Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Kinh tế Trung Quốc suy yếu, một mối đe dọa về ngoại giao và địa chính trị ?

Đăng ngày:

Kinh tế Trung Quốc không bật dậy cho dù hết bị chính sách zero Covid trói buộc. Tăng trưởng 6,3 % trong quý 2/2023 quá thấp so với mong đợi sau 3 năm các hoạt động ngưng trệ để chống dịch. Nhưng đấy mới chỉ là bề nổi của tảng băng trong số rất nhiều khó khăn làm tê liệt « công xưởng » của thế giới. Đấy có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch « phi đô la hóa » và quyết liệt hơn trong cuộc đối đầu với Mỹ ?

Một đứa bé uống nước trước quầy bán vé số tại Bắc Kinh ngày 17/07/2023. Trung Quốc thông báo tỷ lệ tăng trưởng 6,3 % trong quý 2/2023.
Một đứa bé uống nước trước quầy bán vé số tại Bắc Kinh ngày 17/07/2023. Trung Quốc thông báo tỷ lệ tăng trưởng 6,3 % trong quý 2/2023. AP - Ng Han Guan
Quảng cáo

Hôm 17/07/2023 Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc công bố tỷ lệ tăng trưởng trong quý 2 và hài lòng với kết quả « tốt », vì GDP tăng mạnh hơn so với quý 1. Các nhà phân tích quốc tế và kể cả tại Hoa Lục đã hết sức thận trọng với thành tích này. Trả lời đài truyền hình tư nhân BFM TV, chủ tịch công ty tư vấn Asia Centre, trụ sở tại Paris, ông Jean-François di Meglio giải thích vì sao giới trong ngành thất vọng với tỷ lệ tăng trưởng 6,3 % : 

« Con số vừa nêu thật ra là mức so sánh về tỷ lệ tăng trưởng so với một năm trước đây, tức là chúng ta đang so sánh thành tích của quý 2/2023 với thời điểm quý 2/2022 thì Trung Quốc mới có được tỷ lệ 6,3%. Nhưng nếu nhìn vào quý 1 và quý 2 năm nay, tăng trưởng chỉ là 0,8 % mà thôi. Cần nhắc lại trong cả năm 2022 Trung Quốc bị phong tỏa để chống dịch, các hoạt động kinh tế bị chựng lại. Thành thử so với năm ngoái, đương nhiên kinh tế Trung Quốc rõ ràng là đang bật dậy và tỷ lệ 6,3 % như Bắc Kinh thông báo để ngỏ viễn cảnh sẽ đạt được chỉ tiêu GDP tăng 5,5 % . Nhưng vừa giải thích, để đạt được 5,5 % đó, Trung Quốc cần có tỉ lệ tăng trưởng cao hơn rất nhiều ».

Tiêu thụ nội địa, « cốt lõi của vấn đề »

Thông tín viên báo Le Monde tại Trung Quốc ghi nhận thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, cách không xa Bắc Kinh, thông báo tổ chức rất nhiều liên hoan nhạc rock nhạc rock trong những tháng sắp tới. Không phải là các quan chức tỉnh này yêu thích nhạc kích động, mà đó là cách để thu hút thanh thiếu niên ở Bắc Kinh và các vùng chung quanh đến đây « tiêu tiền ».  Thạch Gia Trang đang tìm mọi cách để kích hoạt cỗ máy tiêu thụ và qua đó là các hoạt động kinh tế của thành phố.

Trên báo Le Figaro, nhà kinh tế trưởng ngân hàng Natixis Alicia Garcia Herrero ghi nhận « không có tiêu thụ nội địa, đó là cốt lõi của vấn đề » đối với Trung Quốc hiện nay. Chính trong bối cảnh đó Ngân Hàng Trung Ương liên tục hạ lãi suất chỉ đạo để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, Erin Xin, thuộc ngân hàng HSBC trụ sở tại Luân Đôn, giải thích « Trong quý 2/2023, đà bật dậy của kinh tế Trung Quốc kém đi bởi nhu cầu tiêu thụ hàng Trung Quốc trên thế giới đè nặng lên lĩnh vực xuất khẩu, ngành địa ốc vẫn yếu kém và nhìn chung thì tiêu thụ nội địa không đủ sức » để kéo tăng trưởng đi lên.

Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc giải thích với báo chí rằng kinh tế không bị hụt hơi, nhưng đang chịu áp lực do « bối cảnh quốc tế phức tạp » 

Theo chủ tịch cơ quan tư vấn Asia Centre, Jean François di Meglio, giải thích của Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc như vậy là « không ổn »  :

« Lần đầu tiên chính các nhà quan sát Trung Quốc đã báo động và khuyến nghị chính phủ về những biện pháp cần phải làm. Vào lúc mà các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kềm hãm lạm phát, riêng ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục hạ lãi suất chỉ đạo để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ. Đó là dấu hiệu kinh tế Trung Quốc đang bị hụt hơi vì nhiều lý do. Một trong số ấy, theo như giải thích của chính quyền Bắc Kinh, là do kinh tế toàn cầu đang chững lại, tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc. Nói cách khác Bắc Kinh ‘chạy tội’, quy trách nhiệm cho các quốc gia khác… Nếu đúng là như thế thì có nghĩa là tăng trưởng của Trung Quốc lệ thuộc quá nhiều vào giao thương quốc tế và chẳng lẽ xuất khẩu đình trệ, ngay cả nền kinh tế thứ nhì thế giới cũng không còn lá chủ bài nào trong tay nữa hay sao ? »

Mất niềm tin vào mô hình Trung Quốc

Hôm 21/07, chính quyền vừa ban hành một loạt các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng mua xe hơi, đặc biệt là xe điện. Thị trường địa ốc bị đóng băng từ gần ba năm nay. Đúng vào ngày Trung Quốc thông báo rầm rộ tỉ lệ tăng trưởng 6,3% cho quý 2/2023 thì cũng là lúc tập đoàn môi giới địa ốc số 1 là Evergrande đi vào kỷ lục thế giới trong hạng mục « công ty mang nợ lớn nhất thế giới » : trong hai năm 2021 và 2022 đại tập đoàn này thua lỗ 81 tỷ đô la, đẩy mức nợ lên tới 340 tỷ đô la.

