Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Cải cách nông nghiệp : Ấn Độ tiến thoái lưỡng nan

Đăng ngày:

« Những người nông dân nổi giận », đó không phải là tựa đề một bộ phim mà là thực tế Ấn Độ đang trải qua. Từ ba tháng nay hàng trăm ngàn nông dân Ấn Độ liên tục chiếm đóng các ngả vào thủ đô New Delhi đòi chính phủ rút lại ba đạo luật cởi trói cho thị trường nông nghiệp giảm thiểu các biện pháp can thiệp của Nhà nước. 

Nông dân Ấn Độ phong tỏa trục đường cao tốc giáp ranh bang Delhi và Uttah để phản đối luật mới về nông nghiệp do New Delhi áp đặt. Ảnh chụp ngày 08/01/2021.
Nông dân Ấn Độ phong tỏa trục đường cao tốc giáp ranh bang Delhi và Uttah để phản đối luật mới về nông nghiệp do New Delhi áp đặt. Ảnh chụp ngày 08/01/2021. © AP Photo / Altaf Qadri
Quảng cáo

« Khế ước » nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia Nam Á này giữa 800 triệu nông dân với chính quyền trung ương có nguy cơ bị tan vỡ.

Làn sóng những « người nông dân nổi giận » Ấn Độ đòi hỏi những gì ? Vì sao chính sách cải cách nông nghiệp của thủ tướng Modi lại đẩy Ấn Độ vào một cuộc khủng hoảng « vô tiền khoán hậu » hiện tại ? Quốc gia Nam Á này liệu có những sự lựa chọn nào khác để thoát khỏi bế tắc ? Tạp chí của RFI lần lượt tìm cách trả lời những câu hỏi trên.

Lương thực, vũ khí bảo vệ an ninh nội địa

Giới nghiên cứu về Ấn Độ thường nói : quân đội bảo đảm an ninh cho đất nước trước những mối đe dọa ngoại xâm, còn đội ngũ nông dân Ấn Độ là chủ lực bảo đảm an ninh nội địa nhờ lúa đầy đồng nuôi sống gần 1,4 tỷ miệng ăn.

Ấn Độ có diện tích trồng trọt lớn thứ nhì trên thế giới, 58 % dân số trên toàn quốc, tức khoảng 800 triệu người, sống nhờ canh nông, tạo ra đến 16 % GDP. Đành rằng vẫn còn gần 190 triệu dân trong cảnh thiếu dinh dưỡng, nhưng từ những thập niên 1960 Ấn Độ đã từng bước vươn lên thành một trong những nguồn sản xuất và xuất khẩu nông phẩm của thế giới trên một số thị trường. Phép lạ đó có được nhờ chính sách trợ giá rất đắc lực New Delhi từng bước xây dựng. Trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế giảng dậy tại đại học thành phố Reims, Thierry Pouch trước hết nói qua về chính sách trợ cấp nông nghiệp của Ấn Độ :

« Trong chính sách trợ cấp nông nghiệp của Ấn Độ, chính quyền can thiệp dưới nhiều hình thức : đó có thể là những khoản trợ cấp giúp cho nông gia mua phân bón, giúp họ trang trải phí tổn điện nước, giúp dẫn thủy nhập điền. Ngoài ra, Nhà nước mua vào một số nông phẩm với cái giá tối thiểu, nhằm bảo đảm một mức thu nhập nhất định nào đó cho nông dân. Thêm vào đó gần hai phần ba dân số Ấn Độ được hưởng các chương trình trợ cấp lương thực. Đây là những khoản chi tiêu rất tốn kém. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ này mà trong một số mặt hàng, như lúa mì và nhất là gạo, Ấn Độ đã vươn lên vị trí nhất nhì trên thế giới. Gạo của Ấn Độ hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với gạo của Thái Lan hay của Việt Nam. Ấn Độ là nguồn sản xuất các loại đậu quan trọng nhất trên thế giới. Gần đây hơn, quốc gia Nam Á này bắt đầu trở thành một trong những đối tác của thế giới trên thị trường thịt bò, sữa và các sản phẩm làm từ sữa … Sau cùng ngoài lĩnh vực thực phẩm, Ấn Độ còn là một nguồn sản xuất bông vải lớn ».

Điều trớ trên ở đây là Ấn Độ đã trở thành một trong những nguồn cũng cấp lương thực, thực phẩm lớn nhất của thế giới thế nhưng 80 % nông dân xứ này lại sống dưới ngưỡng nghèo khó, 75 % trong số đó trong cảnh nợ nần đến nỗi từ thập niên 1990 đã có hơn 300.000 nông dân tự vẫn.

