Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Nhật Bản điều tra hối lộ liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo 2020

Đăng ngày:

Doanh nghiệp Nhật gian lận đấu thầu các dự án trong khuôn khổ Thế Vận Hội Tokyo 2020, lạm phát và suy thoái kinh tế ở một số nước châu Âu, Giáo hoàng loại bỏ ưu đãi về bất động sản cho các Hồng y, vụ lật thuyền chở người di dân và công tác cứu hộ chậm trễ của Ý, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.  

Các đèn lồng được thắp sáng trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2020, tại Tokyo, Nhật Bản, 23/07/2021.
Các đèn lồng được thắp sáng trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2020, tại Tokyo, Nhật Bản, 23/07/2021. AP - Ashley Landis
Quảng cáo

Gã khổng lồ trong ngành quảng cáo Nhật Bản Dentsu, một trong những doanh nghiệp có thế lực lớn đứng đằng sau Thế Vận Hội Tokyo 2020, đang trở thành tâm điểm của một loạt bê bối tham nhũng, hối lộ, liên quan đến dự án của Thế Vận Hội. Hôm thứ Ba 28/02/2023, Viện Công Tố Nhật Bản đã cáo buộc doanh nghiệp này vi phạm luật cạnh tranh, cho rằng Dentsu và năm doanh nghiệp khác đã có âm mưu trốn tránh quy trình đấu thầu công khai trước Thế Vận Hội.    

Theo New York Times, tại Thế Vận Hội Tokyo 2020, Dentsu đã mang lại khoản tiền tài trợ kỷ lục, lên đến 3,6 tỷ đô la, doanh nghiệp này điều phối mọi thứ tại sự kiện, đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các cáo buộc của công tố Nhật Bản được đưa ra trong khuôn khổ cuộc điều tra về tham nhũng và hối lộ tại sự kiện thể thao quốc tế này. Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo, cho biết thêm thông tin :  

“Hai nhà quảng cáo khác là Hakuhodo và Tokyu cũng như là các công ty tổ chức sự kiện cũng bị truy tố. Các doanh nghiệp này thông đồng với nhau để kiểm soát việc phân bổ các hợp đồng dịch vụ cho các cuộc thi trước và trong khi Thế Vận Hội diễn ra, vi phạm quy tắc cạnh tranh. Cuộc điều tra chủ yếu nhắm vào Haruyuki Takahashi, một cựu lãnh đạo của Dentsu, cựu thành viên của hội đồng điều hành, tổ chức Thế Vận Hội. Ông đã bị bắt trước đó. Doanh nghiệp tư vấn của ông Takahashi bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ nhiều doanh nghiệp muốn trở thành nhà tài trợ Thế Vận Hội và được quyền bán các sản phẩm có logo của sự kiện này.  

Nếu như Dentsu là một doanh nghiệp lớn trong giới tiếp thị cho các sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, thì đó là nhờ vào ông Haruyuki Takahashi. Trong những năm 1980, ông đã hợp tác cùng nhà sản xuất dụng cụ thể thao Adidas thành lập công ty ISL để nắm độc quyền phát sóng giải Cúp bóng đá thế giới. Sau đó, Dentsu đã mở rộng sự thống trị của mình sang Thế Vận Hội và Liên đoàn Điền kinh Quốc tế. Trong kỳ Thế Vận Hội Tokyo 2020, Dentsu đã được độc quyền các quyền tiếp thị”.  

Báo New York Times cho biết, vào tháng 11/2022, người sáng lập Aoki Holdings, Hironori Aoki, nhận tội đã hối lộ khoảng 205.000 đô la cho ông Takahashi. Trong một phiên tòa khác, cựu chủ tịch của công ty tiếp thị ADK thừa nhận đã trả cho ông Takahashi hơn 100.000 đô la khi muốn tìm kiếm cơ hội tiếp thị liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo 2020.  

Đây không phải là bê bối đầu tiên liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo. Vào năm 2016, các nhà chức trách Pháp cho biết đã phát hiện ban tổ chức Olympic Tokyo thực hiện khoản thanh toán lên đến hàng triệu đô la cho một công ty Singapore để giành quyền đăng cai Thế vận hội. Cáo buộc này khiến người đứng đầu Uỷ ban Olympic quốc gia Nhật bản Tsunekazu Takeda phải từ chức, mặc dù ông phủ nhận mọi hành vi sai phạm.  

