Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Hành trình đến với y học phương Đông qua góc nhìn của bảo tàng Guimet ở Pháp

Đăng ngày:

Từ ngày 17/05 đến ngày 18/09/2023, bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris, giới thiệu đến công chúng Pháp những nét đặc trưng trong y thuật phương Đông như châm cứu, thiền định hay Yoga, cùng với sợi dây kết nối giữa tâm linh và các liệu pháp chữa trị. Thiên về nghệ thuật và không đi sâu vào khai thác khía cạnh khoa học, triển lãm đưa ra cái nhìn khách quan về nền y học hàng ngàn năm tuổi, mà đôi khi không được y học phương Tây công nhận.

Triển lãm về y thuật châu Á tại bảo tàng Guimet, Paris, Pháp.
Triển lãm về y thuật châu Á tại bảo tàng Guimet, Paris, Pháp. © Mussée Guimet/ Chi Phuong
Quảng cáo

Với khoảng 300 bức vẽ, pho tượng, ấn phẩm hay các dụng cụ, dược liệu…, triển lãm của bảo tàng Guimet đưa người xem bước vào hành trình vượt thời gian, tìm hiểu những điều huyền bí trong lịch sử y thuật - phương pháp, cách thức chữa trị bệnh, cổ xưa tại Tây Tạng, Trung Quốc và Ấn Độ. Có những phương pháp trị liệu ngàn năm tuổi, từ những phương pháp truyền thống như xoa bóp châm cứu cho đến các nghi lễ trừ tà. Ngay tại gian đầu tiên của triển lãm, thiết bị ánh sáng chiếu trên mặt đất và các tác phẩm, như để mô tả dòng chảy năng lượng trong cơ thể con người, loại năng lượng mà y thuật phương Đông chủ yếu tìm cách cân bằng. Giám đốc bảo tàng Guimet, Yannick Lintz nhận định rằng "có rất nhiều hiện vật chưa từng được giới thiệu với công chúng, bởi chúng chưa bao giờ được đánh giá, nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật".

 

Hình nộm châm cứu từ thế kỷ 18, từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc.
Hình nộm châm cứu từ thế kỷ 18, từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc. © Thierry Ollivier/ Musée national des Arts asiatiques

Triển lãm cũng giới thiệu các cách điều trị như khí công, thái cực quyền hay yoga. Khách đến xem còn có thể đi sâu vào hành trình này hơn trong không gian dành riêng cho thiền định, được xem là một cách chữa qua tâm trí, tinh thần. Ngoài ra, triển lãm cũng đề cập đến các nghi lễ bùa chú trừ tà hoặc thuật chiêm tinh, để chữa lành linh hồn bị các thế lực ma quỷ chiếm giữ, lạc vào những góc tối vô thức.

Những đồ vật nói về phong thuỷ, hay bùa hộ mệnh, ví dụ như chiếc mặt nạ trừ tà của Hàn Quốc hay bản thần chú trừ tà của người Tây Tạng, nêu ra mối liên hệ đan xen giữa tín ngưỡng ma thuật để bảo vệ cơ thể khỏi ác quỷ, cản trở con đường đến Niết Bàn.

Một khách tham quan ở Paris, bà Sylvie cho rằng "khía cạnh về tôn giáo và ma thuật, cũng như các truyền thống về y thuật đã có từ xa xưa, nhưng phương Tây đã quên điều đó. Tôi thấy thật tuyệt vời khi có thể tạo những cầu nối giữa châm cứu và các cách chữa lành về thể chất và tâm lý. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể lấy cảm hứng từ đó để có tầm nhìn toàn vẹn hơn cơ thể phức tạp của con người".

Ngày nay, một số cách trị bệnh của châu Á ngày càng phổ biến và dần du nhập vào châu Âu. Gian cuối của triển lãm như tạo ra một cuộc đối thoại giữa y học Đông Tây, thu hút người xem bởi hình nộm để châm cứu của Nhật Bản được mang đến châu Âu vào thế kỷ 17. Triển lãm cũng trưng bày một bức vẽ dài hơn 8 mét, có niên đại từ năm 1842 của Nhật Bản, minh họa cách giải phẫu của y học phương Tây trên thân thể của một tử tù. Điều này cho thấy mong muốn tiếp cận y học phương tây của phương Đông. Ngược lại, những loại dược liệu trong y học phương Đông cũng được một số nhà sản xuất dược phẩm châu Âu quan tâm.

