Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

NGƯỜI DẠY ĐÀN – Nơi đầu nguồn cạn kiệt

Đăng ngày:

Đạo diễn Micheal Haneke từng gặt hái nhiều thành công với những giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim lớn hàng đầu thế giới. Nhân vật chủ đạo của ông thường có xu hướng nổi loạn một cách thầm kín, dễ dẫn đến việc tự hủy hoại mình, hầu hết là muốn chống lại sự đè nén và áp lực. “Người dạy đàn” (La pianiste) là một trong những bộ phim như thế.

Diễn viên Pháp Isabelle Huppert, người thủ vai Erika trong bộ phim ra mắt năm 2001, « Người dạy đàn » (La Pianiste) của đạo diễn Micheal Hanake.
Diễn viên Pháp Isabelle Huppert, người thủ vai Erika trong bộ phim ra mắt năm 2001, « Người dạy đàn » (La Pianiste) của đạo diễn Micheal Hanake. REUTERS/Yves Herman/File Photo
Quảng cáo

Dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ người Áo - Elfriede Jenelik (viết năm 1983), Micheal Haneke dường như bắt được cái cảm giác khủng hoảng của nữ nhân vật chính, đưa nó lên màn ảnh vào năm 2001, để rồi chiếm lĩnh vô số giải thưởng từ César cho tới giải Phim Châu Âu và Cannes. Dù còn khá nhiều ý kiến xung quanh mối liên hệ giữa bộ phim và tác phẩm gốc nhưng “Người dạy đàn”, có thể nói, là một thành công lớn tô điểm thêm cho cái tên Micheal Haneke. Bộ phim không chỉ là một chương buồn cho mối tình cô trò của Erika và Walter, mà bằng một cách nào đó, nó còn ám ảnh người xem cho tới tận ngày nay.

Những nốt nhạc của sự giam cầm

“Người dạy đàn” bắt đầu bằng sự ngột ngạt, tối thẫm vô vọng trong căn hộ của hai mẹ con Erika. Sự kiểm soát không tưởng của bà mẹ, sự mất tự do, kìm hãm tù túng bà dành cho con gái và phản kháng mãnh liệt của cô chiếm lấy toàn bộ những phút đầu của phim. Cuối cùng cũng có một ánh đèn le lói, người ta nhận ra cô con gái đã ở cái tuổi trung niên, đã quá già so với những thắc mắc về giờ giấc, về váy áo trang phục từ người mẹ. Sự bức bối được đẩy lên đến cao độ khi cô phẫn uất nhào tới túm lấy tóc mẹ mà giật. Nhưng tình yêu thương và sự cảm thông vẫn đâu đó, giữa hai người đàn bà khốn khổ khi chỉ vài phút sau, họ đã lại ôm lấy nhau.  

Hình ảnh mở màn như thế cho cuộc sống của một giáo sư nghệ thuật Pháp, dạy piano, ở tuổi 40, Erika. Erika đam mê Schubert, nhà soạn nhạc thiên tài người Áo cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19. Có phải vì thế nên cuộc đời của cô cũng gần giống những cảm xúc của người được coi là “ánh bình minh của chủ nghĩa âm nhạc lãng mạn” nhưng ngập những tâm trạng chán nản, hoài nghi, nhiều khi bế tắc và đơn độc này. 8 tiếng ở trường với Erika là 8 tiếng dạy nhạc căng cứng và mệt mỏi rệu rã. Đáng lẽ phải là những thăng hoa đẹp đẽ nhưng không, nó hoàn toàn không giống những gì người ta tưởng tượng.

Cuộc sống và đam mê thật sự của Erkia chỉ được tiết lộ sau đó, khi khán giả theo chân cô vào trung tâm mua sắm, đi thẳng tới khu bán đồ “người lớn” và mặc kệ những con mắt kì quặc đang hướng về mình, cô chui vào buồng riêng để xem phim sex. Hình ảnh một Erika với đôi măt mở to, dồn toàn bộ sự chú ý vào những đoạn phim bệnh hoạn trái ngược với một giáo sư âm nhạc nghiêm khắc, chỉn chu và bài bản đến mức khắc nghiệt ở trường. Erika tỏ ra khinh bỉ và mỉa mai một cậu học trò của mình khi bắt gặp cậu ta ở quầy báo đồi trụy, bắt cậu ta phải gọi mẹ tới gặp mình còn bản thân cô thì cũng lại ngập trong phần CON quá lớn của một CON NGƯỜI.

