Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

“ĐỜI SỐNG THƯỢNG LƯU” : Cội rễ dưới ánh mặt trời

Đăng ngày:

Một cái gì thật châm biếm, hài hước, đau hay vui nhưng vẫn đầy sự mỉa mai, biết tự cười Mình và cười Người, chỉ có thể rất Ý, là điều người ta sẽ tìm thấy trong “The great beauty”, tạm dịch là “Đời sống thượng lưu” của điện ảnh Ý.

Một cảnh trong « La Grande Bellezza » (The Great Beauty) - bộ phim của đạo diễn kiêm biên kịch Paolo Sorrentino đoạt tượng vàng Oscar lần thứ 86.
Một cảnh trong « La Grande Bellezza » (The Great Beauty) - bộ phim của đạo diễn kiêm biên kịch Paolo Sorrentino đoạt tượng vàng Oscar lần thứ 86. Gianni Fiorito
Quảng cáo

Đạo diễn kiêm đồng biên kịch Paolo Sorrentino đã chinh phục tượng vàng Oscar lần thứ 86 bởi những câu chuyện nhỏ xen lẫn vào những cảm xúc của nhân vật chính là một sợi dây xuyên suốt phim, cho người ta thấy “cuộc đời chỉ là hành trình của sự tưởng tượng, tất cả đều đi từ Sống tới Chết … và tất cả vốn chỉ là một trò lừa đảo” mà thôi.

Truyện phim kể về Jep Gambardella, một nhà văn ở tuổi 65, người đã từng có tác phẩm văn học nổi tiếng ở Ý, mang tên “The Human Apparatus”. Kể từ sau cuốn tiểu thuyết ấy, 40 năm đã trôi qua, ông không thể viết thêm bất cứ tác phẩm nào, bởi trong thâm tâm, ông luôn muốn “tìm một vẻ đẹp cao quý nhưng chưa tìm được”. Jep trở thành một nhà báo, chuyên thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người nổi tiếng ở Roma. Từ đó, dường như những điều xấu, đẹp, hay, dở đều được bộc lộ, và qua con mắt của Jep, nó nửa đau thương nửa hài hước, nửa sang trọng nửa thô lậu, khiến cho người ta phải dở khóc dở cười. Ở đó, vẻ đẹp của Roma hiện lên mê hoặc, đầy sức sống nhưng thật ra là “đang chết dần” trong mắt ông.

Nhìn vào Jep, người ta thấy cuộc sống của một Gatsby với những cuộc vui, những tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, những giấc ngủ khi người khác thức dậy và bình minh lúc 3 giờ chiều. Thế nhưng, Jep là một người tỉnh táo, luôn biết mọi thứ biến động quanh mình, biết mình là ai, mình ở đâu, biết những người xung quanh đang hiện hữu theo cách nào và như một câu thoại ông đã nói, rằng “Mọi thứ quanh tôi đang chết, cả Roma, cả những người trẻ hơn tôi và tôi”.

Cuộc đời với những cái mũi dài

Hẳn ai cũng biết nhân vật Pinochio, chú bé người gỗ mỗi lần nói dối là một lần chiếc mũi lại dài ra. Trong “Đời sống thượng lưu” thì không hẳn vậy, dường như ai cũng dối trá nhưng chẳng có cái mũi nào dài ra cả. Do đó, những dối trá ấy trở thành bí mật và ai cũng cho mình cái quyền được nói dối, được sống dựa vào những “bí mật tưởng như không thể bật mí” ấy. Những sự lố lăng được Jep lần lượt bóc tách như bóc một củ hành nhiều lớp, không hẳn là một bài phỏng vấn nhưng giống như những thấu hiểu quá rõ ràng mà ông dành cho họ, dành cho cuộc đời đang diễn ra quanh mình. Đó là tảng băng chìm bên dưới sự hoa mỹ, mang danh của nghệ sỹ, của nhà văn, của giới thượng lưu, thậm chí, của cả một đức Hồng Y.

