Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Khí hậu nóng lên - núi lở: Môn leo núi mùa hè ở rặng Alpes bị khai tử?

Đăng ngày:

Rặng núi Alpes là cái nôi của môn leo núi. Giới leo núi thường ước mơ một lần trong đời đặt chân đến đỉnh Mont-Blanc 4.800 mét, mái nhà của châu Âu, xứ sở băng tuyết vĩnh cửu, hay nhiều đỉnh núi huyền thoại khác. Tuy nhiên, với khí hậu bị hâm nóng, băng không còn vĩnh cửu. Tuyết hiếm dần. Băng tan, núi lở… ngày càng phổ biến, hoạt động leo núi cao bị đe dọa. Một số thắng cảnh ở độ cao thấp hơn, mà du khách có thể thưởng ngoạn dịp hè, cũng không an toàn.

Đỉnh Mont Blanc nhìn từ phía bắc, từ vị trí Mer de Glace (Biển Băng), Chamonix. Ảnh chụp năm 2015.
Đỉnh Mont Blanc nhìn từ phía bắc, từ vị trí Mer de Glace (Biển Băng), Chamonix. Ảnh chụp năm 2015. © Flirck
Quảng cáo

Băng hà Marolada sụp lở : 11 người chết

Ngày mùng 3 tháng 7 năm 2022, ở một khu du lịch miền nam Alpes, ở độ cao gần 3.000 mét, tại vùng núi Dolomiti (đông bắc nước Ý). Tại địa điểm được xếp hạng di sản nhân loại của UNESCO này, du khách nườm nượp khám phá băng hà Marolada lớn nhất khu vực, thường được gọi là ‘‘nữ hoàng Dolomiti’’. Bất ngờ một mảng lớn của khối băng hà ở phần dưới bục ra. Cả một thác lũ băng, bùn, ước tính 65.000 mét khối, với những khối băng đá có khi kích cỡ đến một xe hơi lớn ập xuống. Thảm họa bất ngờ khiến 11 người chết, và nhiều người bị thương nặng.

Hôm trước thời điểm xảy ra thảm họa, nhiệt độ đã lên mức kỷ lục 10°C ở đỉnh khối băng hà. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ duy nhất do nhiệt độ cao lúc đó đã khiến ‘‘nữ hoàng Dolomiti’’ bị sụp lở. Trả lời AFP, nhà khí hậu học Massimo Frezzotti, giáo sư Đại học Roma 3, nhấn mạnh đến nguyên nhân kép, đợt nóng kỷ lục sớm hơn hẳn (tương đương với thời tiết thông thường vào giữa tháng 8), cùng với xu thế Trái đất bị hâm nóng kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn, là nguyên nhân của thảm họa.

Vụ băng hà Marmolada (Ý) sụt lở (ngày 03/07/2022) (theo báo Ý Il Dolomiti)
Glacier de la Marmolada, Italie.
Glacier de la Marmolada, Italie. © wikimedia

Vạt ‘‘Pilier Bonatti’’ tự sát

Vụ khối băng hà Marolada, miền nam núi Alpes, gây thảm họa nói trên hoàn toàn không đơn lẻ. Một trong những vụ núi đổ lớn nhất được ghi nhận trong những năm gần đây là ‘‘Pilier Bonatti’’ (hay trục Bonatti) ở mặt tây của ngọn Petit Dru (dãy Mont-Blanc) (tỉnh Haute-Savoie, Pháp), cao gần 4.000 mét. ‘‘Pilier Bonatti’’ bất ngờ ‘‘tự sát’’ vào tháng 6/2005, mang theo 292.000 mét khối đá – tương đương 800.000 tấn. Không có nạn nhân nào trong vụ núi sụp này, nhưng cơn sốc đối với giới leo núi là ghê gớm.

