Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Hạn chế xuất khẩu đất hiếm, khúc quanh mới trong chiến tranh công nghệ Mỹ -Trung

Đăng ngày:

Hoa Kỳ đã khai hỏa chiến tranh công nghệ từ 2018 và phải mất 5 năm Trung Quốc mới phản công. Kể từ ngày 01/08/2023 Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu 2 trong số rất nhiều kim loại hiếm mà thế giới phụ thuộc đến 60 và 80 % vào Trung Quốc. Mỹ cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn và chip điện tử tiên tiến nhất cho Trung Quốc, Bắc Kinh khóa van cung cấp nguyên liệu cần thiết cho các « công nghệ tương lai ».

Cờ Trung Quốc đặt sát cạnh các ô chỉ hai kim loại hiếm Gallium và Germanium trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Ảnh minh họa chụp ngày 06/07/2023.
Cờ Trung Quốc đặt sát cạnh các ô chỉ hai kim loại hiếm Gallium và Germanium trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Ảnh minh họa chụp ngày 06/07/2023. REUTERS - FLORENCE LO
Quảng cáo

Làm sao giải thích sự « chậm trễ » đó ? Bắc Kinh tính toán gì qua việc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium - cả hai cùng được sử dụng trong các lĩnh vực dân sự và quân sự ? Quyết định đó ảnh hưởng thế nào đến công nghiệp chip điện tử và linh kiện bán dẫn của Âu Mỹ ? Liệu phương Tây có giải pháp nào để thay thế nguồn cung cấp Trung Quốc hay chưa ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia Carl Grekou thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh tế và Thông Tin Quốc Tế -CEPII trả lời các câu hỏi trên. Carl Grekou là đồng tác giả một công trình nghiên cứu mang tên Những kim loại chiến lược : sự sáng suốt của Trung Quốc  - Les Métaux Stratégiques : la clairvoyance chinoise (Lettre du CEPII n°428 – 6/2022).   

Giải vòng kềm tỏa ? 

Theo thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc ngày 03/07/2023 nhằm « bảo vệ an ninh và quyền lợi quốc gia », từ đầu tháng 8/2023, những lô gallium và germanium xuất khẩu cần phải có giấy phép của Nhà nước và thông báo rõ « điểm đến sau cùng »« mục đích sử dụng ». 

Gallium và germanium không thuộc dòng 17 kim loại hiếm mà là những sản phẩm phụ từ quá trình tinh chế các kim loại khác, như kẽm, nhôm … nhưng lại là những hợp chất thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn. Gallium được dùng để sản xuất chip có độ truyền dẫn cao rất cần để chế tạo vệ tinh chẳng hạn. Còn hợp chất germanium là vật liệu không thể thiếu để chế tạo ống kính camera hồng ngoại, hay sợi cáp quang… Thế giới phụ thuộc đến 60 % vào gallium Trung Quốc và 80 % đối với chất germanium.

Trả lời RFI Việt ngữ, Carl Grekou không ngạc nhiên về thái độ của Trung Quốc. Theo ông đây chỉ là một đòn mới trong một cuộc chiến đã âm ỉ từ lâu nay :

« Các biện pháp Bắc Kinh vừa đưa ra bắt nguồn từ những diễn tiến hồi 2018, nghĩa là từ khi quan hệ chính trị, thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc bắt đầu xấu đi. Đây chỉ là một hiệp mới trong cuộc đọ sức đó mà thôi. Trung Quốc đã nhiều lần dọa sử dụng lá bài kim loại hiếm nhưng lần này thì không còn là một lời hù dọa suông mà đã biến đe dọa đó thành hiện thực ».

Dù vậy có một sự trùng hợp về thời điểm. Thứ nhất quyết định được đưa ra trước chuyến công du Trung Quốc của bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen nhằm khai thông bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Thứ hai là từ nhiều tuần qua, chính quyền Biden đã siết chặt thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu kinh kiện bán dẫn cho Trung Quốc. Washington đồng thời ráo riết gây sức ép với các đồng minh, đứng đầu là Liên Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc để cô lập thêm các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Thứ ba, chính quyền Biden vận động để các nhà sản xuất chip của thế giới đầu tư vào Mỹ.  

