Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ukraina tích cực chống tham nhũng để có được sự ủng hộ từ phương Tây ?

Đăng ngày:

Gần một năm sau khi cuộc chiến mà Nga tiến hành nổ ra, Ukraina tỏ ra mạnh tay hơn trong chiến dịch chống tham nhũng. Nhiều nước châu Âu đóng cửa cơ quan ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ vì nguy cơ bị khủng bố tấn công. Hai năm sau cuộc đảo chính tại Miến Điện, báo chí tiếp tục đưa tin bất chấp điều kiện hoạt động khó khăn. Hoa Kỳ đã chạm đến "lằn ranh đỏ" ở bán đảo Triều Tiên ? Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.  

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thống Ukraina tại Kiev, Ukraina, 02/02/2023.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thống Ukraina tại Kiev, Ukraina, 02/02/2023. AP
Quảng cáo

Hôm 01/02 vừa qua, chính quyền Kiev tiến hành các cuộc khám xét nhà riêng của nhiều quan chức, thành viên của chính phủ hay những tài phiệt lớn của Ukraina. Vụ việc diễn ra chỉ hai ngày trước khi thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Ukraina diễn ra tại Kiev vào thứ Sáu tuần này.

Liệu đây có phải là chiêu bài truyền thông từ phía Ukraina, nhằm bảo đảm tiếp tục nhận được viện trợ từ phương Tây hay là một lựa chọn chính trị thực sự ? Thông tín viên RFI Stéphane Siohan từ Kiev, cho biết thêm thông tin :    

« Ông Igor Kolomoisky, người giữ vị trí giàu thứ 3 Ukraina trong thời gian dài, vẫn đang mặc một bộ đồ ngủ bình thường khi lực lượng của cơ quan an ninh Ukraina ập đến tại một trong những nơi cư trú của ông. Lý do của vụ khám xét vẫn chưa được tiết lộ. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Arsen Avakov, cựu bộ trưởng Nội Vụ quyền lực, giữ chức vụ này từ 2014-2021, dưới thời của Petro Porochenko và Volodyrmyr Zelensky.   

Hôm thứ Tư, hàng chục vụ khám xét diễn ra tại các cấp chính quyền khác nhau trên khắp Ukraina. Toàn bộ lãnh đạo của cục hải quan Ukraina đã bị cách chức. 

Sự thay đổi này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một bê bối được tiết lộ về những vụ đấu thầu đáng ngờ bên trong bộ Nội Vụ Ukraina. Hiện đang được lòng dân và có quyền lực chính trị mà không tổng thống Ukraina nào có được từ 30 năm qua, Volodymyr Zelensky có vẻ như hiểu rằng việc phương Tây gia tăng hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraina phụ thuộc vào cuộc chiến chống tham nhũng ở trong nước, ngay cả khi hành động này đồng nghĩa với việc hạ bệ những người như Kolomoisky và Avakov - những tài phiệt đã đưa Zelensky lên nắm quyền 4 năm trước. »    

Nhiều nước phương Tây đóng cửa cơ quan ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ  

Trong tuần vừa qua, ít nhất 7 nước phương Tây đã tạm thời đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vì lo ngại nguy cơ khủng bố tấn công. Các cảnh báo về an ninh được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền Ankara diễn ra bên ngoài sứ quán của Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm và Copenhagen vào tháng trước, mà một số phần tử cực đoan đã đốt kinh Coran. 

Thông tín viên RFI Manon Chapelain tường trình từ Istanbul :  

« Từ 3 ngày qua, các tin nhắn cảnh báo liên tục được gửi đi ở Istanbul. Trong tuần, cơ quan ngoại giao của 5 nước châu Âu đã đóng cửa, trong đó có Pháp và Đức. Họ lo ngại trở thành mục tiêu cho vụ tấn công khủng bố, sau vụ kinh Coran bị đốt ở Thụy Điển cách nay khoảng 10 ngày. Cơ quan ngoại giao của các nước này khuyến nghị công dân của họ tránh đến nhà thờ hoặc các địa điểm du lịch.

Cho đến nay, vẫn khó có thể xác định được nguồn gốc của các đe dọa này. Không có thêm thông tin nào được đưa ra, nhất là từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara bác bỏ các cảnh báo này. Bộ trưởng Nội Vụ Süleyman Soylu đã coi những tin nhắn cảnh báo như vậy là « chiến tranh tâm lý », nhằm tổn hại tới du lịch và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. « Nếu như các nước biết nhiều đến vậy thì tại sao lại không đưa ra cảnh báo trong vụ tấn công Istiklal ? » Ông Soylu đã chất vấn các nước phương Tây như vậy khi nhắc đến vụ tấn công vào tháng 11/2022.  