Cùng với sự ra đi của ‘‘Pilier Bonatti’’ là cả một mảng ký ức của môn leo núi. Pilier Bonatti mang tên nhà leo núi huyền thoại người Ý Walter Bonatti, người đã một mình chinh phục vách núi dựng đứng này, vào năm 1955. Ngọn Petit Dru vẫn tiếp tục sụp lở, năm này qua năm khác. Mùa thu năm 2011, lại có thêm 70.000 mét khối đá đổ xuống. Năm 2017, đến lượt đỉnh Piz Cengalo cao hơn 3.300 mét thuộc dãy Alpes (Thụy Sĩ) sập. Núi sập, với khoảng 3,1 triệu mét khối đá (tức gấp hơn 10 lần Pilier Bonatti), làm vỡ luôn khối băng hà phía dưới, tạo thành dòng lũ băng đá, khiến 8 người chết, cả trăm ngôi nhà bị phá hủy.

Đường đến đỉnh Aiguille du Midi, Alpes, Pháp.
Đường đến đỉnh Aiguille du Midi, Alpes, Pháp. © Free photos Fshoq

Theo giới chuyên gia, vùng núi Alpes kể từ giữa thế kỷ 19 đã nóng lên 2°C. Kể từ giờ, nhiệt độ cứ mỗi thập niên lại tăng lên 0,5°C, và kể từ năm 2015, năm nào nhiệt độ gần như cũng phá kỷ lục năm trước. Nạn nhân đầu tiên của việc không khí bị hâm nóng là băng tan. Kể từ năm 1850 đến nay – nhưng chủ yếu là trong vòng ba phần tư thế kỷ gần đây – diện tích băng hà của toàn bộ vùng núi Aples đã giảm đi một nửa (từ 3.800 km² xuống còn gần 2.000 km²). Về mặt thể tích, lượng băng tan ước tính trung bình khoảng 1 mét chiều dày/năm trên toàn bộ diện tích rặng Alpes.

‘‘Xi-măng của núi’’ tan chảy

Băng lở trực tiếp gây chết người, nhưng việc băng tan quy mô lớn tác động như thế nào đến địa hình núi non? Nhà địa mạo học (geomorphologue) Ludovic Ravanel, làm việc tại Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), chuyên nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến địa hình của núi từ nhiều năm nay. Trả lời phóng viên Le Monde, nhà địa mạo học Ludovic Ravanel giải thích về cơ chế của việc khí hậu hâm nóng đối với băng và núi: Nhiệt độ cao hơn 0°C cũng khiến tầng ‘‘permafrost’’, hay ‘‘tầng đất đóng băng vĩnh cửu’’ tan chảy. ‘‘Tầng đất đóng băng vĩnh cửu’’ được coi là một dạng ‘‘xi-măng của núi’’, cho phép các khối đá dính chặt vào nhau. ‘‘Việc khí hậu bị hâm nóng khiến băng và tuyết tan. Thay cho băng tuyết là đá. Đá với màu sắc tối hơn nên không có khả năng phản chiếu lại ánh nắng mặt trời như băng tuyết’’, nhiệt độ mặt trời càng tập trung cao khiến núi bị hâm nóng mạnh hơn.

Kể từ năm 2007, nhà địa mạo học Ludovic Ravanel đã thống kê được tổng cộng 1.200 vụ núi lở (écroulement), tức với quy mô khoảng 100 mét khối đá một vụ. Các vụ núi lở này thường do nguyên nhân ‘‘xi-măng của núi’’ tan chảy. Tuyết hiếm hơn vào mùa đông vì thời tiết khô hạn, nhiệt độ cao hơn vào mùa hè khiến băng tan, đất đóng băng tan…, khiến núi ngày càng mất phần vững chắc. Các khối băng hà khổng lồ nằm phía dưới chân các ngọn núi - góp phần tăng thêm lực gia cố giúp núi đứng vững – tan nhanh, báo hiệu viễn cảnh tồi tệ.

