Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Indonesia, một cường quốc khu vực trước cuộc đọ sức Mỹ - Trung

Đăng ngày:

Jakarta chuẩn bị khép lại 10 năm thời đại « Jokowi ». Trong hai nhiệm kỳ, tổng thống Joko Widodo đã đặt Indonesia vào « trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu », và một quốc gia tiên phong về công nghệ xanh. Thách thức đối với chính quyền sắp tới là « khả năng khá giới hạn » của một cường quốc khu vực trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung theo phân tích của chuyên gia về châu Á, Hubert Testard trường Khoa Học Chính Trị Paris, và phụ trách báo mạng Asialyst.

Thủ đô Jakarta- Indonesia. Ảnh ngày 12/02/2024.
Thủ đô Jakarta- Indonesia. Ảnh ngày 12/02/2024. AP - Achmad Ibrahim
Quảng cáo

Ngày 14/02/2024, cử tri Indonesia bầu lại tổng thống, Quốc Hội và khoảng 20.000 dân biểu cấp địa phương. Indonesia là một trong những thành viên ban đầu của khối ASEAN, là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tham gia G20, câu lạc bộ quy tụ 20 nền kinh tế phát triển nhất. Là quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới, lại là cửa ngõ giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương, là gạch nối giữa châu Á và châu Đại Dương, Indonesia có rất nhiều lợi thế để tất cả các siêu cường trên thế giới phải quan tâm.

Sau 10 năm cầm quyền, Jokowi chuẩn bị chuyển giao quyền lực vào lúc ông vẫn được ba phần tư dân chúng tín nhiệm. Trên trường quốc tế, tổng thống Joko Widodo là đối tác được nể trọng và thân thiện với cả Washington đến lẫn Matxcơva, với Bắc Kinh cũng như Canberra hay Paris, Bruxelles và nhất là với Tokyo, Seoul hay với các nước Đông Nam Á.

Thành tích mở mang Indonesia

Trước hết đối với kinh tế Indonesia trong hai nhiệm kỳ vừa qua, ông Joko Widodo đã mang lại những gì cho đất nước ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với Hubert Testard, chuyên gia về châu Á, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po, và cũng là một trong những cây bút chính của trang mạng Asialyst. 

Hubert Testard : « Kinh tế Indonesia khá ổn định, với tỷ lệ tăng trưởng trong dài hạn trung bình ở mức 5 % một năm. Indonesia cũng đã khá vững vàng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng trên thế giới liên tục tăng lên. Tuy nhiên đại dịch Covid cũng đã tác động mạnh đến kinh tế quốc gia Đông Nam Á này - nhất là trong giai đoạn 2020 và 2021. GDP của Indonesia khi đó đã mất khoảng 0,7 %. Điều đó cũng có nghĩa là một phần dân số nước này dễ bị đẩy vào cảnh nghèo khó, thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện tại lạm phát đè nặng lên đời sống của nhiều người, nhất là khi mà giá cả nhu yếu phẩm -như đường hay gạo tăng lên. Tổng thổng tương lai sẽ phải chú ý và sẽ phải giải quyết những vấn đề xã hội (...)

Nhìn chung thành tích kinh tế của tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo khá tốt. Tất cả không phải là màu hồng nhưng trong 10 năm qua, ông đã tạo lực đẩy để phát triển cơ sở hạ tầng - mà đây là một nhược điểm lớn của Indonesia. Chính quyền Joko Widodo cũng đã tìm cách đặt Indonesia vào trung tâm chuỗi cung ứng qua việc phát triển công nghiệp khai thác quặng mỏ như mỏ beauxite, nikel… Để đạt được mục tiêu đó, Jakarta cần đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên điểm này, Indonesia đã khá thành công và đang trở thành một mắt xích quan trọng của tiến trình chuyển đổi năng lượng tại Châu Á. Không chỉ có nguyên liệu để chế tạo bình điện mà tham vọng sắp tới đây của Indonesia là phát triển cả ngành công nghiệp ô tô điện ».

