Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Lúa mì, vũ khí của Nga trong chiến tranh Ukraina

Đăng ngày:

Thế giới có thể giảm mức độ lệ thuộc vào dầu khí của Nga, nhưng sẽ khó hơn để tìm các nguồn cung cấp thay thế lúa mì, ngũ cốc của Nga. Vladimir Putin từ 20 năm nay đã xem nông phẩm là một công cụ phục hồi vị trí hàng đầu trên sân khấu quốc tế cho Matxcơva từ sau khi Liên Xô sụp đổ. 

Một cánh đồng lúa mì của Ukraina, tại Melitopol vùng Zaporijjia. Ảnh chụp ngày 14/07/2022.
Một cánh đồng lúa mì của Ukraina, tại Melitopol vùng Zaporijjia. Ảnh chụp ngày 14/07/2022. © ANDREY BORODULIN/AFP
Quảng cáo

« Từ 20 năm nay Nga luôn xem lúa mì, cũng như dầu hỏa và khí đốt là những lá chủ bài để tỏa sáng trên sân khấu quốc tế. Bối cảnh chiến tranh Ukraina trong những tháng gần đây lại càng củng cố thêm cho điều này : Matxcơva không ngần ngại uy hiếp các quốc gia lệ thuộc nhiều vào nông phẩm Nga rằng nếu chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của ông Putin ở Ukraina, thì nguồn cung cấp lương thực thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng ».

Sébastien Abis, tác giả cuốn Géopolitique du Blé -  Địa Chính Trị và Lúa Mì, NXB Armand Colin ghi nhận như trên. Ông là giám đốc Club Demeter, một tổ chức quy tụ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong cuốn sách mới phát hành hồi tháng 2/2023, tác giả nhắc lại « cả thế giới tiêu thụ lúa mì (…) nhưng chỉ có 15 nước là các nguồn cung cấp chính, nắm giữ 80 % sản lượng để nuôi sống nhân loại ». Nga là một trong số 15quốc gia đó.

Nga đang nắm giữ chìa khóa nuôi sống nhân loại

Trên trái đất có 220 triệu hec-ta trồng lúa mì, tương đương với 15 % đất trồng trọt, để nuôi sống 8 tỷ miệng ăn, bảo đảm đến 20 % calo, tức là năng lượng cho cơ thể, là không nhiều. Do vậy, đương nhiên, lúa mì trở thành một loại « vũ khí phục vụ các mục tiêu chính trị, ngoại giao và địa chiến lược ».

Hiện tại, Nga sản xuất từ 75 triệu đến 85 triệu tấn lúa mì một năm, tương đương với từ 10 đến 12 % sản lương toàn cầu và 50 % trong số đó là để xuất khẩu. Chỉ một mình nước Nga cung cấp hơn 1/5 lúa mì nuôi sống nhân loại và thu về hàng năm từ 10 đến 12 tỷ đô la ngoại tệ nhờ lúa mì.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là hai khách hàng « nặng ký nhất » của Nga. Trong bảng xếp hạng về nhập khẩu lùa mì, Cairo dẫn đầu thế giới và Nga là nhà cung cấp đến 80 % lúa mì cho Ai Cập. Còn Ankara mua lúa mì của Nga để xay ra thành bột và chế tạo mì sợi. Thổ Nhĩ Kỳ nhờ lúa mì của Nga, mở rộng ảnh hưởng với Trung Đông và châu Phi.

Theo thẩm định của chuyên gia Abis, 27 quốc gia trên thế giới với khoảng 770 triệu dân, phụ thuộc đến hơn 50 % vào lúa mì của Nga và Ukraina. Năm 2020, 85 % nhập khẩu lúa mì của Liban đến từ Ukraina và Nga. Liban đang rơi xuống vực thẳm kinh tế, cuối tháng 12/2022 Beyrouth báo động « dự trữ lúa mì chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa trong vỏn vẹn một tháng » vào lúc mà đồng tiền quốc gia mất giá, lạm phát tăng 200 % so với trước chiến tranh Ukraina.

Nếu như châu Âu bị chỉ trích đã quá lệ thuộc vào dầu khí của Nga, thì trên thị trường ngũ cốc, Trung Đông và châu Phi gần như là đã đặt trọn niềm tin vào Matxcơva. Nga độc quyền cung cấp 100 % lúa mì cho Somalia, Bénin. 80 % nhu cầu tiêu thụ nội địa của Ai Cập nằm trong tay các nhà sản xuất Nga. 

