Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Lương Huệ Trinh, âm nhạc Xa Xôi – âm nhạc Gần

Đăng ngày:

Mông lung mà cụ thể, mộc mạc mà tinh tế, lạ lẫm mà như đã từng được gặp, đó là những vệt cảm xúc đa chiều, nhiều sắc màu nhưng rất tĩnh trong thế giới âm thanh của Lương Huệ Trinh, một trong những nghệ sĩ trẻ đáng chú ý trong giới âm nhạc đương đại Việt Nam cũng như quốc tế. Album đầu tay Illusions của cô từng lọt vào danh sách những album hay nhất của năm 2016, do tạp chí âm nhạc uy tín Avant Music News (Mỹ) bình chọn.

Nhạc sĩ Lương Huệ Trinh.
Nhạc sĩ Lương Huệ Trinh. © Ảnh do tác giả cung cấp.
Quảng cáo

Tác phẩm Tò Vò được Urban Arts Berlin xuất bản trong album Synt tổng hợp Vol.1, bao gồm các tác phẩm âm thanh của các nhà soạn nhạc nữ quốc tế. Đặc biệt nhạc trưởng người Mỹ Jeff Von Der Schmidt - chủ nhân của hai giải thưởng Grammy (2004, 2005) và 8 đề cử cho 30 CD- đã đích thân chỉ huy buổi hòa nhạc « Vệt » của cô năm 2019 tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, Hà Nội.

RFI Tiếng Việt mời quý vị cùng dạo chơi và khám phá con đường âm thanh kỳ diệu của nhạc sỹ/nghệ sỹ biểu diễn Lương Huệ Trinh.

**********

RFI Tiếng Việt: Chào bạn Lương Huệ Trinh, dòng nhạc đương đại thể nghiệm đã xuất hiện từ đầu thế kỉ 20 (tiêu biểu là nhà soạn nhạc John Cage) nhưng chỉ bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam mấy chục năm trở lại đây và rất kén người nghe. Là một người trẻ tại sao bạn lại chon một con đường chưa quang như vậy để đi ?

Lương Huệ Trinh : Chào chị, trước tiên xin cám ơn chị và đài RFI đã mang đến cho Trinh cơ hội được chia sẻ với thính giả về công việc của mình. Và đúng là âm nhạc đương đại đã xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm chín mươi. Dòng âm nhạc này không những kén người nghe mà còn kén cả người làm ra nó nữa.

Nói là kén người nghe vì họ cần thả lỏng mình để có thể cảm nhận các âm thanh chứ không phải nghe bằng những định kiến có sẵn từ trước. Còn nói kén người làm bởi các nghệ sỹ thuộc dòng âm nhạc đương đại, âm nhạc thể nghiệm này gặp rất nhiều khó khăn, từ việc làm sao để đạt được chất lượng tốt và làm sao để có số lượng khán giả cho những buổi biểu diễn, rồi cả những tài trợ cho các dự án.

Nhưng đối với Trinh, thì việc đi theo con đường này cho đến giờ là một sự lựa chọn rất đúng đắn mà Trinh chưa bao giờ hối hận. Nó mở ra nhiều thứ, ví như những cơ hội được đi đến các châu lục khác nhau, được quen biết và học hỏi từ nhiều người thú vị. Và còn được thể hiện mình qua âm thanh ở những không gian khác nhau vv… Điều đó khiến cho Trinh cảm thấy thực sự hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

RFI : Những tác phẩm của Trinh được giới âm nhạc đương đại thế giới đánh giá cao. Vậy có phải việc sử dụng những chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong không gian âm nhạc của mình đã tạo nên một Lương Huệ Trinh, không phải là « tay vừa » giữa môi trường âm nhạc nhiều cạnh tranh như vậy không ?

Lương Huệ Trinh : Một phần cũng đúng là khi đưa ra các chất liệu âm nhạc trong văn hóa của mình thì bản thân nó đã mang một màu sắc nhất định. Tuy nhiên, Trinh nghĩ nó không phải là tất cả, vì âm nhạc truyền thống của mỗi quốc gia đều có một bản sắc riêng. Có rất nhiều nghệ sỹ, gồm cả các nghệ sỹ phương Tây, khai thác chất liệu từ các nền văn hóa khác nhau ở Châu Á. Nhưng để mang lại một bản sắc riêng, một cá tính âm nhạc riêng biệt thì nó còn phụ thuộc vào thẩm mỹ và sự sáng tạo của mỗi người.

RFI : Một trong số dự án gần đây nhất mà Trinh đang thực hiện, đó là dự án Xa Xôi Gần, được hỗ trợ bởi viện trao đổi văn hóa Pháp, Villa Sai Gon và Cité internationale des arts tại Paris, duyên cơ nào đã đưa bạn đến với Xa Xôi Gần ? Và bạn có thể nói rõ hơn về nội dung của dự án này ?

