Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bị thu hẹp trong ASEAN ?

Đăng ngày:

Năm 2022 đánh dấu sự thụt lùi của kinh tế Trung Quốc ? Là đối tác thương mại và đầu tư chính của nhiều nước Đông Nam Á, Bắc Kinh đang bước vào chu kỳ mới mà ở đó xuất khẩu hụt hơi, GDP được dự báo chỉ tăng thêm từ 2 đến 3 % trong một thời gian dài với nhiều khó khăn ở trước mặt. Đây là cơ hội hay điềm gở đối với các nền kinh tế trong khu vực ?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị các ngoại trưởng Đông Á ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 05/08/2022.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị các ngoại trưởng Đông Á ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 05/08/2022. AP - Heng Sinith
Quảng cáo

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới WB trong báo cáo hồi tháng 10/2022 cùng nhận định : Trung Quốc không còn là động cơ tăng trưởng của châu Á. Vai trò đó giờ đây đã được chuyển sang cho ASEAN và Ấn Độ.

Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới Việt Nam Philippines và Malaysia là ba nền kinh tế năng động nhất trong khối ASEAN : GDP dự trù tăng hơn 6 % trong năm nay ; Indonesia và Cam Bốt là 5 %. Kém hơn hẳn các nước vừa nêu, Thái Lan, Lào và Miến Điện cũng sẽ trông thấy tổng sản phẩm nội địa tăng 3 % trong năm 2022. Trong khi đó tại Trung Quốc, GDP chỉ tăng thêm 2,8 %.

Thời cơ cho ASEAN

Trung Quốc vốn là đầu tàu tăng trưởng của châu Á, nếu không muốn nói là của toàn thế giới, đắm chìm trong cái vòng luẩn quẩn của các đợt phong tỏa triền miên trên khắp mọi miền đất nước để chống dịch từ 2020 tới nay. Kinh tế Mỹ rối loạn vì giá xăng dầu tăng cao. Châu Âu đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa cỗ máy sản xuất của cả khối.

Trong bối cảnh ảm đạm đó, ASEAN có thể tự hào về những thành quả kinh tế đang có được. Hơn thế nữa tác động từ đợt phong tỏa 2020 và 2021 chống Covid gần như không để lại tì vết cho các nền kinh tế Đông Nam Á, kể cả Miến Điện.

Với tỷ lệ dân số được chích ngừa cao, cùng với các biện pháp kềm chế đà lây lan áp dụng đúng lúc và « đúng liều » cỗ máy sản xuất của ASEAN đã nhanh chóng khởi động trở lại. Tiêu thụ nội địa chóng khởi sắc nhờ khả năng thích nghi uyển chuyển rất đặc thù kiểu của châu Á.

Hai quốc gia xuất khẩu năng lượng tại Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia đặc biệt hưởng lợi nhờ giá dầu hỏa tăng cao. GDP của Việt Nam trong năm 2022 dự trù tăng 7,2 %, Philippines cũng hiếm khi nào vượt thành tích 6,5 %. Đến như trường hợp của Miến Điện bị quốc tế trừng phạt từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 mà GDP cũng được dự báo tăng thêm 3 % trong năm nay. Thái Lan, nơi một phần lớn thu nhập có được nhờ vào du lịch, sau hai năm điêu đứng, doanh thu của ngành du lịch Thái Lan đã tìm lại được 40 % so với thời tiền Covid.

Khác với nhiều nước phương Tây nơi lạm phát trên dưới 10 % gặm nhấm mãi lực của người dân, thì Indonesia vẫn giữ được lạm phát dưới ngưỡng 5 %. Malaysia và Việt Nam cũng đã « có những biện pháp khá hiệu quả » trong lĩnh vực này.

Thêm một bất ngờ khác, là trái với nhiều đơn vị tiền tệ khác như euro của châu Âu hay yen Nhật Bản, đô la Đài Loan, đồng won Hàn Quốc, các đồng tiền của ASEAN không bị sụt giá mạnh so với đô la Mỹ.

Trả lời RFI tiếng Việt nhà báo Pierre-Antoine Donnet nguyên tổng biên tập hãng tin Pháp AFP nói đến cơ hội để ASEAN « độc lập » hơn với kinh tế Trung Quốc :

Pierre-Antoine Donnet : « Lần đầu tiên từ rất lâu nay, tỷ lệ tăng trưởng của các quốc gia trong Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN- và không chỉ có khối này, hơn hẳn so với Trung Quốc. Sự thay đổi đó mang lại nhiều hệ quả. Trước hết, điều này chứng tỏ Trung Quốc không còn lài một cường quốc kinh tế như trước đây và kế tới là ASEAN cảm thấy bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh : một làn gió độc lập nào đó về phương diện kinh tế đang thổi tới ASEAN ».

