Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Mỹ - Liên Âu trước thềm một cuộc chiến thương mại

Đăng ngày:

Một cuộc xung đột mới về thương mại giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu khai mào. Nhìn từ Bruxelles, đạo luật chống lạm phát IRA là « vũ khí nguy hiểm » Washington tấn công kinh tế châu Âu. Chính sách bảo hộ của chính quyền Biden có phần tinh vi hơn so với thời Donald Trump.

Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) gặp nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, tại đại sứ quán Pháp ở Vatican, Roma, Ý, ngày 29/10/2021.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) gặp nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, tại đại sứ quán Pháp ở Vatican, Roma, Ý, ngày 29/10/2021. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Chiến tranh Ukraina và thương mại là hai hồ sơ chính được tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận với nguyên thủ Mỹ Joe Biden nhân chuyến viếng thăm cấp Nhà Nước trong hai ngày 01 và 02/12/2022. Paris hy vọng thuyết phục Washington hỗ trợ kinh tế Liên Âu đang gặp khó khăn. Trong khi đạo luật giảm lạm phát của Mỹ Inflation Reduction Act – IRA mà Hoa Kỳ đã thông qua hồi tháng 8/2022 là một mối đe dọa trực tiếp đến « tăng trưởng, đến nền công nghiệp châu Âu, là một biện pháp bảo hộ » không lành mạnh.

Vì việc làm trên đất Mỹ 

Đạo luật IRA gồm những gì ? Vì sao văn bản đó bị Liên Âu coi là một vũ khí lợi hại của Mỹ nhắm vào kinh tế châu Âu ?

Trước hết, IRA là một vế trong chương trình đầy tham vọng của chính quyền Biden chống biến đổi khí hậu. Inflation Reduction Act dự trù một ngân sách 430 tỷ đô la mà trong đó 370 tỷ nhằm phát triển mọi phương tiện để từ nay đến 2030 giảm thiểu 40 % khí thải carbon làm hâm nóng trái đất.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Biden dự trù giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch, bất luận đó là các công ty của Mỹ, hay nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Khi tổng thống Biden ký sắc lệnh ban hành đạo luật IRA hôm 16/08/2022 mọi chú ý đã tập trung vào điều khoản trợ cấp 7.500 đô la cho những người mua xe hơi điện « made in USA ». Một chi tiết quan trọng liên quan đến vế này là « bình điện » phải sử dụng khoáng sản của Mỹ hay khoáng sản do các đối tác thương mại của Hoa Kỳ cung cấp. Điều khoản này đương nhiên loại các tập đoàn khoáng sản của Nga, Iran hay Trung Quốc… và cả Liên Âu. Trước mắt Washington và Bruxelles vẫn chưa hoàn tất hiệp định tự do mâu dịch song phương.

IRA như vậy là một cách gián tiếp để « loại bỏ » tất cả các hãng xe của châu Âu sản xuất ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trả lời RFI tiếng Việt, Jean- François Boittin chuyên gia về chính sách năng lượng của Mỹ, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, trước hết cho thấy ý nghĩa của đạo luật IRA đối với nội bộ chính trị Hoa Kỳ.

Jean François Boittin : « Nghịch lý ở đây là đạo luật IRA – một cái tên được đặt rất vụng về vì khiến mọi người liên tưởng đến lực lượng vũ trang Ireland đòi tách rời khỏi vương quốc Anh, được bên đảng Dân Chủ coi như là một thắng lợi lớn. Phe này xem đây là một bước đột phá của Mỹ trong lĩnh vực môi trường.

Đạo luật này bao gồm nhiều biện pháp mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ. Đây là một thắng lợi chính trị của bên đảng Dân Chủ bởi vì trong nội bộ, một số thượng nghị sĩ bảo vệ việc khai thác than đá và năng lượng hóa thạch nhưng cuối cùng cũng đã ủng hộ IRA. Tôi muốn nói đến trường hợp của Joe Manchin, bang Tây Virginia. Thế nhưng rồi đạo luật này đã được vượt qua được cửa ải của Thượng Viện nhờ lá phiếu của phó tổng thống Kamala Harris.

Cũng chính đạo luật IRA này đã được Washington phô trương như một thành tích lớn lao tại hội nghị khí hậu 27 vừa qua ở Charm El Cheikk, Ai Cập. Vấn đề đặt ra là châu Âu chỉ trích Mỹ bảo hộ trá hình, thí dụ như trợ giá 7.500 đô la cho mỗi chiếc xe hơi điện sản xuất và bán ra trên thị trường Mỹ và trong khuôn khổ hiệp định tự do mậu dịch USMC giữa ba nước Hoa Kỳ, Mêhicô và Canada.  

