Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Cannes 2023 : Lao động trẻ Trung Quốc trong ống kính của nhà làm phim tài liệu Vương Bính

Đăng ngày:

Hiếm khi nào mà một phim tài liệu được lọt vào danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng, cũng hiếm khi nào mà 2 bộ phim của cùng một đạo diễn được giới thiệu tại Cannes. Đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (Wang Bing) đã tạo ra bước đột phá tại Liên hoan phim Cannes năm nay, với phim “Jeunesse” (Thanh Xuân) tranh giải chính thức và “Man in Black” được giới thiệu trong buổi chiếu đặc biệt. 

Phim tài liệu Jeunesse (Thanh Xuân) của đạo diễn Wang Bing, được giới thiệu tại Liên hoan Cannes 2023.
Phim tài liệu Jeunesse (Thanh Xuân) của đạo diễn Wang Bing, được giới thiệu tại Liên hoan Cannes 2023. © ACACIASFILMS.COM
Quảng cáo

Trong vòng 5 năm, đạo diễn Vương Bính đã bước vào thế giới của những thợ may làm việc tại Hồ Châu, khu vực tập trung gần 18 000 xưởng may nhỏ, nằm cách trung tâm tài chính Thượng Hải 150 cây số. Trong phim tài liệu duy nhất tranh giải Cành Cọ Vàng năm nay, Jeunesse (Thanh xuân), máy quay của đạo diễn đưa người xem vào các xưởng may lộn xộn, bừa bãi, đằng sau những bức tường sơn cũ, một vài chỗ đã nấm mốc, được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang lờ mờ. Các thợ may, chủ yếu trong độ tuổi 17 đến 20, làm việc với tốc độ nhanh chóng. Những ngón tay thoăn thoắt đẩy vải, luồn qua những chiếc máy khâu, như một cảnh được tua nhanh, chẳng khác gì một tuổi trẻ chóng vánh cứ thế trôi qua trước những tiếng máy khâu, kêu rè rè xuyên suốt bộ phim dài hơn 3 tiếng, như trở thành thứ âm thanh của cuộc sống.   

Đạo diễn không có ý định đưa một cá nhân nào trở thành nhân vật chính, mà nêu bật một tập thể mà trong đó mỗi cá nhân đóng một vai trò nào đó. Những bài hát tiếng Hoa được phát tại các xưởng may, không lấn át được tiếng máy khâu, như là tiếng nói trải lòng của những lao động trẻ, vẫn đầy năng lượng dù điều kiện sống có khó khăn. Từ những gói mì ăn chóng vánh cho đến những chậu nước ngâm chân, ống kính của Vương Bính len lỏi trong khu ký túc xá chật hẹp, kém vệ sinh, dõi theo những cuộc hẹn hò, đi đến các bữa tiệc sinh nhật đơn giản, mà những lao động chủ yếu là người từ vùng khác đến, kết thành bạn, tổ chức cho nhau.  

Một tuổi trẻ quá mệt mỏi để mộng mơ

Trước bàn khâu, những cô gái chàng trai nói về những giấc mơ đơn thuần, về tình yêu, những lời tán tỉnh, cũng như các cuộc cãi vã, xung đột. Những khát vọng khiêm tốn đến đau lòng : cố làm thêm vài chiếc, kiếm thêm một chút, có tiền thì mới lấy được vợ, nuôi con, hay giấc mơ mở một xưởng may nhỏ. Dường như ở thành phố chủ yếu là lao động nhập cư, chẳng ai dám có ước mơ xa hơn, vượt qua những khu nhà xám xịt, rêu mốc, như trường hợp của một cô thợ may trẻ, đến làm ở quán net sau giờ làm việc, kiệt sức đến ngủ gật, có lẽ quá mệt mỏi để mộng mơ.  

Áp lực kinh tế bao trùm lên cuộc sống của các nhân vật, nhưng họ không phải là những người chịu chấp nhận số phận, mà phản kháng, đấu tranh cho quyền lợi của mình. Phần lớn bộ phim dành cho cuộc đàm phán tăng lương, tăng phúc lợi giữa giới chủ và các lao động tại những công xưởng khác nhau. Các công nhân thương lượng, đưa ra chiến lược để kiếm thêm vài đồng cho các sản phẩm mà họ làm ra, bị ép giá từ 5 đến 12 nhân dân tệ cho mỗi chiếc. Một cảnh có lẽ khiến người xem ấn tượng ngay mở đầu phim, đó là khi một nữ công nhân trẻ lỡ mang thai, bị ông chủ ngăn cản đi phá thai vì cô phải hoàn thành chỉ tiêu công việc trước : “Nếu cô nghỉ một tuần thì lấy ai làm việc ?”   

Không có bất cứ bình luận, phán xét nào, phim tài liệu của Vương Bính nhường lời cho những lao động nói về cuộc sống của họ : “Không đổ mồ hôi, thì không có tiền, làm càng nhanh thì kiếm càng nhiều”. Không có nhiều hình ảnh đẹp, máy quay rung lắc đi sau các nhân vật, như hòa vào nhịp điệu cuộc sống của họ, không tươi sáng, cũng không kịch tính hóa câu chuyện đó.  