Trung Quốc "ho", ASEAN "cảm lạnh"

Pierre- Antoine Donnet thường xuyên cộng tác với báo mạng chuyên về châu Á, Asialyst, vừa cho ra mắt một cuốn sách tập hợp các nghiên cứu về Trung Quốc mang tên : Le Dossier chinois. Portrait d’un pays au bord de l’abîme, NXB Le Cherche Midi. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của ASEAN, vừa là nhà đầu tư lớn nhất đối với nhiều quốc gia trong số 10 thành viên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á : Trung Quốc nắm giữ 50 % nợ của Lào, là nhà đầu tư số 1 tại Cam Bốt, là điểm tựa của chính quyền Hun Sen vào lúc Phnom Penh chuẩn bị khai mạc thượng đỉnh ASEAN 2022.

Do vậy khi mà kinh tế Trung Quốc gặp bão táp, tăng trưởng đang từ hơn 6 % rơi xuống còn khoảng 3 % ASEAN lo ngại không kém. Theo nhà báo Donnet, đã đến lúc ASEAN cần xét lại chiến lược về thương mại, kinh tế : giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc, vào các dự án đầu tư trong khuôn khổ chương trình Một Vành Đai Một Con Đường BRI hay còn được gọi là Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ 21. Điều này lại càng trở nên thúc bách hơn từ trước nguy cơ quyền lực tập trung tại Bắc Kinh đe dọa đến ổn định khu vực :

Pierre-Antoine Donnet : « Cùng lúc, hậu quả về trung và dài hạn là ASEAN phải tìm kiếm những đối tác khác để bổ sung vào chỗ trống của Trung Quốc. Rõ ràng có một sự sắp xếp mới đang hình thành. Ngoài yếu tố kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại gây lo ngại, thì, ASEAN hoang mang không kém về đường lối chính trị của Bắc Kinh. Sau Đại Hội XX đảng Cộng Sản Trung Quốc, chính sách của Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn, khi mà ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong mọi lĩnh vực, triệt hạ hết các tiếng nói đối lập, những đối thủ tiềm tàng. ASEAN tự hỏi đâu là những hậu quả từ một quyền lực tập trung  như vậy » 

Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada và cũng là một cây bút trên tạp chí Asialyst ghi nhận : « giờ đây gần như không còn một tiếng nói, một ý kiến nào khác (với đường lối của Tập Cận Bình) ở các định chế cao cấp nhất trong guồng máy Đảng. (…) Trung Quốc có khả năng càng trở nên hung hăng hơn nữa, hiếu chiến hơn nữa trên trường quốc tế ».

Pierre-Antoine Donnet ghi nhận: « Cảm tưởng đầu tiên là Trung Quốc tiếp tục áp dụng đường lối cứng rắn vì Tập Cận Bình muốn được bảo đảm ông là người cầm lái duy nhất, lãnh đạo đảng Cộng Sản, đứng đầu chính phủ và cũng là người nắm giữ mọi quyền lực trong Quân Ủy Trung Ương. Điểm thứ nhì là quyết tâm của ông Tập và những người thân cận đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quân đội với mục tiêu rõ ràng là đến một lúc nào đó Bắc Kinh sẽ tung đòn xâm chiếm Đài Loan. Liên quan đến nhiều nước Đông Nam Á, mọi người thấy rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Philippines, Indonesia, Brunei hay Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp ».

ASEAN phải làm gì ?

Trong bối cảnh ổn định tại châu Á có nguy cơ bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến thịnh vượng chung trong khu vực, làm xáo trộn các hoạt động thương mại, gây trở ngại cho chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất của nhiều quốc gia trong khu vực, mà ASEAN sẽ là những nạn nhân trực tiếp đầu tiên. Vậy cụ thể khối Đông Nam Á phải làm gì và có thể trông cậy vào những điểm tựa nào khác như Mỹ hay không ?

Pierre-Antoine Donnet : « Hơn bao giờ hết các quốc gia trong vùng sẽ phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đây là một sự lựa chọn rất khó và thậm chí là điều không tưởng đối với một số nước cộng sản như Việt Nam hay Lào. Ngoài ra một số thành viên trong ASEAN có lập trường thân Bắc Kinh, điển hình là Cam Bốt. Trung Quốc cũng đã có nhiều cơ sở tại Miến Điện ».

