Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Trung Quốc « cần » Đài Loan để phát triển công nghệ cao ?

Đăng ngày:

Báo chí nói nhiều đến sự phụ thuộc của các doanh nghiệp Trung Quốc vào công nghệ bán dẫn Đài Loan, mạch sống của kinh tế thế giới thế kỷ 21, mà ít nhắc tới một sự lệ thuộc « còn lớn hơn nữa » về thương mại, đầu tư của hòn đảo này vào Hoa Lục. Evelyne Banh, cơ quan tư vấn BSI Economics, phân tích về một mối liên hệ « bất tương xứng » giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Cử tri Đài Loan ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân Tiến DPP chủ trương "cứng rắn" với Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 11/01/2024.
Cử tri Đài Loan ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân Tiến DPP chủ trương "cứng rắn" với Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 11/01/2024. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Quảng cáo

Đã biết chắc ai sẽ thay thế tổng thống Thái Anh Văn lãnh đạo Đài Loan, nhưng tranh luận vẫn chưa dứt về tương lai khu vực dưới chính quyền Lại Thanh Đức. Câu hỏi vẫn là : Đảng Dân Tiến trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới liệu có đẩy hòn đảo nhỏ này đến gần chiến tranh hơn hay không ?

Một trong những yếu tố cho phép tạm gác sang một bên kịch bản chiến tranh là do Đài Loan và Trung Quốc đã gắn kết quá chặt chẽ với nhau về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Theo các số liệu của bộ Thương Mại Đài Loan, đối tác thương mại quan trọng nhất của hòn đảo này là Hoa Lục và Hồng Kông. Năm 2023, xuất khẩu sang hai khu vực này chiếm hơn 35 % trong cán cân thương mại Đài Loan, tương đương với hơn 152 tỷ đô la. Hồng Kông và Trung Quốc cộng lại « nặng gấp đôi so với Hoa Kỳ » (76 tỷ đô la).

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt, bà Evelyne Banh thuộc cơ quan tư vấn BSI Economics, trụ sở tại Paris, nhấn mạnh đến sự bất cân đối trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa một ông khổng lồ thế giới và một hòn đảo tí hon nhưng lại đang nắm giữ nhiều chìa khóa quyết định :

Evelyne Banh : « Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đài Loan hiện tại tương đương với khoảng 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Trong chiều ngược lại thì gần 20 % xuất khẩu của Đài Loan hướng về Hoa Lục. Như vậy có nghĩa là hơn 16 % GDP của Đài Loan tùy thuộc vào giao thương với Trung Quốc. Đó là một sự bất cân đối rất lớn đã nhiều lần bị Bắc Kinh khai thác để gây sức ép với Đài Loan. Chẳng hạn như trước ngày cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ bà Nancy Pelosi viếng thăm Đài Bắc hồi tháng 8/2022, hơn 2000 mặt hàng của Đài Loan đã bị trừng phạt. Hay là từ 2016, khi Đảng Dân Tiến lên cầm quyền, số du khách từ Hoa Lục đến Đài Loan cũng đã giảm mạnh. Hiện tại du khách Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 3 % thay vì 15 % lượng du khách ngoại quốc vào Đài Loan như 8 năm trước đây.

Về đầu tư, Đài Loan tiếp tục đầu tư vào Hoa Lục, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã liên tục thắt chặt thêm các biện pháp kiểm soát các doanh nghiệp ngoại quốc và ban hành những quy định chặt chẽ hơn về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc vẫn là nơi thu hút hơn 50 % tổng đầu tư ở hải ngoại của Đài Loan. Trái lại, Đài Loan đón nhận chưa đầy 1 % FDI của các tập đoàn Trung Quốc. Đành rằng có dấu hiệu ‘bão hòa’ trên thị trường ở Hoa Lục và các doanh nhân Đài Loan vẫn gặp khó khăn trong kế hoạch chuyển hướng sang Đông Nam Á. Thí dụ như năm 2022 Singapore chỉ thu hút 5 % FDI của Đài Loan, Việt Nam là 3 %. Do vậy thách thức đối với chính quyền ở Đài Bắc là phải tăng tốc tiến trình đa dạng hóa các hoạt động kinh tế của hòn đảo ».

Thoát bóng Bắc Kinh, nhiệm vụ khó hoàn thành

Căng thẳng địa chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan, mối quan hệ mật thiết hơn giữa Đài Bắc và Washington cả về quân sự lẫn kinh tế khiến thương mại và đầu tư của Đài Loan vào Hoa Lục liên tục giảm trong những năm gần đây. Xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái giảm 18 % so với hồi 2022 dù vẫn cao gấp đôi so với xuất khẩu vào Mỹ.

Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh tăng tốc chiến lược tự chủ về công nghệ đang ve vãn các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn của Đài Loan hơn bao giờ hết, nhưng vẫn chỉ là « một chú lùn » bên cạnh hai đối tác thương mại lớn của Đài Bắc là Trung Quốc và Mỹ. Về đầu tư, như Evelyne Banh vừa giải thích, doanh nghiệp Đài Loan đã tìm cách « đa dạng hóa các điểm đến », cho dù trọng lượng của các nước Đông Nam Á, như Singapore và Việt Nam, vẫn còn rất khiêm tốn.

Về đầu tư, nếu như Foxconn, đang hoạt động tại nhiều thành phố ở Hoa Lục, là một biểu tượng lớn trong lĩnh vực công nghiệp song phương, thì nhiều doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu « thu hẹp hoạt động » hay « rời khỏi » Trung Quốc, một phần vì áp lực chính trị, nhưng chủ yếu do kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.

Theo báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Hoa Lục đã giảm 34 % trong 11 tháng đầu năm 2023. Trung Quốc không còn là điểm đến lý tưởng và đã bị đẩy xuống hạng 3 sau Mỹ và Đức : 37 % FDI của Đài Loan hướng về Hoa Kỳ, 15 % nhắm vào Đức và chỉ có 12 % tiếp tục đổ về Trung Quốc.

Thống kê nói trên trái ngược hẳn với thời kỳ hoàng kim " từ giữa thập niên 1990 khi Đài Bắc và Bắc Kinh cùng xem kinh tế là một ưu tiên trong quan hệ song phương (…) và vào năm 2010, ở đỉnh điểm đã có khoảng 800.000 doanh nhân Đài Loan hoạt động ở Hoa Lục". Đó cũng là thời điểm Trung Quốc chiếm 80 % tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan.

Trung Quốc dùng đòn kinh tế uy hiếp đối phương

Sự « tuột dốc » nói trên, theo Evelyne Banh, bắt đầu từ khi Đảng Dân Tiến lên cầm quyền năm 2016 và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chủ trương giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một đối tác kinh tế, thương mại quá lớn là Trung Quốc. Đài Bắc thấy rõ là Bắc Kinh khai thác lá bài kinh tế để phục vụ những mục tiêu chính trị.

Thí dụ gần đây nhất là bốn ngày trước bầu cử tổng thống Đài Loan, hôm 09/01/2023, Bắc Kinh loan báo « mở điều tra » và dọa tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm của Đài Loan bán sang Hoa Lục. Biện pháp này nhằm đáp trả việc Đài Bắc hạn chế nhập khẩu hơn 2500 mặt hàng « made in China » vào thị trường tí hon với 24 triệu dân này.

Vấn đề đặt ra là thông báo bên bộ Thương Mại Trung Quốc được đưa ra trước bầu cử tổng thống Đài Loan và khi đó ứng viên Đảng Dân Tiến có lập trường « cứng rắn với Bắc Kinh » đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu.  

Mùa thu năm ngoái, sáng lập viên tập đoàn Foxconn Terry Gou đã đột ngột từ bỏ ý định ra tranh cử tổng thống Đài Loan. Nhiều nhà quan sát gắn liền quyết định này với vụ Bắc Kinh mở điều tra vì nghi ngờ Foxconn « trốn thuế ». Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản ông Gou ra tranh cử vì sợ rằng ứng viên này « cướp » chổ của ứng cử viên Quốc Dân Đảng có lập trường hữu hảo hơn với Hoa Lục.

Kết quả bầu cử hôm 13/01/2024 minh chứng cho phân tích của của một giáo sư tại Đại Học Đài Loan, được tuần báo Courrier International trích dẫn : « Những áp lực càng trực tiếp và thô bạo của Trung Quốc càng có nguy cơ khiến công luận Đài Loan bất bình ».

Thế nhưng làm thế nào để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Bắc Kinh ? Evelyne Banh, cơ quan tư vấn BSI Economics, trả lời :  

Evelyne Banh : « Ưu tiên của tổng thống tân cử là đa dạng hóa các hoạt động kinh tế của hòn đảo, giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Thực ra ông Lai Thanh Đức sẽ tiếp tục đi theo đường lối của người tiền nhiệm là tổng thống Thái Anh Văn nhằm giúp Đài Loan bớt bị áp lực, đồng thời củng cố liên hệ về kinh tế của hòn đảo này với các nền dân chủ lớn khác trên thế giới và với các nước lân cận. Chính quyền sắp tới sẽ nỗ lực vận động để gia nhập hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, từ Úc đến Nhật Bản, Việt Nam hay Singapore. Từ 2016, Đài Loan cũng đặc biệt chú ý đến mối quan hệ với các nước đang phát triển, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, kỹ thuật nông nghiệp, với từ ASEAN đến Úc và New Zealand ».

