Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Cuộc đấu tranh đưa nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam vào nhạc viện tại Pháp

Đăng ngày:

Sau hơn 10 năm được bộ Văn Hóa Pháp cấp bằng sư phạm, cô Hồ Thụy Trang đã thành công đưa đàn tranh và đàn bầu vào giảng dạy tại một số nhạc viện ở Pháp. Đó là cả một quá trình dài với không ít thử thách và gian nan đối với người nghệ sĩ Việt, bởi tại Pháp “sống bằng âm nhạc nói chung vốn đã khó, chứ chưa nói đến âm nhạc truyền thống dân tộc của các nước khác.”

Lớp học đàn tranh cô Hồ Thụy Trang giảng dạy tại nhạc viện ở Bussy-Saint-Georges, ngoại ô Paris, Pháp, 06/2023.
Lớp học đàn tranh cô Hồ Thụy Trang giảng dạy tại nhạc viện ở Bussy-Saint-Georges, ngoại ô Paris, Pháp, 06/2023. © Chi Phuong
Quảng cáo

Trước những con mắt tò mò của các khán giả nhí cùng phụ huynh tại nhạc viện của thành phố Bobigny, ngoại ô Paris, cô Hồ Thụy Trang tự hào giới thiệu loại nhạc cụ huyền bí, độc huyền cầm, một loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, nhân ngày lễ hội âm nhạc 21/06 vừa qua. “Quý vị có biết đàn bầu còn có thể chơi nhạc rock hay không ?”, cô nói, rồi sau đó đàn một khúc, trầm ngâm, gợi chút buồn man mác, khiến nhiều người trầm trồ về những thanh âm trầm bổng, sâu lắng của chiếc độc huyền cầm. Một số đã không ngần ngại lên thử gảy đàn khi được mời.   

Đó cũng là tiết học đàn bầu cuối cùng của năm học vừa qua tại nhạc viện của thành phố Bobigny. Cô nhấn mạnh rằng mình đã yêu cầu giữ nguyên tên gọi bằng tiếng Việt của các loại đàn mà cô dạy tại các trường nhạc, thay vì dùng một tên dịch từ tiếng Pháp. Không chỉ đàn bầu, cô cũng giảng dạy đàn tranh tại nhạc viện của 2 thành phố ngoại ô Paris, Gagny và Bussy-Saint-Georges. 

Sinh ra trong một gia đình yêu âm nhạc tại Sài Gòn, cô Trang làm quen với các nhạc cụ từ rất sớm. Cô kể “có lần tôi đi thi đàn tranh, mà cây đàn còn cao hơn cả tôi”. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu vào năm 1986 tại Trường quốc gia âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh), cô Hồ Thụy Trang sau đó đi giảng dạy các loại nhạc cụ truyền thống ở Sài Gòn và một số tỉnh lân cận. Đến khi sang Pháp từ đầu những năm 2000 cùng với gia đình, cô vẫn quyết tâm theo con đường âm nhạc, truyền bá âm nhạc truyền thống của Việt Nam tại nơi đất khách. Cô cho biết : 

“Khi định cư ở một đất nước khác, vì không bỏ nó được thì đó gọi là nghiệp chứ không phải là nghề nữa, vì có thể nghề này không nuôi được mình, nhưng có thể nó là một cái sứ mạng nào đó trao cho mìnhphải có một trách nhiệm truyền bá, giữ gìn văn hóa Việt tại xứ người. Phải nói rằng, khó khăn lớn nhất là rào cản về ngôn ngữ khi tôi thi lấy bằng cấp giáo sư âm nhạc Việt Nam thì tôi không có ngồi trước mặt mà ôm cây đàn trong lòng. Nếu phải thi đàn thì tôi không sợ ai hết, vì ở đất Pháp này, không ai có thể chơi nhạc dân tộc chuyên bằng mình, nhưng ngôn ngữ tiếng Pháp thì lúc đó tôi mới bắt đầu học thôi, chứ không phải là song ngữ từ bé, nên điều đó rất khó khăn. Tôi đã trải qua 1 kỳ thi vấn đáp tức là chỉ đặt câu hỏi và trả lờingười ta đã nhìn nhận kinh nghiệm giảng dạy của mình qua bao nhiêu năm, chính phủ Pháp đã cấp bằng cho tôi, và hiện tôi là giáo sư duy nhất có được bằng giảng dạy nhạc cụ Việt Nam tại Pháp”.  