Mỹ đã thuyết phục được Hà Lan cũng như Nhật Bản. Tháng 9/2023 nhà cung cấp máy móc để chế tạo chip ASML của Hà Lan phải có giấy phép của chính phủ mới được xuất khẩu sang Trung Quốc. Về phía Tokyo, tránh gây ra một cuộc chiến thương mại với đối tác quan trọng nhất của mình là Bắc Kinh, bộ trưởng Kinh Tế Nhật từ tháng 3/2023 đã thông báo « giới hạn » một số giao dịch của hai tập đoàn Electron và Nikon « tránh để công nghệ của Nhật bị sử dụng vào các mục tiêu quân sự ».

Khúc dạo đầu

Vậy phải chăng hạn chế xuất khẩu gallium và germanium nhằm cảnh cáo phương Tây rằng đã đến lúc cần nới lỏng vòng vây nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc ? Carl Grekou trung tâm CEPII nhận định :  

« Phải chăng đây là một lời cảnh cáo, hay là Trung Quốc đang đổ thêm dầu vào lửa ? Tôi chưa dám chắc đây là một đòn phản công, nhưng chắc chắn là ranh giới đó không còn xa. Từ nhiều năm nay kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong các giao dịch với Mỹ. Bắc Kinh đang cần nâng cấp dây chuyền trị giá gia tăng và trên đà thăng tiến đó thì bị Washington cản đường để thống lĩnh thế giới công nghệ. Đây chính là tâm điểm của mọi căng thẳng về thương mại song phương. Nhiều công ty của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đưa và sổ đen nên không thể tiếp cận với một số chíp điện tử hiện đại nhất. Trung Quốc cũng đang bị giới hạn khi cần trang bị máy móc sản xuất chip bán dẫn. Trong những điều kiện đó thì Bắc Kinh đổi chiến lược : nghĩa là ngừng cung cấp nguyên liệu thiết yếu để sản xuất chip ».

Hầu hết giới quan sát đều xem đây mới chỉ là « khúc dạo đầu » trong chiến lược phản công của Bắc Kinh trong cuộc chiến công nghệ. Carl Grekou phân tích tiếp :

« Gallium và germanium được sử dụng để chế tạo nhiều sản phẩm nhưng không nên chỉ tập trung vào hai kim loại hiếm đó. Trung Quốc là nhà sản xuất số 1 trên thế giới đối với từ 80 cho tới 95 % những nguyên liệu thiết yếu cho các công nghệ của tương lai, bao gồm từ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đến không gian, từ pin điện mặt trời đến những công nghệ cần thiết trong tiến trình chuyển đổi năng lượng... Lần này Trung Quốc nhắm vào hai chất gallium và germanium, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Nếu như quan hệ Washington -Bắc Kinh không được cải thiện, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm cấm xuất khẩu. Hệ quả kèm theo là hàng loạt các mảng công nghiệp liên quan đến những lĩnh vực vừa nêu, như quốc phòng, năng lượng… sẽ gặp khó khăn khi mất các nguồn cung cấp nguyên liệu ».

Trung Quốc cần thời gian chuẩn bị kế hoạch phản công ?

Cuộc đọ sức về công nghệ mới là tâm điểm trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Washington đã bắt đầu trừng phạt, thu hẹp hoạt động của một số công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ từ nhiều năm nay. Chính quyền Biden tiếp tục theo đuổi chính sách đó. Vậy tại sao đến bây giờ Bắc Kinh mới phản công ? Phải chăng Trung Quốc giờ đây đã « mạnh » hơn so với thời điểm hồi 2018 để có thể mặc cả với Mỹ ? Nhà nghiên cứu thuộc trung tâm CEPII trả lời :

« Khó có thể đánh giá được điều đó. Thật ra Bắc Kinh đã chậm trễ phản ứng : bị cấm tiếp cận với một số công nghệ, nhiều công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen với mục tiêu rõ ràng là ngăn cản Trung Quốc trở thành trùm công nghệ cao của thế giới. Trong một chừng mực nào đó, đây quả là một cuộc chiến tranh công nghệ. Tôi tin rằng ở vào vị trí của Trung Quốc thì chắc chắn là chính quyền Washington đã nhanh chóng hơn nhiều khi cần phản công »  

Năm 2010 Bắc Kinh đã một lần dùng lá bài đất hiếm để phạt Nhật Bản thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và từ đó không chỉ có Tokyo mà cả từ Hoa Kỳ đến Liên Âu đều tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào một nhà cung cấp là Trung Quốc.

