Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Sông Seine của những họa sĩ trường phái Ấn Tượng - Impressionnisme

Đăng ngày:

“Paris, Rouen, Le Havre là cùng một thành phố còn sông Seine là phố chính”. Câu nói của Napoléon năm 1802 có lẽ đúng với các họa sĩ theo trường phái Ấn Tượng (Impressionnisme), những người tìm thấy ở sông Seine nguồn cảm hứng vô tận. Họ bị coi là lập dị vì vẽ trực tiếp thiên nhiên, những con người bình dị. Tranh của họ bị coi thường vì không theo thể thống, phá vỡ mọi nguyên tắc.  

Champs de coquelicots, environs de Giverny (Cánh đồng hoa mỹ nhân, vùng lân cận Giverny, 1886) của Claude Monet, Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp.
Champs de coquelicots, environs de Giverny (Cánh đồng hoa mỹ nhân, vùng lân cận Giverny, 1886) của Claude Monet, Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp. © RFI / Thu Hằng
Quảng cáo

Không tìm được chỗ đứng trong hệ thống do Viện Hàn Lâm và Hành Chính Mỹ thuật chi phối, Cézanne, Degas, Guillaumin, Monet, Morisot, Pissarro, Renoir và 22 nghệ sĩ khác tự lập Société anonyme des artistes peintres, sculpteurs, graveurs... (Hội các nghệ sĩ họa sĩ, tạc, khắc vô danh…) và quyết định tổ chức triển lãm tự do, không có giám khảo, không giải thưởng. Triển lãm đầu tiên được tổ chức ở Paris năm 1874 trong xưởng của nhà nhiếp ảnh Nadar. Tổng cộng có tám triển lãm được tổ chức cho đến năm 1886. 

Tên gọi Ấn Tượng cũng bắt nguồn từ mỉa mai của tờ báo trào phúng Le Charivari về bức tranh Impression, soleil levant (Ấn tượng, mặt trời mọc, 1872) bên bờ cảng Le Havre của Monet. Cụm từ “ấn tượng” được thể hiện qua nét vẽ nhanh, nhiều mầu trên tác phẩm, miêu tả màn sương đang bốc hơi, phản chiếu sắc cam trên trời, dưới nước nhưng lại tạo cảm giác tác phẩm như còn dang dở trong mắt người đương thời.  

Từ bị dè bỉu, “Hội họa mới” thành Trường phái Ấn Tượng 

Khi bị chế nhạo như vậy, Monet, tác giả bức tranh lấy luôn tên “Impression” ghép với đuôi “-isme” - chỉ các “trường phái” hoặc “chủ nghĩa” - đang thịnh hành lúc đó để đặt tên cho phong trào Hội họa mới (Nouvelle peinture), xuất hiện từ những năm 1820. Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Florence Calame-Levert, phụ trách về Nghệ thuật hiện đại và đương đại tại Liên hiệp các Bảo tàng thành phố Rouen, giải thích thêm về nguồn gốc của trường phái Ấn Tượng :  

“Không phải phất chiếc đũa thần là ra được trường phái Ấn Tượng. Đó là một quá trình được hình thành từ lâu. Vào cuối thế kỷ 18, nhiều họa sĩ, như Hubert Robert hay Pierre-Henri de Valenciennes, có sở thích đặc biệt là vẽ ngoài trời. Ý là chặng dừng chân bắt buộc trong thời gian trau dồi để trở thành họa sĩ. Rất nhiều người đã tranh thủ chuyến đi để vẽ ngoài trời. Có thể thấy xu hướng đã nhen nhóm dù công luận chưa hào hứng hẳn bởi vì những tác phẩm được giới thiệu tại các phòng tranh vẫn là những tác phẩm chủ yếu được vẽ ở xưởng, tuân theo những nguyên tắc hội họa truyền thống và cổ điển. 

Trường phái Ấn Tượng đặc trưng cho việc dùng hình ảnh miêu tả ánh sáng, sự biến chuyển của ánh sáng ngoài trời, với bầu không khí. Vùng Normandie là địa điểm được yêu thích do gần với biển, gần với sông Seine nên thời tiết ở đây luôn thay đổi và chất lượng ánh sáng đặc biệt thu hút những họa sĩ theo trường phái Ấn Tượng”. 

Gian trưng bày các tác phẩm của họa sĩ theo trường phái Ấn Tượng, Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp.
Gian trưng bày các tác phẩm của họa sĩ theo trường phái Ấn Tượng, Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Sông Seine - nhân vật chính của "Hội họa mới" 

Trong sự “phá cách” đó, dòng sông Seine là nguồn ý tưởng vô tận cho các họa sĩ trẻ và trở thành “Sông Seine của các họa sĩ Ấn Tượng”. Cảnh vật thay đổi theo bốn mùa, bầu trời lúc mưa lúc nắng, dòng nước như tấm gương phản chiếu, luôn thay đổi. Bà Florence Calame-Levert giải thích tiếp : 

Ánh sáng, rồi việc lột tả được ánh sáng đó, là điều gì đó quyến rũ các họa sĩ. Sự phản chiếu của sông Seine và quang cảnh được Claude Monet thể hiện trong một tác phẩm năm 1914, được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Rouen. Do đến sống bên bờ sông Seine nhiều lần, Monet đã tái hiện dòng sông dưới nhiều góc ánh sáng khác nhau nhờ vào đặc tính biến đổi của không khí. Đó là một chủ đề lôi cuốn và vô tận. Sông Seine phủ mây mù tùy theo mùa. Rồi tùy theo giờ trong ngày, bầu trời có thể mang sắc xanh hay xám, sông Seine tái hiện được hết. 

