Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Tại Paris, xe đạp "đánh võng", vượt đầu ô tô

Đăng ngày:

Thành phố Paris chi hàng trăm triệu euro để khuyến khích sử dụng xe đạp, xây dựng làn đường riêng và một số chính sách khác để đạt mục tiêu “Paris 100 % xe đạp” vào năm 2026. Tuy nhiên, tham vọng sinh thái này gặp phải nhiều bất cập, nhất là tại đô thị lớn như Paris.   

Người dân Paris đi xe đạp 'vintage' ở quảng trường Cộng Hòa, Pháp, ngày 07/06/2005
Người dân Paris đi xe đạp 'vintage' ở quảng trường Cộng Hòa, Pháp, ngày 07/06/2005 AP - Remy de la Mauviniere
Quảng cáo

Tại một trong những ngã tư đông đúc ở Paris, trục giao giữa phố Rivoli và đại lộ Sebastopol, dòng xe cộ, từ xe máy xe đạp, ô tô cho đến xe trượt điện (trotinette) chen chúc nhau, luồn lách, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Có những xe không đỗ lại kịp trước khi đèn chuyển sang màu đỏ, đỗ giữa đường, hoặc cố tình đi tiếp. Đó là trường hợp của một thanh niên đi xe đạp, cố sang đường và đâm vào đầu xe buýt. Do di chuyển chậm nên có vẻ như vụ tai nạn không nghiêm trọng, người thanh niên xách xe đạp lên vỉa hè nhường đường, tránh cản trở giao thông. Dường như đây không phải là cảnh hiếm gặp ở Paris.    

“Cuộc đời tôi có thể chấm hết bất cứ lúc nào”  

Cô Lou D., một cư dân ở Paris, thích di chuyển ngoài trời thay vì đi các chuyến tàu điện ngầm đông đúc, tuy nhiên đi xe đạp ở Paris không phải lúc nào cũng có thể thư giãn, tận hưởng thiên nhiên. Cô cho biết :  

“Thật sự là đi xe đạp ở Paris rất căng thẳng, vì các làn xe đạp quá nhỏ so với số lượng xe đạp đi qua. Mặc dù thành phố đã cải thiện, xây nhiều làn đường riêng. Tuy nhiên có điều mà tôi thấy khá lo đó là cửa ô tô, những ô tô đỗ ngay lề đường. Chỉ cần ai vô tình mở cửa xe và không chú ý. Lúc đấy thì vào viện ngay lập tức và trường hợp này đã xảy ra với nhiều người. Hơn nữa ở Paris có quá nhiều đèn đỏ và nhiều phương tiện đi lại. Vì vậy nên lúc nào cần phải cảnh giác cao độ. Có những lúc tôi mệt, là tôi có thể ngã xe, và lúc đấy tôi nghĩ là cuộc đời tôi có thể chấm hết bất cứ lúc nào, mặc dù tôi cũng đội mũ bảo hiểm.”  

Trên tuyến đường phố Rivoli dài 3 km, một nửa diện tích đường đã được chia đôi, để dành riêng cho xe đạp. Ngay bên cạnh tòa thị chính Paris, máy tính lượt xe đạp qua lại, nhìn từ xa thì trông giống như máy bắn tốc độ, được lắp đặt từ năm 2019. Đây không phải là máy đo lượng xe đạp qua lại duy nhất ở Paris, nhưng được lắp đặt ở vị trí mang tính biểu tượng cho chính sách khuyến khích sử dụng xe đạp của thành phố. Tính đến đầu năm 2022 đến giữa tháng 05/2022, hơn 1 033 781 lượt xe đạp đi qua tuyến đường này. Chỉ riêng ngày 11/5, máy đo hiển thị gần 9000 lượt xe đi qua.   

Người đi xe đạp tiếp tục gia tăng  

Vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19, bùng nổ, số lượng người đi xe đạp tăng đáng kể. Theo số liệu của Thành phố Paris, các máy đo lượng xe đạp lưu thông ghi nhận tăng 120 % , doanh số của các cửa hàng bán xe đạp cũng tăng thêm 117 % so với năm 2019. Loại xe đạp công cộng cho thuê Vélib ghi nhận hơn 40 triệu chuyến đi.     

Trả lời RFI Tiếng Việt, đại diện truyền thông của tổ chức phi chính phủ Mieux se Déplacer à Bicyclette (tạm dịch là Di chuyển bằng xe đạp thuận tiện hơn) Aymeric Cotard cho biết :   

“Rất nhiều người đã chuyển sang dùng xe đạp để di chuyển trong hai năm qua, 2020-2022 vì nhiều người trong số họ vẫn còn lo lắng khi sử dụng các phương tiện công cộng. Mặc dù hiện nay dịch bệnh dường như đã được đẩy lùi, tuy nhiên những người này vẫn tiếp tục giữ thói quen di chuyển bằng xe đạp. Ngay cả khi phong toả chấm dứt, chúng tôi có thể thấy là số người sử dụng xe đạp vẫn tăng cao. Tôi cho rằng nếu như thành phố xây dựng thêm các làn đường dành riêng cho xe đạp, như là các làn đường đã hoàn thiện vào mùa xuân 2020, chúng ta sẽ thấy càng nhiều người đi xe đạp hơn nữa.”    

Trên thực tế, theo ông Cotard, số người đi xe đạp ở Paris đã gia tăng trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, dù không phải là con số quá cao. Cụ thể là vì thành phố Paris đã đưa ra kế hoạch 5 năm đầu tiên, từ 2015-2020, đầu tư 150 triệu euro để xây dựng khoảng 700 – 1000 km làn đường dành cho xe đạp trong thành phố. Mục tiêu là giảm lưu lượng xe ô tô di chuyển trong thủ đô, và giảm ô nhiễm không khí.     