BRI con dao hai lưỡi

Báo Hồng Kông SCMP hồi tháng 2/2022 nhắc lại sáng kiến BRI được khởi động từ 2013 nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới bằng đường bộ, đường biển. ASEAN đã nhanh chóng hưởng ứng các đề xuất của Bắc Kinh trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21. Từ 9 năm qua, quan hệ giữa Hoa Lục với ASEAN được đánh giá là « ổn định » nhưng theo tham dò do Viện Đông Nam Á Singapore, ISEAS Yusof Ishak thực hiện, từ 2013 tới nay « mức độ tin cậy của ASEAN đối với Bắc Kinh liên tục sụt giảm » : khối này nghi ngờ Trung Quốc dùng BRI kiểm soát kinh tế trong khu vực. Vả lại nếu như các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng qua ngả BRI có thể là cơ hội giúp ASEAN phát triển thì đồng thời khối này cũng lệ thuộc nhiều hơn vào Hoa Lục vào vốn đầu tư Trung Quốc, vào các nhà thầu Trung Quốc…

Tính đến tháng 5/2022 Trung Quốc đã ký kết gần 200 thỏa thuận trong khuôn khổ BRI với 150 quốc gia, 32 định chế quốc tế, và khoảng 90 hiệp hội trong các chương trình hợp tác song phương. Tổng trị giá các dự án đầu tư Trung Quốc ở hải ngoại trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa trong giai đoạn 2013-2019 lên tới gần 100 tỷ đô la Mỹ,

Nhưng kèm theo đó là những tác động tai hại đối với môi trường, là hiện tượng dân cư địa phương bị trưng thu đất đai, là bẫy nợ Trung Quốc. SCMP nói tới « 700 sự cố vi phạm nhân quyền được ghi nhận trong khuôn khổ các dự án đầu tư của Trung Quốc ở hải ngoại và 1/3 trong số đó diễn ra tại các quốc gia Đông Nam Á ».

Với Pierre Antoine Donnet, sự hoài nghi của ASEAN đối với BRI là điều dễ hiểu : Đương nhiên là như vậy. Mọi người thấy rõ rằng vì Con Đường Tơ Lụa Mới – BRI, mà các quốc gia này gần như là bị Trung Quốc thống trị về mặt kinh tế. Nhưng không chỉ có thế. Một số nước không thể thanh toán nợ đáo hạn cho Bắc Kinh thậm chí phải chuyển nhượng quyền khai thác các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Trung Quốc trong một thời gian rất dài, qua đó mất luôn chủ quyền quốc gia. Thí dụ như là chuyển nhượng quyền quản lý các sân bay và hải cảng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Đó là những công trình xây dựng trong khuôn khổ dự án Con Đường Tờ Lụa mới hay còn gọi là Một Vành Đai, Một Con Đường. Cũng đừng quên rằng ngoài các mục tiêu kinh tế, BRI còn là một công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với tất cả các nước tham gia dự án kết nối Hoa Lục với thế giới ».

Vào lúc Hoa Kỳ cùng với Nhật Bản và Úc tung ra kế hoạch Blue Dot Network, còn Liên Hiệp Châu Âu thì có Global Gateway (300 tỷ đô la) để làm đối trọng với BRI của Trung Quốc, liệu rằng, đó có là những công cụ có thể giúp ASEAN bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh cả về kinh tế, lẫn chính trị và an ninh hay không ?

Pierre- Antoine Donnet giải thích, Liên Âu và nhất là Pháp ý thức được rằng không thể để cho Trung Quốc tiếp tục « một mình một chợ » ở châu Á, chi phối ASEAN về kinh tế và đầu tư. Đối với Mỹ, ASEAN hiện nguyên hình là một khối không đồng nhất.

Pierre-Antoine Donnet : « Trong trường hợp của Mỹ, một lần nữa đây là một sự lựa chọn ảnh hưởng lớn đến vận mệnh các nước trong khối ASEAN. Thí dụ Singapour càng lúc càng khẳng định sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực là hoàn toàn thiết yếu. Thái Lan cũng đã chọn lấy cho mình một hướng đi. Indonesia lâu nay vốn do dự nhưng đang tiếng về phía Washington. Philippines dưới thời tổng thống trước, Rodrigo Duterte từng có lập trường thân Trung Quốc, nhưng dưới thời tổng thống đương nhiệm, thì ông Marcos Jr. thân Hoa Kỳ ra mặt ».      

Đành rằng triển vọng kinh tế Trung Quốc trong ngắn và trung hạn không mấy tươi sáng, thêm vào đó là lo sợ Bắc Kinh quá tự tin vào sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngoại giao để khuynh đảo tình hình khu vực, mạnh tay chèn ép thêm Đông Nam Á, đẩy mạnh các công trình quân sự hóa Biển Đông… nhưng đối với các quốc gia cộng sản, như Lào hay Việt Nam thì rời xa quỹ đạo Trung Quốc theo ông Donnet là điều không tưởng. Với một số khác như Philippines hay Indonesia, tách rời khỏi Trung Quốc là việc « nói dễ, làm khó ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.