Một nghệ sĩ kịch câm tự lao đầu vào tường, luôn nói những điều đao to búa lớn về thấu cảm, về cảm xúc nhưng lại không thể lí giải cái cảm xúc ấy là gì. Có phải cô nghĩ “Tôi là nghệ sĩ và tôi không cần phải giải thích” - đó là điều mà Jep nói thẳng vào mặt cô ta khi sự lúng túng bộc lộ bên dưới cái vỏ khó hiểu kệch cỡm nửa mùa.

Một nhà văn có 11 cuốn sách, nhìn đời bằng nửa con mắt với sự khinh miệt, tự phụ, thì hóa ra cái kết quả ấy chẳng qua là nhờ vào “lưới tình” của cô ta với giới chính khách. Ngoài miệng rêu rao sự hi sinh vì gia đình, vì con cái nhưng kì thực, cô ta có tới 3 người giúp việc, có cả quản gia, người phục vụ… để dạy dỗ và gần gũi các con, vậy cô ta hi sinh cái gì?

Một cô bé họa sĩ nhỏ tuổi bị cha mẹ lôi ra khỏi sân chơi với các bạn cùng lứa, ép phải tham gia vào bữa tiệc sang trọng nơi có rất nhiều nhà sưu tầm tranh đang đợi và bắt cô phải vẽ trước mặt hàng chục con người “thượng lưu” đầy tò mò. Cô bé trút tất cả sự giận dữ lên tấm toan khổng lồ, vấy màu lên toàn thân mình, hét và khóc… Rõ ràng cô đang khóc, nhưng đổi lại, gia đình cô sẽ kiếm hàng triệu Euro chỉ sau một đêm.

Một đôi vợ chồng bá tước hết thời cho thuê chính mình với giá 250 euro một người để có mặt ở những bữa tiệc sang trọng của giới thượng lưu, thậm chí, giả danh những người có tước vị danh giá khác.

Một đức Hồng Y luyên thuyên về việc nấu các món thỏ hay hươu … mặc dù xung quanh chả ai bận tâm tới ông.

Một quả phụ yếu đuối giàu có chưa từng bỏ lỡ một bữa tiệc nào nhưng ngoài miệng luôn tỏ ra lo lắng cho cậu con trai có vấn đề về thần kinh của mình một cách vô cùng đáng thương.

Tất cả những câu chuyện ấy, những con người ấy là cuộc sống bao quanh Jep trong những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng không có điểm dừng. Bữa tiệc không dừng lại. Và họ dường như cũng không dừng lại. Họ bám vào nhau, đu lấy nhau, tạo thành điệu nhảy Đoàn tàu, hát hò, uống, nhảy múa quanh biệt thự. Cái điệu nhảy mà Jep cho rằng đó là điệu nhảy đẹp nhất Roma, đoàn tàu ấy là đoàn tàu tốt nhất Roma bởi vì suy cho cùng, nó chẳng đi đến đâu cả. Hình ảnh Jep nằm trên ghế ở tầng trên, bên dưới là đoàn người nhảy điệu đoàn tàu bám vai nhau chạy vòng quanh vô định chính là nhìn nhận của ông với cuộc sống của họ. Cuộc sống hoang dại, vô nghĩa kéo dài ngày này qua ngày khác mà chẳng bao giờ tìm thấy đích đến.

Thế nên, Jep đã nói “Thay vì vênh váo, hãy học cách cảm thông với nhau, hãy vui vẻ với nhau đi”. Thế nên, sau khi chỉ trích nhà văn có 11 tác phẩm kia, Jep lại nghĩ tới việc sẽ ăn nằm với cô ta. Thân xác chỉ để khỏa lấp những trống rỗng trong tâm hồn. Nhưng liệu Jep có thỏa mãn… khi mà ngoài kia, mọi thứ vẫn đang chết?

Tại sao Sơ Maria chỉ ăn rễ cây?

Gốc rễ mới là quan trọng. Đó là điều sơ Maria nói với Jep khi bà trả lời câu hỏi tại sao bao năm qua bà chỉ ăn rễ cây. Sự sống diễn ra quanh Jep như một vòng tròn lặp vô nghĩa, còn cái Chết thì lại đến quá đỗi bất ngờ. Mối tình đầu của ông ra đi khi bà vẫn chỉ yêu mình ông suốt bao năm và người chồng của bà chỉ là một người bạn, không hơn. Mối tình mới nhất của Jep cũng qua đời khi họ chỉ vừa gặp và gần gũi nhau, dù cô mới chạm tuổi 40. Và cậu con trai bị bệnh tâm thần của bà góa thượng lưu cũng tự tử lúc còn quá trẻ. Tất cả diễn ra quá nhanh. Đó là cách mà mọi thứ kết thúc, cái chết.

