Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghiệp quặng kim : Tham vọng và thách thức của Nga

Đăng ngày:

Khai thác đúng mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Nga sẽ là quốc gia « giàu nhất thế giới ». Ngoài dầu hỏa và khí đốt, Nga còn có nhiều quặng mỏ, kim loại hiếm mà thế giới đang cần trong tiến trình « chuyển đổi năng lượng » để phát triển các công nghệ mới. Đấy có thể là một công cụ để nới lỏng các biện pháp trừng phạt phương Tây đang chĩa vào kinh tế Nga ? 

Ảnh minh họa : Nhà máy Norilsk Nickel, nhà sản xuất niken và palladi lớn nhất thế giới, tại Norilsk, Nga, ngày 13/06/2007.
Ảnh minh họa : Nhà máy Norilsk Nickel, nhà sản xuất niken và palladi lớn nhất thế giới, tại Norilsk, Nga, ngày 13/06/2007. ASSOCIATED PRESS - SERGEY PONOMAREV
Quảng cáo

« Nga trong suốt chiều dài lịch sử luôn là một cường quốc về quặng mỏ, kim loại. Lĩnh vực này phát triển mạnh từ thời Liên Xô. Hiện tại, do tiến trình chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng xanh, nhu cầu tiêu thụ của thế giới ngày càng lớn. Nga có nhiều mỏ dự trữ rất lớn về đồng, nickel, lithium… Nga là một đối tác không thể thiếu của thế giới trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, giảm hiệu ứng làm hâm nóng trái đất. Cũng không thể phát triển những công nghệ mới nếu không có kim loại của Nga. Hơn nữa điểm mạnh của Nga là quốc gia này không chỉ làm chủ một hay vài ba kim loại, mà rất nhiều các khoáng sản khác nhau. Trong khi đó Congo chẳng hạn chủ yếu có cobalt, hay Úc thì mạnh về lithium… Nga thì có đủ cả, từ kim cương đến vàng bạc, than đá, từ sắt, thép đến uranium, chì kẽm… »

Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu Florian Vidal đại học Tromso - Na Uy. Ông cũng là tác giả báo cáo của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp mang tựa đề « Chiến lược phát triển khoáng sản của Nga : Những tham vọng địa chính trị và thách thức về công nghiệp ».

Hai điểm mạnh: tài nguyên vừa nhiều vừa phong phú

Về tài nguyên, Nga được thiên nhiên ưu đãi. Chỉ riêng về khoáng sản, một mình nước Nga chiếm 14 % mức sản xuất của toàn cầu mà phần lớn trong số đó là để xuất khẩu. Nga là một trong 10 nhà cung cấp quan trọng nhất trên 25 thị trường khoáng sản khác nhau : Kiểm soát 30 % thị phần thế giới về kim cương và gần 50 % về a-mi-ăng ; Đứng hạng ba về sản xuất vàng và nickel (để sản xuất xe hơi điện) hay tungsten (nhờ khả năng chịu được nhiệt độ cao nên rất cần thiết cho công nghiệp điện hạt nhân chẳng hạn) ; Đứng thứ 7 về đồng hay về uranium, lại một nguyên liệu « chiến lược » được dùng để chế tạo bom hay đầu đạn nguyên tử, và những thanh nhiên liệu trong các nhà máy điện hạt nhân.

Một điểm nổi bật khác được Florian Vidal nêu bật trong bài nghiên cứu là nhu cầu tiêu thụ về quặng và kim loại của thế giới đang tăng rất mạnh do dân số càng lúc càng đông. Dưới tác động của tiến trình chuyển đổi sang « công nghệ xanh, năng lượng sạch ». Nhu cầu tiêu thụ đồng của thế giới « dự phóng tăng thêm từ 275 đến 350 % so với hiện tại vào ngưỡng 2050 ».

… Cùng những sai lầm trong chiến lược phát triển

Trong kế hoạch 5 năm hồi 1928, Stalin đã khởi động « cuộc cách mạng quặng - kim » mà một phần lớn các cơ sở hạ tầng từ thời đại ấy vẫn « tồn tại và vẫn hoạt động » ngày hôm nay.