Vẫn theo Hubert Testard, nhờ đầu tư và các doanh nghiệp Trung Quốc, xuất khẩu nikel tinh chất của Indonesia trong giai đoạn 2016 -2022 đã được « nhân lên gấp 30 lần ». Indonesia đang trở thành nhà máy sản xuất bình điện cho xe ô tô để cung cấp cho các hãng xe từ BYD của Trung Quốc đến Huyndai của Hàn Quốc.  

Dù phải đối phó với khủng hoảng Covid và lạm phát do chiến tranh Ukraina gây nên, Jakarta vẫn giữ được thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 3 % GDP. Nợ công chỉ tương đương với 37 % tổng sản phẩm nội địa, mà gần ¾ trong số đó là nợ do chính người dân Indonesia nắm giữ. Khác với ở Trung Quốc chẳng hạn, hệ thống tài chính và ngân hàng của Indonesia được giới trong ngành đánh giá là « vững chắc ».

Năm 2022 tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia (FDI) đạt mức cao chưa từng thấy 44 tỷ đô la để rồi đến 2023 lại đạt thành tích mới với 47 tỷ. Gần một nửa các khoản đầu tư nói trên hướng về các dự án khai thác quặng mỏ và ngành luyện kim.

Con đường tơ lụa gắn kết Indonesia với Trung Quốc

Tổng thống Joko Widodo được dân chúng thân mật gọi là ông Jokowi, ngoài ra, ông còn có biệt danh là « Bapak Infrastruktur » bởi trong 10 năm cầm quyền, ông đã dốc lòng xây dựng cơ sở hạ tầng và dựa vào dự án Con Đường Tơ Lụa mới của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đương nhiên « đánh cược » vào Indonesia để mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Theo thống kê của ngân hàng Indonesia Maybank, năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào ASEAN gần 17 tỷ đô la và « 13,7 tỷ trong số đó là để rót vào Indonesia và Hồng Kông ». Vậy có thể nói Indonesia phát triển mạnh nhờ đầu tư từ dự án Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc ?

Hubert Testard : « Hai vế ấy đi đôi với nhau, vì để phát triển cơ sở hạ tầng, Indonesia cần vốn đầu tư của trong và ngoài nước khi mà ngân sách của chính phủ thì có hạn. Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó. Chúng ta thấy qua dự án đường xe lửa cao tốc nối liền thủ đô Jakarta với thành phố Bandung. Công trình do Trung Quốc thực hiện và tài trợ, nhưng đây không là dự án duy nhất. Trung Quốc chiếm vị trí rất lớn tại Indonesia nhất là trên thị trường nguyên liệu. Indonesia giờ đây hầu như không còn xuất khẩu nikel thô nữa mà đó là nikel tinh chất để được sử dụng ngay trong việc sản xuất bình điện ô tô. Có dự án Con Đường Tơ Lụa mới hay không, thì tôi cho rằng Trung Quốc cũng vấn hiện diện ở Indonesia như thường. Trong khá nhiều lĩnh vực họ gần như là trong thế ‘song quyền’ cùng với Indonesia để khai thác tài nguyên ».

An ninh biển vì lòng tham của Trung Quốc

Như đã nói ở trên, Indonesia là cửa ngõ giữa Ấn Độ với Thái Bình Dương, là gạch nối giữa châu Á với châu Đại Dương. Quốc gia này làm chủ trên dưới 17 ngàn hòn đảo lớn nhỏ trải rộng trên hơn 5 ngàn cây số từ đông sang tây, hơn 2 ngàn cây số từ nam chí bắc. Jakarta hoàn toàn ý thức được là sự thịnh vượng tùy thuộc vào ổn định và an ninh trên biển.

Ít ồn ào hơn Philippines hay Việt Nam nhưng Indonesia cũng là một nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, chung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Trong một nghiên cứu hồi 2023, luật gia Daniel Peterson thuộc đại học Melbourne - Úc, được báo Le Monde trích dẫn cho rằng, hợp tác chặt chẽ về kinh tế giảm thiểu tham vọng của Bắc Kinh lấn át chủ quyền của Jakarta trong vùng đặc quyền kinh tế ZEE ở Biển Đông, nhưng đồng thời đầu tư của Trung Quốc bắt rễ sâu vào các hoạt động kinh tế của Indonesia cũng là một dạng « con ngựa thành Troie » khi mà đấy là những « mảng đầu tư mang tính chiến lược lâu dài » cho phép Bắc Kinh « hiện diện dài lâu ở bên trong lãnh thổ của Indonesia, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc với khu vực » và vẫn theo chuyên gia này Indonesia đã trở thành « tâm điểm trong số những mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc » ở Ấn Độ Thái Bình Dương.