Băng ''treo'', hồ trên núi, ‘‘túi nước ngầm’’ trong băng

Nhà băng hà học Christian Vincent, kỹ sư nghiên cứu thuộc Viện các khoa học địa chất về môi trường (IGE), Grenoble, theo dõi thường xuyên tác động của việc khí hậu bị hâm nóng đến băng hà. Việc băng hà bị hâm nóng dẫn đến những hậu quả nào?  Trả lời RFI tiếng Việt, ông Christian Vincent ghi nhận:

‘‘các hiểm họa do những vấn đề băng hà liên quan đến các loại hồ được hình thành ‘‘bên cạnh’’ các băng hà. Vì khi các băng hà bị lùi lại (do phần băng dưới thấp bị tan chảy), rất thường xuyên để lại những khu vực sụt lún dưới đáy, nơi nước tụ về tạo thành hồ. Những hồ nước như vậy có thể trở thành hiểm họa, nếu như chúng được ngăn lại với bờ chắn bằng sỏi cuội (‘‘moraine’’), tức rất mong manh (Viện IGE Grenoble hiện đang theo dõi sát một hồ hình thành với sự tan chảy của bang hà Bossons – Chamonix. Mùa thu tới dự đoán khối lượng nước hồ có thể tăng gấp 5 lần so với mùa hè năm ngoái).

Một hiểm họa thứ hai là các băng hà nằm ở vị trí dốc đứng (‘‘serac’’), ở trên núi cao, thường là ở độ cao trên 3.500 mét, đối với dãy Aples thuộc Pháp. Nếu nhiệt độ tăng cao quá 0°C, các băng hà này trở nên rất bất ổn, chúng có thể bị sụp lở (ví dụ băng hà Taconnaz gần Chamonix).

Loại hiểm họa thứ ba là các hồ nước nằm trong lòng các băng hà (không thể nhìn thấy trực tiếp từ bên ngoài). Đây là một hiện tượng khá hiếm, nhưng đã quan sát thấy, ví dụ ở băng hà Tête Rousse ở Saint Gervais (có thể gây nguy hiểm cho 3.000 dân cư trong thung lũng). Sau khi phát hiện (năm 2010), việc này đã được báo với cơ quan chức năng để rút nước ra khỏi hồ trong lòng băng hà’’.

Khảo sát lại ''100 tuyến leo núi đẹp''

Băng tan, núi lở, nhiều hiểm họa chết người rình rập trước hết đối với giới du lịch leo núi vào mùa hè. Nhà địa mạo học Ludovic thuộc dòng họ Ravanel nhiều đời gắn bó với Alpes, sống tại Chamonix, được coi là thủ phủ của môn leo núi xứ Alpes. Song song với nghề khoa học, ông Ludovic Ravanel tham gia Hội những người hướng dẫn leo núi của Chamonix. Mới đây, Ludovic Ravanel đã tổ chức khảo sát lại 100 tuyến đường leo núi đẹp nhất tại dãy Mont-Blanc (đã được xác lập trước đó trong cuốn sách kinh điển của nhà leo núi Gaston Rébuffat, đầu những năm 1970).  

Theo nghiên cứu được công bố năm 2019, đã có ‘‘3 tuyến hoàn toàn biến mất’’, 93 tuyến bị tác động, ở các mức độ khác nhau, trong đó có khoảng 30 tuyến bị tác động rất mạnh, đòi hỏi người leo núi phải có một mức độ kỹ thuật cao hơn. Nguy hiểm trước hết đến từ việc băng hà bị co lại, nhiều đoạn đường nay chỉ còn toàn là đá chông chênh, thậm chí lung lay, bất ổn, nhiều vách đá không còn lớp đất đóng băng vĩnh cửu.

Đỉnh núi Everest, Alpes (Pháp) : ảnh chụp ngày 22/05/2019.
Đỉnh núi Everest, Alpes (Pháp) : ảnh chụp ngày 22/05/2019. © AFP

‘‘Núi nổi giận’’... : Cần lắng nghe núi

‘‘Núi non nổi giận’’, ‘‘Đỉnh Mont-Blanc: núi đổ, người leo núi than khóc’’, ‘‘Dãy Alpes hoàn toàn thay hình đổi dạng, một hình ảnh tận thế của sự biến đổi khí hậu’… là những hàng tựa trên báo đầy ám ảnh đen tối về viễn cảnh tương lai của môn leo núi. Một số báo trầm tĩnh hơn khi nói đến ‘‘Môn leo núi trước thách thức của biến đổi khí hậu’’, ‘‘Môn leo núi cần thay đổi triệt để’’...

