Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Ký ức lính thợ Đông Dương trong lịch sử thành phố Saint-Chamas

Đăng ngày:

Saint-Chamas không nổi tiếng như Arles hay Nîmes, hai thành phố lân cận với những công trình kiến trúc từ thời La Mã. Thế nhưng, thành phố nhỏ bên bờ Ao Berre (Etang de Berre) lưu nhiều vết tích có từ thế kỷ I trước Công nguyên, trong đó có giai đoạn những người lính thợ Đông Dương đến làm việc ở Nhà máy Thuốc súng (La Poudrerie de Saint-Chamas), thành lập năm 1690 và hiện là khu bảo tồn thiên nhiên.

Pont de l'Horloge (Cầu Đồng hồ) ở thành phố Saint-Chamais, miền nam Pháp.
Pont de l'Horloge (Cầu Đồng hồ) ở thành phố Saint-Chamais, miền nam Pháp. © RFI / Thu Hằng
Quảng cáo

Còn Ao Berre, từng nổi tiếng ô nhiễm vì những khu công nghiệp, giờ là lá phổi xanh cho những ngôi làng lân cận.

Giống như nhiều địa phương nhỏ khác ở Pháp, Saint-Chamas có một tòa thị chính, một bảo tàng, khu cảng cổ, những hàng cà phê dưới tán cây tiêu huyền. Thế nhưng, qua lời kể của ông Jacques Lemaire, một nhà giáo nghỉ hưu và đóng vai trò lớn trong nhiều hoạt động của thành phố, mỗi ngóc ngách đều có một bí mật, bắt đầu từ sự tích và cách đọc tên gọi Saint-Chamas.

Thành phố biển hình thành cạnh núi đá vôi

Ấn tượng đầu tiên có lẽ là những ngôi nhà được đào trong vách đá đối diện bến cảng ở Ao Berre. Nếu may mắn, du khách có thể đặt được phòng trong những ngôi nhà độc đáo đó và có thể phóng tầm mắt ra khắp Ao Berre rộng lớn. Ông Jacques Lemaire giải thích :

“Vách đá chủ yếu hình thành từ dạng cát hóa thạch và đá vôi. Ngày xưa, đồi trườn ra sát Ao Berre nên cảng có rất nhiều chỗ cất trữ hàng hóa. Vào khoảng năm 1600-1610, người dân xin phép tổng giám mục Arles quản lý khu vực Saint-Chamas đào hầm trong đồi để làm kho hàng. Vì khu hầm thấp nhất không đủ chỗ, nên họ lại xin phép đào thêm một tầng ở trên cao, thậm chí là thêm cả tầng ba. Vì đào nhiều quá nên hầm bị sập do đất đồi rất bở và dần dần tạo thành vách như chúng ta thấy hiện nay. Sau đó, người dân Saint-Chamas thấy rằng nếu đi vòng qua quả đồi và đào ở phía bên kia đồi, thì có thể vào được kho của họ. Thế là họ làm. Từ thời đó, vào khoảng giữa thế kỷ 18, Saint-Chamas có những ngôi nhà trong hang rất đặc biệt.

Theo tôi biết, ở châu Âu có duy nhất một ngôi làng nhỏ ở Tây Ban Nha có những ngôi nhà xuyên đồi, từ bên này sang bên kia như thế này. Thực ra ở vùng Vaucluse và Val de Loire vẫn có những công trình xây trong núi, nhưng chỉ dành làm kho. Còn ở Saint-Chamas, đó là kiểu hành lang xuyên từ đông sang tây, phóng được tầm mắt ra khắp khu vực Ao Berre với quang cảnh tuyệt vời nhìn từ trên cao.

Có thể thấy ban đầu đó chỉ là những nhà kho, tinh chế dầu, sau đó bị bỏ hoang rồi người nghèo đến ở trái phép. Khoảng 60 năm trở lại đây, những ngôi nhà trong hang đã trở thành mốt. Hiện giờ có hai chủ sở hữu cho thuê phòng du lịch ở đây”.

