Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Khi các môn thể thao nữ lên ngôi

Đăng ngày:

Từ vòng chung kết cúp bóng đá nữ Châu Phi CAN, rồi Châu Âu EURO 2022 đến cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France. Chưa bao giờ các vận động viên thể thao nữ được truyền thông và người hâm mộ theo dõi với sự cuồng nhiệt, háo hức như bây giờ. Thể thao của nữ đang có những bước tiến ngoạn mục trong chuyên môn thi đấu cũng như hình ảnh.

Màn hình hiển thị con số kỷ lục hơn 87 nghìn khán giả đến sân Wembley cổ vũ trận chung kết EURO 2022 bóng đá nữ giữa đội tuyển Anh và  tuyển Đức, ngày 31/07/2022, Luân Đôn, Anh.
Màn hình hiển thị con số kỷ lục hơn 87 nghìn khán giả đến sân Wembley cổ vũ trận chung kết EURO 2022 bóng đá nữ giữa đội tuyển Anh và tuyển Đức, ngày 31/07/2022, Luân Đôn, Anh. AP - Rui Vieira
Quảng cáo

Riêng với môn bóng đá, suốt gần một tháng qua, bóng đá nam đã nhường toàn bộ sân cỏ châu Âu cho các nữ cầu thủ thể hiện với những trận cầu sôi động chất lượng cao. Số lượng người hâm mộ đến sân vận động của nước Anh theo dõi các trận đầu ở EURO bóng đá nữ 2022 liên tiếp lập các kỷ lục. 

Những cuộc so tài hấp dẫn, sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả ở các môn thể thao mà trước đây không lâu vẫn được cho là đặc quyền của nam đã là những hình ảnh quen thuộc trên các phương tiện truyền thông. Các nhà tài trợ đã nhìn thấy ở thể thao nữ một mảnh đất đất đầu tư sinh lời.

Vòng chung kết bóng đá nữ Châu Âu đã khẳng định điều đó. Trận chung kết không còn một vé. 87 nghìn cổ động viên tới sân Wembley chứng kiến trận chung kết giữ đội chủ nhà Anh và đội tuyển Đức vào ngày 31/07. Thu nhập từ quảng cáo và số lượng khán giả theo dõi các trận đấu qua truyền hình bùng nổ. Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA đã bán bản quyền truyền hình giải đấu tới 195 nước. UEFA dự trù thu được 60 triệu euro, cao gấp 4 lần so với kỳ  EURO của nữ trước.

Các nhà tài trợ đổ xô về với giải đấu : Visa, Adidas, Nike hay Heineken đều có mặt. Ngân hàng Barclay cam kết cung cấp tài chính cho giải vô địch quốc gia bóng đá nữ Anh trong 3 năm, với số tiền 40 triệu euro, tức là tương đương với khoản mà ngân hàng này đã đầu tư vào giải vô địch bóng đá nam của Anh cách đây 20 năm. 

Môn bóng tròn của phái nữ bắt đầu được các nhà đầu tư nhìn nhận một cách nghiêm túc, tuy nhiên khoản chênh lệch trong đầu tư cho thấy bóng đá nữ vẫn còn một khoảng cách khá xa để có thể đuổi kịp các giải đấu của nam. Với các nhà đầu tư, đây là thời điểm để cắm chân trong lĩnh vực vẫn còn ít được chú ý, nhưng đầy hứa hẹn, bởi vì người hâm mộ thể thao của nữ chịu chơi hơn những người hâm mộ các môn thể thao nam. Giờ đây, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm phụ như quần áo, trạng phục, các đồ lưu niệm của các đội hay ngôi sao mình cổ vũ.

Thể thao nữ, cỗ máy in tiền cho các đài truyền hình ?

Trận tứ kết EURO 2022 giữa đội tuyển Pháp và Hà Lan đã thu hút hơn 5 triệu khán giả theo dõi qua truyền hình tại Pháp. Ở trận bán kết Pháp - Đức, lượng khán giả truyền hình lên tới hơn 7 triệu người.

Ở môn bóng ném, trận chung kết Cúp thế giới mà đội tuyển nữ Pháp bị thua hồi tháng 12 năm ngoái cũng đã thu hút được lượng khán giả theo dõi qua truyền hình tương đương với trận chung kết bóng ném nam tại Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Các kỷ lục về lượng khán giả truyền hình xuất hiện ở tất cả môn thể thao của các vận động viên nữ.

Mùa hè năm nay, kênh truyền hình Qatar BeIn Sport đã quyết định nhằm tới nhiều hơn vào các vận động viên nữ qua việc phát sóng trong khắp vùng Trung Đông, Châu Phi ba giải đấu lớn của nữ mùa hè này : Giải vô địch bóng đá nữ Châu Phi (CAN), giải vô địch Châu Âu EURO 2022 và cuộc đua xe đạp của nữ Tour de France năm nay.