Sự châm biếm tiếp tục được thể hiện rõ nét ở phân đoạn Jep cùng người yêu chọn lựa trang phục dự đám tang của cậu thanh niên. Cái cách ông nói về việc tham dự lễ tang của giới thượng lưu nó thật bài bản. Nó không còn là việc chia buồn đơn thuần nữa mà giống như một sự phô trương đúng mực nhất, chân thành nhất cần có ở một bậc thượng lưu. Nhất định phải làm cho đúng từng cử chỉ, điệu bộ, không được khóc “chen” phần của khổ chủ bi thương hay phải ghé tai khổ chủ mà nói rằng mình luôn ở cạnh họ để xẻ chia nỗi buồn nếu họ cần. Một sự giả tạo trong một đau thương có thật. Bởi đây là giây phút duy nhất trong chuỗi sự kiện mai mỉa nực cười xuyên suốt phim, ta thấy Jep khóc. Sau tất cả những hành động chuẩn mực của một người thượng lưu, Jep đã đứng lên khiêng quan tài cho cậu thanh niên đáng thương và bật khóc. Giọt nước mắt ấy chắc chắn là giọt nước mắt từ “gốc rễ”, từ tận thẳm sâu con người Jep, từ lòng thương và sự cảm thông có thật.

Hình ảnh chú hươu cao cổ trong khu vườn và màn ảo thuật của vị ảo thuật gia làm cho chú biến mất khiến Jep chú ý hơn cả. Không phải bởi sự vi diệu mà bởi chính Jep cũng đang muốn biến mất. Cuộc sống vẻ như chả còn ý nghĩa gì nếu cứ ngày đêm lẫn lộn giữa rượu, tình dục và những đoàn tàu nhảy múa. “Vậy hãy làm tôi biến mất luôn đi”. Vị ảo thuật gia đã phì cười khi Jep ngỏ ý, tất cả chỉ là trò lừa bịp thôi mà.

Ở đoạn đầu phim, Jep đã nói “hành trình của chúng ta là tưởng tượng, là đi từ sống tới chết”. Người ta thấy những cảnh quay hiển hiện một Roma thật đẹp, trong sáng, những con người bình dị, những khúc hát vang vọng nơi Thánh đường … Rồi xen vào đó, là cái chết bất ngờ của một du khách khi đang thăm thú cảnh quan của thành phố. Cứ thế, ông ta ngã xuống … vậy là hết một đời … không trăng trối, không có sự chuẩn bị … đi từ sống tới chết …

Rồi cuối phim, khi đàn Hồng hạc bất ngờ xuất hiện trên sân thượng ngôi biệt thự và sơ Maria nói bà có thể gọi tên Thánh của từng con Hạc … khi bà nói bà ăn rễ cây vì rễ là quan trọng nhất … thì đó cũng là lúc Jep nhận ra điều quan trọng hơn cả. Đó cũng là lúc bà Bá tước Colonnas, người vẫn cùng chồng bán tước hiệu với giá 250 euro mỗi lần dự tiệc, tìm tới ngắm chiếc nôi bà từng được cha là Hoàng tử đặt nằm trong đó ở một phòng trưng bày cổ vật. Gốc rễ của mỗi con người là nguồn cội, là những cảm xúc từ tận thẳm sâu.

Jep rảo những bước chân thật chậm quanh Roma, giống như một cuộc dao chơi trong đời, nhìn ngắm tất cả để rồi đúc kết ra những gì thuộc về bản chất. Đó là cái cách mọi thứ kết thúc, cái chết. Nhưng trước đó, nó là Sự Sống. Vạn vật bao bọc lẫn nhau, không có cái vỏ nào ở bên ngoài và cũng không có lớp nào ở trong cùng. Chỉ cần một gốc rễ khỏe mạnh được nuôi dưỡng dưới ánh mặt trời.        

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.