Thương mại, Mỹ chưa bao giờ nhân nhượng với Âu 

Châu Âu mà đứng đầu là Pháp đã mạnh mẽ chỉ trích IRA và coi đây là một biện pháp bảo hộ và đã khơi lại những hiềm khích về thương mại giữa Liên Âu với Mỹ trong quá khứ. Trong số này phải kể đến từ vụ kiện kéo dài giữa hai nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus, hay biện pháp đánh thuế nhôm, thép của châu Âu bán sang Hoa Kỳ. Bây giờ đến lượt công nghiệp xe hơi chạy bằng điện. 

Jean François Boittin : « Thực ra phải hiểu đây là một cú hích để giúp cho các tập đoàn xe hơi Mỹ sản xuất xe chạy bằng điện. Điều đó quá hiển nhiên và đi ngược lại với các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Liên Âu hoàn toàn có cơ sở để phản đối. Song chúng ta phải hiểu rằng luật của Mỹ trước hết là để bảo vệ người Mỹ và cách để kiếm phiếu của cử tri.

Ở Hoa Kỳ hiện nay bên Dân Chủ cần chinh phục trở lại tầng lớp thợ thuyền trước kia trung thành với đảng này nhưng rồi công nhân Mỹ đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ ông Trump bên đảng Cộng Hòa với lập trường bảo hộ, trong các đợt bầu cử 2016-2020. Chính quyền Biden bắt buộc phải có những biện pháp mạnh để giữ cử tri và họ đã thành công trong việc này. Bằng chứng là ở bang Michigan, chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Mỹ, bên Dân Chủ đã đắc cử. Các định chế chính trị đều do bên Dân Chủ kiểm soát ».

Châu Âu hoài công chống đối

Đầu tháng 11/2022, ủy viên châu Âu đặ trách về thị trường nội địa Liên Âu,Thierry Breton đòi kiện Washington ra trước tòa án trọng tài Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và cho biết, Bruxelles chuẩn bị những « biện pháp để trả đũa » chính sách trợ giá của Mỹ. Nhưng « nói dễ hơn làm » bởi trong hầu hết các vụ kiện tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, bàn thắng luôn nghiêng về phía Hoa Kỳ. Hơn nữa, đạo luật IRA của Mỹ có lợi cho cả các doanh nghiệp của Liên Âu. Chuyên gia Jean François Boittin nhấn mạnh những tính toán của các chính khách châu Âu không trùng hợp với lợi ích của các doanh nghiệp khối này :

Jean François Boittin : « Cũng phải kể đến nhiều biện pháp hỗ trợ đầu tư nhắm vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mâu thuẫn ở đây là các khoản trợ giúp đó của chính phủ Mỹ có lợi nhiều cho các tập đoàn châu Âu trong ngành đã hoạt động tại Hoa Kỳ nhưng lại khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại vì Bruxelles thấy rõ là đang bị qua mặt vì nhiều điểm.

Thứ nhất là năng lượng, do tác động từ chiến tranh Ukraina gây nên đắt hơn nhiều tại châu Âu so với ở Mỹ. Chỉ nội yếu tố này cũng đủ giải thích vì sao ngay cả các tập đoàn châu Âu có khuynh hướng phát triển ở Mỹ hơn là đầu tư thêm, mở thêm các nhà máy trên quê nhà.

Thứ hai nữa là đã từ lâu nay, trước khi có đạo luật IRA, nhiều tập đoàn năng lượng châu Âu di dời cơ sở sang Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực năng lượng gió, hai tập đoàn cảu Đan Mạch đã hoạt động tại Mỹ từ lâu và có thế đứng vững vàng trên thị trường này.

Ngoài ra còn phải kể đến liên doanh Đức- Tây ban Nha, Siemens Iberdrola. Có nhiều tập đoàn trang thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo của châu Âu cũng đang hoạt động rất mạnh tại đây. Giới lãnh đạo châu Âu lo rằng châu lục này sẽ bị « phi công nghiệp hóa » trong khi đó thì các doanh nghệp châu Âu hài lòng trước các biện pháp hỗ trợ đầu tư của chính quyền Biden. Rõ ràng là có một cách biệt lớn giữa quan điểm của các doanh nghiệp châu Âu với lại các chính khách châu Âu ».

Nói cách khác, ngay cả trong trường hợp Bruxelles có khả năng « kiện » Washington trợ giá cho các hãng xe hơi Mỹ tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, thì cũng chưa chắc là quan điểm của chính giới được các doanh nghiệp châu Âu tán đồng.

Về cơ bản mọi doanh nghiệp luôn luôn theo đuổi một mục tiêu : kiếm lời. Đạo luật IRA có lợi cho các hãng xe của châu Âu đã cắm rễ vào thị trường Mỹ. Trong bối cảnh châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái vì khủng hoảng năng lượng, vì sức mua của hơn 500 triệu dân bị lạm phát làm chao đảo, vì chính sách thuế doanh nghiệp, rõ ràng là phát triển hoạt động tại Hoa Kỳ có lợi hơn là mở thêm các nhà máy trên Lục Địa Già.