Theo một điều tra tiến hành tại Anh Quốc, những người dưới 55 tuổi là những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất với thể thao nữ. Các nữ vận động viên thu hút một lớp công chúng mới rất được giới truyền thông cũng như các nhà tài trợ chú ý khai thác.

Khoảng cách thu nhập so với nam vẫn còn lớn

Tuy nhiên, trong đa số các môn thể thao, các nữ vận động viên vẫn ở cách rất xa so với vận động viên nam nếu nhìn vào khía cạnh thu nhập, trừ trường hợp môn quần vợt. Ở môn chơi này, từ hơn chục năm nay, các « bà hoàng » cũng đút túi số tiền ngang với các « ông vua ». Năm ngoái, Roger Federer đã có thu nhập lớn nhất làng quần vợt quốc tế, từ các nguồn khác nhau, tiếp theo sau là tay vợt nữ Nhật Bản Naomi Osaka. Đứng thứ 3 là tay vợt Mỹ Serena William, trên cả Novak Djokovic và Rafael Nadal.

Trái lại, trong các môn thể thao ít phổ biến hơn thì sự chênh lệch vẫn còn quá lớn. Tay đua nữ nào chiến thắng ở cuộc đua xe đạp Tour De France đang diễn ra sẽ chỉ bỏ túi tấm séc 50 nghìn euros, tức là chỉ bằng 1/10 giải thưởng của tay đua người Đan Mạch, Jonas Vingegaard, vừa giành chiến thắng ở Tour de France 2022 của nam.

Trong bóng đá, cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của các nữ cầu thủ Mỹ, do ngôi sao quốc tế Megan Rapinoe khởi xướng, cuối cùng đã thành công. Sau 6 năm kiện tụng, cuối cùng các nhà quản lý bóng đá Mỹ hồi đầu năm nay đã phải ký thỏa thuận trả lương cho các tuyển thủ nữ ngang bằng với các đồng nghiệp nam. Đã có khoảng trên một chục quốc gia, các cầu thủ nữ đã đạt được những  thỏa thuận tương tự.

Olympic Paris 2024 : Còn 2 năm cho những thách thức  

Còn 2 năm nữa, ngày 26/07/2024, Thế vận hội mùa hè sẽ khai mạc tại Paris. Năm 2017, sau 3 lần dự tuyển xin đăng cai thất bại, Paris được Ủy Ban Olympic Quốc tế chọn làm thành phố tổ chức Thế vận hội mùa hè 2024, một mốc thời gian đặc biệt có ý nghĩa: sau 100 năm Olympic mới trở lại với thủ đô của nước Pháp. Giờ đây chỉ còn 24 tháng nữa đến ngày khai mạc sự kiện, nhưng thực sự các nhà tổ chức sự kiện lớn của Pháp đang phải lao vào một cuộc đua vượt chướng ngại vật với không ít thách thức.

Trước hết là chuyện chi phí

Trong bối cảnh chiến tranh xảy ra giữa châu Âu, vật giá leo thang, nguy cơ khủng hoảng năng lượng một câu hỏi lớn đặt ra là liệu các nhà tổ chức Paris có làm chủ được ngân sách đã định ?

Tại Thế vận hội Luân Đôn 2012, chi phí hết 15 tỷ đô la. Thế vận hội Rio 2016 : 13,2 tỷ. Đến Thế vận hội Tokyo, bị dời từ năm 2020 sang năm 2021 do đại dịch Covid-19, chi phí chính thức được tính khoảng 13 tỷ đô la.

Qua mỗi kỷ tổ chức các kỳ Thế vận hội, chi phí vẫn luôn bị đội thêm lên so với ngân sách dự chi ban đầu cho các công trình xây dựng hạ tầng thể thao, tổ chức sự kiện. Nước Pháp liệu có làm được việc mà chưa có bất kỳ nhà tổ chức Thế vận hội mùa đông cũng như mùa hè những năm gần đây làm được là kiềm chế được chi phí cho sự kiện?

Được ấn định năm 2017 trong khoảng từ 6,6 tỷ đến 6,8 tỷ euro, ngân sách dự trù cho Paris 2024 như vậy liệu có giữ được không?  Theo thẩm định của AFP, hiện tại ngân sách này đã phải là 8 tỷ euro: 4 tỷ cho Ủy ban tổ chức, 4 tỷ cho các công trình phục vụ Olympic. Trong hoàn cảnh kinh tế cả thế giới đều lạm phát mạnh, nhất là ở châu Âu, giới quan sát cũng như các chuyên gia đều nhận thấy khó mà Paris 2024 giữ được chi phi không bị đội lên. 

