Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Trung Quốc đã vận dụng hết những đòn bẩy kinh tế ?

Đăng ngày:

Hai trong số ba đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc đã bị « hỏng ». Gần đến Đại Hội Đảng, những đám mây đen bao phủ lên kinh tế Trung Quốc càng lúc càng nhiều. Bắc Kinh có phép lạ nào để đảo ngược tình thế ? Theo giáo sư Jean - François Huchet, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO của Pháp, một trong những chìa khóa chính là sức mua của hơn một tỷ dân.

Dân cư Thượng Hải Trung Quốc  mệt mỏi với các đợt xét nghiệm Covid-19 triền miên. Ảnh ngày 06/07/2022.
Dân cư Thượng Hải Trung Quốc mệt mỏi với các đợt xét nghiệm Covid-19 triền miên. Ảnh ngày 06/07/2022. AP - Chen Si
Quảng cáo

Ngày 15/06/2022 Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo tăng trưởng trong quý 1/2022 cao hơn mong đợi. Kèm theo đó là một loạt những con số minh họa cho điều này : xuất khẩu thực sự phục hồi cho dù nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp phải đóng cửa trong nhiều tuần lễ hay cảng Thượng Hải bị ách tắc vì hơn một tháng phong tỏa nghiêm ngặt. Chưa đầy ba tuần sau, thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo « kinh tế khởi sắc trở lại » nhưng « nền tảng của đà phục hồi đó còn mong manh ».

Cũng trong tháng 6/2022 chính phủ ban hành hơn 30 biện pháp « mạnh » hỗ trợ kinh tế. Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 07/07/2022 tiết lộ, trong quý 2 này, bộ Tài Chính Trung Quốc chuẩn bị bơm thêm hơn 220 tỷ đô la dưới dạng công trái phiếu. Số tiền đó sẽ được dùng vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ « một nền kinh tế đang bị hụt hơi ».

Bất luận tình hình ra sao, « trước Đại Hội Đảng, kinh tế phải tươi sáng »

Hình ảnh nhà hàng nổi Hồng Kông Jumbo chìm ở Biển Đông hôm 19/06/2022 được một số người sử dụng internet coi là điềm gở báo trước một nền kinh tế khổng lồ như của Trung Quốc cũng có thể bị « nhận chìm ». Vụ việc diễn ra vào lúc kinh tế Hồng Kông và nhiều thành phố lớn tại Hoa lục lao đao vì những đợt phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt liên tục được ban hành.

Bắc Kinh nhìn nhận, Omicron « tấn một đòn mạnh hơn » vào tăng trưởng so với hồi đầu 2020 khi dịch bệnh mới bùng phát từ Vũ Hán.  

Chuyên gia Larry Hu thuộc quỹ đầu tư Úc Macquarie cho rằng, ngay cả mục tiêu tăng trưởng 5,5 % rất khiêm tốn đề ra cũng đang « ngoài tầm với ». Một nhóm chuyên gia được AFP và Reuters tham khảo dự báo, trong trường hợp khả quan nhất, GDP Trung Quốc năm nay tăng từ 4,3 đến 4,4 %. Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ, « nặng tay hơn » với dự phóng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 chỉ đạt 3,7 %.

Từ tháng 3/2022 biến thể Omicron thách thức Bắc Kinh và chủ trương Zero Covid. Gần như cùng lúc, từ Thẩm Quyết đến Thượng Hải, các nhà máy, văn phòng phải đóng cửa. Hàng trăm triệu dân tại những vùng có sức mua cao nhất, chỉ « tiêu thụ một cách cầm chừng » như cơ quan từ vấn IHS Markit ghi nhận. Trong tháng 3/2022 chỉ số tiêu thụ tại Trung Quốc giảm 3,5 % so với cùng thời kỳ năm ngoái và đã tiếp tục giảm đi thêm 11 % rồi 6,7 % vào tháng 4 và tháng 5/2022.

