Liên Minh Châu Phi, tổng thống Senegal, Macky Sall. Đây được xem là một "sáng kiến" khác từ phía Nga, nhằm giảm thiểu hậu quả của chiến tranh tại Ukraina với châu lục này.   

Thông tín viên Anissa El Jabri từ Sochi, Nga cho biết thêm :  

“Cung điện Sochi nằm gần Biển Đen, vùng biển mà không còn thấy những con tàu của Ukraina chở lúa mì hay hạt hướng dương ra khơi nữa. Tại dinh thự mùa hè của mình, tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên tiếp những người đồng cấp của mình. Và lần này là tiếp tổng thống Senegal, Macky Sall. Chủ đề cuộc gặp là giải quyết vấn đề ưu tiên hiện nay: dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc ở Ukraina và cả phân bón của Nga.

Các nhà chức trách lặp đi lặp lại rằng Nga không chịu trách nhiệm về khó khăn liên quan đến nguồn cung, mà đổ trách nhiệm cho Kiev. Matxcơva khẳng định nếu như các chiến hạm của Nga ở ngoài khơi biển Ukraina, là vì Kiev cài bom ở các cảng.    

Trong mọi trường hợp, chuyến thăm này có thể đánh dấu một bước quan trọng trước thứ Tư tuần sau, khi ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Lavrov sẽ đề cập đến việc thiết lập các hành lang an toàn để vận chuyển ngũ cốc Ukriana. Vào thứ Hai tuần trước, Vladimir Putin đã tuyên bố sẵn sàng làm việc về chủ đề này với Ankara - một cường quốc khác trên bờ biển Đen. Putin hoàn toàn bỏ ngoài tai đề xuất của châu Âu về việc thiết lập hành lang an toàn dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.”   

Bánh mì có nguy cơ trở thành vật phẩm xa xỉ ở Tây Ban Nha   

Khủng hoảng lương thực do thiếu nguồn cung ứng từ Nga và Ukraina không chỉ tác động đến những nước châu Phi hay châu Á, mà ngay cả những nước phát triển ở Tây Âu như Tây Ban Nha, cũng gặp khó khăn. Tình trạng lạm phát, giá nông phẩm, đặc biệt là ngũ cốc tăng phi mã, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, và nhất là bột mì để sản xuất bánh mì. Tây Ban Nha là nước đứng đầu về nhập khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraina. Liệu bánh mì có nguy cơ trở thành một xa xỉ phẩm ở quốc gia này?

Thông tín viên Diane Cambon ghi nhận tình hình tại thị trấn Peladeda ở Tây Ban Nha.     

Từ hai năm qua, anh Javier, thợ làm bánh mì, thức dậy từ 4h30 sáng để chuẩn bị cho tiệm bánh mì duy nhất ở Peraleda de la Mata, một ngôi làng khoảng 2000 dân cư, cách thủ đô Madrid gần hai tiếng đi xe hơi. Sau khi trải qua đại dịch Covid-19 và các đợt phong toả, Javier giờ phải đối mặt với giá ngũ cốc tăng cao. Anh cho biết :    

“Giá cả, đặc biệt là giá bột mì bắt đầu tăng cao từ cuối năm 2021. Ban đầu, việc tăng giá như vậy khá là bình thường và có thể chấp nhận được cho loại nguyên liệu thô này, nhưng ngay khi chiến tranh Ukraina nổ ra, giá bột mì đã tăng vọt và vẫn tiếp tục tăng cao. Bột mì đã tăng 60-70%, dầu hướng dương tăng. Trước kia, một lít dầu có giá 1,40 euro, thì nay chúng tôi phải trả 3,20 euro. Thật điên rồ !”    

Tây Ban Nha là nước nhập khẩu hàng đầu về lúa mì ở châu Âu, đứng sau là Ý. Các nhà cung cấp chính không ai khác ngoài Nga và Ukraina. Tây Ban Nha phải trả giá đắt cho sự phụ thuộc vào mặt hàng này. Giống như tất cả các lĩnh vực thực phẩm, giá nguyên liệu thô tăng tác động đến giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng. Và lãi thu được chẳng đáng là bao.   

