Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Trục lịch sử Paris : Từ Champs-Elysées định hướng 4 thế kỷ phát triển đô thị

Đăng ngày:

Hàng năm, mùa lễ hội cuối năm tại thủ đô Paris chỉ thực sự bắt đầu khi đại lộ Champs-Elysées lên đèn. Dõi mắt về xa sau Khải Hoàn Môn, du khách thấy hội chợ Noel lớn nhất đi vào nhộn nhịp ở quảng trường trước Grande Arche tại khu La Défense - trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu. Ngoái đầu nhìn lại là ánh sáng lung linh dẫn về bảo tàng Louvre, cung điện nước Pháp một thời.

Đại lộ Champs-Elysées, Paris, Pháp, được thắp sáng lộng lẫy trong những ngày cuối năm. Ảnh chụp ngày 22/11/2020.
Đại lộ Champs-Elysées, Paris, Pháp, được thắp sáng lộng lẫy trong những ngày cuối năm. Ảnh chụp ngày 22/11/2020. REUTERS - CHARLES PLATIAU
Quảng cáo

Ít ai để ý rằng giữa một thủ đô châu Âu có mật độ xây dựng dày đặc, họ đang có tầm nhìn xa thẳng tắp đến tận 3-4 km. Điều thú vị đó có được chính là nhờ một quy hoạch tầm xa và quy mô trải dài chưa từng có : trục lịch sử Paris, được hoạch định từ thế kỷ 17, vắt qua 4 thế kỷ và vẫn được tiếp nối trong quy hoạch hiện đại thế kỷ 21. RFI phỏng vấn kiến trúc sư quy hoạch (KTS.) Bùi Uyên, Paris. 

RFI : Xin chào KTS. Bùi Uyên. Chị có thể cho biết trục lịch sử Paris đã ra đời như thế nào và với mục đích gì ? Thủa ban đầu, nó có hàm chứa ý đồ phát triển thủ đô hay nhằm khẳng định vị thế của các triều đại thời đó không ?

KTS. Bùi Uyên : Nhiều thế kỷ trước khi trục này được thực sự hình thành, đây chính là lộ trình đi săn của hoàng gia và tuỳ tùng. Con đường thẳng tắp nối cung điện đến rừng Saint-Germain-en-Laye - cánh rừng phía tây lâu đời là nơi đi săn dài ngày của hoàng tộc. Điều bất ngờ thứ hai là nó được ra đời từ ý tưởng của một người phụ nữ - thái hậu Catherine de Médecis. Ban đầu, bà có ý định xây dựng cung điện Tuileries và nhà cảnh quan đại tài André le Notre tham gia thiết kế khu vườn hoàng cung rộng lớn tại khu vực đầm lầy phía tây cung điện.

Chính từ thiết kế vườn Tuileries này mà trục cảnh quan ra đời, theo luật thị giác phối cảnh mà Le Notre là một bậc thầy, với tiêu chí trải dài và mở rộng tầm nhìn từ vườn thượng uyển ra ngoài giới hạn không gian của nó. Đại lộ Champs-Elysées cũng được phác thảo, vạch thành đường thẳng tắp xuyên giữa những cánh đồng. Quảng trường Những Vì Tinh Tú được chọn không phải ngẫu nhiên, mà vì nằm ở điểm có địa hình cao nhất trên đỉnh đồi, là một điểm nhìn bao quát được toàn bộ vẻ đẹp và quy mô rộng lớn của vườn và cung điện Tuileries. Từ đó, toả ra các con đường theo các hướng khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy điểm tương đồng này trong thiết kế đỉnh cao của Le Nôtre tại cung điện Versailles.

Vì vậy, ban đầu nơi đây thuần tuý mang tính cảnh quan. Nếu có dịp để ý nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy trục này không nằm trên trục cung điện Louvre, mà là trục chính của vườn Tuileries, cũng là trục của cung điện Tuilerie, nhưng đáng tiếc là đã bị phá huỷ trong giai đoạn Công xã Paris cuối thế kỷ 19. Nhưng với quy mô có tính chế ngự thiên nhiên, mở tầm nhìn rộng lớn, thiết kế này gián tiếp thể hiện uy quyền và tầm ảnh hưởng của các triều đại quân chủ. Chính vì vậy nó cũng phần nào có vai trò chính trị nhất định. 

RFI : Vậy thì làm thế nào mà nơi đây lại trở thành trục lịch sử quan trọng kết nối những công trình tiêu biểu của lịch sử Paris như ngày nay ?  

KTS. Bùi Uyên : Thiết kế cảnh quan vườn Tuileries của Le Notre có một giá trị quy hoạch đô thị to lớn, đặt nét vẽ sơ khai cho trục lịch sử Paris với những đại lộ và công trình giờ đây là niềm tự hào và bộ mặt của cả nước Pháp. Dần dần, các triều đại sau tiếp tục đắp bồi, và nâng tầm quan trọng của trục cảnh quan này bằng các công trình tượng đài, kiến trúc ngày càng giàu tính biểu tượng và trọng yếu hơn.