Bốn tháng trước Đại Hội Đảng, lãnh đạo Trung Quốc đang phải chạy đua với thời gian, để khởi động lại cỗ máy kinh tế. Ông Vương Đan (Dan Wang), kinh tế gia thuộc ngân hàng Hằng Sinh (Hang Seng Bank) tại Thượng Hải,  dự báo « tăng trưởng chắc chắn phải tăng vọt trong quý hai bởi không thể chấp nhận những thông tin xấu vào thời điểm diễn ra Đại Hội Đảng ».

Trả lời đài RFI tiếng Việt giáo sư Jean - François Huchet, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương INALCO cho rằng Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm và những trồi sụt bất thường sẽ liên tục diễn ra ngày nào virus corona còn hoành hành dưới những biến thể khác nhau và Bắc Kinh còn áp dụng chính sách bài trừ triệt để dịch Covid.  

Jean –François Huchet : « Chúng ta thấy rõ là chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tìm một hướng đi mới để  hạn chế những tác động về kinh tế bắt nguồn từ các đợt phong tỏa chống dịch. Nhưng ít có khả năng về lâu dài Bắc Kinh từ bỏ chủ trương Zero Covid và như vậy kinh tế Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn ».

Julian Evans Pritchard, thuộc cơ quan tư vấn Capital Economics của Anh được báo la Tribune (số ra ngày 18/04/2022) trích dẫn đánh giá : « Có khả năng Trung Quốc thẩm định không đúng mức tác động của các đợt phong tỏa đè nặng lên kinh tế » và Trung Quốc theo ông, « không có sức kháng cự mạnh mẽ » như thông điệp mà Bắc Kinh cố gắng đưa ra qua hàng loạt các thống kê chính thức.  

Thất nghiệp, hậu quả ngay trước mắt

Le Monde trong ấn bản ngày 04/07/2022 lưu ý độc giả : chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong độ tuổi dưới 25 lại cao như hiện tại. Hơn 18 % không có việc làm. Mỗi năm có thêm khoảng 11 triệu thanh niên Trung Quốc gia nhập thị trường lao động. Chính quyền thêm đau đầu trước thách thức giải quyết thất nghiệp trong bối cảnh mà thị trường địa ốc đang lún sâu vào khủng hoảng : lĩnh vực vốn đem lại đến 1/4 tăng trưởng cho cả nước, trong tháng 6/2022 đã trông thấy các dịch vụ mua bán giảm đi mất gần 60 % so với một năm trước đây.

Một cửa ngõ khác đưa thanh niên Trung Quốc vào thị trường lao động là thế giới tin học, công nghệ cao, các dịch vụ internet cũng đang dần dần bị khép lại : Alibaba thông báo kế hoạch sa thải 15 % nhân sự, và như vậy 39.000 nhân viên sẽ mất việc làm. Tencent chuẩn bị cho từ 10 đến 15 % nhân viên nghỉ việc. Chính sách kiểm duyệt về nội dung các chương trình giáo dục của Bắc Kinh khiến 84 % các trường dậy thêm trực tuyến phải đóng cửa. Trường tư nổi tiếng nhất New Oriental vừa sa thải 60.000 thầy cô giáo.

Trong bối cảnh đó những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc mới ban hành hồi cuối tháng 6/2022 không chắc đủ sức đem lại tăng trưởng cho nước đông dân nhất địa cầu. Giáo sư Huchet, Viện INALCO phân tích :

Jean –François  Huchet : « Từ lâu nay người ta đã xác định được những thách thức về mặt cơ cấu. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng trưởng không còn cao như trong giai đoạn kinh tế nước này cất cánh. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự chựng lại này : Một là yếu tố về dân số, lực lượng lao động không còn năng động như trước nữa. Thứ hai là năng suất giảm so với ở những thập niên 1980-1990-2000. Bắc Kinh ý thức được nhược điểm nay nên đã đầu tư nhiều vào các công nghệ mới nhưng năng suất của Trung Quốc vẫn không mạnh bằng hồi 20-30 năm trước đây. Thêm vào đó, các cơ sở hạ tầng, địa ốc đang bị bão hòa. Trung Quốc không còn cần xây dựng nhiều và với nhịp độ chóng mặt như trong quá khứ nữa. Nói cách khác Bắc Kinh không còn có thể trông cậy vào tất cả những gì đã tạo nên phép lạ kinh tế Trung Quốc. Thêm vào đó là những vấn đề mang tính nhất thời, như dịch Covid-19, hay chiến tranh Ukraina đẩy giá năng lượng, nguyên liệu lên cao. Những khó khăn của Trung Quốc thêm chồng chất ».

Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của Viện Montaigne, Paris, chuyên gia về Trung Quốc François Godement không phủ nhận khắc phục hậu quả Covid-19, đối mặt với những khó khăn do khủng hoảnchiến tranh Ukraina đã khó, nhưng những yếu tố đó không nguy hại bằng những « lỗ hổng xuất phát từ nội tình kinh tế của Trung Quốc gây ra ». Những lỗ hổng đó gồm yếu tố dân số, mức thu về lợi nhuận rất thấp của mỗi một đồng tiền vốn bỏ ra, là « núi lửa » địa ốc đang phun trào, là mức nợ chồng chất ở cấp địa phương và những món nợ khổng lồ đó hiện tại do các ngân hàng Nhà nước gánh chịu.

Jean –François Huchet : « Trung Quốc không mang nợ nước ngoài. Nợ của Trung Quốc chủ yếu do Nhà nước kiểm soát. Thành thử Bắc Kinh không lo mất khả năng thanh toán như Sri Lanka hay nhiều nước châu Phi ».

Nhưng khả năng tài chính của Trung Quốc cũng có giới hạn :

Jean –François Huchet : « Trung Quốc có những phương tiện tài chính dồi dào, lại ít mang nợ nước ngoài. Trung Quốc có một khối dự trữ ngoại tệ bằng đô la rất, rất lớn. Thâm hụt ngân sách thì lại không đáng kể - mà có đi chăng nữa, thì khoản bội chi đó sẽ do các ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm. Bất kỳ lúc nào Đảng và Nhà nước muốn ban hành một gói hỗ trợ kinh tế cũng được cả. Song, tôi nghĩ các gói kích cầu lần này không được quy mô như hồi 2009 để khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bởi thứ nhất, Bắc Kinh đến nay vẫn chưa thanh toán xong gói kích cầu của đợt đó, và thứ nữa, như đã nói, thị trường địa ốc và ngành xây dựng đã đến lúc bão hòa. Thành thử lần này chính phủ cần tập trung khuyến khích tiêu thụ. Tiêu thụ nội địa giảm mạnh do các đợt phong tỏa liên tiếp. Đây mới là ưu tiên cần phải quan tâm ».

Vậy phải chăng « hai trong số ba đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc đã bị hỏng » như cố vấn về châu Á của viện nghiên cứu Montaigne, François Godement đã ghi nhận trong bài viết mang tựa đề « China’s chang of Economic Model : Not so Fast ! » ? Theo ông, đành rằng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn hoạt động rất tốt (tăng 16 % trong tháng 5/2022) và Trung Quốc vẫn trong thế xuất siêu (+ 78 triệu đô la trong một tháng) với phần còn lại của thế giới, nhưng hai đầu máy khác là đầu tư và nhất là tiêu thụ đang thực sự « lung lay ».

Đầu tư vào hạ tầng cơ sở thì Trung Quốc bước vào giai đoạn « bão hòa ». Thị trường Trung Quốc kém hấp dẫn trong mắt các nhà tư bản quốc tế. Nhìn đến tiềm năng tiêu thụ của nước đông dân nhất địa cầu lo ngại lại càng lớn hơn.

Trong bối cảnh kinh tế bấp bênh đó Bắc Kinh liệu có thực sự an tâm để chuẩn bị Đại Hội Đảng vào tháng 11 tới đây hay không ? Nhất là khi một vài công cụ từng tạo nên phép lạ kinh tế của Trung Quốc không còn « sắc bén » như xưa. Nhưng giới quan sát cho rằng cũng sẽ là một sai lầm nếu kỳ vọng ông Tập Cận Bình sẽ thay đổi mô hình phát triển của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.