Vũ khí của Nga để chống Ukraina

Do vậy dễ hiểu khi mà điện Kremlin xem ngũ cốc là một công cụ phục vụ trong « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina. Trước hết là để bóp ngẹt kinh tế đối phương : từng là vựa lúa mì của Liên Xô, năm 2021, ngành nông nghiệp đem về 28 tỷ đô la cho Ukraina, tương đương với hơn 40 % kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, và chỉ nội một lĩnh vực này chiếm 10 % GDP của Ukraina. Ngoài lúa mì, Ukraina bảo đảm đến 50 % nhu cầu trên thế giới về ngô, lúa mạch và hạt hoa hướng dương dùng để ép dầu.

Chiến tranh gây nhiều thiệt hại cho nông dân Ukraina như tác giả cuốn Địa Chính Trị và Lúa Mì, Sébastien Abis giải thích :

« Chúng ta biết là hiện tại, Nga đang chiếm đóng gần 20 % lãnh thổ Ukraina. Tình hình bấp bênh và đáng lo ngại hơn cách nay một năm do chiến tranh đang sa lầy. Thu hoạch trong các vùng bị chiếm đóng hoặc là được đưa về Nga, rồi dưới sự kiểm soát của Matxcơva được xuất khẩu sang một thị trường thứ ba, hoặc là lúa mì, ngũ cốc của Ukraina vẫn luẩn quẩn trên lãnh thổ Ukraina nhưng được phân phối trong một hệ thống ngầm, không rõ ai kiểm soát và rất khó để có được thống kê rõ ràng trong các vùng đang bị chiếm đóng ».

Theo báo cáo công bố đầu tháng 12/2022 của chương trình Harvest trực thuộc Cơ Quan Hàng Không Vũ Trụ Quốc Gia Mỹ NASA, năm ngoái, Ukraina mất « gần 6 triệu tấn lúa mì thu hoạch trong các vùng lãnh thổ của Ukraina bị Nga chiếm đóng, trị giá 1 tỷ đô la ».

Tháng 9/2022, tổng thống Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập Kherson, Zaporijia, Donetsk và Luhansk vào lãnh thổ của Liên bang Nga. Riêng tại bán đảo Crimée, Sébastien Abis ghi nhận Matxcơva đã chiếm đoạt và « Nga hóa » các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, các hải cảng để xuất khẩu nông phẩm của Ukraina : 

« Nga từ gần một chục năm nay (từ 2014, khi sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina) đã có những bước chuẩn bị, đã phát triển cơ sở hạ tầng chung quanh Biển Đen và trong năm vừa qua, xuất khẩu lúa mì của Nga đã tăng mạnh : Nga là nguồn sản xuất duy nhất trên thế giới có mức thu hoạch cao hơn so với những vụ mùa trước đây. Tháng Giêng 2023 thu hoạch lúa mì của Nga tăng 90 % so với cùng thời kỳ một năm trước ».

Bắt bí thế giới 

Mãi đến tháng 7/2022 qua trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và dưới sự yểm trợ của Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraina mới đồng ý mở « hành lang lương thực » qua Biển Đen. Nhưng ngay cả thỏa thuận duy nhất gắn kết hai quốc gia đang lâm chiến này cũng đã 5 lần 7 lượt bị Matxcơva đe dọa. Gần đây nhất là hôm 07/04/2023 khi ngoại trưởng Serguei Lavrov đặt điều kiện xem việc « nới lỏng các biện pháp trừng phạt xuất khẩu phân bón Nga » là yếu tố « cần thiết để Matxcơva triển hạn » thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen sau ngày 18/05/2023.

Đối với giám đốc Trung tâm Club Demeter, Sébastien Abis đây là bằng chứng một lần nữa, Matxcơva lại dùng lá bài lương thực để bắt bí thế giới và Matxcơva thừa biết cộng đồng quốc tế không có nhiều chọn lựa :   

« Từ 20 năm qua Matxcơva liên tục giảng giải với thế giới rằng Nga là vựa lương thực của nhân loại, Nga sản xuất nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn để phục vụ hành tinh ngày càng có thêm miệng ăn. Từ khi khởi động chiến tranh, cỗ máy tuyên truyền của điện Kremlin không ngớt tuyên bố, Nga vẫn luôn sát cánh với các quốc gia cần nhập khẩu lúa mì, trong lúc mà Ukraina và Liên Âu không thể tăng sản xuất để phục vụ thế giới. Song cũng phải công nhận rằng, nếu như không có lúa mì, ngũ cốc của Nga thì trong 12 tháng vừa qua, và trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, an ninh thực phẩm của thế giới còn bị đe dọa hơn nữa. Bởi trong kịch bản này, mức cầu sẽ còn giảm đi thêm mất 20 % nữa nếu như không có nông phẩm của Nga ».  