Đồng tiền Trung Quốc trong 6 tháng đầu 2023 mất giá hơn 7% so với đô la Mỹ. Thêm một tin xấu khác là về thương mại : Trung Quốc trong tháng 06/2023 không còn là nhà cung cấp hàng rẻ số 1 cho người tiêu dùng Mỹ, mà đã bị đẩy xuống hạn 3, sau Mêhicô và Canada.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm liên tục trong hai tháng 5 và 6/2023. So với cùng thời kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 12,4 % : nhân viên của hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc bị vạ lây. Kết thúc một năm học, có thêm 12 triệu thanh niên tham gia thị trường lao động Trung Quốc vào lúc mà 1 trên 5  thanh niên dưới 24 tuổi không có việc làm.

Jean-François di Meglio trực tiếp gắn liền hiện tượng này với khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc đã kéo dài từ hai, ba năm nay :

« Có hai yếu tố : thứ nhất là hiện tượng vỡ bong bóng địa ốc từ hơn hai năm nay, với vụ tập đoàn Evergrande vỡ nợ. Thứ hai, theo tôi đây mới là vấn đề âm ỉ , đó là chính người dân Trung Quốc không còn tin tưởng vào tương lai nữa. Công luận không còn tự tin như trước . Dân chúng hoang mang khi thấy có tới hơn 20 % thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24 đang thất nghiệp. Người ta cũng bắt đầu hoài nghi về khả năng cải thiện đời sống, về mô hình phát triển của Trung Quốc … »

Giới tiểu thương cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn đều lo âu. Hàng quán, giới du lịch thì lo khách hàng lười chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc hiện nay là gần 50 %. Các doanh nghiệp Trung Quốc thì đau đầu vì những quy định mới của chính quyền về các « chuẩn mực pháp lý khắt khe, nhân danh an ninh quốc gia », họ cũng đau đầu vì chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài và cuộc đọ sức về công nghệ với thế giới phương Tây.

Liên hệ giữa khó khăn kinh tế và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh

Trong bài tham luận hôm 18/07/2023, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp – IRIS, Barthélémy Courmont nêu bật một vấn đề : cỗ máy kinh tế của Trung Quốc hiện nay không hoạt động tốt, Bắc Kinh đang trả giá cho chính sách chống dịch nghiêm ngặt và liên tục kéo dài trong ba năm. Những khó khăn đó lại diễn ra vào thời điểm nổ ra chiến tranh Ukraina. Đó không là một tin vui đối với bản thân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Đương nhiên khi nền kinh tế thứ nhì bị « hỏng máy », tăng trưởng thì cả thế giới bị vạ lây. Điểm mới ở đây là Bắc Kinh trong tay ông Tập Cận Bình giờ đây không e dè gì nữa cả. Trung Quốc bắt buộc sẽ phải đưa ra một số « sáng kiến » để cứu vãn tăng trưởng. Những sáng kiến đó « có thể bất lợi cho phương Tây và càng làm dấy lên căng thẳng về địa chính trị » trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp hiện nay.

Vẫn giám đốc viện IRIS Barthélémy Courmont cho rằng, nếu như đình đốn kinh tế kéo dài, dân Trung Quốc nghèo đi thì khi đó mới có thể cho rằng tính chính đáng của Đảng Cộng Sản nước này bị đe dọa. kịch bản đó chưa xảy ra.

Nhưng về đối ngoại, những khó khăn « ở bên trong đó » tác động đến chính sách Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. Bắc Kinh đòi hỏi nhiều bảo đảm hơn khi cấp tín dụng cho các quốc gia khác. Những điều kiện cho vay của Trung Quốc sẽ càng « ngặt nghèo hơn ». Cùng lúc, « chiến tranh Ukraina cũng là cơ hội để Bắc Kinh đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên bàn cờ tiền tệ quốc tế », không chỉ với nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc) mà cả với các đối tác châu Á khác, với các nước chậm phát triển.

Cơ hội đẩy thu hẹp ảnh hưởng của đô la Mỹ

Hơn nữa Barthélémy Courmont nhấn mạnh chiến tranh Ukraina là một bước ngoặt để một số quốc gia giảm bớt mức độ lệ thuộc vào phương Tây. Ảnh hưởng của khối này đang bị thu hẹp lại trên bàn cờ quốc tế. Đối với Trung Quốc « chiến tranh Ukraina thực sự là cơ hội để đề nghị một mô hình khác về ngoại giao và kinh tế so với mô hình của phương Tây »

Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng này, Trung Quốc đang dẫn dầu nhưng ở phía sau từ Ấn Độ đến Nam Phi hay Brazil - đương nhiên là phải nhắc tới nước Nga, đều ấp ủ tham vọng thành lập một liên minh gọi là « Global South ». Để đóng vai trò trung tâm trong mô hình mới đó, Bắc Kinh chủ trương « phi phương Tây hóa » và chấm dứt thời kỳ Âu-Mỹ thống lĩnh các hoạt động kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia về châu Á viện IRIS kết luận : Đấy có thể là lý do vì sao Washington đã gửi các quan chức quan trọng nhất trong chính quyền Biden đến Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.