Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Trung Quốc đánh mất phép lạ kinh tế

Đăng ngày:

GDP tăng hơn 8 % trong năm 2021: đó là năm cuối cùng Trung Quốc đạt thành tích vượt bậc ? Chiến lược « Zero Covid » và virus corona là dấu chấm hết, khép lại chu kỳ tăng trường thần kỳ suốt bốn thập niên, từ cuộc cải cách thời Đặng Tiểu Bình ?

Thượng Hải, đường phố vắng người để chống dịch : biểu tượng của chiến dịch Zero Covid của Trung Quốc.
Thượng Hải, đường phố vắng người để chống dịch : biểu tượng của chiến dịch Zero Covid của Trung Quốc. REUTERS - Aly Song
Quảng cáo

Cho đến tận những tuần lễ cuối 2021 Bắc Kinh đã rất tự tin với tăng trưởng 8 % trong năm. Đó là dấu hiệu virus corona dường như không tác động đến nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Thành tích đó vượt ngoài mong đợi. Đại dịch đang hoành hành, Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, thặng dư mậu dịch tăng 60 % so với hồi 2020 và đạt gần 680 tỷ đô la, hơn một nửa số tiền thu về đó nhờ giao thương với Hoa Kỳ.  

Vào lúc thế giới vẫn lao đao vì đại dịch xuất phát từ Vũ Hán cuối 2019, Bắc Kinh tự mãn với chiến lược « Zero Covid », phong tỏa chặt chẽ ngay khi phát hiện một vài bệnh nhân. Sau hai năm chung sống với dịch, Trung Quốc tiếp tục đóng chặt cửa với phần còn lại của thế giới.

Trên đỉnh cao quyền lực, chủ tịch Tập Cận Bình hài lòng với các dự phóng Trung Quốc soán ngôi Hoa Kỳ trở thành siêu cường số 1 thế giới trước 2030. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc bề ngoài.

Trong dự báo đầu tiên của năm 2022 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới cùng hạ dự báo tăng trưởng của toàn cầu, Trung Quốc không là một ngoại lệ. Tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng « bị chựng lại » thậm chí rơi xuống còn 4,8 % cho cả năm 2022 sau khi đã đạt thành tích 8,1 % trong năm 2021 theo IMF. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giải thích nguyên nhân : khủng hoảng dịch tễ kéo dài, biến thể Omicron và chính sách « Zero Covid » của Bắc Kinh bắt đầu làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế.

Dân và kinh tế mệt mỏi

Trả lời đài RFI Việt ngữ, giáo sư kinh tế Mary - Françoise Renard, đại học Clermont Auvergne, tác giả cuốn  La Chine dans l’économie mondiale – Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới - nhà xuất bản Presse Universitaire Blaise Pascal vừa ra mắt độc giả tháng 9/2021 ghi nhận các biện pháp chống dịch quyết liệt của Bắc Kinh tuy hiệu quả về mặt y tế -căn cứ vào các số liệu chính thức, nhưng về mặt xã hội và kinh tế thì Trung Quốc đang phải « trả giá đắt » :  

Mary - Françoise Renard : « Trung Quốc áp dụng chính sách zero Covid và phải nhìn nhận rằng cho đến hiện tại, chính sách đó cho phép kềm tỏa dịch bệnh tương đối tốt. Nhưng về mặt xã hội, chủ trương đó bắt Trung Quốc phải trả giá đắt. Các biện pháp phòng chống dịch rất khắt khe và các đợt phong tỏa chặt chẽ ngay khi mới phát hiện một vài ca bị nhiễm Covid- hay bị nghi là dương tính, khiến người dân mệt mỏi. Một số chờ đợi chính phủ sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch sau Thế Vận Hội. Nhưng với những biến thể mới của virus, rồi thuốc vac-xin Trung Quốc lại không mấy hiệu quả, không chắc Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp chống dịch. Do vậy chính quyền lại càng phải theo dõi sát tình hình, cảnh giác, tránh để công luận tức nước vỡ bờ ».