Dãy đồi chia Saint-Chamas thành hai khu vực : khu phố Delà, bên kia đồi với nhà thờ, tòa thị chính và khu Pertuis nằm sát cảng. Đoạn đường dọc chân vách đá với những ngôi nhà trong hang trên cao dẫn đến một quảng trường nhỏ, nơi có thể nhìn thấy ngay Cầu Đồng hồ (Pont de l’Horloge) dài 62 mét và cao 23 mét. Đây là công trình “hai trong một” : Cầu cạn và tháp đồng hồ, được xây ở hai thời điểm khác nhau. Cầu được xây sau tai nạn sập đồi và bịt luôn đường hầm nối hai khu vực. Ông Jacques Lemaire giải thích :

“Người dân mỗi lúc lại muốn có thêm chỗ, thế là họ lại đào. Cùng với đường hầm nối trung tâm thành phố đến cảng, rồi đường dẫn nước tưới chạy ở phía trên gây thấm ẩm, những công trình của người dân làm bên trong quả đồi lỗ chỗ như miếng pho mát gruyère, thế là tất cả bị sập tháng 12/1863. Vì ở gần đó có cây cầu Flavien có từ thế kỷ I trước Công nguyên, cho nên người kiến trúc sư muốn làm một dự án đẹp mắt một chút.

Sau đó, họ phải tìm phương tiện để chuyển đống đất đá đi. Chúng ta biết là vào lúc đó chỉ có xe cút kít, ngựa và lừa để vận chuyển. Nhà máy thuốc súng tỏ ra quan tâm và nhận hết mấy nghìn mét khối đất đá để đổ ra Ao Berre, mở rộng diện tích nhà máy. Quá trình xây dựng mất tầm 2 năm cho đến khoảng năm 1867, cây cầu cạn bắt đầu hoạt động”.

Từ thành phố công nghiệp ô nhiễm đến khu bảo tồn thiên nhiên

Ngay sát cầu có cầu thang dẫn lên trên để ngắm toàn cảnh thành phố trải đến Ao Berre và có thể tản bộ dưới tháp đồng hồ, được xây vài chục năm sau đó. Tháp đồng hồ cũng có câu chuyện độc đáo riêng :

“Cho đến những năm 1900, đồng hồ luôn gắn với nhà thờ và được coi là dấu hiệu của Công Giáo. Ở Pháp, thời kỳ đó có ý nghĩa quan trọng, người ta nói đến thế tục hóa, nói đến nền Cộng hòa tách hoàn toàn khỏi Công Giáo, đó cũng là thời kỳ ra đời của đạo luật 1905 nổi tiếng. Vì thế, người dân Saint-Chamas, nhất là công nhân ở nhà máy thuốc súng, yêu cầu phải có một tháp đồng hồ Cộng Hòa. Vấn đề ở chỗ : Đặt ở đâu ? Họ đề nghị xây ở trung tâm làng, gần lối vào nhà máy thuốc súng cạnh đó. Đồng hồ được lắp năm 1902 và khánh thành ngày 04/09 cùng năm, đúng ngày kỷ niệm thành lập Đệ Tam Cộng Hòa”.

Trên đồng hồ khắc hai chữ “RF” nhưng hai chữ này cũng là chủ đề tranh luận một thời gian :

“Đồng hồ đó do một chủ doanh nghiệp làm ra. Ông ấy là hậu duệ của một người Ý nhập cư mang họ Ramela và tên là François, vì thế mà trùng với hai chữ cái đầu. Con cháu của người này vẫn nói : Đó là hai chữ cái viết tắt tên của ông chúng tôi ! Nhưng thực ra đó là hai chữ cái đầu của République Française (Cộng Hòa Pháp)”.

Ông Jacques Lemaire như một cuốn từ điển sống về lịch sử thành phố. Người giáo viên ở miền bắc Pháp phải lòng với cô gái miền nam và về “ở rể” ở Saint-Chamas. Chính người bố vợ Paul Lafran đã truyền cảm hứng cho ông, bắt đầu từ khảo cổ rồi đến lịch sử thành phố và hệ sinh thái. Tất cả các bộ sưu tập của ông Paul Lafran được bảo quản trong bảo tàng mang tên ông. Bảo tàng cũng là một công trình độc đáo, nằm trong lòng đồi.

