Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Sắc xanh nồng ấm – hành trình Ta tìm thấy Ta

Đăng ngày:

Tên chính thức của bộ phim là “Chuyện đời của Adèle – chương I và II” nhưng dường như cái tên khiến người ta nhớ tới nhất chính là “Sắc xanh nồng ấm” (Blue is the warmest colour). Được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng “Blue Angel” của nữ nhà văn Pháp - Julie Maroh viết năm 2010, năm 2013, bộ phim ra đời sau khi nước Pháp hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và đã gây chấn động không chỉ nước Pháp mà là cả nền điện ảnh thế giới.

“Sắc xanh nồng ấm” đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2013.
“Sắc xanh nồng ấm” đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2013. Divulgaç
Quảng cáo

“Sắc xanh nồng ấm” ngay lập tức đoạt giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes, đề cử giải Quả cầu vàng cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất và giải BAFTA cho Phim hay nhất không phải bằng tiếng Anh. Thậm chí, nhiều nhà phê bình còn đánh giá đây là một trong những bộ phim hay nhất năm 2013. Dù có xuất phát điểm từ một tác phẩm văn học đã sẵn tên tuổi nhưng thành công của bộ phim phần lớn nhờ vào phần thể hiện trên cả tài tình của đạo diễn Abdellatif Kechiche bằng những ngọt ngào, mãnh liệt, nồng nàn của mối tình đồng giới, bằng sắc xanh ngập tràn màn ảnh, bằng cả những nỗi buồn đau day dứt giằng xé không tên.   

Bỏ qua rất nhiều những tranh cãi xung quanh bộ phim, “Sắc xanh nồng ấm” đã khắc họa rất chân thực con đường tìm kiếm bản thân, “định danh giới tính” của Adèle, một cô nữ sinh trung học chỉ mới 17 tuổi đầy khao khát và băn khoăn, để rồi cuối cùng, bất chấp một cái kết có đẹp hay không, Adèle cũng có được câu trả lời.

Cuốn sách cuộc đời

Say mê văn học và ước muốn trở thành cô giáo, câu chuyện của Adèle cũng được dẫn dắt một cách không quá dấu diếm qua những trang sách, những tác phẩm văn học cô được dạy ở trường. Mở đầu phim là bài giảng về một câu chuyện tình yêu sét đánh, cũng chính là cái cách mà sau đó không lâu, mái tóc xanh kì diệu đi qua đời Adèle và để lại không biết bao nhiêu dấu ấn khó phai.

Được xây dựng là một thiếu nữ tuổi teen cơ bản, thậm chí có phần hơi cổ điển, Adèle yêu những gì đơn giản nhất nhưng ẩn sâu bên dưới cái vỏ đó là những khát khao kì lạ mỗi đêm của tuổi dậy thì, những đam mê khó hiểu khó thổ lộ . Có vẻ  cũng giống như nhiều bạn trẻ cùng trang lứa khác, Adèle chất chứa đầy những băn khoăn về bản thân, đặc biệt là về giới tính của mình cho đến khi cuốn sách cuộc đời mở ra, màu tóc xanh của Emma lướt tới như một luồng gió đầy ấn tượng, mới mẻ, khơi gợi cả một thế giới đang đầy giông bão trong con người Adèle.

Adèle bắt đầu mối quan hệ với Thomas, cậu bạn học cùng trường, giống như thực hiện một cuộc kiểm chứng. Rồi gần như ngay sau đó, cô chủ động chia tay cậu chỉ qua lần gần gũi đầu tiên. Cô đã khóc thật nhiều, cảm thấy suy sụp nhưng không phải vì buồn mà vì có thể cô đã nhận ra bản thân, nhận ra những khát khao của cô không phải dành cho bất kì một người đàn ông nào.      

Lúc này, “bi kịch là không thể tránh khỏi … là vĩnh cửu” chính là bài học văn học thứ hai trên lớp, cũng là lúc mở ra một trang mới của Adèle khi cô bất ngờ nhận được nụ hôn của cô bạn học và ngay lập tức nghĩ rằng đó là dấu hiệu của tình yêu. Oái oăm thay, ngược lại với hi vọng và mong đợi của Adèle, nụ hôn kia chỉ là một nụ hôn vui vẻ, hoàn toàn vô nghĩa. Adèle bước vào bi kịch cảm thấy lạc  lõng giữa những người bạn vẫn gọi là thân thiết, giữa trường học và cả gia đình.