Vậy thì điều gì đã đẩy hàng chục ngàn rồi 100.000 và thậm chí là 200.000 nông dân Ấn Độ rời xa ruộng đồng từ cuối tháng 11/2020 để tập trung về thủ đô New Delhi ? Trên đài RFI giáo sư đại học Nice, Damien Bazin nói rõ hơn về thông điệp mà hàng trăm ngàn nông dân đang gửi tới thủ tướng Modi trong đợt chiếm đóng New Delhi từ cuối tháng 11/2020 :  

« Nông dân không muốn mắc nợ. Đó là điều cốt lõi. Họ đòi thủ tướng Narendra Modi giữ lời hứa : hồi 2014 khi lên cầm quyền ông từng cam kết đến năm 2022 thu nhập bình quân của nông dân Ấn Độ sẽ được nhân lên gấp đôi. Hiện tại Ấn Độ còn lâu mới đạt được mục tiêu này. Một đòi hỏi khác đó là chính phủ phải mua nông phẩm với giá cao hơn hiện tại. Thế rồi nông dân cũng muốn chính quyền New Delhi đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để nông gia có nước tưới ruộng đồng. Đây là một thách thức lớn đối với Ấn Độ vì từ 2017 các nguồn nước ngọt đang cạn dần ».

Nông dân tẩy chay luật chơi của thị trường

Tháng 9/2020 Quốc Hội thông ba ba bộ luật mới thu hẹp vai trò chỉ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp : bộ luật thứ nhất cho phép nông dân « tự do » tìm các nguồn tiêu thụ mà không nhất thiết phải đi qua trung gian của những khu chợ được gọi là « mandis » do Nhà nước quản lý. Tại những khu chợ « quốc doanh » này, giá gạo, lúa mì và một số mặt hàng thiết yếu nhất không tuân theo luật cung cầu. Giá cả do Nhà nước ấn định.

Bộ luật thứ nhì cởi trói cho nông dân bằng cách khuyến khích họ « tự tìm ra đồng thuận về giá cả » với người mua. Đạo luật thứ ba thu hẹp danh sách những « sản phẩm thiết yếu » mà giá cả do Nhà nước ấn định. Phong trào chiếm đóng New Delhi kéo dài từ nhiều tháng của của một phần nông dân Ấn Độ cho thấy giới trong ngành không mấy tán đồng các biện pháp cải tổ chính quyền của thủ tướng Modi đề xuất.

Nông gia Ấn Độ lo sợ điều gì ? Nhà xã hội học Joël Cabalion đại học Tours và giáo sư Delphine Thivet đại học Bordeaux trong bài viết đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng 1/2021 cho rằng cả ba bộ luật vừa nêu cùng nhằm « từng bước khai tử chính sách nông nghiệp và lương thực mà các chính quyền liên tiếp tại New Delhi đã dày công xây dựng từ thập niên 1960-1970 ». Điều mà nông dân Ấn Độ lo ngại hơn cả là sẽ bị các thương gia, những tay môi giới trung gian, những đại tập đoàn chế biến lương thực thực phẩm, hay các dây chuyền phân phối ép giá. Từ Puducherry, nhà nghiên cứu Frédéric Landry nêu lên hai thách thức khác đang đặt ra cho ngành nông nghiệp Ấn Độ :

« Vấn đề thứ nhất trực tiếp liên quan đến vế kinh tế. Như vừa nói chính sách hỗ trợ nông nghiệp của New Delhi không chỉ giới hạn ở những biện pháp như là trợ cấp cho nông dân mua phân bón hóa học … mà chính phủ còn bảo đảm là mua vào một số nông phẩm với cái giá tối thiểu. Vấn đề đặt ra là cái giá tối thiểu đó thấp hơn nhiều so với trên thị trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là nếu nông phẩm của Ấn Độ được xuất khẩu, thì chính phủ làm giàu nhờ sức lao động của nông dân. Chính sách mang tiếng là ‘trợ giá’ cho nông dân thực ra là một hình thức ‘đánh thuế nông gia’.  

Vấn đề thứ nhì liên quan đến diện tích trồng trọt của giới nông dân : ở Pháp, trung bình nhà nông có 60 hecta đất canh tác. Ở Ấn Độ diện tích đó là 1 hecta. Nhưng không phải ai cũng có đất, không phải ai cũng làm chủ được mảnh đất của mình. Hầu hết đại đa số nông dân Ấn Độ là những người đi làm công. 80 % dân cư ở các vùng nông thôn là nông dân. Trung bình trên toàn quốc có khoảng từ 120 đến 140 triệu nông trại và con số này không hề thuyên giảm với năm tháng ».