Nhưng để trở thành « trục lịch sử » hay « trục hoàng gia » như ngày hôm nay, phần quan trọng hơn cả là đây là nơi đã chứng kiến những cột mốc, những sự kiện lịch sử bước ngoặt lớn của thủ đô Paris và vận mệnh cả nước Pháp. Ngoài vị thế quan trọng của cung điện Louvre và lâu đài Tuileries trong giai đoạn quân chủ, quảng trường Concorde (Hoà hợp) ghi dấu nhiều mốc lịch sử từ cái tên và tượng đài Louis XV đến quảng trường Cách Mạng, vinh danh Cách Mạng Tư Sản Pháp, lật đổ chế độ quân chủ với vụ hành quyết vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette năm 1873.

Đầu thế kỷ 19, Khải Hoàn Môn được Napoléon Bonaparte cho xây dựng để vinh danh đoàn quân chiến thắng trận Austerlitz. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngôi mộ liệt sỹ vô danh chiến đấu cho nước Pháp và ngọn lửa tưởng niệm được giữ thắp sáng ngày đêm, được đặt dưới vòm công trình này đến nay đã hơn 1 thế kỷ. Đại lộ Champs-Elysées luôn là nơi diễn ra cuộc duyệt binh ngày Quốc Khánh Pháp, màn pháo hoa mừng năm mới hay những dịp đại lễ của nước Pháp.

Lễ duyệt binh truyền thống mừng Quốc Khánh Pháp trên đại lộ Champs-Elysées (Paris) ngày 14/07/2021.
Lễ duyệt binh truyền thống mừng Quốc Khánh Pháp trên đại lộ Champs-Elysées (Paris) ngày 14/07/2021. AP - Michel Euler

RFI : Được vạch ra với tư duy quy hoạch cảnh quan, rồi dần dần dày đặc dấu ấn lịch sử, vậy thì giá trị cảnh quan trong đô thị của nơi này như thế nào, đóng vai trò ra sao?

KTS. Bùi Uyên : Phong cách kiến trúc cảnh quan Pháp thế kỷ 17 do Le Nôtre phát triển rất đề cao các tầm nhìn viễn cảnh lớn, trật tự và đối xứng chặt chẽ. Đại lộ Champs-Elysées ngay từ đầu đã được thiết kế rất lớn, có độ rộng 70m (tương đương chiều ngang một sân bóng đá), với các hàng cây thẳng tắp đối xứng dọc trục nhấn mạnh tuyến.

Trong bố cục đô thị, các tuyến đường, đại lộ, quảng trường là các yếu tố « rỗng » - đối lập với « đặc » của khối tích các toà nhà. Nhưng phần « rỗng » này lại là xương sống định hình các ô phố, tổ chức các khối nhà. Sau này, trong lối kiến trúc như thủ đô Paris theo quy hoạch của nam tước Haussmann, những trục, tuyến đường lớn lại càng được chú trọng. Chiều cao các toà nhà hai bên được quy hoạch đồng nhất, đối xứng và tiếp tục nối dài thành đại lộ Grande-Armée, rồi dần mở rộng kéo dài, vẫn giữ đúng độ rộng, vượt sông Seine bằng cây cầu Neuilly.

Cũng nhờ tính hoành tráng của một trục đại lộ lớn đều đặn, liên tục không bị đứt gẫy, cho phép tầm nhìn của người đứng trên nó có thể phóng dài hơn 8km tính từ cung điện Louvre đến Grande Arche, mà nơi đây thu hút tập trung các sự kiện, hoạt động trọng đại và có tính biểu tượng mạnh mẽ nhất về xã hội và chính trị, không những trong phạm vi Paris mà có thể vượt ra tầm quốc tế.

RFI : Vậy liệu chúng ta có thể nói trục này đã định hướng phát triển không gian kiến trúc đô thị Paris ? Vai trò đó có còn đến ngày hôm nay ?

KTS. Bùi Uyên : Thật vậy, trong hướng phát triển về phía Tây, ngay đến ngày nay, trục lịch sử vẫn đóng vai trò cấu trúc không gian đô thị đương đại. Đó cũng là điểm khác biệt của nó so với đa phần các đô thị cổ khác trên thế giới. Điều này được minh chứng bằng việc trung tâm tài chính La Défense được chọn lựa xây dựng trên trục lịch sử.

Được hình thành từ thập niên 60 thế kỷ XX, La Défense luôn đóng vai trò trung tâm thương mại, tài chính lớn nhất châu Âu. Trong khi tầm cao trong nội thành Paris bị giới hạn chỉ đa phần dưới 25m, La Défense lại tập trung những công trình hiện đại, những toà tháp văn phòng cao hàng trăm mét nên trở thành điểm nhấn rõ nét. Khu trung tâm thương mại, tài chính này vẫn liên tục đổi mới, đón những dự án xây dựng ngày càng tham vọng.