Ít tuần sau vụ băng hà miền bắc nước Ý bục vỡ khiến 11 người chết, tại dãy Mont-Blanc ở Pháp, ngày 16/07/2022, chính quyền tỉnh Haute-Savoie đã kêu gọi những người leo núi tạm thời ngừng đi tuyến đường truyền thống để tránh hiểm họa đá lở liên tục, do thời tiết khô hạn. Hội hướng dẫn leo núi của Chamonix cũng tạm ngừng hoạt động đưa khách lên đỉnh Mont-Blanc bằng tuyến đường truyền thống. Trước đó, vào năm 2018, 2020, cũng đã có những kêu gọi thận trọng tương tự.

Trong lúc nhiều người leo núi nghiệp dư dường như chưa muốn thay đổi thói quen, đông đảo giới leo núi chuyên nghiệp đã bắt đầu thay đổi thời điểm đi núi. Đi sớm hơn vào mùa xuân, hoặc muộn hơn vào mùa thu, thậm chí mùa đông, khi đã có tuyết nhiều hơn khiến đá núi được ổn định hơn. Theo nhà địa mạo học Ludovic, nhờ vào sự dịch chuyển này mà số lượng tai nạn leo núi tại Pháp ‘‘không tăng vọt’’.

Trả lời đài France Info, nhà leo núi kỳ cựu François Damilano, chuyên về núi băng, cũng là một nhà điện ảnh, nhận định: ‘‘Rõ ràng là thời kỳ hoàng kim của hoạt động leo núi băng đang ở phía sau chúng ta … Những người leo núi và những hướng dẫn viên leo núi cao phải không ngừng thích ứng với thực tế. Kinh nghiệm và bí quyết thành công của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi phải luôn thích nghi với sự biến đổi của núi non. Đây chính là nền tảng cơ bản của môn leo núi. Hiện tại, việc địa hình vùng núi có băng đang biến đổi buộc chúng ta phải điều chỉnh nhiều  thứ… Nhưng một lần nữa, cần nói rằng, công việc của một hướng dẫn viên và bí quyết của người leo núi là thích nghi với địa hình và biết cách tránh một số khu vực đã trở nên mong manh hơn’’.

Người leo núi ‘‘cần phải lắng nghe núi nhiều hơn’’, theo lời của nhà địa mạo học Ludovic Ravanel. Nhiều dấu hiệu nhỏ báo trước ‘‘những bất ổn’’ của một vách núi đóng băng. Ví dụ như tần suất đá rơi gia tăng, nước chảy ra từ những vết nứt hay tiếng động do các khối đá cọ vào nhau… Tháng 9/2018, đêm trước khi ngọn Trident du Tacul sụp đổ (với 44.000 mét khối đá) (hơn 3.600 mét), dân leo núi tại chỗ đã nghe thấy tiếng đá nghiến vào nhau ken két. Họ nói với nhau ‘‘núi non đang rung chuyển’’.

Hối lỗi: Leo núi cũng góp phần hâm nóng núi

Trong việc khí hậu bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giới leo núi có trách nhiệm gì không ? Nhà hướng dẫn leo núi cao François Damilano xúc động, thừa nhận thẳng thắn : “Khi ta quan sát sự biến đổi ghê gớm này của dãy Alpes, chúng ta có trước mắt mình một hình ảnh hiển hiện về ngày tận thế hậu quả của biến đổi khí hậu. Tôi nhìn thấy cảm hứng của cuộc đời tôi đang biến mất ngay trước mặt mình, ngay trong đời mình. Thực tế này buộc tôi phải xem xét lại triệt để những gì mình đã làm’’.

Nhà leo núi từng chinh phục đỉnh Everest, Himalaya, nhận thấy công việc - mà ông đang làm với tình yêu núi non vô điều kiện lâu nay  – đã trở thành một “sản phẩm của xã hội giải trí và tiêu thụ’’. ‘‘Tôi đón tiếp những người đến từ xa, bằng máy bay, và tôi giới thiệu thường xuyên để họ sử dụng các phương tiện mới để leo lên những ngọn núi đang biến mất do khí thải gây hiệu ứng nhà kính (một phần do chính khí thải do hàng không, cũng như các phương tiện leo núi được mua sắm thường xuyên gây ra). Tôi rất đau khổ với thực tại đầy nghịch lý này.’’

