Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Phiên xử các vụ khủng bố Paris 11/2015: Thử thách cần thiết cho các nạn nhân

Đăng ngày:

Với 20 bị cáo, khoảng 330 luật sư, 2.400 người đứng nguyên đơn và gần 10 tháng thẩm vấn, tranh tụng tại tòa, phiên xử các vụ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo ngày 13/11/2015 tại Paris và Saint-Denis, ngoại ô Paris, có thể nói là một phiên tòa lịch sử, có tầm mức chưa từng có. Hơn 6 năm rưỡi sau các vụ khủng bố đã khiến 130 người chết và hàng trăm người bị thương, hôm nay, 29/06/2022, tòa tuyên án các bị cáo.

Bia tưởng niệm và hoa đặt trước nhà hát Bataclan nhân kỷ niệm 6 năm các vụ khủng bố ở Paris và vùng phụ cận 2015. Ảnh chụp ngày 13/11/2021. Paris. Pháp.
Bia tưởng niệm và hoa đặt trước nhà hát Bataclan nhân kỷ niệm 6 năm các vụ khủng bố ở Paris và vùng phụ cận 2015. Ảnh chụp ngày 13/11/2021. Paris. Pháp. AP - Christophe Ena
Quảng cáo

Phiên tòa đã bắt đầu từ ngày 08/09/2021 và kết thúc vào ngày 27/06 vừa qua. Tổng cộng đã có 14 bị cáo ra trước Tòa đại hình đặc biệt tại Paris. Sáu bị cáo khác bị xử khiếm diện, trong đó có 5 người được cho là đã chết. Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, Salah Abdeslam là người duy nhất trong nhóm khủng bố còn sống sót, đơn giản chỉ là vì anh ta vào giờ chót đã không kích hoạt khối chất nổ đeo trên người trong một quán bar ở quận 18 Paris. 

Khi nói lời cuối cùng hôm 27/06, Abdeslam đã thốt lên: “ Tôi không phải là một kẻ sát nhân”. Rồi cũng như những bị cáo khác, Abdeslam đã tỏ lòng ăn năn, hối cải và xin lỗi các nạn nhân. Nhưng Viện công tố chống khủng bố không xem Abdeslam là một người chỉ vì nhẹ dạ mà bị lôi kéo vào hành động tội ác, cho nên họ đã kêu án tù chung thân cấm cố không có khả năng giảm án, tức là ở tù cho đến chết, hình phạt nặng nhất trong luật hình sự của Pháp. Còn 19 bị cáo còn lại ( tính luôn những người bị xử khiếm diện) thì bị kêu án từ 5 năm đến chung thân.

Sau khi nghe những lời cuối cùng của các bị cáo, tòa đã đến một doanh trại ở vùng Paris ( mà địa điểm được giữ bí mật để bảo đảm an ninh ) để luận án và tối nay họ sẽ công bố các bản án.

Bên cạnh việc thực thi công lý, phiên tòa đã là dịp để các nạn nhân và thân nhân của các nạn nhân khủng bố biết được cụ thể hơn chuyện gì đã xảy ra trong những ngày dẫn đến cơn ác mộng 13/11/2015. 

Các cuộc điều tra chỉ giải đáp được rất ít câu hỏi nói trên và các bị cáo trong các cuộc thẩm vấn đã không giúp chúng ta biết thêm nhiều. Trong số các bị cáo, nhiều người nhất quyết không mở miệng, những người khác thì khai báo nay thế này, mai thế khác, thậm chí đưa ra những lời khai trái ngược nhau.

Cho nên, trong bản luận tội suốt 3 ngày, từ ngày 08/06, viện công tố chống khủng bố đã tổng hợp những thông tin có được để tái hiện càng chính xác càng tốt chuỗi sự kiện đã làm chấn động nước Pháp. Và đó cũng chỉ là sự thật “tư pháp”, chứ không phải sự thật hoàn toàn. Viện công tố dầu sao đã làm sáng tỏ những mối liên hệ và những điểm chung giữa 33 kẻ khủng bố của nhóm thánh chiến Hồi Giáo đã tấn công Paris hôm 13/11/2015 và sau đó tấn công ở Bruxelles ngày 22/03/2016. Đứng đầu nhóm này là Oussama Atar, được coi là kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố và được coi là đã chết. 

