Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghệ cao, rào cản Trung Quốc qua mặt nước Mỹ ?

Đăng ngày:

Tăng trưởng chậm, mức sống của người dân Trung Quốc sa sút, nguy cơ những ông vua địa ốc vỡ nợ làm rung chuyển các sàn chứng khoán Hồng Kông hay Thượng Hải, dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán hai năm trước đây vẫn rập rình bùng lên trở lại : Những khó khăn đó liệu có đe dọa kế hoạch Made In China 2025, dùng công nghệ cao để thay thế Hoa Kỳ áp đặt luật chơi với thế giới ?  

Đến năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu một nửa số robot công nghiệp được bán trong nước là do các công ty Trung Quốc sản xuất, tăng từ 27% hiện tại lên 70% vào năm 2025.
Đến năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu một nửa số robot công nghiệp được bán trong nước là do các công ty Trung Quốc sản xuất, tăng từ 27% hiện tại lên 70% vào năm 2025. AFP/File
Quảng cáo

Đúng 20 năm trước, Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất địa cầu, trong ngót nửa thế kỷ, Trung Quốc trở thành mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ nhờ những thành công liên tiếp trong chiến lược phát triển công nghiệp, kinh tế, mậu dịch…

Không chỉ hài lòng là công xưởng của thế giới, Trung Quốc đã từng bước trở thành chủ nợ của toàn cầu, kể cả của nước Mỹ. Từ 2015 Bắc Kinh phát triển một vũ khí mới là công nghệ cao để soán ngôi Hoa Kỳ. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành một ngọn hải đăng trong rất nhiều lĩnh vực từ công nghệ thông tin thế hệ mới đến công cụ sản xuất công nghiệp tiến bộ nhất, từ công nghệ hàng không vũ trụ đến sinh  học, dược phẩm… Tham vọng đó nẩy sinh từ việc Bắc Kinh ý thức được rằng tăng trưởng bắt đầu bão hòa, và để giữ được vai trò đầu tàu, Trung Quốc « cần phải bảo đảm khả năng cạnh tranh trong thời đại công nghiệp mới ».

Một sự chậm trễ tai hại

Phát biểu nhân Đại Hội Đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017 ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến những mục tiêu « đẩy mạnh tiến trình đưa internet, dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo vào các hoạt động kinh tế » nhằm « đưa các ngành công nghiệp Trung Quốc lên đến tầm trung và cao cấp của chuỗi trị giá toàn cầu (..) đẳng cấp thế giới ». Có điều, trong chiến lược đó, Bắc Kinh đã để ngỏ một lỗ hổng lớn. Mathieu Duchâtel giám đốc khoa châu Á Viện Nghiên Cứu Montaigne- Paris giải thích trên đài RFI tiếng Pháp :

Mathieu Duchâtel : « Kế hoạch Made In China 2025 dự trù ba năm nữa Trung Quốc tự chủ đến 70 % về nhu cầu tiêu thụ linh kiện bán dẫn. Với đà này, vào ngưỡng 2025 Trung Quốc mới chỉ có thể bảo đảm được chưa đầy 15 % nhu cầu của thị trường quốc gia cho dù Nhà nước đầu tư ồ ạt và đã có những định hướng rất rõ ràng để phát triển lĩnh vực này. Trung Quốc phải đối mặt với hiện tượng thiếu hụt linh kiện bán dẫn và đây là một nhược điểm của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Đương nhiên Mỹ khai thác điểm yếu đó của Trung Quốc để kềm hãm đà tiến của đối thủ. Dù vậy công nghệ bán dẫn là một thị trường rộng lớn và ngay trong lĩnh vực này Trung Quốc cũng đã nổi trội trên một vài điểm, tôi muốn nói đến trí thông minh nhân tạo chẳng hạn. Tựu chung Trung Quốc đang ấp ủ những tham vọng rất lớn nhưng đồng thời vẫn là một ông khổng lồ với nhiều nhược điểm mà những nhược điểm đó có thể bị các đối thủ khai thác trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng về mặt địa chính trị ».

Đối với giáo sư Juliette Genevaz, đại học Lyon 3, sáng kiến được chủ tịch Trung Quốc đề xuất năm 2015 trước hết nhằm phát triển mạng lưới công nghiệp nội địa để giữ thế cạnh tranh. 