Tuy nhiên, đối với bà Vivi, cư dân của làng Peraleda, bà đành cam chịu chấp nhận giá bánh mì tăng. Bà cho biết: “Những ai thích ăn bánh mì sẽ vẫn tiếp tục mua. Mặt hàng nào cũng tăng giá, nên bánh mì tăng giá là chuyện thường. Các loại bánh mì khác, chất lượng không cao, cũng trở nên đắt đỏ hơn. Chắc chắn là điều này rất đáng lo ngại bởi với một số người, giá cả tăng như vậy sẽ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn”.   

Công đoàn chủ tiệm bánh mì đã yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm phát. Hiện nay, nước này chỉ đưa ra một biện pháp hỗ trợ duy nhất, đó là trợ giá điện. Giá điện tiêu dùng đã tăng gấp đôi từ những tháng gần đây, khiến nhiều thương nhân điêu đứng”.    

Cấm vận dầu khí Nga, Hungary bắt chẹt Liên Âu  

Trong tuần qua, một sự kiện đáng chú ý khác đó là việc các lãnh đạo của khối 27 nước, về mặt nguyên tắc, nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga, bao gồm việc cắt 90 % dầu nhập khẩu từ Nga vào Liên Âu từ nay đến cuối năm 2022, bất chấp bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Đây được xem là biện pháp cứng rắn nhất của Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi nổ ra chiến tranh, cách nay 3 tháng. Gói trừng phạt này được đưa ra từ đầu tháng Năm, nhưng gặp phải sự phản đối của Hungary, Slovakia và Cộng hoà Séc.

Để nhanh chóng thông qua quyết định trừng phạt Nga, ngày 02/06, Liên Âu đã đành phải đồng ý để cho 3 nước này được hưởng “ngoại lệ”, tiếp tục mua dầu của Nga, trong giai đoạn chưa có giải pháp thay thế. Le Monde cho rằng quyết định của khối 27 nước đầy mâu thuẫn. Một mặt, Liên Âu muốn thể hiện sự thống nhất của khối để đáp trả hành động xâm lược của Nga, mặt khác phải thừa nhận là Hungary, Slovakia và CH Séc không sẵn sàng từ bỏ dầu khí Nga. Đơn giản là vì ba nước này cho biết không có lựa chọn thay thế ngay lập tức.     

Về phía Hungary, hãng tin AP nhận định rằng, thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc Victor Orban một lần nữa gây chia rẽ châu Âu. Bất chấp việc bom rơi đạn lạc ở nước láng giềng Ukraina, ông Orban không ngần ngại tuyên bố rằng Liên Hiệp Châu Âu đã phải nhượng bộ, để Hungary tiếp tục mua dầu Nga. AP cho hay, tại Hungary, thủ tướng Orban đã mô tả cuộc tranh luận về lệnh cấm vận dầu mỏ như một cuộc chiến để bảo vệ túi tiền của người Hungary.

Nhà phân tích chính sách châu Âu, Daniel Hegedus, cho rằng Orban đã buộc Liên Âu phải nhượng bộ. Trả lời hãng tin AP, ông Hegedus nhận định: “Thủ tướng Hungary muốn gì thì được nấy. (...) Trên thực tế, Orban có thể ngăn chặn gói trừng phạt thứ 6 của Liên Âu bất cứ lúc nào và cũng có thể làm điều tương tự trong tương lai. Orban áp dụng chiến lược “bắt chẹt”, vì ông ta có nhiều quân bài để chiến thắng". Tuy nhiên chuyên gia Hegedus cũng thừa nhận, trong việc đi đến đồng thuận về việc giảm mạnh và hướng đến chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ Nga, "Ủy Ban Châu Âu đã xử sự rất khôn ngoan”. Hungary vốn nhập khẩu khoảng 65% dầu lửa và 85 % khí đốt của Nga, là nước duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối viện trợ quân sự cho Ukraina. 

Trung Quốc - Mỹ tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương 

Khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương gần đây trở thành chiến trường mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu như Bắc Kinh tìm cách mở rộng các hợp tác an ninh thương mại với 10 đảo quốc trong Thái Bình Dương, dù chưa đạt được kết quả, thì trong chuyến công du châu Á của tổng thống Biden vừa qua, Washington đề xuất với lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ lập quan hệ chiến lược và kinh tế với Mỹ. Hôm 23/05, cùng với đồng nhiệm Nhật Bản Kishida, Joe Biden thông báo thiết lập một Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), gồm 13 nước, trong đó có Việt Nam, nhằm giúp các nước thành viên tích cực hội nhập sâu hơn trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, năng lượng xanh, chống tham nhũng và chuỗi cung ứng.   