Trong giai đoạn hậu cộng sản, nhiều nhà máy trong ngành chủ trương « tìm cách tồn tại » : không đầu tư đổi mới các công cụ sản xuất và khai thác. Mãi đến 2009, Matxcơva mới thực sự dành ưu tiên cho các nhà máy khai thác quặng, kim. Nhưng khác với bên dầu khí và lĩnh vực uranium, các tác nhân chính ở đây thường là các « tập đoàn tư nhân ». Trong số gần 17.000 công ty khai thác quặng mỏ trên toàn quốc, chỉ có chừng trên dưới 100 tập đoàn là thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước, hơn 16.300 do các chủ nhân gốc Nga điều hành và khoảng 200 công ty liên doanh với nước ngoài.

Mùa xuân 2022 khi Nga liên tục bị châu Âu, Mỹ trừng phạt kinh tế do xâm chiếm Ukraina, khác với hai lĩnh vực dầu hỏa và khí đốt, cả Matxcơva lẫn phương Tây đều tránh đả động đến khả năng « cấm vận kim loại » của Nga.

Florian Vidal, đại học Tromso, Na Uy trên đài RFI Việt ngữ giải thích lý do :

« Nga đã nhiều lần dọa dùng khoáng sản như một công cụ để trả đũa phương Tây trừng phạt Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Nhưng đến nay, hơn 1 năm sau chiến tranh, Nga không có chiến lược cụ thể nào theo hướng ngừng xuất khẩu kim loại, khoáng sản cho Âu, Mỹ. Thí dụ, Nga mà ngừng cung cấp chất palladium thì ngành công nghiệp xe hơi của thế giới bị chựng lại ngay. Kremlin đã nhiều lần cảnh cáo thế giới đây sẽ là một khả năng « phản công » nhưng tới nay mới chỉ là lời nói, bởi vì công nghiệp khai thác, xuất khẩu khoáng sản là một trong những cột trụ của kinh tế Nga.

Tình hình hiện tại không cho phép Matxcơva khai thác khoáng sản như một công cụ để phản công, đáp trả phương Tây trừng phạt kinh tế Nga. Nga cần duy trì xuất khẩu kim loại vì đó là một nguồn thu nhập chính yếu. Về phía phương Tây, Âu - Mỹ cũng không dám cấm nhập khẩu cobalt hay đồng, thép... và kể cả kim cương của Nga bởi đó là những nguyên liệu thiết yếu cho cỗ máy kinh tế, công nghiệp của các quốc gia phát triển này. Titanium là một kim loại không thể thiếu trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Mỹ thì muốn cấm các nguồn nhập khẩu của Nga, châu Âu dè dặt hơn và nếu có thì chỉ ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào một số lãnh đạo các công ty khoáng sản của Nga. Đương nhiên là Liên Hiệp Châu Âu cũng như là Mỹ đang cố gắng tìm các nguồn cung cấp thay thế Nga ».

Công cụ để phản công « thiếu sắc bén »

Về thực chất, tuy là dọa dùng khoáng sản để « phản công » nhưng Matxcơva ý thức được rằng  « không trong thế mạnh » để áp đặt luật chơi với Bruxelles hay Washington bởi ngành công nghiệp quặng mỏ của Nga đang gặp rất nhiều khó khăn.

Florian Vidal cho biết : « Nhiều khó khăn bắt nguồn từ việc Liên Xô bị tan rã và tình trạng thiếu đầu tư hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng từ nhà máy đến các công cụ sản xuất. Nhược điểm thứ nhì liên quan đến nguồn lực lao động : dân số của Nga đang già đi, nguồn lao động trở nên khan hiếm về khối lượng. Nga cũng bị thiếu các chuyên viên có tay nghề và kinh nghiệm cao. Cũng phải nói ngành công nghiệp khai thác kim loại ở Nga không mấy hấp dẫn do thiếu đầu tư và công việc của người lao động qua đó còn rất nặng nhọc. Khó khăn thứ ba là vấn đề vận chuyển. Tại Nga, các hệ thống cầu đường, các kênh vận tải bằng đường thủy, đường bộ hay bằng tàu hỏa đều rất cổ lỗ và cần phải được nâng cấp. Hiện thời Nga không có phương tiện để khai thác đúng mức tiềm năng của mình ».