Còn trên phương diện kinh tế, một số hoạt động bắt đầu bị chựng lại, giáo sư Renard giải thích tiếp :

Mary - Françoise Renard : « Một số lĩnh vực đã bị chựng lại, chủ yếu là trong ngành cung cấp dịch vụ, nhà hàng hay trong ngành giải trí. Tại Trung Quốc, đấy là những lĩnh vực vốn rất năng động, nhưng đã bị virus corona tấn cho một đòn mạnh. Ngoài ra, Covid-19 làm lộ rõ những nhược điểm của hệ thống y tế nước này, đó là một hệ thống hoàn toàn không có khả năng đối phó với một đợt dịch ở quy mô toàn quốc. Thế rồi dịch Covid-19 cũng đã cho thấy rõ những khác biệt về mức độ phát triển giữa các tỉnh thành ở Trung Quốc, cách biệt giàu nghèo càng rõ hơn và người nghèo bị thiệt hại trước hết. Chỉ số tiêu thụ tại Trung Quốc chưa phục hồi, sức mua sắm của người dân không được như mong đợi. Kèm theo đó là câu hỏi về chuỗi giá trị toàn cầu khi mà môt số nhà máy của Trung Quốc phải đóng cửa tất nhiên có một một sự chậm trễ trong việc giao hàng. Thực tình mà nói trước mắt chúng tôi không có cảm tưởng là tác động đang quá lớn, bởi vì phần lớn các khách hàng của Trung Quốc từ ít lâu nay, đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung ứng, tránh để phụ thuộc qua nhiều vào một nhà sản xuất, vào một quốc gia, chứ không chỉ riêng gì đối với Trung Quốc ».

Lo âu lớn trong nội bộ 

Chủ trì một cuộc họp hồi tháng 12/2021 chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra kết luận Trung Quốc phải đối mặt với 3 khó khăn cùng lúc : « mức tiêu thụ sụt giảm, sản xuất bị sa sút, mức độ yếu kém đó của khu vực sản xuất nghiêm trọng hơn dự báo ».  Trong cùng tháng, Ngân Hàng Trung Ương can thiệp đến hai lần để « tiếp sức » cho các hoạt động kinh tế.

Vài ngày sau đó (hôm 05/01/2022) thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ « điêu đứng vì đại dịch ». Thông báo được đưa ra vào lúc số các doanh nghiệp mới khai trương giảm sụt mạnh. Cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) công khai đặt câu hỏi tại sao các thống kê chính thức « luôn mau mắn thông báo về con số các công ty mới mở nhưng ngược lại chẳng bao giờ đề cập đến những hãng bị phá sản ? Tại sao lại phải che giấu thông tin đó ? ».

Trung tuần tháng 1/2022, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Lưu Quế Bình (Liu Guiping), được báo Les Echos trích dẫn đi sâu hơn vào chi tiết. Ông đã liệt kê ra một loạt những thách thức chờ đợi Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Trong đó bao gồm : hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài di dời cơ sở sản xuất khỏi Hoa lục vì những lý do kinh tế hay chính trị. Khó khăn thứ nhì là Trung Quốc bắt đầu thiếu linh kiện bán dẫn. Mối đe dọa thứ ba vẫn là virus corona với những tác động khó lường đối với cả kinh tế toàn cầu lẫn bản thân Trung Quốc. Yếu tố thứ tư là lạm phát. Nguy cơ thứ năm theo thẩm định của lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương là Âu -Mỹ bắt đầu siết lại chính sách tiền tệ và hậu quả kèm theo là vốn nước ngoài rời khỏi Hoa Lục. Về phía các doanh nhân nước ngoài, nếu như nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk vẫn trông thấy Trung Quốc là thị trường màu mỡ với hãng xe Tesla của ông, thì bên cạnh đó không ít các doanh nhân Pháp, châu Âu và Mỹ cũng như từ châu Á, « ngại » đầu tư vào Trung Quốc.

Hai năm kể từ khi virus corona hoành hành, nhiều danh nhân vẫn chưa thể quay lại Hoa Lục, một số khác chán nản khi thấy nhà nước Trung Quốc gia tăng kiểm soát các hoạt động kinh tế tư nhân. Một số khác nữa thấy trước hiện tượng ngành mua bán bất động sản Trung Quốc, tương đương với 25 % GDP nước này, « đổ dàn » kéo theo một tai họa.  

Nhâm Dần năm chẳng lành ?