Khu vực được gọi là Hạ lưu sông Seine (Seine-Inférieure, tên gọi hiện nay là Seine maritime) có cả sông và biển nên quang cảnh thường xuyên thay đổi, bởi vì dưới tác động của thủy triều, mây và gió đến rồi đi nên bầu trời liên tục chuyển động, khiến cảnh quan liên tục thay đổi trong ngày và quanh năm. Đối với các họa sĩ Ấn Tượng, đó là một bộ sưu tập hiện tượng thiên nhiên, ánh sáng vô tận. Trước biển, trước dòng sông Seine đầy sắc thái, đó không hẳn là một kiểu quang cảnh biển, mà là quang cảnh của một cửa sông lớn. 

Những họa sĩ trẻ Ấn Tượng còn bị coi là “gàn” khi đưa vào tranh của họ hình ảnh khói nhả ra từ nhà máy, hoạt động trên các bãi cảng, những công nhân bốc vác ăn mặc xuề xòa, trái hẳn với vẻ sang trọng, uy nghiêm của những nhân vật trong hội họa cổ điển. Cũng nhờ đường sắt phát triển nên Rouen và Le Havre không còn xa Paris. Cả hai thành phố đều nổi tiếng với hoạt động công nghiệp, hải cảng giao thương, cơ sở hạ tầng phát triển và đặc biệt là nằm ngay bên bờ sông Seine. 

“Tôi nghĩ có một sự tương hợp vì có rất nhiều họa sĩ Ấn Tượng đã đến Rouen, như Gauguin, Sisley, Pissarro… những người sau này có ảnh hưởng trực tiếp đến trường phái Rouen. Họ đến vì nhiều lý do khác nhau, vì Rouen có nhiều nhà sưu tập, mạnh thường quân, rồi vì Claude Monet sống ở Giverny, cách đây không xa lắm, và bởi vì phải nói Rouen là một thành phố đẹp, nằm ngay bên bờ sông Seine trong thung lũng xanh mướt mắt.  

Ngoài ra Rouen còn là nơi dừng chân, gặp gỡ, trao đổi và ngắm cảnh vật thay đổi dọc bờ sông Seine. Nhưng phải nói điểm đến cuối cùng là Le Havre bởi vì ở thành phố cảng cũng có rất nhiều hoạt động liên quan đến hội họa. Giới sưu tập ở đó có khuynh hướng xã hội hơi khác một chút. Nói tóm lại, về trường phái Ấn Tượng, có hai cực là Rouen và Le Havre có sức hấp dẫn đối với các họa sĩ theo phong cách này”. 

La Seine à Port-Villez của Claude Monet (1897), Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp.
La Seine à Port-Villez của Claude Monet (1897), Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Sức hút của dòng sông Seine được Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen thể hiện cô đọng nhưng rất đầy đủ trong sơ đồ địa danh dọc dòng sông gắn liền với tên tuổi của các họa sĩ Ấn Tượng, từ Moret sur Loing hay Grez-sur-Loing trên dòng sông Marne đổ vào sông Seine, đến Charenton, Meudon, Chatou, Giverny, Vernon, Rouen… đổ ra cửa sông ở Le Havre. 

“Sông Seine cũng là một nguồn sống, nhộn nhịp hoạt động của con người. Các họa sĩ đến vẽ dọc dòng sông Seine đơn giản là vì họ tìm được chỗ trú chân ở những thành phố lớn như Rouen, nơi cũng có hoạt động công nghiệp, hoặc Le Havre nằm ở cửa sông Seine, và hai thành phố này không xa nhau lắm, chỉ khoảng 60 km. Nhưng cũng vì dòng sông Seine quanh co tạo nên những quang cảnh khác nhau, với những ngôi làng thường xuyên được các họa sĩ lui tới và thể hiện trên những phẩm của họ, như La Bouille rất đẹp, cách Rouen không xa, chỉ cần đi phà qua sông. Bên dòng sông uốn lượn vừa có cảnh đẹp nhưng cũng tạo cảm giác như được phiêu lưu”. 