Đấy là chưa kể các tập đoàn Nga cần có công nghệ hiện đại để phát triển :

« Hiện tại ngành công nghiệp khai thác khoáng sản trên thế giới đã được hiện đại hóa rất nhiều. Người ta sử dụng công nghệ robot, dùng các công cụ tin học và nhất là trí thông minh nhân tạo. Nga không làm chủ các công nghệ tiên tiến đó, không có khả năng đổi mới hoạt động của cả cỗ máy công nghiệp tồn tại từ thời Liên Xô ».

Trong hơn hai thập niên qua nền công nghiệp quặng, kim của Nga đã thất bại trong tiến trình « hiện đại hóa » ở mọi khâu, từ thăm dò, khai thác, chiết lọc đến hệ thống vận chuyển. Với môi trường cạnh tranh càng lúc càng gay gắt, hơn 16.300 doanh nghiệp tư nhân của Nga bị giới hạn trong việc tiếp cận với các công nghệ mới, và kể cả với các nguồn tài chính nên đã « không đủ sức hóa thân thành một nền công nghiệp hiệu quả ».

Florian Vidal cho rằng Matxcơva không thể biến khoáng sản và kim loại thành công công cụ lợi hại phục vụ những ý đồ địa chính trị khi mà thiếu một chính sách phát triển quy mô.

Chiến lược « Đông tiến »

Trong thế kẹt hiện nay thì chiến lược phát triển công nghiệp quặng, kim của Matxcơva đã xoay trục sang châu Á, với Trung Quốc là đầu cầu quan trọng nhất. Florian Vidal, đại học Na Uy giải thích :

« Việc tách rời với phương Tây đẩy Nga về phía châu Á. Đây là một khu vực kinh tế đang phát triển mạnh, nhu cầu tiêu thụ về khoáng sản, kim loại tăng rất nhanh. Không chỉ có Trung Quốc có nhu cầu cao, mà nhiều quốc gia khác nữa như là Ấn Độ, Indonesia hay Singapore… Nga dễ dàng tìm được các thị trường mới để xuất khẩu khoáng sản.

Riêng đối với Trung Quốc, đây không chỉ làm một nguồn nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các tập đoàn của Nga, mà còn là một đối tác then chốt vì thứ nhất Trung Quốc có những phương tiện để giúp Nga hiện đại hóa các nhà máy khai thác quặng mỏ. Trung Quốc đang làm chủ những công nghệ mà Nga không có được để thăm dò, khai thác tài nguyên. Điểm lợi thứ nhì là Trung Quốc có thể giúp Nga hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển mạng giao thông, mở rộng các bến cảng, hiện đại hóa hệ thống đường sắt… Sau cùng, Trung Quốc dư thừa nhân công và các kỹ sư giỏi mà Nga đang thiếu ».

Đương nhiên cái giá phải trả là Nga lại càng lệ thuộc hơn vào « đối tác Trung Quốc ». Chiến tranh Ukraina và hơn một chục đợt trừng phạt của Âu - Mỹ đang đè nặng lên bàn cờ quặng - kim của Nga. Các đối tác phương Tây của các doanh nghiệp Nga ồ ạt rút lui trong các dự án chung, đồng thời nhập khẩu máy móc của Âu - Mỹ cũng trở nên khó khăn hơn. Bắc Kinh dường như là một cánh cửa thoát hiểm duy nhất. Florian Vidal kết luận :

« Để Trung Quốc có tiếng nói trong chính sách hay trong các dự án phát triển khoáng sản của Nga là điều không tưởng. Chính vì thế mà Matxcơva một mặt vẫn giữ liên lạc với các khách hàng phương Tây, mặt khác rất niềm nở với Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực mua bán than đá, cũng như với các đối tác khác như Indonesia, hay Việt Nam, các thành viên khác ngoài Trung Quốc trong khối BRICS ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.