Sáng kiến này của Mỹ nhằm tạo ra một mô hình hợp tác mới, thay thế mô hình Trung Quốc và kiềm chế ảnh hưởng của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới trong khu vực. Trong cuộc tranh giành sức ảnh hưởng này, giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược ở Pháp (IRIS), ông Barthélémy Courmont nhận định rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng như các can thiệp của nước này vào chiến tranh Ukraina, dường như đã làm tín nhiệm của Mỹ tại châu Á suy giảm. Trên cổng thổng tin của IRIS, ông giải thích lý do cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc.  

“Về cơ bản, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi châu Á, vị trí trung tâm của châu Á ngày càng được công nhận. Điều này được phản ánh qua các hợp tác chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Lý do châu Á thu hút sự quan tâm không phải chỉ vì các thách thức an ninh mà còn cả về kinh tế. Do vậy, việc Mỹ quan tâm vào khu vực này không có gì đặc biệt, và cũng không phải là điều gì mới mẻ của chính quyền Biden. Chúng ta đã nhìn thấy chiến lược xoay trục của Barack Obama và cuộc chiến thương mại của Donald Trump, tất cả đều đi cùng một hướng, cho dù với các biện pháp khác nhau nhưng với những mục tiêu tương đối giống nhau.   

Cuộc tranh tranh ảnh hưởng mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay, trước tiên đều liên quan đến đầu tư, tài nguyên và thương mại. Và điều này tác động đến sự phụ thuộc của các nước cũng như tình hình chính trị. Không quốc gia nào thuộc Ấn Độ Thái Bình Dương, ngay cả những đảo quốc nhỏ có thể tránh khỏi. Cuộc chiến “Thái Bình Dương” giữa Mỹ và Trung Quốc và các đối tác của hai nước này thực ra đã bắt đầu từ nhiều năm qua, và sẽ tác động đến quan hệ quốc tế trong những thập kỷ tới”.  

Bạo loạn ở sân vận động Pháp, Paris có đảm đương được Thế Vận Hội 2024 ?  

Về thời sự Pháp, gần một tuần sau trận chung kết Cúp C1 châu Âu, các bên đổ lỗi cho nhau về việc tình trạng bạo loạn tại sân vận động Pháp (Stade de France). Bộ trưởng bộ Nội Vụ Pháp Gerald Darmanin đổ lỗi cho các cổ động viên Anh Liverpool đến trễ, mang vé giả và có hành động gây hấn, nhưng cũng nhận sai lầm của Pháp trong công tác tổ chức cũng như các hành vi bạo lực của cảnh sát. 

Về phần mình, CLB Liverpool đã thu thập lời chứng của hơn 5000 cổ động viên là nạn nhân hoặc chứng kiến cảnh bạo lực. Đáng chú ý nhất là lời chứng của Paddy Pimblett, vận động viên Võ thuật Tổng hợp (MMA) cũng là người hâm mộ CLB Liverpool. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh RMC Sport, Paddy thuật lại những cảnh bạo lực kinh hoàng, cướp bóc. Một số mang theo vũ khí, cầm dao, côn sắt… có người bị ngã xuống đất, bị cướp đồ trắng trợn, bởi những kẻ được cho là thanh niên sinh sống ở vùng Saint Denis, ngoại ô Paris. Cảnh sát không bảo vệ cổ động viên, nhưng xịt hơi cay, thậm chí có hành vi bạo lực đối với các cổ động viên.   

Hôm 03/06, sau một tuần im lặng, quán quân Cúp C1 châu Âu - CLB Real Madrid đã lên tiếng chất vấn ban tổ chức, dựa trên tiêu chí nào mà Paris hay chính xác là Saint Denis được chọn đăng cai trận chung kết, khi đông đảo cổ động viên người Anh và Tây Ban Nha bị tấn công ở sân vận động, dù có bố trí an ninh. Chỉ còn chưa đầy 2 năm, Paris đăng cai tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2024, vụ bạo loạn vừa qua ở sân vận động dấy lên nghi ngờ hoặc liệu Saint Denis và Paris có thể bảo đảm được việc tổ chức các cuộc thi đấu trong điều kiện tốt hay không.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.