Không thể không nhắc tới công trình Grande Arche cao 110m, toạ lạc chính trên trục lịch sử. Khánh thành vào năm 1989, công trình được chọn xây  dựng là một kiến trúc cao tầng, tổ hợp chức năng tạo hình một chiếc « cổng vòm » khổng lồ, vừa gợi lại sự tiếp nối của Arc de Triomphe, vừa với hình khối hiện đại, mang ý nghĩa như cánh cổng hướng về tương lai.

Dọc trục là một không gian đi bộ lớn - Esplanade la de Défense, do nhà cảnh quan nổi tiếng người Mỹ Dan Kiley thiết kế năm 1972. Điều thú vị là tuy được thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc và cảnh quan hiện đại của những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng không gian đi bộ rộng lớn này lại lấy nhiều âm hưởng từ bố cục vườn Tuilerie và luật phối cảnh vườn Pháp. Điều đó thể hiện ở tỉ lệ theo đó vườn Tuileries, đại lộ Champs-Elysées và Esplanade đều có cùng chiều dài 700m. Hệ thống tầng bậc các thềm, mặt nước, các lối đi hướng tới hiệu quả tạo các điểm nhìn đa dạng.

Ngoài ra, phải kể đến hệ thống giao thông công cộng vùng Paris cũng phát triển theo trục này. Tuyến tàu RER E kéo dài mang tên Eole đang xây dựng, nằm đúng trên trục lịch sử, kéo thẳng đến Saint-Germain-en-Laye và kết nối với ngoại vi phía tây bắc.

Đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 31/12/2017.
Đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 31/12/2017. REUTERS

RFI : Có nghĩa là trục lịch sử sẽ còn tiếp tục nối dài mãi ? Liệu điều đó có gây nhàm chán ? Có gì đổi mới, cách tân ?

KTS. Bùi Uyên : Tuy tiếp nối di sản trục lịch sử này, các dự án hiện đại đã mang một diện mạo và ý nghĩa mới. Càng về sau, sự tìm kiếm tính kế thừa mà vẫn mang dấu ấn thời đại ngày càng rõ nét, thậm chí còn có những tư duy hoạch định khẳng định sự tương phản, tự do thoát khỏi khuôn khổ cũ.

Tiêu biểu như dự án Seine Arche - Nanterre ra đời vào năm 2000 và vẫn đang tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án mới. Đây là một vùng đô thị kết hợp nhà ở, các khu đô thị đại học (campus), công viên, văn phòng và công trình công cộng, trải rộng trên124 hectare, nằm trên địa phận thành phố Nanterre và kết nối một số đô thị lân cận.

Bố cục của nó phát triển xung quanh và nối tiếp trục lịch sử, được thiết kế thành 17 bậc thềm thiết kế cảnh quan và thảm cỏ lớn lớn trải dài trên 3 km, bám theo địa hình dốc dần. Tuy nhiên, các toà nhà chỉ được xây dựng một bên trục, phía có mặt đứng chính hướng nam để tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên. Đây là một ý đồ có chủ đích, theo lời của nhóm kiến trúc sư quy hoạch trẻ Douchet architectes : « tránh lặp lại một cách đơn điệu tính đối xứng tuyệt đối theo kiểu Le Notre hay Eiffel, một sự khẳng định tính tự chủ của địa phương, không chịu sự áp đặt cứng nhắc « từ trên cao » của « trục hoàng gia ».

Tại khu vực Esplanade de la Défense, đầu năm 2021, dự án quy mô lớn chuyển đổi toàn bộ thiết kế cũ thành một công viên rộng 7 hectare, do nhà cảnh quan Michel Devigne danh tiếng của Pháp chủ trì, dự kiến sẽ thay đổi bộ mặt của trung tâm hành chính này, với không gian tự nhiên, nhiều cây xanh hơn. Ngay trục đại lộ Champs-Elysées và quảng trường Những Vì Tinh Tú cũng nằm trong đại dự án phủ xanh Paris, nằm trong tư duy cải tạo đô thị gần gũi với xu thế cảnh quan đô thị thế kỷ 21.

Có thể nói, nhờ những tiếp nối liên tục trên nhiều phương diện như thế, mà trục lịch sử không bị bó gọn như một « bảo tàng » giữa thành phố. Tinh thần, ý nghĩa và cả bố cục của nó vẫn được kế thừa trong thiết kế đô thị hàng trăm năm sau. Chắc chắn là câu chuyện về nó vẫn được nối dài, viết tiếp trong tương lai, xâu chuỗi những cột mốc phát triển không gian đô thị vùng Paris nói riêng, và những thăng trầm của lịch sử nước Pháp nói chung.

RFI cảm ơn KTS. Bùi Uyên đã tham gia chương trình !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.