Đây không phải là lần đầu tiên Vương Bính cho ra mắt một phim tài liệu về giới lao động. Trong cuộc họp báo tại Liên hoan Cannes hôm 18/05 vừa qua, ông nhận định: “Trong các bộ phim của mình, tôi thường đề cập đến chủ đề này theo những cách khác nhau. Theo tôi, có một điều trong xã hội khiến tôi quan tâm, đó là lúc mà sự cân bằng bị mất đi, những điều bất công xảy đến và trong thế giới lao động, khi đột nhiên sự bất công bị đan xen vào công việc, đó là lúc mà tôi đáng sợ. Tôi nghĩ rằng chẳng ai muốn trở thành một công cụ cho bất cứ ai, nhưng thực tế là nhiều người vô tình trở thành công cụ cho người khác”.  

Khi quay tại nhiều xưởng may khác nhau, phim tài liệu “Thanh xuân” không thể không tránh khỏi những cảnh trùng lặp. Tại một số rạp tại Cannes, một số người đã không thể nhẫn nại xem đến cùng, rời khỏi phòng chiếu trước khi phim kết thúc.  

“Thanh xuân” là một trong hai phim tài liệu của Vương Bính được trình chiếu tại Cannes năm nay. Phim thứ hai, “Man in Black”, được giới thiệu trong suất chiếu đặc biệt kể về câu chuyện của nhà soạn nhạc Trung Quốc 86 tuổi Wang Xilin, sống tị nạn ở nước ngoài với nỗi ám ảnh về quá khứ. Bộ phim lột tả một người đàn ông mà cả thể xác và tâm hồn bị nhấn chìm trong bóng đen đau thương của quá khứ. Người nghệ sĩ, đã từng bị ngược đãi, giam cầm, phải trải qua các cuộc tra tấn tàn khốc trong cuộc Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, nêu lại những sự kiện khủng khiếp, ám ảnh cả cuộc đời ông, là nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử Trung Hoa.  

Sinh năm 1967, tại Thiên Tân, Trung Quốc, Vương Bính bắt đầu dấn thân vào điện ảnh từ đầu những năm 2000, tập trung chủ yếu vào thể loại phim tài liệu và thường có độ dài không khiêm tốn. Ông đã giành được giải Khinh Khí Cầu Vàng qua phim “Ba chị em tỉnh Vân Nam” tại Liên hoan phim Ba Lục Địa vào năm 2012. Gần dây nhất phim “Mrs Fang” của ông đã giành được giải Con Báo Vàng (Léopard d’or) tại Liên hoan phim Locarno. 

Vẫn về chủ đề tuổi trẻ, “The Breaking Ice », một bộ phim Trung Quốc khác được giới thiệu tại Liên hoan Cannes trong hạng mục Nhãn Quan Độc Đáo, do đạo diễn Anthony Chen thực hiện. Nếu như tuổi thanh xuân trong phim tài liệu của Vương Bính là những năm tháng kiệt quệ bên những chiếc máy khâu cùng mối lo cơm áo gạo tiền, thì tuổi thanh xuân mà đạo diễn Anthony Chen khai thác lại lạc lõng, mất phương hướng, khắc khoải đi tìm mục đích sống. Từ cuộc gặp tình cờ của 3 nhân vật chính vào mùa đông lạnh giá tại Diên Cát (Yanji), thành phố phía bắc Trung Quốc, giáp ranh với Bắc Triều Tiên và Nga, một tình yêu chớm nở và sợi dây phức tạp gắn kết 3 con người cô đơn, ba thế giới, ba nỗi buồn sâu thẳm, không ai chia sẻ với ai.   

Tuổi trẻ của họ, với những bí mật cùng những nỗi đau riêng, như bị mắc kẹt trong những phiến băng lạnh giá, như chờ đợi ánh nắng mặt trời để tan vào dòng nước không phương hướng. Những đêm say xỉn, những trò thách đố dại dột, chẳng ai biết tương lai sẽ đến đâu, ý nghĩa cuộc sống là gì, mỗi nhân vật khi đối diện với bản thân dường như đều có ý định kết thúc sinh mệnh.  

Trả lời RFI về bộ phim, đạo diễn Anthony Chen cho biết làm một bộ phim về tuổi trẻ là một thử thách mà ông tự tạo ra cho bản thân. Ông nói : “Tôi đã đọc rất nhiều các bài báo về giới trẻ ở Trung Quốc, đó là một thế hệ lạc lõng, trong trạng thái khủng hoảng tìm kiếm chỗ đứng riêng trong thế giới này, tôi đã bị ám ảnh ảnh về điều đó. Bộ phim mà tôi làm là 3 người trẻ, xa lạ, đến từ 3 nơi khác nhau, chỉ trong vài ngày họ đã tạo dựng một mối quan hệ, nhưng đó là kiểu quan hệ chóng vánh chỉ kết thúc trong vài ngày và họ phải quay trở lại với cuộc sống của họ. Tôi muốn quay bộ phim về tuổi trẻ này vào mùa đông, bởi vì khi đông đến, người ta thường nghĩ đến tuyết nhưng tôi lại nghĩ đến băng, tôi nghĩ đến cảm giác khi nước đông thành băng nhanh chóng khi được đặt vào tủ đông chỉ vài giờ, nhưng chỉ cần ta cho chút nắng, hay tăng nhiệt độ thì viên băng đó lại tan chảy thành nước. Tôi thấy rất ấn tượng với điều này, có vẻ nó hơi trừu tượng, nhưng tôi muốn dùng ý tưởng này để mô tả mối quan hệ đó.” 

Anthony Chen là người gốc Hoa, sinh tại Singapore, nhưng hiện đang sinh sống tại Anh Quốc. Cách nay đúng 10 năm, ông đã đoạt giải “Ống kính vàng” với bộ phim Ilo Ilo (2013). “The Breaking Ice », là bộ phim đầu tiên mà ông thực hiện tại Hoa Lục. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.