Hoàn thiện các công trình

Một trong những điểm mạnh để hồ sơ Paris 2024 thuyết phục CIO và cũng là một trong những lý do để các nhà tổ chức tin là các công trình phục vụ sự kiện lớn sẽ bảo đảm đúng thời hạn bàn giao và duy trì ngân sách ban đầu : Olympic Paris 2024 sẽ sử dụng các hệ thống hạ tầng cơ sở thể thao đã có. Các sân vận động các nhà thi đấu như vậy Paris có khá nhiều. Ngoài ra, các địa điểm thi đấu ngoài trời như dưới chân tháp Eiffel, sân lâu đài Versailles, Grand Palais… đều không cần phải xây dựng nhiều, công việc chủ yếu là lắp đặt các thiết bị phục vụ thi đấu và đón tiếp khán giả, không đòi hỏi tốn kém và nhiều thời gian.

Các công trình mới chủ yếu chỉ liên quan đến khu tổ hợp thi đấu ở phía đông bắc Paris, theo kế hoạch sẽ được bàn giao vào năm 2023, một khu thi đấu dành cho các môn thể thao dưới nước tại Saint-Denis, sẽ sẵn sàng vào đầu năm 2024 và một công trình tường leo núi ở Bourget, ngoại ô Paris.

Các công trình lớn nhất là làng dành cho báo chí, truyền thông, đang xây dựng gần sân bay Bourget và đặc biệt là làng vận động viên. Hiện tại, chưa có dấu hiệu chậm tiến độ nào ở các công trình này, nhưng  tình trạng giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng vọt có thể cũng ảnh hưởng đến chi phí giá thành của các công trình. 

Giao thông công cộng thực sự đáng lo

Một thách thức khác là giao thông công cộng. Với hệ thống sẵn có khá hiện đại và nhiều dự án mở rộng xây dựng mới các tuyến tàu điện ngầm, nhưng cuối cùng đến giờ các nhà tổ chức Paris 2024 vẫn đang đau đầu tìm giải pháp cho vấn để giao thông công cộng phục vụ sự kiện.

Khó có thể nói trước được trong lĩnh vực giao thông công cộng. Năm 2016, hồ sơ dự tuyển đăng cai Thế vận hội của Paris trông đợi vào việc sử dụng hệ thống giao thông Grand Paris Express, một mạng lưới mở rộng với 4 tuyến đường tàu điện ngầm mới (15,16,17 và 18), hy vọng các công trình đồ sộ này sẽ được đưa vào phục vụ đúng dịp Olympic Paris 2024 khai mạc. Cuối cùng, chỉ duy nhất có dự án mở rộng tuyến hiện có, đường 14, ra phía phi trường Orly là có thể sẵn sàng đúng thời hạn dự kiến. Trong điều kiện như vậy, làm sao có thể bảo đảm thông suốt việc di chuyển của khoảng 9,7 triệu khán giả dự tính sẽ có mặt trong thời gian diễn ra Paris 2024 ?

Từ nhiều năm qua, vấn đề giao thông công cộng trong Paris và vùng phụ cận (Ile-de-France) đã rất căng thẳng. Mới đây, bà chủ tịch vùng Ile-de-France, Valérie Pécresse, đã đề nghị Nhà nước cấp 4 tỷ euro để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông và hoàn thành các dự án dang dở trong 5 năm tới. Trong khi đó, các cơ quan quản lý giao thông trong vùng Ile-de-France đang phải nợ tới 7 tỷ euro, theo một  báo cáo mới đây của Viện Montaigne.

Nghi ngờ khả năng bảo đảm an ninh cho Thế vận hội

Một thách thức khác đang đặt ra là vấn đề bảo đảm an ninh cho sự kiện. Đây là chủ đề nhạy cảm sau khi các vụ hỗn loạn xảy xung quanh sân vận động Stade de France bên lề trận chung kết giải bóng đá châu Âu Champions League giữa câu lạc bộ Real Madrid và Liverpool hồi tháng 5 vừa qua, khiến cho Quốc Hội phải lập một ủy ban điều tra về vụ việc và kết luận trách nhiệm thuộc về chính phủ Pháp. Sự cố đó đã làm dấy lên các hoài nghi về khả năng Pháp có thể tổ chức tốt các sự kiện thể thao lớn.

Dư luận đặt câu hỏi làm sao chính quyền Pháp có thể quản lý được vấn đề an ninh cho lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024, dự kiến sẽ là buổi lễ hoành tráng nhất từ trước tới nay. Các cuộc diễu hành, trình diễn sẽ thực hiện trên mặt sông Seine với sự tham dự của gần 600 nghìn khán giả dọc hai bên bờ sông.

Bảo đảm an ninh cho sự kiện hoành tráng nhất trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại là một thách thức lớn nhất. Các nhà tổ chức Paris 2024 và chính phủ Pháp còn rất nhiều việc phải trong vòng 2 năm nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.