Mở lớp dạy nhạc cổ truyền Việt tại Pháp "là do may rủi"

Để có thể đưa bộ môn đàn bầu hoặc đàn tranh vào giảng dạy các nhạc viện của các thành phố là cả một chặng đường, bởi có bằng giảng dạy được Nhà nước Pháp công nhận là chưa đủ. Cô cho biết, từ gần 10 năm nay, cứ mỗi năm học mới là cô lại tất bật chuẩn bị hồ sơ để xin mở lớp dạy nhạc, “phải tiếp cận những người làm về văn hóa, các giám đốc trường nhạc và lãnh đạo của thành phố đó”. Cô thuật lại có những năm chuẩn bị cả chục bộ hồ sơ, nhưng chỉ 3 trường nhận, đồng ý mở lớp dạy nhạc cụ Việt. Nỗ lực hết mình là một chuyện, nhưng đôi khi cũng là do may rủi, với hy vọng “chủ tịch thành phố đó thấy âm nhạc Việt Nam thú vị và đồng ý mở lớp nhạc”.   

Theo cô Trang, “phải chọn những thành phố có nhiều người Việt, những bố mẹ muốn trao truyền văn hóa cho con em Việt”. Hơn nữa, còn phải tuỳ thuộc vào ngân sách của thành phố, cô chia sẻ : “Muốn mở 1 lớp nhạc thì thành phố đó phải chi nhiều, phải mua nhạc cụtrả lương cho thầy cô mà trong khi đó, họ chưa biết có bao nhiêu học sinh sẽ đăng ký. Vì thế, tôi cùng câu lạc bộ Tiếng Tơ Đồng mà tôi thành lập từ năm 2000, 1 ban nhạc, cùng với tôi đi quảng bá khắp các thành phố, từ bắc chí nam, trên lãnh thổ của Pháp. Nơi nào mà chúng tôi cũng đã đi qua, để quảng bá là chúng tôi có những làn điệu như thế này, có những làn điệu hay như thế đó, thì quý vị có thấy thú vị, quan tâm không, quý vị có thể mở 1 lớp nhạc hay không ? 

Tiếng nhạc đưa tâm hồn tìm lại cội nguồn

“Nghiệp” của cô Trang đã gieo hy vọng cho nhiều người Việt và gốc Việt sinh sống tại Pháp, mong muốn tìm lại, gần gũi với cội nguồn qua âm nhạc. Tại lớp đàn tranh, khoảng năm đến bảy học viên, thường là dạy theo cách một thầy một trò, sau đó tất cả sẽ cùng nhau hòa tấu đàn tranh, theo một bài nhạc do giáo viên lựa chọn. Sang Pháp định cư từ 20 năm qua, chị Kim Anh theo học đàn tranh tại lớp của cô Trang ở nhạc viện Bussy-Saint-Georges đã gần 5 năm. Theo chị, “tiếng đàn tranh rất trong trẻo, rất tình cảm, và tình cảm này phải phụ thuộc vào người đánh đàn, để truyền tải cho người nghe. Đàn tranh, khiến mình khi đánh lên là mình cảm thấy nhớ về quê nhà.”  

Học viên nhí duy nhất tại lớp đàn tranh, bé Nguyễn Hạnh Tâm, 10 tuổi, đã học đàn tranh tại lớp của cô Thụy Trang từ gần 5 năm qua. Điều thú vị là mẹ của Hạnh Tâm, chị Văn Bích Tuyền cũng quyết định theo học nhạc cùng lớp với con gái, để dễ chỉ bảo cho con hơn. Chị nói “nhiều khi không biết nốt nhạc, dây nhạc, hỏi con thì con không nhớ”, như vậy đưa con đi học tại Bussy-Saint-Georges, rồi vào học cùng luôn. Lúc mà tôi chưa học thì nói với Tâm là tại sao người ta học được đàn tranh mà con lại không được. Tôi rất là nóng ruột, la hoài luôn, nhưng khi mình vào mình học, thì biết là những cái đó rất là khó, mà con còn nhỏ mà đàn được thì cũng biết là con có năng khiếu”. 

