Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tìm hiểu tục đón Giao thừa, Năm mới ở một số nước

Đăng ngày:

Không quét nhà, đổ rác vào ngày Tết vì “lộc” đầu năm sẽ bị đổ ra ngoài, không làm bể chén bát, ly tách để tránh đổ vỡ, kiêng cho lửa, nước vào ngày Tết vì như vậy sẽ cho đi sự may mắn của bản thân, kiêng cho mượn tiền đầu năm vì giống như đang đưa hết gia tài, tài lộc vào tay người khác hoặc kiêng cãi nhau vào ngày Tết…

Người dân Iran mua hoa chuẩn bị đón Năm Mới.
Người dân Iran mua hoa chuẩn bị đón Năm Mới. AP - Vahid Salemi
Quảng cáo

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, rất nhiều “kiêng kị” được người Việt hết sức chú ý để Năm mới thuận lợi, phát tài phát lộc. Nhưng không chỉ Việt Nam, rất nhiều nước trên thế giới có những truyền thống, phong tục và “kiêng kị” rất giống với người Việt.

Lợi thế của Đài phát thanh Quốc tế Pháp - RFI, nơi có đến 15 ban ngoại ngữ, là không cần phải đi quá xa để tìm hiểu, một số đồng nghiệp của RFI Tiếng Việt chia sẻ về những phong tục của họ.

Mừng tuổi, chúc Tết ông bà, người cao tuổi

Có lẽ văn hóa, truyền thống đón Năm Mới của xứ Ba Tư trước đây có nhiều điểm tương đồng với Tết nguyên đán ở Việt Nam và Trung Quốc nhất. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn Iran và Afghanistan (và một vài vùng ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp tục truyền thống Ba Tư và đón Năm Mới theo lịch riêng, rất đặc biệt, và có thể kéo dài từ 13 đến 40 ngày, theo giải thích của nhà báo Khojesta Ebrahimi, Ban Ba Tư :

“Ngày bước sang Năm Mới theo truyền thống Ba Tư dao động trong hai ngày 20 hoặc 21/03 hàng năm. Tại sao lại là hai ngày này mà không phải là một ngày cố định ? Đó là do phải tính theo Xuân phân. Hiện tượng này không xảy ra theo một giờ hoặc một ngày cụ thể và thay đổi hàng năm. Cho nên ngày và giờ chính xác của Năm Mới cũng thay đổi hàng năm, có thể là ngày 20 hoặc 21/03, có thể là buổi sáng hoặc buổi tối. Dĩ nhiên, chúng tôi biết được trước (như lịch âm) và biết khi nào sẽ chuyển sang năm mới. Trong tiếng Iran, Năm Mới được gọi là “Norus” hoặc “Nauruz” - “No” - “Nau” có nghĩa là “mới”, “rus” - “ruz” có nghĩa là “ngày” : Một ngày mới đã đến. Vì thế chúng tôi đón cả Xuân sang và Năm Mới”.

Người dân Iran và Afghanistan mua quần áo mới để mặc dịp Năm mới, chuẩn bị rất nhiều món ăn truyền thống và có rất nhiều điểm tương đồng với phong tục ở Việt Nam.

“Vào thời khắc sắp chuyển sang năm mới, mọi người trong nhà tập trung quanh bàn lễ “Haftsin” ở trên bầy những đồ vật tượng trưng cho thuần khiết, cho mùa xuân, cuộc sống, có nghĩa là chỉ những đồ mang ý nghĩa tích cực. Ví dụ một loại cây nào đó để mang lại mầu xanh của mùa xuân, vài đồng tiền lẻ tượng trưng cho thịnh vượng. Ngoài ra còn có truyền thống đọc thơ, chúng tôi có một nhà thơ rất nổi tiếng nên chúng tôi cũng đặt một tập thơ của ông trên bàn. Những đồ vật đó thay đổi tùy mỗi vùng, ví dụ ở một số vùng ở Afghanistan, người ta không đặt đồ vật mà là một vài món ăn, trong đó có quả khô, dành riêng cho ngày đầu năm”.

Thức ăn chính trong dịp Năm mới của Iran và Afghanistan là cơm, luôn ăn kèm với rau và một món khác là cá, có thể nói là “món ăn không thể thiếu đối với người theo truyền thống Ba Tư”.