Trong cuộc đua kế vị tổng thống Joko Widodo, đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto được coi là người có nhiều triển vọng hơn cả. Ông này từng là đối thủ của Jokowi nhưng nay lại được tổng thống sắp mãn nhiêm ủng hộ. Bằng chứng rõ rệt nhất là con trai cả của Joko Widodo, mới 36 tuổi, đứng liên danh, ra tranh chức phó tổng thống cùng với ông Prabowo Subianto.

Chuyên gia châu Á Hubert Testard ghi nhận : Indonesia là  quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới và có lập trường bênh vực người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza, Cận Đông. Về chiến tranh Ukraina công luận thiên về phía Nga vì tinh thần bài Mỹ. Cả hai cuộc xung đột ấy cùng ngoài tầm ảnh hưởng của Jakarta. Hơn nữa từ khi giành được độc lập năm 1945, nguyên tắc ngoại giao của là bắt tay với tất cả các bên, nên dưới đời tổng thống nào đi chăng nữa Indonesia vẫn sẽ giữ thế « trung lập ». Đấy cũng sẽ là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của Indonesia trong trường hợp hai siêu cường kinh tế thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một cuộc đối đầu

Hubert Testard : « Trong cuộc đối đầu Mỹ- Trung Quốc, khả năng của Indonesia giảm thiểu căng thẳng ở khu vực châu Á khá hạn hẹp bởi vì hai siêu cường thế giới này có những tính toán riêng, hoàn toàn độc lập với những yếu tố bên ngoài hay là của các quốc gia tại khu vực liên quan. Song chính sách đối ngoại của Jakarta từ trước đến nay vẫn rõ ràng đó là quyết tâm bắt tay với tất cả các bên. Indonesia có mối bang giao hữu hảo với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Với Bắc Kinh thì đấy là vì lợi ích kinh tế và Jakarta tránh để làm phật lòng Trung Quốc trừ phi mà ông Tập Cận Bình cho tàu thuyền thâm nhập vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia. Thế còn đối với Mỹ, ứng viên tổng thống được cho là có nhiều triển vọng nhất hiện nay là đương kim bộ trưởng Quốc Phòng ông Prabowo Subianto, thì có khuynh hướng thân phương Tây. Chính dưới nhiệm kỳ của ông, Indonesia ngừng trang bị Sukhoi của Nga để mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp và F15 của Mỹ. Hiện tại về mặt quân sự, Indonesia giữ khoảng cách với Nga và hướng nhiều hơn tới phương Tây ».

Tuy nhiên ngay cả trên những hồ sơ mang tính khu vực, Hubert Testard cũng cho rằng, khả năng can thiệp của Indonesia cũng không nhiều. Điều đã được chứng minh qua vấn đề của Miến Điện. Tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo cũng như là người sắp thay thế ông, đều sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ -nhất là trên biển của Indonesia  

Hubert Testard : « Quân đội Indonesia cần được hiện đại hóa. Đứng đầu bộ Quốc Phòng, ông Pabowo đã bắt đầu làm việc này và theo tôi thì ở cương vị tổng thống, ông sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng đó. Nghĩa mở rộng và tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội Indonesia. Jakarta sẽ tăng chi phí quốc phòng và tăng ngân sách mua trang thiết bị quân sự. Chắc chắn là ông sẽ chú trọng đến bên Hải Quân, vì Indonesia cần tăng cường khả năng răn đe cho các lực lượng trên biển, nhất là trước những tham vọng của Trung Quốc. Hiện tại quốc gia Đông Nam Á này trong thế châu chấu đá voi : Jakarta có khoảng 8 khinh hạm, trong lúc của Trung Quốc là hơn 40 chiếc, Indonesia có 4 tàu ngầm thì Hải Quân Trung Quốc có hơn 60 chiếc. Trung Quốc bị coi là mối đe dọa chính vì những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ». 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.