Rouen trong dòng sáng tác các họa sĩ Ấn Tượng 

Rouen có vị trí đặc biệt đối với danh họa Claude Monet, người đặt tên “Trường phái Ấn Tượng” cho dòng “tranh mới”. Đến Rouen nhiều lần, vẽ Rouen từ nhiều góc, Claude Monet có ấn tượng đặc biệt với Nhà thờ lớn Rouen (Cathédrale de Rouen) và được họa sĩ Giverny thể trong một loạt tranh gắn liền với tên tuổi của ông. Bà Florence Calame-Levert giải thích : 

“Loạt tranh về Nhà thờ lớn có ý nghĩa quan trọng. Lúc đó, vẽ tranh theo loạt (série) cũng nằm trong sự đổi mới đó. Trước loạt tranh về nhà thờ lớn, có rất nhiều chủ đề khác, như các cối xay gió, nhà ga Saint-Lazare… Chính Monet là người nảy ra ý tưởng vẽ loạt tranh về Nhà thờ lớn Rouen. Ông tới Rouen hai lần liên tiếp. François Depeaux là người cho Monet mượn căn hộ nhỏ để làm xưởng vẽ ngay đối diện Nhà thờ lớn để họa sĩ làm việc. Năm 1915, tác phẩm được giới thiệu tại galerie Paul Durand-Ruel và François Depeaux là người đầu tiên mua một bức trong loạt tranh về cánh cổng Nhà thờ lớn Rouen. Đó là bức La Cathédrale de Rouen - temps gris (Nhà thờ lớn Rouen - Lúc trời âm u), hiện được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen.  

Trong tác phẩm này, chúng ta thấy những nét sáng, trong nền hồng, vàng, xanh dương. François Depeaux đã chọn bức tranh đặc trưng nhất cho mảnh đất của chúng tôi : Khi mưa phùn, người ta có cảm giác là những viên đá của nhà thờ hòa lẫn trong sương mù. Mỗi một mét vuông hòn đá của nhà thờ trở thành chất phát sáng trong cơn mưa phùn với tiết trời xám đó. Claude Monet đã làm được điều tuyệt vời. Trong khi người ta vẫn cứ nghĩ là ánh sáng và trời đẹp vẫn thú vị hơn là mưa phùn và trời âm u. Tác phẩm là bằng chứng thực sự cho thấy điều ngược lại”. 

Portail de la cathédrale de Rouen, temps gris (Cánh cửa nhà thờ lớn Rouen, lúc trời âm u) của Claude Monet (1892), Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp.
Portail de la cathédrale de Rouen, temps gris (Cánh cửa nhà thờ lớn Rouen, lúc trời âm u) của Claude Monet (1892), Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Thành phố công nghiệp còn nổi tiếng với các mạnh thường quân. Léon Monet (1836-1917), anh trai của Claude Monet, là nhà công nghiệp trong ngành hóa chất, sản xuất mầu và cũng là nhà sưu tập có ảnh hưởng rất lớn đến giới quý tộc Rouen giầu có và chuộng hiện đại. Trong số này có Francois Depaux (1853-1920), một trong những người chịu ảnh hưởng từ Léon Monet, được mệnh danh là “người có 600 bức tranh” : 62 của Sisley, 23 Monet, 9 Pissarro, nhiều bức của Renoir và Toulouse-Lautrec…

“Đó là những người có tầm nhìn xa trông rộng. Họ không phải là trí thức mà là doanh nhân có xu hướng hiện đại. Họ cởi mở với thế giới, làm việc trên cảng biển, giao thương với bên ngoài. François Depeaux là nhà khai thác than, có nghĩa là ông cũng có tầu thuyền nhập khẩu than. Việc François Depeaux quan tâm đến tranh theo trường phái Ấn Tượng có gì đó mang tính tiên phong bởi vì vào thời kỳ đó, tranh của các họa sĩ Ấn Tượng không được trưng bày trong bảo tàng… 

Nhưng ngoài yếu tố sưu tập cho chính mình, họ còn hỗ trợ cho các nghệ sĩ và sau này, một số nhà sưu tập, như François Depeaux, còn tặng lại bảo tàng bộ sưu tập cho thành phố Rouen, phục vụ công chúng. Họ đi theo hướng bảo trợ. Họ giúp công việc của các nghệ sĩ có thể thành công, họ chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định, mặc dù vào thời điểm đó, Monet đã là một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng dù sao, họ chi tiền để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ làm việc”. 

Rời khỏi bảo tàng Mỹ Thuật Rouen trở lại thực tại, khách tham quan như cảm nhận thời gian ngừng trôi giữa những tác phẩm được trưng bày trong bảo tàng với dòng sông Seine vẫn uốn lượn chảy qua thành phố, hay với Nhà thờ lớn Rouen vẫn uy nghiêm ở đó. 

Tranh sơn dầu Bouquet de chrysanthèmes (Bó hoa cúc) của Pierre-Auguste Renoir, Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp.
Tranh sơn dầu Bouquet de chrysanthèmes (Bó hoa cúc) của Pierre-Auguste Renoir, Bảo tàng Mỹ Thuật Rouen, Pháp. © RFI / Thu Hằng

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.