Vốn lệ thuộc đến 60 % vào đất hiếm Trung Quốc, Nhật Bản đẩy mạnh các hoạt động khai thác đất hiếm dưới lòng biển. Tài liệu về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Nhật Bản công bố tháng 12/2022 nêu lên khả năng « tự chủ » trong lĩnh vực này vào ngưỡng 2030.

Về phía Hoa Kỳ từ 2015-2016 Washington đã chặn bớt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời cho mở lại các khu vực khai thác quặng mỏ. Tại Pháp, từ 2012 Paris đã chủ trương làm « sống lại » ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Năm 2015 ở cương vị bộ trưởng Kinh Tế, Emmanuel Macron từng khẳng định ở thế kỷ XXI hoàn toàn có thể « dung hòa các hoạt động khai thác quặng mỏ với những chuẩn mực về môi trường và với những đòi hỏi về mặt y tế, xã hội ». Tháng 11/2021 công bố kế hoạch đầu tư 30 tỷ euro trong chương trình France 2030 cho phép đối mặt với những thách thức kinh tế trong tương lai, tổng thống Macron đặc biệt chú trọng đến vế « thám hiểm lòng đại dương, (…) nơi cất giấu một số kim loại hiếm (…) chìa khóa mở ra những phát minh mới cho tương lai ».

Tạm thời Bắc Kinh vẫn nắm giữ luật chơi

Dù vậy từ 12 năm nay thị trường đất hiếm thế giới vẫn không thay đổi : Trung Quốc vẫn chiếm thế gần như độc quyền. Chuyên gia kinh tế Carl Grekou ghi nhận, không dễ để thay thế gallium và germanium của Trung Quốc : 

« Không ai ngờ là Trung Quốc sẽ vượt qua lành ranh đó mặc dù là trước đây Bắc Kinh đã từng sử dụng lá bài kim loại hiếm đối với Nhật Bản, nhưng phải nói là về địa chính trị, Nhật Bản không quan trọng như là Mỹ. Song trước mắt người ta có thể thay thế các chất gallium và germanium bằng những nguyên liệu khác nhưng chúng sẽ không có hiệu quả bằng vì chất lượng không được như là gallium hay germanium. Hơn nữa không một nhà sản xuất nào có thể thay thế được Trung Quốc. Từ một chục năm nay, Trung Quốc chiếm 90 % thị phần toàn cầu. Trong ngắn hạn, không thể thay thế Trung Quốc ».

Vũ khí răn đe 

Năm 2019 trên đài RFI tiếng Việt nhà báo Guillaume Pitron, tác giả cuốn Chiến tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái của Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số, NXB LLL (2018) nhận định : phong tỏa đất hiếm, Trung Quốc sẽ biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ với Hoa Kỳ. Đó là lằn rănh đỏ Bắc Kinh sẽ không dám vượt qua. Đất hiếm là một loại « vũ khí răn đe ».

Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm rất lớn, là nguồn cung ứng cho toàn cầu nhưng « đất hiếm không hề hiếm » trên hành tinh. Sau Trung Quốc thì Brazil, Việt Nam Nga và Ấn Độ cũng là những nguồn thay thế « có trong lượng » vấn đề còn lại là thời gian để khai thác quặng mỏ ở những quốc gia này và nhất là cũng đạt được đỉnh cao ở khâu tinh lọc được như Trung Quốc.

Vậy phải chăng Bắc Kinh dùng đòn « rung cây dọa khỉ » khi đòi hạn chế xuất khẩu đất hiếm vì muốn giữ các tập đoàn quốc tế ở lại Hoa Lục vào lúc mà FDI vào « công xưởng của thế giới này » đang đổ dốc ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.