Chiến tranh thiêu rụi 10 % GDP toàn cầu

Trong phát biểu đầu tiên hôm 13/01/2024, tổng thống tân cử Đài Loan Lại Thanh Đức cam kết nỗ lực « phát triển và đẩy mạnh quan hệ và hợp tác kinh tế, thương mại » với Trung Quốc. Điều đó không cấm cản Bắc Kinh tiếp tục khẳng định lập trường « vững như bàn thạch và quyết tâm thống nhất » đất nước, đưa Đài Loan về với Hoa Lục. Nhiều nhà quan sát cho rằng thái độ hằn học của Trung Quốc với hòn đảo nhỏ ở bên kia eo biển Đài Loan xuất phát từ căng thẳng địa chính trị với phương Tây, mà chủ yếu là với Mỹ : Đài Loan là một lá chủ bài giúp Âu Mỹ bớt bị lệ vào kinh tế Trung Quốc, như ghi nhận của chuyên gia về Đài Loan Huai Shing Yen trên báo Le Monde (22/09/2023). Đó là điều mà Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá.  

Đài Loan, công cụ để Mỹ tách rời khỏi Trung Quốc 

Chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng Đài Loan lại chiếm thế gần như độc quyền trong một lĩnh vực công nghệ được coi là « mạch sống » của kinh tế thế giới thế kỷ 21. Công nghệ bán dẫn đang tạo ra đến « 5,6 % trị giá gia tăng cho kinh tế toàn cầu », như hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg (ngày 10/01/2024) đã thẩm định.

Nhờ vào một vị trí chiến lược về địa lý, eo biển Đài Loan với chiều rộng chưa đầy 200 km lại là nơi mà 48 % các tàu chở hàng của thế giới phải đi qua, để đưa hàng từ các nhà máy của Trung Quốc đến tận các hải cảng của Âu Mỹ. Một cuộc xung đột vũ trang trong vùng biển này tai hại « gấp bội » so với tất cả những gì mà thế giới đã trải qua từ trước tới nay : các hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ của Đài Loan và Trung Quốc với phần còn lại của thế giới sẽ bị gián đoạn, mà thậm chí các nước trong vùng, từ Nhật Bản đến Úc cũng sẽ bị vạ lây.

Nghiên cứu của Bloomberg chỉ ra rằng 80 % giao thương của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEN sẽ sụt giảm trong trường hợp nổ ra chiến tranh, toàn bộ giao thương Mỹ-Trung bị đóng băng. Kinh tế Đài Loan « hoàn toàn sụp đổ »,  gần 17 % GDP của Trung Quốc cũng sẽ bốc hơi và 6,7 % GDP của Hoa Kỳ tan thành mây khói …

Do vậy, theo Bloomberg, Bắc Kinh sẽ không dại để khai hỏa vào một nguồn cung cấp chip điện tử bảo đảm hơn 50 % thị trường của toàn cầu, một lĩnh vực mang tính sống còn ngay cả với các tập đoàn Trung Quốc.

Thế nhưng, lá bùa hộ mạng đó của Đài Loan xem chừng cũng có giới hạn. Chuyên gia về tài chính cơ quan tư vấn BSI Economics Evelyne Banh giải thích :

Evelyne Banh : « Đúng là Trung Quốc có trọng lượng về kinh tế quá lớn so với của Đài Loan, nhưng từ nhiều năm nay, Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại và những thách thức đó đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng lâu dài của nước này. Trái lại, Đài Loan tuy rất nhỏ so với ông khổng lồ sát cạnh, nhưng lại là một nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhờ những phát minh kỹ thuật … Đài Loan thống lĩnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và đang ở trên đỉnh cao của cả một chuỗi cung ứng ….

Tuy nhiên, khi mà 25% GDP của Đài Loan phụ thuộc vào công nghệ bán dẫn thì đây cũng chính là một cái bẫy, vì như vậy kinh tế của hòn đảo này lệ thuộc vào những trồi sụt thất thường của mảng công nghệ bán dẫn (…) Cũng như nhiều nền kinh tế khác trong vùng Đông Bắc Á, Đài Loan đang thiếu nhân tài, thiếu một đội ngũ kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật… để giữ được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm này. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng do dân số Đài Loan cũng đang trên đà lão hóa. Tỷ lệ sinh đẻ ở Đài Loan là chưa đầy một đứa trẻ một đầu người ».  

Trong nghiên cứu hồi tháng 11/2023, cơ quan tư vấn BSI Economics nhắc lại lời lãnh đạo tập đoàn bán dẫn Đài Loan TSMC Mark Liu : Trong trường bị Trung Quốc chiếm đoạt, TSMC sẽ làm tất cả để « vô hiệu hóa các cơ sở của mình », thay vì để lọt vào tay Trung Quốc. 90 % số nhà máy của TSMC là nằm trên lãnh thổ Đài Loan. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.