Trong bối cảnh đó theo chuyên gia kinh tế Pháp, giáo sư Mary-Françoise Renard đại học Clermont Auvergne, Trung Quốc không thực sự an tâm bước vào năm Nhâm Dần : 

Mary-Françoise Renard : « Trước mắt, thách thức đầu tiên là Thế Vận Hội lần này diễn ra trong những điều kiện tốt nhất. Cố gắng tránh để số ca nhiễm Covid bùng phát khi Olympic Bắc Kinh bế mạc. Trung Quốc cần đưa ra hình ảnh tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế và nhất là với công luận trong nước. Về lâu về dài, thách thức đối với Trung Quốc là đạt được mục tiêu « thịnh vượng chung » mà ông Tập Cận Bình đã đề ra. Để đạt được mục tiêu đó, cần có tăng trưởng để giảm thiểu những bất bình đẳng trong xã hội. Trung Quốc đương nhiên có những nhược điểm như đã biết, chẳng hạn như về mặt dân số. Hiện tại những bất bình đẳng đó đã quá lớn và chúng xuất phát từ chính sách kinh tế của nước này từ trước tới nay. Ông Tập đang tìm cách giảm thiểu tác động bất cập đó hiềm nỗi, Trung Quốc không thực sự có các biện pháp mang tính xã hội. Cùng lúc Bắc Kinh muốn đẩy mạnh công nghệ, nâng cấp mô hình kinh tế, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một số công ty nước ngoài. Nói cách khác, Trung Quốc đang theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc và đôi khi những mục tiêu đó mâu thuẫn với nhau. »

Thông tín viên báo Le Monde Frédéric Lemaitre ghi nhận quan điểm của cựu bộ trưởng Tài Chính Lâu Kế Vĩ, hay của phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Lưu Quế Bình có lẽ không « thuận tai » chủ tịch Tập Cận Bình. Điều đó để lộ một số « căng thẳng » trong guồng máy quyền lực ở Bắc Kinh vào lúc mà lãnh đạo Trung Quốc chuẩn bị điều hành đất nước ít nhất là thêm một nhiệm kỳ thứ ba. 

Mary-Françoise Renard : « Bình thường ra thì chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được ủy nhiệm thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Do vậy điều tối quan trọng đối với Bắc Kinh là phải chứng minh được rằng, dưới sự dẫn dắt của ông Tập, Đảng và Nhà nước đã chọn đúng hướng đi, đã đưa ra những quyết định tốt nhất cho dân chúng, cả về mặt kinh tế, lẫn về y tế. Bắc Kinh cần chứng minh rằng mô hình Trung Quốc là giải pháp tốt nhất cho phép cải thiện mọi mặt trong đời sống của người dân. Ngoài ra ông Tập Cận Bình cũng cần bịt miệng những tiếng nói chống đối, để có thể tiếp tục rảnh tay điều hành đất nước theo ý mình. Cuộc chiến chống Covid-19 là một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược đó của ông Tập Cận Bình. Chẳng vậy mà tới nay Bắc Kinh một mực tìm cách giải thích virus từ nước ngoài thâm nhập vào Trung Quốc, ngay cả những ca nhiễm mới hiện nay cũng do người từ « bên ngoài » đem vào Hoa lục. Có nhiều khả năng lập luận đó sẽ tiếp tục được áp dụng để phủi trách nhiệm cho ông Tập Cận Bình ».         

Ở thời điểm này, ông Tập Cận Bình luôn là người có tiếng nói sau cùng. Ngoài ra, giới quan sat tuy nêu bật những yếu kém của mô hình tăng trưởng Trung Quốc nhưng không quên rằng, đến nay, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần bất ngờ trước khả năng thích nghi với tình huống của Bắc Kinh. Nước đông dân nhất địa cầu cũng đã chứng minh với công luận về khẳ năng đảo ngược thế cờ.

Có điều một số nhà phân tích theo dõi lâu năm thời sự Trung Quốc lưu ý trong các tài liệu chính thức, cụm từ « kinh tế tăng trưởng ổn định » mà càng được nhắc tới nhiều chừng nào thì đó càng là dấu hiệu cho thấy, tình hình sôi sục ở bên trong ». Trong báo cáo gần đây nhất kết thúc một khóa họp về tình hình kinh tế nước nhà chữ, cụm từ đó được nhắc đi nhắc lại đến 25 lần. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.