“Cả gia đình quây quần. Khi sang thời khắc Năm mới, tất cả chúc mừng Năm mới và mừng tuổi cho trẻ con. Còn người lớn không có quà. Thực ra, món quà mà tôi thấy đẹp nhất, ý nghĩa nhất cho người lớn, là ngay ngày đầu tiên của năm, người ta đi chúc tết ông bà, người cao tuổi trong gia đình, sau đó là họ hàng. Dĩ nhiên mỗi lần tới thăm ai, họ được tiếp đón nồng hậu với tất cả đồ ăn được dành cho dịp đó, cùng với bánh trái…

Truyền thống này kết thúc vào ngày thứ 13 Năm mới. Người dân mang cây được đặt trên bàn lễ “Haftsin”, thường là cây đậu lăng được gieo mầm, để thả theo dòng nước. Nhưng ở một số vùng khác, như tại Mazar-i-Sharif ở Afghanistan, lễ có thể kéo dài đến 40 ngày vì thời điểm đó hoa tulip đỏ nở rộ trong một thung lũng. Họ gọi đó là “Lễ hội tulip”. Người ta đến thung lũng đó để kết thúc dịp đầu Năm mới và tiếp tục cuộc sống bình thường”.

Norouz en Afghanistan
Norouz en Afghanistan © RFI persan

“Xông đất”, tặng muối, uống rượu chứa tro cầu nguyện

Scotland có truyền thống “xông đất” (first footing) khá giống Việt Nam. Nếu người Việt chọn người xông đất có tuổi phù hợp với chủ nhà và con vật đại diện năm đó và tránh “tứ hành xung”, người Scotland lại chọn một người đàn ông cao to, tóc nâu mang theo nhiều mẩu than, bánh quy, muối, một bánh cake truyền thống và rượu whisky. Hiện giờ, truyền thống trở nên đơn giản hơn. Đến trước nửa đêm, khách mời được chọn sẽ ra khỏi nhà, chờ đến đúng nửa đêm gõ cửa vào chúc mừng Năm mới. Người Hy Lạp đi lễ cùng gia đình, sau đó họ treo một củ hành tây trước cửa hoặc trong nhà để hy vọng có sức khỏe, giầu sang và sống lâu. Người Tây Ban Nha ăn 12 hạt nho theo nhịp 12 tiếng chuông lúc nửa đêm.

Đối với người dân Nga, Năm mới là ngày lễ quan trọng nhất trong năm và tất cả cùng chuẩn bị. Nhà báo Strelkov Denis của Ban tiếng Nga giải thích :

“Năm mới là ngày lễ chính ở Nga. Mọi người được nghỉ và chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng của năm, bắt nguồn từ truyền thống Liên Xô. Đối với chúng tôi, Năm Mới thay cho Giáng sinh theo Chính thống giáo bởi vì dưới thời Liên Xô, dù không bị cấm nhưng đón Giáng sinh là điều gì đó không được hoan nghênh”.

Năm mới cũng trùng với kỳ nghỉ lớn, từ ngày 30/12 đến ngày 12 hoặc 14/01 năm sau và là dịp để người dân nghỉ ngơi.

“Thường thì ngày 31/12, cả gia đình cùng xem những bộ phim thời Liên Xô, được chiếu lại hàng năm vào dịp này, ví dụ phim hài The Irony of Fate (Ирония судьбы, 1976) được xem nhiều nhất nhưng cũng có nhiều bộ phim hài khác. Đến thời khắc giao thừa, người Nga có truyền thống đốt mẩu giấy nhỏ ghi lại những lời cầu nguyện hoặc những gì mình không muốn. Trong lúc chuông của điện Kremlin đổ 12 tiếng, họ đốt mẩu giấy đó, đổ tro vào cốc rượu champagne Nga và phải uống hết cốc rượu đó. Nếu làm trong vòng 12 tiếng chuông nối hai năm, họ tin là điều ước sẽ thành hiện thực. Sau đó là màn bắn pháo hoa trên bầu trời các thành phố lớn của Nga.