Juliette Genevaz  : « Chiến lược được hình thành năm 2015 mang tên Made In China 2025 nhắm tới mục tiêu hội nhập kinh tế toàn cầu và trong sự hội nhập đó, Trung Quốc phải nắm lấy vai trò chủ đạo. Tuy nhiên trước tiên đây cũng là một kế hoạch công nghiệp hóa đất nước. Thuần túy về mặt công nghệ, Trung Quốc đang đứng trước một khúc quanh quan trọng. Cho đến nay công nghệ số chủ yếu phục vụ cho các cá nhân. Người Trung Quốc dùng điện thoại thông minh với nhiều ứng dụng. Trên phương diện này họ đi trước cả dân cư ở nhiều nước phương Tây. Giờ đây thị trường phục vụ cho tư nhân đã bị bão hòa cho nên chiến lược số hóa của Trung Quốc hướng tới khu vực sản xuất công nghiệp. Trung Quốc đã và còn tiếp tục trở thành một nguồn cung cấp bình điện cho xe hơi trên thị trường nội địa và của thế giới. Đây là một lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn mà Trung Quốc đã làm chủ và rõ ràng, Made In China 2025 là một kế hoạch phát triển công nghiệp cho cả một quốc gia và điều đó còn quan trọng hơn cả ưu tiên về địa chính trị, mặc dù là hai vế này có thể đi chung với nhau như hai mặt của cùng một đồng tiền ».

Công nghệ bán dẫn : tử huyệt của Trung Quốc

Giám đốc chương trình nghiên cứu về châu Á Viện Montaigne, Mathieu Duchâtel, đi xa hơn khi cho rằng, công nghệ bán dẫn hiện nay là một trong những « tử huyệt » của Trung Quốc mà các đối thủ của ông khổng lồ châu Á này không ngần ngại khai thác để cản đường một đối thủ đáng gờm :

Mathieu Duchâtel : « Quả thực là ngành sản xuất linh kiện bán dẫn Trung Quốc lệ thuộc vào các tập đoàn lớn của nước ngoài như là Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là của Mỹ. Điều đó lại càng đúng hơn đối với các loại chip trong các bộ nhớ. Dù vậy Trung Quốc cũng có những tập đoàn lớn ở cấp quốc gia và Bắc Kinh thực sự có tham vọng trở thành một trong những tên tuổi lớn trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực này. Trở ngại lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là vẫn chưa làm chủ được công nghệ chip điện tử thuộc thế hệ tiên tiến nhất. Trung bình Trung Quốc cần 5 năm mới có thể bắt kịp Hoa Kỳ để sản xuất chíp cỡ từ 5 đến 7 nano : đó là những linh kiện cao cấp mà Trung Quốc chưa với tới. Sự chậm trễ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nền công nghiệp chế tạo vũ khí của Trung Quốc, ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ và khoảng cách giữa Bắc Kinh với Washington đang ngày một lớn ».

Mathieu Duchâtel phân tích thêm về những công cụ của Mỹ để giữ khoảng cách, đẩy Trung Quốc lại xa phía sau :

Mathieu Duchâtel : « Chính sách của Mỹ là đi trước Trung Quốc từ hai đến ba thế hệ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và đương nhiên là Hoa Kỳ áp đặt điều kiện đó với các nhà cung cấp chip điện tử như Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản. Washington sẽ dùng nguyên tắc ngoài lãnh thổ để áp đặt điều kiện với các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn cho Hoa Kỳ. TSMC đã và vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2021 nhưng chỉ là để sản xuất bọ điện tử thông dụng. Năm 2019 đã có lúc công ty Đài Loan này định cung cấp riêng cho Hoa Vi một gam sản phẩm riêng, và như vậy vừa là nhà cung cấp của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Thế nhưng dưới áp lực của Washington, TSMC đã từ bỏ kế hoạch đầy tham vọng đó, ngừng giao du với Hoa Vi để tập trung vào thị trường Mỹ, ưu tiên cho một vài khách hàng như Apple. Sự thật là Hoa Kỳ có nhiều đòn bẩy để gây áp lực kể cả với các tập đoàn Hàn Quốc ».