Để đáp trả, Ankara đã cảnh báo công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ về nguy cơ « các vụ tấn công phân biệt chủng tộc. »   

Hai năm sau cuộc đảo chính tại Miến Điện  

Một sự kiện đáng chú ý trong tuần vừa qua đó là tình hình Miến Điện trong 2 năm qua, kể từ khi tập đoàn quân sự tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự, vào ngày 01/02/2021. Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng. Các cuộc đối đầu đẫm máu vẫn tiếp tục xảy ra giữa tập đoàn quân sự và quân đội của người dân tộc, nhất là tại các vùng biên giới chung với Thái Lan và Ấn Độ.

Nhà báo là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Nhiều phóng viên đã rời khỏi Miến Điện. Tại Thái Lan, giáp ranh với Miến Điện, một nhóm nhà báo đã thành lập một cơ quan báo chí ngầm, tiếp tục đưa tin về cuộc khủng hoảng trong nước.  

Thông tín viên RFI Carol Isoux đã đến gặp gỡ các nhà báo tại đây :  

« Hai năm sau vụ quân đội đảo chính, các nhà báo tiếp tục rủi ro, đưa tin về cuộc xung đột mà họ cho là các phương tiện truyền thông quốc tế đã lãng quên. Các cuộc không kích tàn sát dân thường, các cuộc đối đầu giữa nhóm thiểu số có trang bị vũ khí và binh lính của quân đội Miến Điện, hay cả tình hình của hàng nghìn người Miến Điện tị nạn ở Thái Lan, như những nhà báo này.

Ko Min là tổng biên tập của cơ quan báo chí này, ông nhấn mạnh rằng ngày nay cuộc khủng hoảng ở Miến Điện đã vượt qua khỏi vấn đề quân sự đơn giản. Ông cho biết :  

« Những người Miến Điện đến đây, họ đã mất hết cả quyền lợi, họ không có giấy tờ, không có quyền làm việc, không có lương. Họ có nguy cơ bị cảnh sát bắt bất cứ lúc nào, bị tống tiền. Nhiều người bị bóc lột, làm nô lệ trong các nhà máy. Có nhiều vấn đề xã hội như vậy xảy đến với cộng đồng lao động nhập cư, và cả bạo lực nữa. Chúng tôi cũng đưa tin về khía cạnh này của cuộc khủng hoảng Miến Điện. »  

Trên cầu thang, nhiều phòng biên tập được bố trí. Một phòng dành cho truyền hình và hai phòng dành cho phát thanh. Tại đây, các nhà báo dẫn các chương trình hàng ngày và hàng tuần. Mutu là giọng nói của trạm phát thanh. Cô ấy chỉ mới 19 tuổi, nhưng đã bắt đầu làm việc ngay từ 14 tuổi, tại các đài phát thanh của cộng đồng người Karen, cũng là nơi mà cô xuất thân.

Cô khẳng định : « Đài phát thanh là một phương tiện truyền thông quan trọng trong các phong trào chống đảo chính. Bởi vì khi họ cắt mạng internet, radio vẫn tiếp tục phát sóng. Đó là một phương tiện truyền thông gần với người dân, mà ở đó, họ có thể thảo luận, ở đó, có chỗ dành cho cảm xúc. Kể từ cuộc đảo chính, tôi trò chuyện với các thính giả trên khắp Miến Điện, họ có những quan điểm khác nhau. Các đài phát thanh theo cộng đồng rất quan trọng đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số. »  

Kể từ 2 năm qua, các tầng lớp trung lưu ở Yangon, giáo viên, bác sỹ hay các nghệ sỹ đối lập đã di cư hàng loạt đến Thái Lan. Không giấy tờ, không nguồn tài chính, họ sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn. Họ lo ngại rằng phải kéo dài vô thời hạn cuộc sống tị nạn do thông báo của quân đội về việc tổ chức cuộc bầu cử sắp tới vào tháng Tám, nhằm tạo tính chính đáng cho chính quyền của quân đảo chính. »  

Lằn ranh đỏ ở bán đảo Triều Tiên 

Vẫn về thời sự châu Á, chuyến thăm Hàn Quốc của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tuần này, cùng với các cuộc tập trận thể hiện sức mạnh quân sự cũng như khả năng triển khai chương trình hạt nhân giữa hai bên đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Triều Tiên cho rằng Hoa Kỳ và đồng minh đã chạm đến « lằn ranh đỏ».  

Thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình từ Seoul.  

« Đến Hàn Quốc để trấn an đồng minh về sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, trong mọi trường hợp, đã thành công trong việc buộc Bắc Triều Tiên phải có phản ứng. Bình Nhưỡng tuyên bố không có ý định thảo luận chừng nào mà Washington vẫn theo đuổi chính sách « thù nghịch ». 

Nếu như Nhà Trắng đã nhắc lại lời mời đối thoại, cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm thứ Ba đã xác nhận chiến lược « tấn công » của hai nước : mở rộng các cuộc tập trận chung, triển khai các vũ khí chiến lược mới và xác nhận việc tổ chức tập trận mô phỏng sử dụng vũ khí hạt nhân. Hai bên cũng đã trình diễn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hôm thứ Tư.  

Bấy nhiêu hành động cũng như phát ngôn nhắm tới việc thuyết phục công luận và một bộ phận của tầng lớp chính trị về sự vững chắc của liên minh Seoul - Washington, trong khi mà ý tưởng về việc triển khai chương trình hạt nhân Hàn Quốc ngày càng được người dân ủng hộ.  

Nhưng ở phía bắc của vĩ tuyến 38, tất cả những hành động này được coi là một đe dọa trực tiếp. Bình Nhưỡng khẳng định bảo đảm rằng tất cả « các cuộc diễn tập quân sự đối đầu và các hành động thù địch » có thể biến bán đảo Triều Tiên thành « một vùng chiến sự nghiêm trọng hơn ».  

Úc không in hình tân vương Charles Đệ Tam trên tiền giấy của nước này

Nhìn sang châu Đại Tây Dương, hôm thứ Năm, 02/02, Úc, một quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng chung do vua Charles Đệ Tam đứng đầu, đã đưa ra quyết định không sử dụng hình ảnh của tân vương trên tiền giấy của nước này, thay thế hình ảnh của cố nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Ngân hàng Trung Ương Úc cho biết sẽ sử dụng hình ảnh những người đầu tiên sinh sống ở Úc, nhằm tôn vinh văn hóa bản địa thay vì hình ảnh đại diện cho chế độ quân chủ Anh, vốn thường xuyên là chủ đề gây tranh cãi ở nước này vì hậu quả của thời thuộc địa Anh.  

Quyết định này đánh dấu sự kết thúc sự hiện diện của Hoàng gia Anh trên tiền giấy của Úc, kể từ năm 1923. Thông tín viên RFI Grégory Plesse tại Brisbane, Úc giải thích thêm :  

« Thay vì in diện mạo của vị tân vương, chính phủ Úc quyết định rằng tờ 5 đô la của nước này - tờ tiền duy nhất vẫn in hình nữ hoàng Elisabeth II, trong tương lai, sẽ tôn vinh lịch sử và văn hóa của những người đầu tiên sinh sống ở Úc, nói cách khác đó là những thổ dân.  

Tuy nhiên, những dấu hiệu thể hiện sự gắn bó của Úc với chế độ quân chủ Anh sẽ không hoàn toàn bị xóa bỏ khỏi những tờ đô la Úc. Chân dung của Charles Đệ Tam sẽ được đúc trên tất cả các đồng xu, giống như chân dung của mẹ ông trước đây. Những đồng tiền xu với diện mạo mới này sẽ được lưu hành trong năm 2023.  

Quyết định liên quan tới tờ 5 đô la, được sử dụng nhiều nhất nước Úc, đã được hưởng ứng từ những người ủng hộ một nền cộng hòa cũng như đại diện của các cộng đồng thổ dân.  

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Úc dự trù rằng cần vài năm nữa thì tờ tiền mới này mới có thể được lưu hành. Cơ quan tài chính của Úc cũng dự trù tham vấn cộng đồng thổ dân trước khi tiến hành thiết kế.  

Nếu như tờ 5 đô la hiện nay sẽ là những tờ tiền cuối cùng có hình ảnh một nhà vua hay nữ hoàng Anh, thì đồng 5 đô mới lại không phải là tờ đầu tiên tôn vinh thổ dân Úc vì kể từ 2018, Úc đã cho lưu hành một tờ 5 đô như vậy. »  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.