Lương Huệ Trinh : Thực ra dự án Xa Xôi Gần là một sự tình cờ, một cái duyên mà Trinh được nhận. Đó là chương trình Tương hỗ được tài trợ bởi Villa Sài Gòn, thuộc Viện trao đổi văn hóa Pháp tại Việt Nam. Hàng năm họ kêu gọi nghệ sỹ đưa ra những ý tưởng cho các dự án trao đổi văn hóa giữa Pháp và Việt. Khi biết đến, Trinh nộp hồ sơ và đã đạt được chương trình lưu trú trong ba tháng (đầu tháng 10/2020 cho đến đầu tháng 1/2021) tại Cité internationale des arts để thực hiện những bước đầu tiên trong dự án của mình. Nhưng bởi dịch Covid nên đã có rất nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện. Do đó, Trinh đã quyết định kéo dài dự án này đến năm 2023 để có thể hoàn thiện toàn bộ ý tưởng.

Ban đầu Trinh muốn làm một buổi hòa nhạc đa phương tiện với chủ đề về những người tị nạn Việt Nam rời đi khoảng trước và sau năm 75. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu, những cuộc phỏng vấn với một số nhân vật thì chủ đề đó đã được thay đổi chút xíu. Ngoài việc tìm hiểu những câu chuyên về thuyền nhân thì Trinh muốn đề cập đến thế hệ thứ hai. Tức là vào khoảng những năm 70 thì họ chỉ là những cô bé, hoặc cậu bé trên thuyền thôi.

Hiện nay họ đã trưởng thành, nhiều người đã có gia đình. Thế nhưng, ký ức và sự ám ảnh về nguồn gốc của mình vẫn luôn thôi thúc họ đi tìm câu trả lời. Bởi vậy, Trinh muốn tìm hiểu về những biến chuyển nội tại, về quá trình mà họ tìm cách giải thoát cho bản thân. Và điều này ảnh hưởng thế nào đến sự sáng tạo trong công việc cũng như trong đời sống của họ.

RFI: Tại sao lại là chủ đề thuyền nhân Việt Nam?

Lương Huệ Trinh:  Bởi thời điểm này, Việt Nam có nhiều thay đổi trong chính trị và xã hội. Trong Xa Xôi Gần, Trinh không tập trung khai thác về góc độ chính trị, mà về cảm xúc của những người đi tìm cho mình và gia đình một cuộc sống mới. Có thể nhiều người trong số họ có những trải nghiệm giống nhau như gặp cướp biển, bị đói, khát, bệnh tật vv… Tuy vậy, cách đối mặt với sự việc và sự ám ảnh của mỗi người trong suốt cuộc đời của họ lại rất khác nhau. Là một người làm nghệ thuật thì đây chính là điều mà Trinh quan tâm.

RFI: Nguyễn Thiện Đạo là một trong những nhà soạn nhạc người Việt thành danh tại Pháp, ông còn là người tiên phong đặt nền móng cho những tác phẩm dòng âm nhạc đương đại made in Vietnam ở hải ngoại, là một nhạc sỹ hậu bối, Trinh có nhận định gì về những sáng tác của ông ?

Lương Huệ Trinh: Với những thành tựu mà nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo đạt được thì đây là một kho báu quý giá cho nền âm nhạc Việt Nam và cho cả nền âm nhạc thế giới. Ngoài những tác phẩm mà ông viết cho các nhạc cụ phương Tây thì Trinh còn chú ý tới một loạt tác phẩm mà ông sáng tác vào khoảng những năm 90. Thời kỳ này, ông bắt đầu viết rất nhiều tác phẩm cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam mà trong đó, ông sử dụng các kỹ thuật mở rộng. Những kỹ thuật ấy khiến cho các nhạc cụ có sức biểu hiện mạnh mẽ và phong phú hơn rất nhiều so với những âm thanh truyền thống mà chúng ta vẫn thường nghe. Trinh rất trân trọng các tác phẩm của ông.

Trong dự án Xa Xôi gần, Trinh muốn sử dụng đoạn trích trong một sáng tác của Nguyễn Thiện Đạo. Âm nhạc của ông có sự tự do nhất định, và chính điều đó sẽ tạo nên một đời sống mới cho tác phẩm. Ví dụ: ở đoạn trích này, Trinh và nghệ sỹ biểu diễn sẽ tự chọn các nhạc cụ sao cho phù hợp với cấu trúc của chương trình.

Cám ơn nhạc sỹ Lương Huệ Trinh, xin chúc cho âm nhạc của bạn cũng như của nhiều nghệ sỹ Việt Nam khác, luôn là sứ giả văn hóa, kết nối nền âm nhạc Việt Nam với những tinh hoa âm nhạc nhân loại. Chúc cho ngày công diễn dự án Xa Xôi Gần không còn xa xôi nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.