Bằng vào tất cả những chi tiết ấy, người ta ngờ ngợ rằng Erika đã luôn phải giả vờ, luôn phải đóng kịch suốt 40 năm cuộc đời cô, ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Với người cha bị bệnh tâm thần, phải chữa trị ở nhà thương điên, bà mẹ luôn kiểm soát và áp đặt, không để cho con gái một giây để thở, thì cũng không thể mong mỏi một cái kết khác cho Erika. Cuộc sống khắc nghiệt bị mẹ giam cầm theo đúng nghĩa, đồng thời cũng chính là sự tự giam hãm mà Erika dành cho riêng mình đã khiến cô khắt khe với bản thân, với học trò và với cả cuộc đời.

Tình yêu có phải là một cứu cánh ?   

Thế rồi Walter xuất hiện như một chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích. Đẹp trai, phong trần, hào hứng cuồng nhiệt với Erika, người nghệ sĩ piano theo anh là thật sự tài năng. Quá đam mê cô giáo, Walter bỏ cả việc học chuyên ngành cơ khí để theo học lớp piano của cô. Tảng băng chìm trong Erika như được tưới đẫm dòng ấm nóng của Walter để rồi dần tan chảy nhưng là theo cách riêng của cô. Trái với mong muốn của Walter, Erika dành cho anh sự ghẻ lạnh dù thẳm sâu bên trong là những ham muốn đang cháy dần lên ngày càng mãnh liệt. Erika bám theo Walter để xem thói quen của anh, ngắm nhìn anh chơi khúc côn cầu trên băng và tiếp tục khát khao tình dục.

Giới hạn được Erika đẩy lên một cấp độ khác, khi cô tới bãi chiếu phim ô tô, rình mò một đôi tình nhân đang âu yếm nhau trong xe và bị họ hét lên chửi bới là “đồ biến thái”. Kịch tính cứ mãi bị kích thích cao độ khi hai người đàn bà lại lên cơn điên giữa những yêu thương, tiếp tục hành hạ nhau cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là lần thứ hai mẹ con Erika đánh nhau, cũng là lúc cha của cô qua đời trong nhà thương điên.     

“Người dạy đàn” có thể thấy Tình yêu không phải là một cứu cánh tích cực. Khi yêu Walter, Erika ghen tuông với cả những cử chỉ nhỏ nhất của anh với người khác, đặc biệt, lại là cô học trò giỏi giang Anna. Đêm đêm, những câu nói trước khi đi ngủ của mẹ như ám ảnh Erika … “con phải là giỏi nhất”, vì thế, ngay cả với học trò, dường như cô cũng không muốn họ vượt mặt mình. Cộng với sự quan tâm của Walter dành cho Anna, Erika đã hành động một cách độc ác. Cô đập vỡ một chiếc cốc thủy tinh, đổ những mảnh vỡ vào túi áo của Anna để rồi sau đó, chúng đã cắt nát bàn tay cô bé.

Erika của Isabelle Huppert - Thiên thần hay Ác quỷ ?

Vai diễn Erika đã đem lại cho Isabelle Huppert giải Nữ chính xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes năm 2001. Nữ diễn viên Pháp tài năng nhiều lần được đề cử giải César và Oscar này đã thể hiện rằng ngoài cô ra, không ai có thể đảm đương được vai diễn vô cùng nặng kí đầy bi kịch trong “Người dạy đàn”. Người ta thấy ở Isabelle Huppert một Erika ngột ngạt không lối thoát, vừa yêu đương cuồng dại lại vừa đáng thương vô hạn.

Trường đoạn Walter và Erika ở trong phòng cô với cái tủ đồ kê chặn ngang cánh cửa để mẹ cô không vào được và đọc thư cô viết cho Walter là trường đoạn được mong chờ nhất. Người ta hình dung có thể Walter sẽ làm thay đổi Erika, nhưng không, làm sao có thể thay đổi thứ tình yêu quái đản đến từ một tâm hồn bị kìm nén và một thể xác mệt nhoài. Những điều bệnh hoạn Erika viết trong thư không chỉ làm ngạc nhiên chàng trai trẻ si mê mà còn khiến khán giả hoảng hốt khi cô muốn anh là một kẻ bạo dâm và đối xử thô bạo với cô như một vài đoạn phim sex cô từng xem.