Đã khóa van dầu và khí đốt với phương Tây, thì Matxcơva cũng có thể ngừng xuất khẩu nông phẩm với những ai mạnh miệng lên án Nga tiến hành chiến dịch quân sự « đặc biệt » tại Ukraina.

Sébastien Abis giải thích tiếp về cả một tiến trình chuẩn bị dài hơi của Vladimir Putin. 

« Nga đã chiếm đoạt các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chiếm đoạt các hải cảng chung quanh Biển Đen, nơi mà Kiev và các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ nhiều vốn vào để phát triển xuất khẩu nông phẩm của Ukraina. Trên lãnh thổ Nga, Kremlin cũng đã thâu tóm hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phân bón. Từ khi nổ ra chiến tranh, Matxcơva không ngần ngại đe dọa trực tiếp các đối tác thương mại lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực của Nga. Chính quyền Putin đã khóa đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu nên hoàn toàn có thể phản ứng tương tự với khách hàng mua vào ngũ cốc của Nga ».

Viễn cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu tạm được xua tan

Tháng 3/2022, một tháng sau khi Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina, giá lúa mì trên thế giới vượt ngưỡng 300 đô la một tấn, cao gần gấp đôi so với 18 tháng trước đó. Hiện tượng này đè nặng lên ngân sách các quốc gia phải nhập khẩu lúa mì như Ai Cập, Sudan, Liban, Madagascar, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ...   

Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tháng 5/2022 báo động « Chiến tranh Ukraina đồng nghĩa với nạn đói cho châu Phi ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại « một trận cuồng phong » nổi lên khi một phần nhân loại bị đói kém. Bạo loạn tại Tunisia năm 1983 do « khủng hoảng bánh mì » còn ám ảnh công luận nước này. Chính quyền Tunis lo sợ chiến tranh Ukraina dẫn đến những hậu quả bất lường. Khu vực Trung Đông và châu Phi trông thấy « cái giá phải trả về mặt xã hội ».

Một số nhà quan sát cho rằng, chiếm đoạt đất canh tác màu mỡ của Ukraina là một trong những động lực thúc đẩy Vladimir Putin khởi động chiến tranh, xâm chiếm Ukraina. Trong lịch sử đây không là lần đầu tiên Matxcơva chiếm đoạt các vựa ngũ cốc của Ukraina. Nga không chỉ dùng lương thực thực phẩm như một công cụ ngoại giao, xây dựng hòa bình, mà đây còn là một thứ vũ khí.

770 triệu dân là nạn nhân của Putin ?

Nạn nhân của chính sách đó không giới hạn ở 44 triệu dân Ukraina mà đã lan rộng tới 770 triệu người trên hành tinh, khi mà « nạn đói là nguyên nhân gây tử vong nguy hiểm nhất cho nhân loại ». Sébastien Abis, tác giả cuốn Địa Chính Trị và Lúa Mì :

« Lương thực, nông phẩm với khối lượng lớn là những công cụ đem lại hòa bình và ổn định cho thế giới. Thế nhưng trong thời gian gần đây, một số tác nhân đã sử dụng sức mạnh của thực phẩm, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của nhân loại, để thuần phục một quốc gia sát cạnh, để đe dọa một đối thủ cạnh tranh, để khẳng định sức mạnh của chính mình. Người ta đã biến một công cụ hòa bình thành một thứ vũ khí. Liên Âu và nhất là Pháp luôn xem lĩnh vực nông nghiệp là một sân chơi cho các chương trình hợp tác về khoa học, cho các chương trình đào tạo, cho các dự án xanh vì môi trường, cho các kế hoạch ngoại giao và đây phải là nơi để thể hiện sự đoàn kết giữa các quốc gia. Trái lại một số các thì xem lương thực thực phẩm là công cụ để chia rẽ thế giới ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.