Suy thoái kinh tế ở châu Âu ?  

Nhìn sang châu Âu, gần đây, lạm phát tăng trở lại tại khu vực đồng euro. Từ khi thành lập cách đây 20 năm, chưa bao giờ khu vực đồng tiền chung châu Âu lại ghi nhận chỉ số lạm phát cao đến thế. Giá thực phẩm, năng lượng gia tăng  trên khắp Lục địa già. Các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức, Ý đều bị ảnh hưởng, lạm phát lên đến 10 % ở một số nước. Tuy nhiên, các nước Bắc và Đông Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào tháng Giêng, lạm phát lên đến 18,6 % ở Estonia, 21,4 % ở Litva và 26,2 % ở Hungary. Một số quốc gia hiện đang rơi vào tình trạng suy thoái, như là ở Phần Lan và Thụy Điển. 

Thông tín viên RFI Carlotta Morteo cho biết thêm thông tin :   

“Các con số không được tốt đẹp lắm nhưng vẫn chưa cần phải quá lo sợ. Tổng sản phẩm quốc nội của Phần Lan đã giảm 0,1 %, và tiếp tục giảm 0,6 % vào quý trước. Các chỉ số của Thuỵ Điển cũng đang giảm, GDP giảm 0,9 %, và chỉ số này được dự báo tiếp tục giảm 0,7 % vào quý sau.  

Phải thừa nhận rằng hai nước phụ thuộc vào xuất khẩu, thường nhạy cảm với tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng chủ yếu lại là tiêu dùng của các hộ gia đình giảm. Không chỉ vì giá thực phẩm tăng cao, các khoản nợ ngân hàng mà các gia đình phải trả hàng tháng cũng vậy.  

Bởi vì người dân Phần Lan và Thụy Điển nằm trong số những người tiêu dùng mắc nợ nhiều nhất ở châu Âu. Nhiều người trong số họ đã vay với lãi suất thả nổi. Do vậy, lãi suất chỉ tăng nhẹ chút cũng có thể cảm nhận được ngay lập tức.  

(Tại Phần Lan, lãi suất đã tăng, giống như là trong khu vực đồng euro, nhưng ở Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì đã hành động quá chậm trễ, quá mạnh tay. Ngày nay, lãi suất chỉ đạo đã ở cùng mức với châu Âu, khoảng 3 %, nhưng vào tháng Năm 2022, con số này bằng không. Kể từ đó, giá trị của đồng Krona Thụy Điển đã giảm 10 %).  

Về mặt tài chính, những người tiêu dùng Phần Lan và Thụy Điển đã phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa, và nhìn chung, ít tin vào tương lai hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraina.  

Tuy nhiên, cả hai nước đều muốn lạc quan, không chỉ muốn gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trước mùa hè, mà còn mong đợi kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm 2023.”  

Vatican: Các hồng y từ nay phải trả tiền thuê nhà  

Vẫn về thời sự châu Âu, hôm thứ Tư, 01/03, trang Vatican News cho biết Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định hủy bỏ một số ưu đãi dành cho các hồng y và các quan chức cấp cao tại Vatican : Từ nay họ sẽ không còn chỗ ở miễn phí mà phải trả tiền thuê nhà như mọi người. Thông tín viên RFI Eric Sénanque giải thích thêm :  

“Giáo hoàng Phanxicô đã đề ra những quy định mới về mặt tài chính. Kể từ nay, các tài sản bất động sản của Toà Thánh và của Thành quốc Vatican sẽ không được cho miễn tiền thuê nhà hay cho thuê ở mức thấp hơn giá thị trường. Văn bản chỉ rõ rằng đây là một sự hy sinh để cung cấp tài chính nhiều hơn cho sứ mệnh của Toà Thánh, cũng như tăng thu nhập trong việc quản lý các tài sản bất động sản. Các điều khoản mới này liên quan đến các hồng y cũng như tất cả các quan chức cấp cao của Vatican. Quyết định ít ra mang tính biểu tượng này của giáo hoàng Phanxico, trên thực tế, có nguồn gốc từ bộ trưởng Kinh Tế, người Tây Ban Nha ngoại đạo, Maximino Caballero Ledo, chịu trách nhiệm về tài chính Vatican và thúc đẩy sự minh bạch.  