Bất ngờ là, ngay lúc Erika lôi chiếc hộp đựng “sex toy” dưới gậm giường ra, người ta lại thấy thương hại cô. Isabelle Huppert đã có một màn hóa thân vô cùng tài tình khi mới chỉ một phút trước, cô còn dắt mũi Walter và sai khiến được anh… thì giờ đây cô lại ở đó, dưới sàn nhà, ngước nhìn Walter đang ngồi trên ghế như van xin tình yêu, đôi mắt long lanh ầng ậc nước. Diễn xuất tuyệt vời của Isabelle Huppert khiến biết bao ác cảm với Erika bỗng biến mất. Đó là lần đầu tiên Erika nói nhiều về bản thân mình, rằng cô đã mong chờ điều này từ lâu, rất lâu, rằng cô sẽ thật ngoan. Ngay cả lúc Walter mắng “cô bị bệnh rồi, tôi không muốn bị bẩn tay” thì người ta vẫn thương Erika bằng sự xót xa tột cùng.

Để rồi, cái đêm Erika bị Walter quay lưng, cô đã chồm lên mẹ, hôn hít bà, khao khát cuồng dại một tình yêu cho dù đó là gì, thì người ta lại càng dấy lên cảm giác đồng cảm với cô mãnh liệt. Thực chất ai là kẻ đáng giận? Ai là Thiên thần và Ác quỷ trong mối quan hệ giữa tất cả bọn họ?

Chìa khóa

Cánh cửa nào cũng có chiếc chìa khóa của riêng nó. Nhưng cánh cửa để tình yêu bước vào Erika và để cô bước ra ngoài giải phóng mình thì dường như chỉ là con số 0. Walter một mặt ghê sợ, một mặt vẫn không thể quên Erika. Anh muốn thoát khỏi cô giáo của mình trong khi Erika lại liên tục níu kéo. Cho đến một lúc không thể kìm chế, Walter đã xông đến nhà Erika, đánh cô, ghì cô xuống sàn nhà để âu yếm, để cố gắng thức tỉnh cô nhưng hoàn toàn thất bại.

Điện ảnh Pháp luôn mang đến cho người xem những thước phim nhạy cảm, thẳm sâu, dày tầng lớp và ý nghĩa. Bằng vào tất cả những chi tiết ấy, khán giả ngờ ngợ rằng Erika đã luôn phải giả vờ, luôn phải đóng kịch suốt 40 năm cuộc đời cô, ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Với người cha bị bệnh tâm thần, phải chữa trị ở nhà thương điên, bà mẹ luôn kiểm soát và áp đặt, không để cho con gái một giây để thở, thì cũng không thể mong mỏi một cái kết khác cho Erika. Cuộc sống khắc nghiệt bị mẹ giam cầm theo đúng nghĩa, đồng thời cũng chính là sự tự giam hãm mà Erika dành cho riêng mình đã khiến cô khắt khe với bản thân, với học trò và với cả cuộc đời.

Đây cũng là điều mà nhiều người cho rằng nếu tách rời khỏi tiểu thuyết, hẳn “Người dạy đàn” sẽ khó có thể đứng độc lập được. Bởi, trong văn bản gốc, nữ văn sĩ đã miêu tả rất cặn kẽ quá trình bị áp đặt, đè nén và chịu sự giáo dục khe khắt từ ngày còn thơ bé của Erika, để rồi khi lớn lên, cô mắc một chứng bệnh gọi là chứng “lệch lạc tình dục”. Thay đổi là điều không thể. Kể cả khi cô mang theo con dao để dự định sẽ trả thù Walter thì cô cũng vẫn chọn cách như lệ thường, ấy là tự làm đau mình. Phim có một cái kết mở khi Erika nhìn Walter đang cư xử hoàn toàn bình thường, như chưa từng có chuyện gì xảy ra giữa họ, cô đột ngột cắm con dao vào vai mình rồi bước ra khỏi cổng Học viện âm nhạc với một bên vai đầm đìa máu.

Mỗi gia đình là một cái nôi mà ở đó, một con người sẽ được sinh ra. Dù có là người tài giỏi đến đâu, nếu được nuôi dưỡng từ một đầu nguồn cạn kiệt niềm vui, cạn kiệt cảm xúc như cái nôi mà Erika đã được nhào nặn thì rồi cái kết như thế là điều không thể tránh khỏi. “Người dạy đàn” để lại một dấu chấm hỏi vô nghĩa. Một sự lửng lơ, một cuộc đời đánh mất chìa khóa là ám ảnh mãi mãi không thôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.