Đối với chị Tuyền, mặc dù sống ở Pháp nhưng vẫn mong muốn con cái có thể nói tiếng Việt. Tham gia học đàn tranh, bé Tâm có thể vừa học nhạc, vừa nói tiếng Việt cùng cô giáo và các học viên khác. Chị Tuyền kể “những ngày lễ tết, bé Tâm được theo đi biểu diễn cùng nhóm của cô, thế nên mình mới tham gia các họat động của cộng đồng người Việt. Mặc dù sống ở Pháp nhưng vẫn muốn nói là con là người Việt.” 

 

Cô Thụy Trang cùng học viên Nguyễn Hạnh Tâm (10 tuổi), tại lớp đàn tranh ở Bussy Saint-Georges, ngoại ô Paris, Pháp, 19/06/2023.
Cô Thụy Trang cùng học viên Nguyễn Hạnh Tâm (10 tuổi), tại lớp đàn tranh ở Bussy Saint-Georges, ngoại ô Paris, Pháp, 19/06/2023. © Chi Phuong

Còn đối với chị Hoàng Phương Nam đã theo học đàn bầu được gần một năm tại nhạc viện của thành phố Bobigny và cũng là học sinh duy nhất, chị thuật lại : “Hồi còn nhỏ, tôi đi coi cải lương, rồi ông ngoại ở nhà nghe nhạc nhiều lắm, nghe nhạc đàn tranh đàn bầu, ông ngoại và mẹ tôi thì thích đàn đàn tranh, mà không biết tại sao, tôi nghe tiếng đàn bầu tôi lại thích hơn, nó buồn hơn, chắc tôi ở xa xứ, thành ra cái tiếng buồn của đàn bầu đưa ra nỗi buồn riêng của mình, thành ra là nó hạc vậy á. Nhưng mà có lẽ tôi hợp đàn bầu hơn đàn bầu hợp tôi. Dù sao lúc nào mình cũng nhớ xứ sở của mình chứ, gốc gác của ông bà. Ở Pháp, nhà thơ Afred de Musset, có nói là on ne vit que pour un coin de terre, nghĩa là mỗi người chỉ có một chút mảnh đất, mà mình sống cho cái mảnh đất đó, thì dù mình có đi đâu cũng đem theo mảnh đất đó luôn, thành ra tiếng đàn bầu này là mảnh đất của mình, có đi đâu đi chăng nữa thì nó cũng đi theo mình.  

Khó có thể thống kê con số chính xác cộng đồng Việt kiều ở Pháp, nhưng theo cô Thụy Trang, đa phần họ đều sống tản mạn và ít khi tập trung tại một thành phố nào đó. Đây cũng là một trở ngại không nhỏ, khi cô phải di chuyển gần 2 tiếng để đi dạy, như trường hợp ở Bobigny.  

Đối tượng theo học nhạc cụ truyền thống Việt đa số là những người lớn tuổi, từ 20 tuổi trở lên, theo cô, học nhạc cần năng khiếu và khả năng cảm thụ, nhưng nếu được tiếp xúc với âm nhạc ở tuổi nhỏ thì dễ dàng hơn nhiều. Cô cho rằng tại Pháp, những người Việt đến định cư phải tập trung lo phát triển kinh tế, nên “vấn đề văn hóa thường bị tạm gác sang một bên, do vậy con em họ thường ít được tiếp xúc với văn hóa Việt”. Hơn nữa, “một số phụ huynh cũng có thể là không thực lòng muốn đưa con em về với cội nguồn, họ nghĩ rằng, con em phải biết nói tiếng tây, chơi nhạc cụ nước ngoài thì mới dễ hòa nhập. Nhưng nhiều khi họ hiểu lầm, vì nhạc cụ Việt Nam là hiếm có ở xứ này, nếu mình cầm cây nhạc cụ Việt lên thì người nước ngoài mới trầm trồ khen ngợi vì nếu chơi vi ô lông hay guitar thì đó là chuyện thường.” 