Thầy thuốc bắt mạch cho bệnh nhân ở Nhật Bản.
Thầy thuốc bắt mạch cho bệnh nhân ở Nhật Bản. © Musée Guimet

RFI nhân dịp này đã phỏng vấn ông Thierry Zéphir, giám tuyển của triển lãm "Médicines d’asie : l’art de l’équilibre" ở bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet. Ông Thierry Zéphir cũng là nhà nghiên cứu tại bảo tàng từ năm 1986 và là tác giả của nhiều đầu sách và bài nghiên cứu khoa học về Nghệ thuật Đông Nam Á.

Triển lãm có tựa đề "Y thuật châu Á : Nghệ thuật của sự cân bằng", như là một câu đúc kết nội dung của triển lãm. Như vậy, phải chăng y thuật cũng là một loại hình nghệ thuật ?

Thierry Zéphir : Triển lãm của chúng tôi muốn giới thiệu và giải thích cho mọi người về y thuật châu Á. Một số y thuật đó, được chúng tôi giới thiệu dưới góc nhìn nghệ thuật, bởi Guimet là bảo tàng nghệ thuật châu Á. Chúng tôi không muốn mở một triển lãm mang tính khoa học, chúng tôi cũng không muốn giải thích những thông tin chi tiết, một cách khoa học về các loại dược liệu được dùng trong y thuật châu Á mà thay vào đó chỉ ra rằng các cách chữa trị đó đã được áp dụng như thế nào thông qua các loại dược liệu. Đó là lý do tại sao chúng tôi giới thiệu rất nhiều bức vẽ, pho tượng, hay các bản thảo, tài liệu rất đa dạng, minh họa những truyền thống y thuật lớn của châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng.

Ba quốc gia này có gì đặc biệt ? Liệu y thuật truyền thống của 3 nước này có đặc điểm nào chung hay không ?

Thierry Zéphir : Chúng tôi chọn truyền thống y thuật của 3 nước này xuất phát từ những hiện tượng chung, những mối quan hệ giữa các nước châu Á. Bởi vì Trung Quốc và y thuật truyền thống của nước này đã cho ra đời, thậm chí là đặc trưng trong cách chữa trị của phương Đông, ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Y thuật Ấn Độ cũng là một y thuật đã được lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ, tại các nước như Malaysia hay các nước Nam Á. Y thuật Tây Tạng thì có vai trò trung gian, nằm giữa hai nền y thuật lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Bởi vì, ở Tây Tạng, y học đã sử dụng một số cách thức chữa bệnh, hoặc yếu tố đến từ y học Trung Quốc hay Ấn Độ, để tạo ra cho mình một cách tiếp cận chữa bệnh riêng tại khu vực Himalaya.

Triển lãm về y thuật châu Á tại bảo tàng Guimet, Paris, Pháp.
Triển lãm về y thuật châu Á tại bảo tàng Guimet, Paris, Pháp. © Mussée Guimet/ Chi Phuong

Tại triển lãm, y thuật châu Á được giới thiệu đan xen giữa cách trị bệnh và những liên kết tâm linh, nhưng lại ít đề cập đến khía cạnh khoa học ?

Thierry Zéphir : Chúng tôi giới thiệu những khía cạnh của y thuật, như qua pháp sư, trừ tà, hay các liệu pháp chữa trị, mà phương Tây không coi là y thuật. Chúng tôi chọn khía cạnh này bởi vì đó là những thứ được cho là nền tảng của y thuật châu Á. Chúng tôi không muốn đưa ra đánh giá hay nhận xét về giá trị của y thuật châu Á so với y thuật phương Tây mà ngược lại, chúng tôi muốn làm nổi bật và làm tăng giá trị cho các tuyền thống y thuật đó, mà đối với các dân tộc ở châu Á ngày nay vẫn rất quan trọng, thậm chí là cả trong các nghiên cứu y khoa hiện đại. Có những lĩnh vực rất quan trọng, được nghiên cứu.