Ngoài vấn đề về tài chính, giáo hoàng cũng quan tâm đến việc những người cộng sự thân cận nhất của ngài không quá xa rời thực tế đời sống. Cách đây hai năm, giữa lúc đại dịch, ngài đã giảm 10 % tiền lương hàng tháng của các hồng y, tối đa là 5000 euro ròng, để giảm chi tiêu cho Toà Thánh, đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng dịch tễ.”  

AFP trích dẫn trang Vatican News, cho biết quyết định này không liên quan tới những hợp đồng thuê nhà vẫn đang có hiệu lực. Tuy nhiên, các hợp đồng này sẽ không thể gia hạn hoặc tái ký nếu không tuân thủ theo quy định mới. Tất cả các trường hợp ngoại lệ đều phải có sự đồng ý của giáo hoàng. 

Vatican sở hữu số tài sản bất động sản khổng lồ, trị giá hàng tỷ euro, gồm các căn hộ ở Paris, Luân Đôn Genève hay Roma.    

Vụ lật thuyền chở người di dân và công tác cứu hộ chậm trễ của Ý  

Vào đầu tuần này, con thuyền Summer Love, chở quá tải người di dân, (lên đến hơn 150 người) đã bị lật, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng. Trong khi việc tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp diễn dọc theo bờ biển Calabria ở tỉnh Crotone, Ý, nhiều cơ quan đã bị chỉ trích cứu hộ chậm trễ, dẫn đến thảm kịch này. Thông tín viên RFI Anne Le Nir tường trình từ Roma :  

“Để hiểu được những trục trặc trong quá trình tìm kiếm cứu hộ, thì cần phải quay trở lại ngày 25/02. Vào lúc 22h30, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Bờ biển Châu Âu (Frontex) đã báo cho chính quyền về sự hiện diện của một chiếc thuyền cách bờ biển Calabria 70 km, di chuyển với vận tốc 6 hải lý trên giờ và trong tình trạng nổi tốt. Thông báo này không cảnh báo bất cứ nguy hiểm nào đối với con thuyền. Không lâu sau đó, cảnh sát kinh tế Guardia di Finanza, dưới sự kiểm soát của bộ trưởng Nội Vụ Ý, Matteo Piantedosi, đã gửi hai con tàu, đậu ở cảng Crotone và Catanzaro ra bắt chặn chiếc thuyền đó.  

Tuy nhiên, họ đã quay trở lại vì một cơn bão lớn. Không có hành động nào từ phía cảnh sát biển. Cơ quan này phụ thuộc vào cả bộ Giao thông và bộ Nội Vụ.  

Mãi đến 4h30 sáng ngày 26/02, chỉ huy cảnh sát biển ở Crotone, ông Vittorio Aloi đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu điều lực lượng đến tìm kiếm và cứu hộ. Đội cứu hộ đến vào lúc 5h30, và đã là quá muộn. Chiếc thuyền chở đầy người di cư đã bị lật.”  

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính rằng, vào năm 2022, hơn 100.000 người tị nạn đã đến Ý bằng thuyền và gần 1.400 người đã chết khi cố gắng băng qua Địa Trung Hải.  

Cái chết của những di dân nói trên, chủ yếu đến từ Afghanistan, Pakistan, Somalia hay các nơi khác, xảy ra khi Ý tăng cường kiểm soát ngăn người di cư vào lãnh thổ bằng đường thuỷ. Tân thủ tướng cực hữu của Ý, bà Giorgia Meloni, đã thể hiện rõ cam kết ban hành luật gây khó khăn hơn cho người di cư vào Ý qua Địa Trung Hải. Tạp chí Time cho biết vào tuần trước Quốc Hội Ý đã thông qua một luật, yêu cầu các tàu tìm kiếm và cứu nạn di dân, của các tổ chức nhân đạo phi chính phủ, hoạt động ở Địa Trung Hải, phải đi đến một cảng được chỉ định, thay vì cảng gần nhất, và bị ngăn cấm đi tìm các tàu gặp nạn. Thuyền trưởng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 50.000 euro nếu không tuân thủ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.