Nhưng đối với các nạn nhân và thân nhân của 130 người đã bỏ mạng tối 13/11/2015, họ không thể nào quên được cái đêm kinh hoàng ấy, nhất là tại nhà hát Bataclan ở Paris, nơi mà 3 tên khủng bố đã nổ súng tàn sát tổng cộng 90 người. Ra tòa làm chứng ngay từ những ngày đầu của phiên xử, một nhà điều tra của đội cảnh sát hình sự kể lại: sau khi đội đặc nhiệm tấn công vào và tiêu diệt hết những kẻ khủng bố, ông đã là người đầu tiên đi vào nhà hát Bataclan.

Luật sư của các nạn nhân trong vụ xét xử khủng bố 2015, 23/05/2022.
Luật sư của các nạn nhân trong vụ xét xử khủng bố 2015, 23/05/2022. AFP - BENOIT PEYRUCQ

Tuy đã quá quen với cảnh chết chóc, viên sĩ quan cảnh sát này đã sững sờ trước cảnh tượng những thi thể nằm chồng chất lên nhau, như ở một nơi đang có chiến tranh, như ở một vừa có chiếc máy bay chở cả trăm người rơi xuống. Những người bị thương thì kêu la, gào thét đau đớn, thảm thiết. Và cùng lúc đó là tiếng chuông reng liên tục của rất nhiều điện thoại di động, chắc chắn là do những người thân của các khán giả đã chết đang sốt ruột gọi đến sau khi nghe tin nhà hát bị khủng bố tấn công. 

Đến dự phiên xử các vụ khủng bố 13/11/2015, nhiều nạn nhân  và thân nhân của các nạn nhân đã phải sống lại những giây phút hãi hùng đó, một thử thách đối với họ. Nhưng đây là một thử thách cần thiết, theo lời ông Philippe Duperron, có con trai bị chết ở nhà hát Bataclan, chủ tịch hội 13Onze15, khi trả lời RFI Pháp ngữ ngày 26/05: 

“ Đây là một thử thách rất dài, một thử thách rất cần thiết, một thử thách mà chúng tôi đã chuẩn bị để đối đầu. Dĩ nhiên là chúng tôi rất nóng lòng muốn phiên tòa kết thúc với những bản án mà chúng tôi mong đợi.

Một lần nữa, đó thử thách cần thiết mà toàn bộ chúng tôi đều đã chờ đợi, sau 5 năm dài điều tra, một thời gian dài rất cần thiết do tầm mức của thảm họa mà chúng tôi đã gặp phải.   

Trong năm tuần của tháng 10, chúng ta đã nghe bày tỏ những nỗi đau vẫn còn sâu đậm nơi những người đã bị mất con, mất bố, mẹ, mất người thân, như trường hợp của chúng tôi, cũng như của những người đã sống sót. Rất nhiều người đã không hề nghĩ là có ngày họ sẽ ra tòa làm chứng, vì cho rằng làm như thế cũng chẳng giúp ích được gì. Nhưng nay họ ý thức được rằng họ phải làm chứng cho chính bản thân họ, cho những người thân của họ, họ phải làm chứng để sau này, khi đã kết thúc phiên tòa, không lấy làm tiếc là đã không làm chứng để tưởng nhớ đến những người thân mà họ đã mất.

Những lời chứng của họ được bổ sung bằng có lời chứng của những nạn nhân khác, bằng những lời khai của các bị cáo trong các phiên thẩm vấn, mà qua đó người ta hiểu rõ hơn về con người của những bị cáo đó.

Đúng là xét thuần túy về nguyên tắc, một phiên tòa không có tác dụng chữa trị, ngành tư pháp chỉ nghe kể các sự việc, xem xét các hình ảnh của hiện trường tội ác và rồi ra các bản án. Nhưng trong một phiên xử ở tòa đại hình, vị trí của các nạn nhân được thừa nhận, các nguyên đơn bị được mời đến để bày tỏ những nỗi đau của họ.

Phiên tòa xử các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 dành một vị trí rất lớn cho các nạn nhân, bởi vì có rất nhiều nạn nhân. Cho nên, một phần nào đó, phiên tòa đã có tác dụng chữa trị, giống như một sự thanh tẩy. Chúng ta đã thấy là có rất nhiều người đã bày tỏ nỗi đau của họ trong suốt nhiều tiếng đồng hồ. Có cảm tưởng là họ đã nói với chính họ, chứ không phải là nói với tòa.”