Người Nga còn tin là Năm mới sẽ giống như cách họ đón giao thừa và Năm mới như thế nào nên mọi người thường tập trung với gia đình hoặc bạn bè bên bàn ăn. Và nếu hạnh phúc trong bên giao thừa thì cả năm cũng sẽ hạnh phúc. Vì thế, người Nga chi rất nhiều cho thời điểm đó và mua rất nhiều quà. Những ngày sau đó là để nghỉ ngơi, lấy lại sức”.

Nhảy sóng cầu nguyện

Năm Mới ở Nhật được chào đón với 108 tiếng chuông chùa theo truyền thống Joya no Kane, tương đương với 108 cám dỗ trần thế. Mỗi cám dỗ sẽ bị loại trừ bằng một tiếng chuông. Người Philippines thì bỏ đầy tiền xu vào túi hoặc trải lên bàn để mong sung túc và nhất là phải mặc đồ chấm bi. Ngược lại, người Brazil lại mặc đồ trắng để đón Năm mới. De-Freitas Adriana, Ban Brazil, giải thích phong tục này :

“Truyền thống mặc đồ trắng vào đêm Năm mới được du nhập vào Brazil từ giai đoạn nô lệ châu Phi bởi vì mầu trắng sẽ mang lại hạnh phúc, tình yêu và niềm vui. Truyền thống này đến từ tôn giáo “Candomblé”, trong đó Iemanjá là Orixá - nữ thần nước gốc châu Phi. Không chỉ mặc trang phục mầu trắng, hoa lễ được thả xuống nước cũng phải là hoa trắng.

Mọi người cũng mặc nhiều mầu khác vì mục đích khác nhau, tùy theo ý nghĩa biểu tượng của mỗi mầu. Ví dụ, mầu vàng là để có thêm tiền trong khi mầu hồng và đỏ liên quan đến tình yêu. Mầu xanh lá biểu tượng cho hy vọng và xanh dương là sự hài hòa. Người ta không bao giờ mặc mầu đen trong dịp Năm mới”.

Người Brazil cũng khá mê tín, không ăn những con vật đi lùi khi chuẩn bị bước sang Năm mới, có nghĩa là bàn tiệc sẽ không có cua hay thịt gà. Họ thường uống rượu champagne, ăn quả lựu, hạt óc chó và đậu lăng để được hạnh phúc, sung túc suốt năm.

“Phong tục ăn đậu lăng được người nhập cư Ý du nhập vào Brazil. Người ta tin rằng đậu lăng có hình giống với các đồng tiền nhỏ nên sẽ mang lại tiền bạc và thịnh vượng. Dù có món ăn gì trên bàn đi chăng nữa thì tất cả khách mời đều ăn đậu lăng trước. Đến giao thừa, họ trèo lên chỗ cao nhất (lên bàn, lên ghế hoặc thang) và đưa dĩa vào miệng 7 lần, rồi lại ngồi vào thưởng thức bữa ăn sau lúc giao thừa.

Còn truyền thống được theo nhiều nhất, đó là nhảy qua 7 con sóng ở đại dương. Truyền thống này được người châu Phi du nhập vào Brazil để xin nữ thần biển Iemanjá che chở và ban cho sức mạnh. Thần Iemanjá là một Orixá quan trọng trong tôn giáo Umbanda. Mỗi lần nhảy qua một con sóng, bạn phải ước một điều hoặc tỏ lòng biết ơn về điều gì đó tốt đẹp đã xảy ra, để được tiếp thêm sức mạnh từ thần Iemanjá nhằm đạt được các mục tiêu”.

Ở Pêru, ngày 31/12, mỗi nhà làm một hình nộm, cho mặc quần áo cũ, đến nửa đêm mang ra đốt trước nhà để đốt năm vừa trôi qua. Quần áo được mặc đêm giao thừa mang một mầu thể hiện ước muốn của họ : mầu vàng để có tiền, mầu đỏ cho tình yêu. Nếu họ muốn được đi du lịch, họ ra khỏi nhà nửa đêm mang theo một chiếc vali và đi vòng quanh vài ngôi nhà. Người Bỉ đặt một đồng tiền xu dưới đĩa món choucroute để rủng rỉnh cả năm.

Dù phong tục khác nhau nhưng tất cả mọi người đều mong một năm mới may mắn, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.