Nhờ vào một người bạn đồng tính nam khác, cô tìm tới các câu lạc bộ những người đồng giới để, dường như, là tìm kiếm những người giống mình, để cảm thấy sự hòa đồng, cảm thấy mình không khác biệt hay dị biệt. Trong cái ánh sáng xanh lấp lánh của hộp đêm, Adèle vẫn mong ngóng gặp được một sắc xanh khác, thứ Xanh ấm áp mà cô đã vô tình lướt qua trên phố hôm nào, thứ Xanh đã ám ảnh cô mỗi đêm. Và rồi, Emma cũng xuất hiện như một vị cứu tinh khi Adèle lạc trong quán bar đồng giới nữ và sắp sửa được một cô gái khác tán tỉnh.

Những điểm khác nhau giữa cô nữ sinh trung học còn đang ngơ ngác với cuộc đời và cô sinh viên đại học Mỹ thuật sâu sắc dần bộc lộ, khi một người thích uống cocktail, một người mê sữa lắc, một người có thể ăn hải sản cả đời còn người khác lại nghiện bơ và món mì Ý, ấy vậy mà họ vẫn đến với nhau bằng sự thôi thúc khao khát nhục dục từ Adèle và sự tò mò rộn rã của Emma.

Những mối quan hệ bạn bè ở trường rạn nứt khi Adèle bị bạn bè phát hiện là người đồng tính nhưng “bản thân lực hấp dẫn là một sai sót không thể tránh được” là bài học tiếp theo từ văn học của Adèle. Và rồi, trường đoạn sex kéo dài trong phim giống như hành động cởi nút thắt hết thảy mọi do dự băn khoăn bên trong Adèle. Những giày vò đau đớn nhưng sung sướng tận cùng khiến cô cảm thấy đã tìm thấy chính mình. Trường đoạn này có thể nói là điểm nhấn mạnh mẽ trong phim, không chỉ là giới hạn về sex mà còn mang trong nó ý nghĩa của sự bứt phá, của khát vọng được sống là chính bản thân mình của nhân vật chính.

«La Vie d’Adèle – Chapitre 1 & 2 » (Blue Is The Warmest Color) d’Abdellatif Kechiche.
«La Vie d’Adèle – Chapitre 1 & 2 » (Blue Is The Warmest Color) d’Abdellatif Kechiche. Wild bunch / Quat’Sous Films / France 2 Cinema / Scope Pictures

Hai nửa đối lập

“Sắc xanh nồng ấm” được chia làm hai nửa khá rõ ràng và tách biệt. Nửa đầu tiên ngập tràn những hứng khởi, xúc cảm mạnh mẽ, cuồng nhiệt, trong khi nửa thứ hai lại kéo khán giả trở về với thực tại cuộc sống với những xoay vần rất đỗi đời thường. Ta có thể thấy nó giống như sự thay đổi màu tóc của Emma, lúc sắc xanh không còn thì sự ấm áp cũng mất đi.

Đó là cái cảm giác lạc lõng của Adèle giữa bữa tiệc tiếp khách giới thiệu tranh của Emma. Đó là cái cảm giác giống như ngày cô đứng giữa trường trung học và bất an về bản thân. Cái cảm giác một mình một việc, lắng nghe những người xung quanh nhưng dường như cô không hề ở đó, dù Emma đã thật tế nhị cảm ơn Adèle đã là nguồn cảm hứng bất tận của mình, là nàng thơ cho các bức tranh và là người tự tay nấu đồ ăn. Trong cái xã hội thu nhỏ của giới nghệ sĩ đầy rẫy đam mê, hài hước, nhốn nháo, gương mặt ngây thơ lạc điệu đáng thương xa xôi của Adèle hiện ra, như một lần nữa, cô đã không thể tìm thấy mình.