Những đợt nắng nóng và khô hạn ngày càng dữ dội hơn vào mùa hè dường như đang đánh thức lương tri của giới leo núi. Ông Fredi Meignan, phó chủ tịch hiệp hội bảo vệ núi Mountain Wilderness nhận định: Những dấu hiệu nghiêm trọng đang xảy ra ‘‘dồn dập’’ khiến giới leo núi không thể ngoảnh mặt trước thực tại khí hậu hâm nóng đã quá rõ. Nhà địa mạo học Ludovic Ravanel một mặt thừa nhận thực tế giới leo núi tham gia hủy hoại môi trường khi đi thám hiểm dọc ngang khắp địa cầu vài lần một năm, mặt khác cũng cho biết ‘‘ngày càng có nhiều hướng dẫn viên leo núi từ chối đi làm việc ở xa, và cố gắng kiến thiết thêm nhiều hoạt động ngay tại quê hương mình’’.

Tính khiêm nhường của dân miền núi...

Tốc độ nóng lên ở các vùng núi non nhanh ít nhất gấp đôi so với những nơi khác, theo ghi nhận của nhiều chuyên gia. Băng tan, núi lở trên rặng Alpes khiến còn ít ai có thể không thừa nhận Khí hậu Trái đất đang bị hâm nóng. Tình hình tại quê hương của môn leo núi trở thành bài học trực quan sống động của sự thật về biến đổi khí hậu, điều mà không ít chính trị gia hay nhà doanh nghiệp từng có thời khăng khăng chối bỏ.

Sống ở xứ sở của núi non, con người thường học được phẩm tính khiêm nhường. Trên cửa vào khu pháo đài Fort du Château tại Briançon (quần thể kiến trúc Vauban được UNESCO vinh danh là di sản nhân loại), thành phố cao nhất của Liên Âu, sát cửa vào khu bảo tồn quốc gia Ecrins (Pháp), miền nam dãy Alpes, du khách có thể đọc được những dòng chữ sau: ‘‘hơn nơi nào khác, bạn có thể trực tiếp nhận ra ở đây hai nhân tố chính trong lịch sử địa phương. Đó là địa lý và khí hậu. Nhờ vào kích thước của chính mình khi bạn so mình với các đỉnh núi bao quanh, ... nhờ vào những buổi sáng se lạnh và buổi đầu chiều nóng bức khiến bạn vừa phải mặc áo lông cừu, vừa phải đội mũ chống nắng trong cùng một ngày. Tiếp theo địa lý và khí hậu, nhân tố chính thứ ba trong lịch sử địa phương là địa chất, nền tảng của tất cả’’.

Những thành quả của xã hội loài người không thể có được nếu không có môi trường địa lý, khí hậu và địa chất phù hợp. Nền văn minh công nghiệp, khoa học kỹ thuật tân tiến, nền kinh tế thịnh vượng đương đại đã được thừa hưởng một môi trường thiên nhiên thuận lợi, là sản phẩm tiến hóa hàng tỉ năm của Trái đất, đã trở nên đặc biệt ổn định từ hàng ngàn năm nay, theo nhiều nhà khoa học về môi trường. Tuy nhiên, chính cái môi trường ấy đang bị hủy hoại bởi các hoạt động khai thác quá mức, và nhiều khi mang tính hủy diệt của con người. Giới khoa học nói đến ‘‘Kỷ Nhân Sinh’’ (Anthropocene), khi hoạt động ghê gớm của con người có thể ‘‘dời non, lấp biển’’. Khí hậu bị hâm nóng là một hậu quả nghiêm trọng bậc nhất trong số đó.