Tham vọng Paris 100 % xe đạp   

Khi chứng kiến số lượng người sử dụng xe đạp tiếp tục ra gia tăng, thành phố đưa ra một kế hoạch 5 năm mới, từ 2021-2026, trị giá 250 triệu euro. Và lần này, Paris hướng đến một mục tiêu lớn hơn. Xây dựng thêm hơn 700 km đường dành cho xe đạp và nhiều chỗ đỗ xe, an toàn hơn. Ngoài ra, còn có các gói hỗ trợ tài chính cho người dân Paris, muốn đầu tư mua xe đạp hay phát triển hình thức du lịch bằng xe đạp. Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo hứa hẹn, “từ nay đến 2024, khi Paris đăng cai tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè, 100 % các tuyến đường tại Paris có đường riêng cho xe đạp”.   

Tuy nhiên tham vọng này không khỏi khiến nhiều người nghi hoặc, khi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Paris chỉ hoàn thành hơn một nửa mục tiêu đặt ra (56%), trong đó 14% các tuyến đường xe đạp đã hoàn thiện nhưng không đạt yêu cầu. Đại diện truyền thông của tổ chức Mieux se déplacer à Bycyclette cho biết :   

“Hiện rất nhiều làn đường đã chật kín (saturé). Có những nơi xe đạp di chuyển còn nhiều hơn cả ô tô tại một số khung giờ, nhất là giờ cao điểm, khi mọi người đi làm, hoặc trở về nhà. Cụ thể là đại lộ Voltaire và đại lộ Sébastopol, giao với phố Rivoli. Trên đại lộ Sépastopol, chúng tôi hy vọng thành phố sẽ sớm mở làn đường xe đạp thứ hai, tức là có hai chiều thay vì làn một chiều như hiện nay. Như vậy sẽ tránh khỏi cảnh xe đạp chen chúc, tắc nghẽn.”    

Những bất cập khó giải quyết   

Người đi xe đạp tại Paris còn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng mất cắp xe đạp, và thiếu các nơi đỗ xe an toàn. “Tại Paris, một người bị tai nạn xe đạp, xe cứu thương chưa đến thì xe đạp đã mất”, một tin tức tưởng chừng như hài hước nhưng lại là một thực tế, người thật việc thật. Trang báo Actu17, chuyên đưa tin về pháp luật, cho biết, trong đêm 11/06/2022, một người đàn ông 27 tuổi bị thương nặng do ngã xe đạp khi di chuyển trên phố Rivoli. Trong lúc vẫn nằm trên đất đợi cứu hộ, xe đạp của anh đã không cánh mà bay.  

Đối với những người đi bộ, kế hoạch đưa “Paris 100 % đi xe đạp” không hẳn là một điểm tích cực ở kinh đô ánh sáng. Phải kể đến cách thức di chuyển của nhiều lái xe hai bánh, không tôn trọng đèn giao thông, lượn lách trên vỉa hè mà một người đi bộ phàn nàn :   

“Tôi năm nay 65 tuổi, Paris mà tôi biết trước kia đó là người ta đi làm bằng xe đạp, vì đó gần như là phương tiện di chuyển chính. Nhưng hiện giờ, người ta dùng xe đạp để đi dạo, thật là không chấp nhận được. Tại các đường một chiều, tôi không thể chấp nhận việc xe đạp có thể đi chiều ngược lại, thích đi thế nào cũng được, không tôn trọng chiều lưu thông. Tôi thì đi bộ, khi phải qua đường, giờ tôi phải chú ý nhìn trước sau ngang dọc, chú ý xe cộ và nhất là xe đạp, vì tôi không nghe thấy tiếng xe đến gần.”  

Nhiều loại xe có gắn động cơ có thể di chuyển với tốc độ lên đến 30 km/h, ngang với tốc độ giới hạn đối với xe ô tô di chuyển trong Paris, tạo cảm giác thiếu an toàn cho người đi bộ. Pháp đưa ra một số quy định với người đi xe đạp, ví dụ như bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 12 tuổi. Người lớn có quyền lựa chọn đội mũ hay không, nhưng có thể bị phạt 135 euro nếu đeo tai nghe khi lái xe. Trong quý đầu của năm 2022, cảnh sát Paris đã lập 2400 biên bản xử phạt đối với người đi xe đạp, con số này cao gấp đôi so với năm 2021. Trong khi mà cách nay 10 năm, việc xử phạt người đi xe đạp vi phạm luật giao thông tưởng chừng như một câu đùa.     

Nếu như mở thêm làn đường đối với xe đạp, tức là thu hẹp làn đường cho ô tô và các phương tiện khác. Xin nhắc lại là đây cũng chính là một trong những mục tiêu chính của Paris để giảm ô nhiễm không khí và làm xanh thủ đô. Vài năm trở lại đây, những lái xe ô tô đã gặp không ít cản trở, từ chứng chỉ mức độ ô nhiễm không khí của xe cho đến giới hạn tốc độ (dưới 30km/h). Các loại xe sử dụng dầu diesel sẽ bị cấm di chuyển trong thủ đô từ năm 2024. Theo ông Cotard, khá phức tạp để hướng tới một thành phố “không ô tô”, như ở Amsterdam, (Hà Lan) hay Copenhague ( Đan Mạch), nhưng Paris hoàn toàn có thể giảm số lượng ô tô. “Nhiều người vẫn sử dụng ô tô để di chuyển những quãng đường ngắn, ít hơn 5km, thậm chí là dưới 3km”, nhấn mạnh Améric Cotard. “Những chặng đường ngắn này hoàn toàn có thể thay thế bằng xe đạp”.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.