“Chúng ta đang đứng ở tầng trệt của bảo tàng Paul Lafran, bố vợ quá cố của tôi. Ban đầu, ông lập bảo tàng về khảo cổ, nhưng sau đó các bộ sưu tập ngày càng được mở rộng. Tiếp theo chúng tôi được quyền sử dụng một cơ sở khá lớn, trước đó là trụ sở của Phòng Du lịch. Chúng tôi chọn gian phòng mộc mạc này, với những xà đỡ xung quanh, để trưng bày các bộ sưu tập tạm thời. Chúng tôi ưu tiên các họa sĩ địa phương, sống ở Saint-Chamas, Miramas hoặc trong bán kính 10 km, để giới thiệu họ với công chúng.

Tầng phía trên là bảo tàng giúp khách tham quan khám phá thêm những bộ sưu tập của chúng tôi, như khảo cổ học, dân tộc học, trong đó có một phần nói về lịch sử nhà máy thuốc súng và những ký ức kết nối thành phố chúng tôi với những người Việt đã sống ở đây, như bản ma-két chiếc thuyền buồm do ba người thợ Việt Nam đóng. Chúng tôi có một bức tranh chân dung, mà tôi xin gọi là của “một thanh niên Đông Dương” do họa sĩ René Seyssaud nổi tiếng thế giới vẽ. Ông là người vùng Provence và được cho là nhà tiên phong của trường phái Dã thú. Ở tầng 3 còn có nhiều tác phẩm khác của René Seyssaud và của một số họa sĩ theo trường phái này”.

Dấu ấn của lính thợ Đông Dương trong Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas

Những người lính thợ Đông Dương là lực lượng quan trọng cho hoạt động của Nhà máy Thuốc súng Saint-Chamas trong hai cuộc Thế Chiến. Ông Jacques Lemaire nhớ lại, khi mới chuyển đến sống tại đây, “tôi nhìn thấy nhà máy hoạt động, ống khói nhả nghi ngút”, giờ là công viên xanh mướt mắt, ngập tiếng ve vào mùa hè.

“Toàn bộ khu công viên, trước là nhà máy thuốc súng có diện 137 hecta. Khi mới thành lập chỉ có 1,5 hecta, nằm gần Saint-Chamas. Nhà máy sau đó được mở rộng khi chuyển sang sản xuất chất nổ và phải tách các tòa nhà, xa nhau nhất có thể, vì nếu một khu bị nổ thì không ảnh hưởng đến những khu khác. Chuyện đó đã xảy ra năm 1936. Vụ nổ đã gây rất nhiều thiệt hại cho những khu khác. May là họ dập được khi lửa mới chớm lan sang các dãy nhà khác”.

Nhà máy đóng cửa năm 1974, sau đó được Viện bảo tồn duyên hải (Conservatoire du littoral) mua lại năm 2001. Khu công nghiệp nổi tiếng ô nhiễm một thời, giờ trở thành nơi cư trú của nhiều loài chim hiếm.

Trong công viên còn lại một dãy nhà ghép và một tòa nhà khác. Đó là những máy nghiền bột cũ, may mắn được giữ lại. Viện bảo tồn duyên hải trùng tu một phần và bên trong, họ dựng hai mô hình để khách tham quan có thể hình dung. Sau năm 1830 thì có hệ thống đá mài lớn nên khối lượng nhiều hơn. Và kể từ những năm 1880, nhà máy sản xuất thuốc nổ”.

Chỉ vào những bệ đá lớn, lỗ chỗ bên trong, ông Jacques Lemaire bảo “vẫn đùa với khách du lịch rằng đây là những miếng pho-mát gruyère hóa thạch. Đó là bệ của các bể chứa axit sunfuric, axit ditric và nitric”.

Theo ông Jacques Lemaire, nếu đi hết những lối mòn trong công viên sẽ mất khoảng 10 km. Chặng đường không chỉ đưa khách tham quan đến với thiên nhiên mà còn là hành trình khám phá lịch sử. Trong công viên có bia tưởng nhớ nạn nhân hai vụ nổ ở Nhà máy thuốc súng. Xưởng 104 bị nổ chiều ngày 16/11/1936 khiến 53 người chết và hơn 200 người bị thương. Bốn năm sau, ngày 04/04/1940, một vụ nổ khác làm 11 người chết.

Công lao của những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II được ghi trên bia gắn trên tường bảo tàng trong công viên. Theo dự kiến, một tấm bia khác ghi công những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến I được gắn bên cạnh vào cuối năm 2022.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.