Ý thức được nhược điểm này của Pháp nói riêng, của châu Âu nói chung, hôm 22/11/2022 tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập các doanh nhân « nặng ký » nhất trên sàn chứng khoán Paris tại điện Elysée để thuyết phục số này đầu tư tại Pháp thay vì « tìm đường sang Mỹ » làm ăn !

Phiên bản mới của một cuộc chiến thương mại

Jean François Boittin, chuyên gia về chính sách năng lượng của Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI lưu ý điều khiến chính giới châu Âu lo ngại là đạo luận IRA hủy hoại tất cả những nỗ lực của châu Âu lôi kéo các tập đoàn công nghiệp quay lại Lục Địa Già. Đây không đơn thuần là một vũ khí thương mại như nhiều chính quyền Washington từng áp dụng từ trước tới nay nghĩa là chỉ tập trung vào việc trợ giá để hàng của Mỹ bán ra với giá rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh, qua đó đẩy xuất khẩu lên cao.

Jean François Boittin : « Theo tôi, nói tới một cuộc chiến thương mại là quá đáng. Phía Mỹ cho rằng, nếu Liên Âu không hài lòng thì cứ việc tung một gói hỗ trợ cho các doanh nhân. Vấn đề đặt ra là Châu Âu không có phương tiện tài chính như Hoa Kỳ đồng thời bị chói buộc bởi một số quy luật về cạnh tranh, về bảo vệ thị trường, rồi mỗi thành viên lại có những tính toán khác nhau … nên không thể nào Liên Hiệp Châu Âu làm được như Mỹ. Liên Âu không thể bơm một lúc mấy trăm tỷ đô la.

Hơn thế nữa, như vừa nói, Liên Âu là một khối 27 nước với những quyền lợi khác nhau. Đức đến nay trong thế xuất siêu với Mỹ nên không muốn lao vào một cuộc đọ sức thương mại với Hoa Kỳ. Trong mọi trường hợp đây không phải là một cuộc chiến thương mại hiểu theo nghĩa truyền thống, có nghĩa là Mỹ không trợ giá để xuất khẩu hàng sang châu Âu ».

Đến Washington lần này tổng thống Pháp, Emmanuel Macron kỳ vọng thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng ưu tiên dành cho châu Âu một số « ngoại lệ », chẳng hạn như công nghiệp xe hơi, hay trong pin điện mặt trời … tránh để Âu -Mỹ lao vào một cuộc chiến tranh thương mại mới, có lợi cho Trung Quốc. Nhưng trước giờ nguyên thủ Mỹ tiếp đồng nhiệm Pháp, giới quan sát không mấy lạc quan về sức thuyết phục của Paris.

Thứ nhất, Biden không có lý do gì để nhượng bộ Macron nhất là sau khi tổng thống Mỹ đã chật vật mới giữ được đa số ở Thượng Viện và tránh được một thảm họa cho đảng Dân Chủ ở Hạ Viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Chủ nhân Nhà Trắng, bằng mọi giá phải giữ uy tín với tầng lớp công nhân và tiếp tục chính sách America First.

Thứ hai là trong chính sách thương mại và kinh tế, sau 2 năm cầm quyền tổng thống Biden vẫn giữ nguyên các chủ trương bảo hộ của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc do vậy không có lý do gì để Nhà Trắng nương nhẹ các đối tác châu Âu cho dù vẫn khẳng định dành ưu tiên cho bang giao giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Cuối cùng, mặc dù là tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đến Washington với quyết tâm đòi Mỹ « ưu đãi » và hỗ trợ kinh tế châu Âu, nhưng ngay trong nội bộ Liên Âu cũng đã « 9 người, 10 ý » : Berlin tuy mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ áp dụng chính sách bảo hộ nhưng lại « gần gũi với Washington » hơn là với Paris vì đang dựa vào Mỹ trên vế an ninh. Bản thân nước Pháp, bang giao với Mỹ dưới chính quyền Biden cũng đã gặp nhiều trắc trở, điển hình là vết hằn từ sau vụ Washington thành lập liên minh quân sự với Anh và Úc mà hậu quả kèm theo là Canberra hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp cách nay một năm.

Vào lúc mà cán cân thương mại của Mỹ với châu Âu có lợi cho Hoa Kỳ, mãi lực của dân châu Âu bị giảm sụt, trong lúc thị trường năng lượng có lợi cho các nhà sản xuất dầu, khí của Mỹ : ít có khả năng chính quyền Biden nhượng bộ ông Macron bất cứ điều gì, hay nếu có chăng đó cũng chỉ là những « biểu tượng bề ngoài » mà thôi như giới phân tích ghi nhận.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.