Âm nhạc tạo ra sự kết nối

Không chỉ đàn tranh, đàn bầu, cô còn thông thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, cũng như các làn điệu dân ca, chèo, cải lương, ca huế. Cô khẳng định “khi mình có được một cái cơ bản đó rồi, tất cả các loại nhạc cụ mình đều chơi được”. Vì lẽ đó mà cô không ngần ngại chơi thử cổ cầm của đồng nghiệp Trung Quốc tại nhạc viện ở Bobigny trước giờ lên lớp. Bởi “là người nghệ sĩ thì luôn phải tìm tòi, sáng tạo, và quan trọng là kết nối với mọi người”. Cô Trang nhớ lại cách đây vài năm, cô từng tham gia các buổi hòa tấu đàn tranh với 1 nghệ sĩ Trung Quốc và 1 người Hàn Quốc và Nhật Bản

Cô Hồ Thụy Trang cùng các nghệ sĩ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng biểu diễn hòa tấu đàn tranh theo phiên bản của mỗi nước.
Cô Hồ Thụy Trang cùng các nghệ sĩ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng biểu diễn hòa tấu đàn tranh theo phiên bản của mỗi nước. © Hình ảnh do tác giả cung cấp (Fil D'Asie)

Với tên gọi "Fil d'Asie", tất cả cùng tham gia các buổi hòa tấu với phiên bản đàn tranh riêng của mỗi nước, cùng tên gọi nhưng lại có hình dáng và thanh âm khác biệt, khó có thể xác định rõ xuất xứ cội nguồn của mỗi đàn, hay có liên hệ ra sao. Học sinh trong các lớp nhạc đàn bầu và đàn tranh cũng thường được cô đăng ký đi tham dự các buổi biểu diễn của trường hoặc các liên hoan âm nhạc.

Cô bộc bạch : “Nói thực sự ra thì mục tiêu của tôi là giữ gìn, trao truyền âm nhạc việt, đó là mục đích chính, mục đích thứ hai là quảng bá văn hóa âm nhạc Việt, nhưng mình chỉ gói gọn trong cộng đồng người Việt mà thôi thì người dân bản xứ không biết đến âm nhạc Việt Nam.Thành ra mình phải đưa nhạc Việt đến người bản xứ, các dân tộc Việt hiện đang sinh sống tại nước Pháp. Nếu mình chơi một mình thì có thể là người ta không thấy thú vị để đến nghe, mình phải kết hợp với các nhạc cụ khác, chơi được nhạc cụ tây phương để họ thấy được sự thú vị nào đó. Lúc đó thì mình mới có dịp đưa nhạc Việt ra nhiều nơi hơn, người dân ở các thành phố mới biết đến nhạc Việt Nam, đàn bầu, đàn tranh, nếu họ chỉ biết đến tên (tiếng Việt) của các loại nhạc cụ này, thì điều đó đã vui rồi.  

Vào năm học mới, cô Thụy Trang đã thành công giữ được vị trí giảng dạy đàn tranh và đàn bầu ở 3 thành phố ngoại ô Paris, Bobigny, Bussy-Saint-GeorgesGagny. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook cô chia sẻ “một lần nữa, tôi đã chiến thắng, giữ nguyên tên tiếng Việt của môn ‘đàn tranh’ tại nhạc viện ở Gagny”. Đối với vị giáo sư về âm nhạc cổ truyền Việt Nam,có thể những người bản xứ, hay những con em gia đình Việt tại Pháp không chơi được nhạc, “nhưng ít ra có thể biết được tiếng đàn bầu đàn tranh, hoặc những làn điệu dân ca Việt Nam, đó là niềm mơ ước”. Ngoài các lớp dạy đàn tại nhạc viện, cô Thụy Trang cũng mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống Việt tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở quận 13, Paris, và ở nhà văn hóa - Maison de solidarité de Créteil. 

Cô Thụy Trang cùng học viên Nguyễn Hạnh Tâm (10 tuổi), tại lớp đàn tranh ở Bussy Saint-Georges, ngoại ô Paris, Pháp, 19/06/2023.
Cô Thụy Trang cùng học viên Nguyễn Hạnh Tâm (10 tuổi), tại lớp đàn tranh ở Bussy Saint-Georges, ngoại ô Paris, Pháp, 19/06/2023. © Chi Phuong

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.