Có thể nói rằng những kiến ​​thức hiện đại, đương đại về y học thế giới cũng dựa trên cơ sở truyền thống của y học Tây Tạng và đặc biệt là Dược điển hoặc một số kỹ thuật điều trị. Đó là điều tương tự với Trung Quốc và Ấn Độ.

Chúng tôi muốn chỉ ra tầm quan trọng của các cách chữa trị được gọi là truyền thống, nhưng không truyền thống hơn bất kỳ y thuật nào khác, mà cho đến nay, vẫn quan trọng ở châu Á. Vì vậy, trên bình diện lịch sử, về những giai đoạn xa xưa, chúng tôi không chỉ có cách tiếp cận lịch sử hay nghệ thuật mà còn là cách tiếp cận văn hóa theo đúng nghĩa. Chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng Pháp những truyền thống y thuật này, là những truyền thống có giá trị như của phương Tây. Cụ thể, đó là những cách chữa trị có hiệu quả.

Triển lãm giới thiệu những cách chữa bệnh thông qua trừ tà, chiêm tinh, liệu những liệu pháp này có còn được sử dụng tại châu Á hay không ?

Thierry Zéphir : Dĩ nhiên là các cách trị bệnh này vẫn được sử dụng. Trên thực tế, các nghi lễ tôn giáo ở châu Á, y học và tâm linh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu thiếu một trong hai thì liệu pháp chữa bệnh không có tác dụng. Do vậy mà triển lãm của chúng tôi bao gồm 4 phần. Gian triển lãm đầu tiên nói về lịch sử của y thuật, những nhà sáng lập vĩ đại của y thuật châu Á. Gian thứ hai nói về những vị thần, những dược sư trị bệnh. Sau đó là gian triển lãm về tất cả những khía cạnh mang tính kỹ thuật, được sử dụng trong cách điều chế thuốc, dược điển, những cây thuốc hay thậm chí là các con vật có khả năng trị bệnh. Chúng tôi cũng nói đến các kỹ thuật y khoa đáng chú ý của châu Á như châm cứu. Phần thứ ba, chúng tôi giới thiệu những cách chữa trị bằng ma thuật, trừ tà, hay nhờ pháp sư. Đó là những hiện tượng văn hóa xã hội, được phát triển rộng rãi ở tất cả các nước châu Á. Điều này cũng đóng góp vào việc chữa trị của khu vực. Gian cuối cùng như là một kết luận cuối của triển lãm, nêu ra những thách thức về việc truyền tải, cách tiếp cận hiểu biết của y học phương Đông từ phương Tây và ngược lại.

Trong triển lãm, có đồ vật hay ấn phẩm nào mà ông thấy ấn tượng hay không ?

Thierry Zéphir : Một trong những tác phẩm tiêu biểu trong cuộc triển lãm của chúng tôi, đó là một trước một bức tranh có xuất xứ từ Tây Tạng có từ thế kỷ 14, chân dung của Tangka, tượng trưng cho một nhân vật vĩ đại của y học châu Á. Đó là Phật Dược sư, là Đức Phật của y học, người đứng đầu tất cả lĩnh vực về y thuật Châu Á. Điều thú vị là bức chân dung ở vị trí trung tâm của bức vẽ, rất đặc trưng của nghệ thuật Tây Tạng. Đức Phật Dược Sư trong hiểu biết của người Tây Tạng và châu Á nói chung, có thể nhận diện vì nó có màu xanh. Ngài cũng dễ nhận biết bởi 2 pháp khí mà chỉ vị Phật này mới sử dụng. Trong thế kiết già, tay trái một cái bình được cho là đựng nước trường thọ và tay phải cầm một loại quả cây hình bầu dục, được sử dụng trong dược điển châu Á và được cho là có tác dụng chữa bệnh. Trên thực tế, Đức Phật Dược Sư là người được hướng tới sau những lời cầu nguyện với hy vọng nhận được sự chữa lành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.