Năng suất lao động, một bài toán đau đầu

Câu hỏi kế tiếp là liệu rằng Ấn Độ có thể tiếp tục với mô hình nông nghiệp như hiện tại hay không ? Giới nghiên cứu đồng thanh cho rằng, câu trả lời là không. Thierry Pouch phân tích :

« Phải làm gì với những nông trại với những diện tích càng lúc càng bị thu nhỏ ? Ấn Độ cần làm những gì để bảo đảm đồi sống độc lập cho các nông gia ? Độc lập ở đây có nghĩa là họ không phải dựa vào những tổ hợp thu mua, không bị lệ thuộc vào các tập đoàn chế biến lương thực thực phẩm... Với một lực lượng còn quá đông trong ngành, với chính sách nông nghiệp quá tốn kém, chắc chắn là New Delhi phải tổ chức lại toàn bộ ngành nông nghiệp nhất là để Ấn Độ tiếp tục là một nhà sản xuất và một nguồn xuất khẩu nông phẩm có thể đứng vững trên thị trường quốc tế. Nhưng cải tổ theo hướng nào ? Theo tôi tất cả khúc mắc nằm ở chỗ : làm thế nào để tăng thêm diện tích đất canh tác cho các nông gia, làm thế nào để nông dân làm chủ được mảnh đất của chính mình chứ không chỉ là những người làm thuê cho những ông chủ nợ. Tại Ấn Độ những nhà chủ nợ thường là những tay môi giới đã bỏ tiền ra cho nông dân vay mượn để mua phân bón hóa học ».

Để tài trợ cho chính sách nông nghiệp nói trên hàng năm New Delhi phải huy động 32 tỷ đô la, theo thẩm định của chủ tịch Phòng Nông Nghiệp Ấn Độ. Vấn đề nằm ở chỗ khoản chi tiêu tốn kém nói trên liệu có giúp cho quốc gia này tiếp tục giữ vai trò đầu tầu trên thị trường nông nghiệp thế giới hay không ? Cũng trên đài RFI chuyên gia Thierry Pouch đại học Reims ghi nhận :

« Ấn Độ có tham vọng ngày càng đóng một vai trò then chốt trên trường quốc tế. Lĩnh vực nông nghiệp bắt buộc quốc gia này phải huy động vừa nhiều vốn, vừa nhiều nguồn lao động mà lại không cho phép thu về bao nhiêu ». Nói cách khác New Delhi không thể « tiếp tục đi theo con đường cũ ». Có điều công cuộc cải tố theo hướng thủ tướng Modi đang tiến hành tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn kiểm soát ngành nông nghiệp của Ấn Độ một cách rộng rãi hơn.

Điều khiến công luận khó chấp nhận chính sách cải tổ đó là các biện pháp này được đưa ra vào lúc kinh tế Ấn Độ lao đao dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong lúc mà một số doanh nhân giàu có nhất tại quốc gia nam Á này lại càng giàu thêm. Hai nhà tỷ phú Mukesh Ambani và Gautam Adani vốn là hai mối thâm giao với thủ tướng Modi đang là mục tiêu làn sóng những nông gia nổi giận nhắm tới : cả hai đang cùng bị nghi ngờ là những « con cá mập đang chờ thời cơ để chia nhau thị trường nông phẩm Ấn Độ, chiếm đoạt đất đai của nông dân và áp đặt chính sách giá cả trên thị trường » như ghi nhận của một đại diện công đoàn các nông dân Ấn Độ trên báo Les Echos.

Thêm một sự vụng về khác từ phía chính quyền Modi được báo Les Echos chú ý đó là New Delhi đã đơn phương tiến hành cải tổ mà không tham khảo các nghiệp đoàn đại diện cho nông dân hay với chính quyền địa phương tại các bang. Cuối cùng để trả lời câu hỏi vậy thì New Delhi có những lựa chọn nào để thoát khỏi thế lưỡng nan hiện tại, chuyên gia về kinh tế Ấn Độ Jean Drèze trên tạp chí kinh tế The Economic Times, cho rằng khó có thể tránh khỏi kịch bản chính sách cải cách nông nghiệp Ấn Độ tạo lợi thế cho các đại tập đoàn công nghiệp thực phẩm. Nhìn từ phía đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ thì giải pháp nằm ở chỗ « cải cách thể thức vận hành của các thị trường mandis được đặt dưới sự quản lý của nhà nước » theo hướng « chính phủ phài đầu tư nhiều hơn nhằm nâng cao năng suất lao động và hiện đại hóa guồng máy nông nghiệp ». Có điều như ghi nhận của nhà chính trị học Rahul Verma trung tâm nghiên cứu Centre for Policy Research trụ sở tại New Delhi được báo La Croix trích dẫn, phong trào phản kháng của các nông gia Ấn Độ lần này là cuộc « kháng cự nghiêm trọng nhất trong thập kỷ này ». Nông dân lại là thành phần cử tri trung thành với thủ tướng Modi cho nên « một chút sơ hở cũng có thể làm đảo lộn tình thế » và không ai dám nói trước điều gì sẽ xảy ra nếu như nông dân trên cả nước nhập cuộc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.