Chi tiết nhỏ nhưng đắt giá hơn cả là khi họ cùng nhau dùng bữa sáng. Vẫn là một Adèle đơn giản, yêu để sống và sống để yêu, chăm chút cho Emma, trong khi Emma còn đang tập trung vào công việc và phát điên vì đã không được như ý. Cô thậm chí không quan tâm Adèle đang nói gì, làm gì. Người ta có thể thấy rõ ràng khoảng cách giữa hai người, một nghệ sỹ có tài đầy tham vọng và một cô giáo mầm non với triết lí sống đơn giản mới chớm ngưỡng đôi mươi.

Thế rồi, Adèle, một lần nữa, lại tìm đến sự trải nghiệm xác thịt với một đồng nghiệp nam ở trường học vì quá cô đơn. Tất cả cảm xúc, nguồn sống của cô gái trẻ đều phụ thuộc vào Emma nên khi Emma lơ đãng với cô, quay cuồng với sự nghiệp thì Adèle trở nên lạc lõng, khát khao. Ám ảnh mà Emma mang lại cho Adèle là quá lớn, không chỉ tinh thần mà còn là những ái ân cuồng nhiệt đắm say không gì thay thế được. Mọi việc vỡ lở, mối quan hệ của họ đổ vỡ, Emma từ chối Adèle vì sự phản bội quá rõ ràng.

Rời khỏi Emma, Adèle thấy mình trống rỗng. Mùa hè đến, lũ trẻ cũng rời khỏi trường, xung quanh là nỗi cô đơn. Hóa ra, trước giờ Adèle chưa từng có điều gì thuộc về bản thân mình, kể cả niềm vui hay nỗi buồn.

Hè qua, thu tới, Adèle vật vã trong nỗi cô đơn nhung nhớ. Họ gặp lại nhau, lực hấp dẫn là một điều khó tránh khỏi nhưng không phải là không thể. Với Emma, Adèle là nguồn cảm hứng, là nàng thơ nhưng lại là một tình yêu có giới hạn, là sự cuồng nhiệt xác thịt không hơn. Adèle bật khóc. Trong tình yêu, có phải ai yêu nhiều hơn thì sẽ đau khổ hơn? Hay qua sự đổ vỡ, họ sẽ tìm cách đứng lên mạnh mẽ hơn và tìm thấy bản thân mình?

Văn học trở lại ở lớp mẫu giáo khi Adèle dạy những đứa trẻ đọc bài về con tắc kè. Chúng đổi màu để thích nghi và chẳng có lý do nào khác hơn thế.

Adèle Exarchopoulos (à esq.) e Léa Seydoux em cena do filme "La vie d'Adèle".
Adèle Exarchopoulos (à esq.) e Léa Seydoux em cena do filme "La vie d'Adèle". © DR

Lần đầu tiên, Adèle diện bộ váy màu xanh đến triển lãm tranh của Emma. Cô vẫn có mặt trong tranh nhưng dường như linh hồn cô không còn ở đó. Ngắm nhìn những người nửa lạ nửa quen và Emma tay trong tay với người yêu mới là một họa sĩ, sự lạc lõng tiếp tục xâm chiếm Adèle. Cô rời khỏi đó với màu xanh của riêng mình, với nỗi đau một phần cuộc đời mà cô sẽ mang theo.

 “Sắc xanh nồng ấm” là một bộ phim với đầy những chi tiết đắt giá nhưng lại mang ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, dễ gần giống như nhịp thở của mỗi chúng ta. Những góc quay cận, hẹp, không có nhạc nền, những bữa ăn gia đình hay thậm chí cả cái kết cũng bình thản đến khó chịu. Khán giả có chung một câu hỏi, một sự tiếc nuối, rằng Adèle rồi sẽ ra sao, cuộc sống tinh thần của cô sẽ thế nào? Liệu cô có thể còn Yêu ai được nữa?

Blue trong tiếng Anh còn có nghĩa là Nỗi Buồn. Có đúng không khi ta nói Nỗi Buồn là thứ thật sự cần trong cuộc sống, bởi chỉ khi Buồn thì ta mới học cách trân trọng những lúc Vui bên nhau. Và chỉ khi biết trân trọng nó, ta mới nhìn thấy chính Ta trong đó.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.