Dân Thụy Sĩ tổ chức "đưa tang" Băng hà Pizol, dãy Alpes, ngày 23/09/2019.
Dân Thụy Sĩ tổ chức "đưa tang" Băng hà Pizol, dãy Alpes, ngày 23/09/2019. © Reuters

.... và ‘‘đám tang của một băng hà’’

Người dân xứ sở Alpes phản ứng ra sao trước đe dọa toàn cầu này ? Một ngày mùa thu năm 2019, hàng trăm người dân Thụy Sĩ đã long trọng tổ chức một đám tang cho băng hà Pizol, ở độ cao 2.700 mét, trên dãy Alpes. Băng hà Pizol đang sống những thời khắc cuối cùng. Từ giữa thế kỷ 19 đến nay, khoảng 500 băng hà vùng Alpes Thụy Sĩ đã biến mất.

Theo một nghiên cứu của Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, hơn 90% của 4.000 băng hà trên dãy Alpes sẽ không còn, nếu con người hành động không đủ để hạn chế khí thải. Một báo cáo của cơ quan liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC) công bố đầu năm 2022 khẳng định các vùng núi cao là nơi bị tác động hàng đầu của biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của GIEC, tình hình còn nghiêm trọng hơn gấp bội tại nhiều vùng núi cao ở châu Á và Nam Mỹ. Băng hà trên núi tan chảy đe dọa dân leo núi, nhưng hiểm họa với dân cư địa phương còn lớn hơn gấp bội phần, bởi băng hà là một nguồn nước ngọt chủ yếu, nguồn tài nguyên có ý nghĩa sống còn. Và khí hậu bị hâm nóng còn là đầu mối của biết bao tai họa khác.

Môn leo núi ''hướng thượng'' giúp gì cho cuộc chiến khí hậu ?

Đúng vào lúc môn leo núi mùa hè ở Alpes bị đe dọa do biến đổi khí hậu, cuối năm 2019, UNESCO đã quyết định vinh danh Alpinisme (môn leo núi xuất xứ từ vùng núi Alpes) như một ‘‘di sản phi vật thể của nhân loại’’. Hồ sơ do Pháp, Thụy Sĩ và Ý đệ trình. Cơ quan Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hiệp Quốc ca ngợi ‘‘nghệ thuật leo đỉnh núi và các vách núi cao, vào tất cả các mùa tiết, trên các loại địa hình đá hoặc băng’’, ‘‘hoạt động đòi hỏi thể chất, kỹ thuật và trí tuệ’’. Leo núi cũng được ca ngợi bởi là hoạt động đòi hỏi ‘‘nhiều hiểu biết về môi trường, điều kiện khí hậu thường xuyên thay đổi và các rủi ro tự nhiên’’. Các hiểu biết như vậy lại ngày càng trở nên quan trọng gấp bội phần, khi các nhà leo núi phải đối mặt với thêm nhiều hiểm nguy mới do ‘‘khí hậu nóng lên toàn cầu và băng hà tan chảy’’.

Ngày 11/12/2019, UNESCO vinh danh môn alpinism (môn leo núi xuất phát từ xứ Alpes) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày 11/12/2019, UNESCO vinh danh môn alpinism (môn leo núi xuất phát từ xứ Alpes) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. © UNESCO

‘‘Tình đồng đội, tinh thần tương trợ bạn đường, tương trợ những người leo núi khác, sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của phong cảnh, môi trường, tâm thế giao cảm với thiên nhiên, cùng những động tác thanh lịch trên đường hướng lên đỉnh cao’’, cũng là những gì mà UNESCO đặc biệt trân trọng.

Hoạt động hướng thượng của môn leo núi có thể mang lại gì cho cuộc chiến thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế biến đổi khí hậu ?

Mỗi người có thể có các lựa chọn riêng. Nhà leo núi người Đức, cô Lena Marie Mueller, 30 tuổi, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh thái học về biến đổi khí hậu, được biết đến như người cổ vũ cho các thay đổi triệt để trong hành vi hàng ngày, để hoạt động leo núi gây tổn hại ít nhất cho môi trường, khí hậu. Đối với nhà khoa học sinh thái - nhà leo núi này, chính khát vọng leo núi là ‘‘động cơ lớn’’ thúc đẩy cô tìm tòi các giải pháp bền vững cho thách thức khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.