Nhược điểm xuất phát từ bên trong còn nguy hiểm hơn những đòn của Mỹ

Tuy nhiên Trung Quốc đã chứng minh về khả năng đuổi kịp các nước công nghiệp tiên tiến nhất trong một thời gian ngắn kỷ lục, cho nên, trở ngại lớn nhất đe dọa tham vọng nổi lên như một cột trụ công nghệ mới của thế giới ngay từ 2025 xuất phát từ « bên trong » : đó là yếu tố dân số, về trình độ đào tạo nhân sự... Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel giải thích :

Mathieu Duchâtel : « Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn Trung Quốc thẩm định đang cần từ hai trăm đến ba trăm ngàn kỹ sư giỏi và có tay nghề cao để thực hiện kế hoạch Made In China 2025. Đây là một nhu cầu vô cùng to lớn và đang làm lộ rõ cùng lúc hai vấn đề. Thứ nhất là về chất lượng các chương trình giảng dậy và nghiên cứu của Trung Quốc : Đành là Bắc Kinh đầu tư nhiều vào các khâu nghiên cứu và phát triển nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Điều thứ hai là từ khi Mỹ, Nhật, châu Âu ngưng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, ngừng các chương trình trao đổi nghiên cứu và giảng dậy… Trung Quốc bị hụt hơi và điều này bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, kể cả trong ngành công nghiệp quốc phòng bởi vì, như đã biết, công nghệ cao phục vụ cả ngành công nghiệp dân sự lẫn quân sự ». 

Bước vào năm 2022, một cột mốc quan trọng trong lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc và đối với sự nghiệp cá nhân của ông Tập Cận Bình trước tham vọng lãnh đạo đất nước mãn đời, Bắc Kinh phải đối mặt với những thách thức mới. Thứ nhất là những vết hằn khủng hoảng y tế Covid-19 chưa tới hồi kết đè nặng lên đà tăng trưởng của Trung Quốc. Hiếm khi nào Bắc Kinh không thông báo mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

Sau quý 1/2021 với các chỉ số cho thấy kinh tế phục hồi ngoài mong đợi (GDP tăng hơn 18 % so với cùng thời kỳ năm 2020) nhưng rồi, trong sáu tháng cuối năm 2021 tăng trưởng đã rơi xuống còn chưa đầy 5 %. Thu nhập của một phần lớn nhân công Trung Quốc sụt giảm trong lúc lạm phát tăng cao. Tháng 11/2021 thủ tướng Lý Khắc Cường báo động « một số những áp lực mới đè năng lên kinh tế Trung Quốc khiến chính phủ phải ban hành một số quyết định thích hợp để truy tri công việc làm cho nhân viên tại các công ty vừa và nhỏ ». Nói cách khác, Bắc Kinh chuẩn bị đối phó với một làn sóng thất nghiệp có nguy cơ bùng lên trong năm nay. 

Họa vô đơn chí, nhưng Trung Quốc không là một ngoại lệ : các nhà máy tại công xưởng sản xuất của thế giới này hoạt động chậm hơn mong đợi. Một trong những lý do chính là thiếu năng lượng. Tình trạng này có nguy cơ kéo dài sau khi nhà cung cấp Indonesia vừa tuyên bố tạm ngưng xuất khẩu than đá sang Trung Quốc. Giá xăng dầu, khoáng sản, lương thực thực phẩm trên thế giới tăng cao… Cơ quan môi giới chứng khoán Northeast Securities trụ sở tại New York dự phóng các phí tổn sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên trong năm nay, tăng trưởng chựng lại một cách lâu dài.

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đã trở thành mọt trong những đầu tàu kinh tế của thế giới. Do vậy Bắc Kinh ho thì thế giới bị cảm lạnh và không ai quên rằng, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Nếu gặp khó khăn, liệu Bắc Kinh có thể tiếp tục mua vào công trái phiếu của Hoa Kỳ nữa hay không ? Nghịch lý ở đây là Trung Quốc và Mỹ là những đối thủ cạnh tranh từ về kinh tế đến thương mại, công nghệ và cả chiến lược, quân sự…  nhưng không chắc cỗ máy kinh tế của Trung Quốc bị đóng băng sẽ là một tin vui đối với Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.