Sau gần 10 tháng xét xử, tối nay, tòa đại hình Paris sẽ công bố các bản đối với 20 bị cáo. Dù 14 bị cáo có mặt tại tòa đã tỏ lòng ăn năn hối cải, nhưng chắc là tòa sẽ tuyên những bản án nghiêm khắc để làm gương. Còn về phần các nạn nhân sống sót và thân nhân những người đã bỏ mạng, liệu họ có thể tha thứ cho những kẻ đó? Ông Philippe Duperron, chủ tịch hội 13Onze15, nêu ý kiến của ông : 

 “ Theo quan điểm của tôi, muốn tha thứ trước hết phải có sự ăn năn, hối cải. Abdeslam và có thể là những bị cáo khác đã đi một đoạn trên con đường ăn năn, hối cải này, nhưng họ đã không đi hết con đường đó. Bởi vì họ đã không thẳng thừng lên án các vụ tấn công khủng bố đó, đã không lên án vụ tàn sát mà anh ta có liên can. Cho nên, không thể có tha thứ, nếu những bị cáo không tỏ thái độ hối cải một cách chân thành, một cách toàn diện. Riêng bản thân tôi thì không thể tha thứ cho họ, cho dù tôi không thật sự căm thù họ.”

Không chỉ thực thi công lý cho các nạn nhân khủng bố, nước Pháp còn rất quan tâm đến việc góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân, qua việc đền bù thiệt hại cho họ trong khuôn khổ một đạo luật duy nhất trên thế giới. Nhà báo Mathieu Delahousse đã dành hẳn một cuốn sách để nói về đề tài này. Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 26/06, ông cho biết:

“ Cũng như nhiều nhà báo tư pháp khác, tôi đã theo dõi gần như toàn bộ các phiên xử về khủng bố từ nhiều năm qua, nhất là phiên xử về các vụ tấn công khủng bố ngày 13/11/2015. Phiên xử này thu hút rất nhiều sự quan tâm, huy động rất nhiều năng lượng và đặt ra nhiều câu hỏi. Khi gặp những nạn nhân trong khuôn khổ các cuộc điều tra, các cuộc tiếp xúc của tôi, đã có rất nhiều điều được nói, nhưng có thể tóm tắt là, trong quá trình xem xét bồi thường, các nạn nhân có cảm tưởng là những công ty bảo hiểm xem vụ việc giống như là chuyện hư ống nước gây ngập nhà, họ cảm thấy rất đau đớn. Có một sự không thông hiểu giữa một bên là một cơ chế bồi thường rất tốt và bên kia là đòi hỏi thực thi công lý vẫn chưa được đáp ứng hoàn toàn cho các nạn nhân.”

Theo nhà báo Delahousse, tuy đã có một cơ chế đền bù rất tốt, nhưng để cho việc đền bù thật sự xứng đáng với nỗi đau của các nạn nhân, Pháp còn lập ra hẳn một thẩm phán chuyên trách việc này:

“ Cơ chế này được thiết lập cách đây không lâu, vào năm 2009. Trên thực tế, việc bồi thường cho các nạn nhân khủng bố đã bắt đầu từ năm 1986, dưới sự thúc đẩy của một nhân vật nổi tiếng vừa qua đời gần đây, đó là bà Françoise Rudetzki ( nạn nhân khủng bố và là người sáng lập hội SOS Attentats ). Cơ chế bồi thường cho các nạn nhân khủng bố nay được quy định rất chặt chẽ, với những thủ tục hành chính rạch ròi, nhưng vẫn là trong khuôn khổ của luật bảo hiểm.

Nói chung, cơ chế đó quá mang tính hành chính, rất hiệu quả, nhưng thường là thiếu tính nhân văn, không thật sự thấu hiểu tâm trạng của các nạn nhân. Sau các vụ khủng bố ngày 13/11, ngành tư pháp đã quyết định lập ra một thẩm phán riêng, coi như là đại diện cho nhân dân Pháp đứng ra xem xét việc bồi thường cho các nạn nhân khủng bố. Đây là một công việc rất phức tạp, vì không chỉ bồi thường thiệt hại về vật chất, về thể xác, mà còn bồi thường thiệt hại riêng biệt cho các nạn nhân khủng bố, bởi vì mỗi người có hoàn cảnh riêng và chúng ta phải hiểu được những điều thầm kín của từng người.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.