Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

KẺ DU MỤC - Không có lời từ biệt sau cùng

Đăng ngày:

Không ồn ào với những mâu thuẫn dồn đẩy, gay cấn hay những cao trào mạnh mẽ thúc giục, “Kẻ du mục” lặng lẽ êm ái luồn khẽ vào tâm tưởng người xem bằng khối năng lượng tích cực khổng lồ. Người ta có thể nói đó là một bộ phim buồn, có thể nói nó là sự cô đơn nhưng thật tình, tác phẩm tuyệt vời này chính là câu trả lời cho điều nhiều người còn thắc mắc… “Nhà là Gì?”

This image released by Searchlight Pictures shows Frances McDormand in a scene from the film "Nomadland."
Một cảnh trong phim "Nomadland". AP
Quảng cáo

Dựa trên cuốn sách của nữ nhà văn Mỹ Jessica Bruder, ra mắt năm 2020, tác phẩm của Hollywood này đã khiến cả thế giới bùng cháy khi nữ đạo diễn, biên kịch đồng thời là dựng phim người Mỹ gốc Hoa – Triệu Đình – đã trở thành người nữ đạo diễn thứ hai và nữ đạo diễn châu Á đầu tiên cùng lúc nhận được 6 đề cử tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 93, 4 đề cử tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 78 và rất nhiều giải thưởng danh giá khác. Tác phẩm này không chỉ gặt hái được cơn mưa giải thưởng mà còn nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía khán giả toàn cầu. Đó là một trong những bộ phim hiếm hoi không quá tách biệt và hàn lâm, người ta tự đặt ra câu hỏi và rồi sẽ tự tìm được câu trả lời trong suốt hành trình của nhân vật chính, cũng là chuyến đi của chính mình.

“Kẻ du mục” chậm rãi kể về hành trình của Fern, người phụ nữ trung niên đã lựa chọn cuộc sống du mục trên chiếc xe van sau cái chết của người chồng. Fern chất mọi kỉ vật của chồng, của cha mẹ lên xe, coi đó là Nhà và bắt đầu cuộc sống “đi tới đâu làm việc tới đó”, rong ruổi khắp miền Tây nước Mỹ. Xuyên suốt chặng đường ấy, Fern không chỉ hiểu ra ý nghĩa thật sự của việc cô đang làm mà còn khẳng định một điều tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng với mỗi người chúng ta, rằng “Nhà là một Mái Nhà hay là nơi ở trong tim”.

Vô gia cư hay Không có nhà?

Điều này dường như là thắc mắc của tất cả khán giả khi từ phút đầu phim đã thấy Fern rong ruổi trên chiếc van, đi vệ sinh ngay bên vệ cỏ và “nhảy việc” từ thị trấn này qua thị trấn khác. Ở vào tuổi của cô, phần lớn mọi người đã bắt đầu nghĩ tới việc nghỉ hưu, dùng số tiền dành dụm được cả đời vất vả để sống ấm êm dưới một Mái nhà, nên hình ảnh đưa ra khiến người ta liên tưởng tới một phụ nữ vô gia cư thiếu nơi nương tựa. Tuy nhiên, câu trả lời được đưa ra ngay sau đó, khi Fern gặp lại người quen cũ. Hai đứa trẻ đã từng được cô nhận dạy kèm hỏi cô có phải là người vô gia cư không. Fern khẽ cười, không, cô không vô gia cư, cô chỉ không có nhà. Rõ ràng, cái định nghĩa này đã thay đổi tất cả. Home – tiếng Anh là Nhà, House – cũng là Nhà. Nhưng Home còn được hiểu là Gia đình, là Mái Ấm, trong khi House chỉ đúng nghĩa đen là cái Nhà mà thôi. Fern đã lên án em rể là kẻ vô lương tâm, người làm nghề bất động sản dụ dỗ mọi người mua một căn nhà mà cả đời họ không thể trả nổi cho nó, phải mang nợ tới khi nhắm mắt xuôi tay.

Thế nào là sự ổn định? Thế nào là một Mái Nhà? Fern có thể là người Không có Nhà, nhưng cô mang theo Mái Ấm của mình ở trong tim, ở những kỉ vật mà cô nâng niu của Cha mẹ, của Bob, người chồng yêu thương của cô.     

Cuộc suy thoái kinh tế đã khiến cho công ty nơi hai vợ chồng Fern làm việc phải đóng cửa. Thay vì ngồi yên một chỗ gặm nhấm nỗi buồn mất chồng và mất việc thì Fern chất tất cả lên chiếc van và du ngoạn cái thế giới nhỏ bé mà cô hình dung ra. Fern chọn cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, rời xa xã hội với đầy rẫy những tham vọng, ham muốn… để làm quen với hội nhóm những người du mục. Đi tới đâu cô xin việc tới đó, công việc thời vụ không nhiều tiền nhưng bù lại lại được thoải mái về thời gian và thuận tiện cho việc thường xuyên di chuyển của Fern. 

Ở nơi đó, Fern nghe được những câu chuyện đầy cảm động, nơi mà ai cũng có mất mát riêng và tìm cách tự chữa lành vết thương của mình. Đó là người con chứng kiến ba mẹ qua đời vì ung thư chỉ cách nhau vài tuần, lúc nhắm mắt vẫn mang trong mình mong ước được đi chu du ngắm nhìn thế giới. Đó là người vợ chỉ mới hôm qua còn nắm tay chồng thì hôm nay đã mất ông mãi mãi và chiếc thuyền nhỏ của ông vẫn buộc trên nóc xe để ở lề đường, chưa bao giờ được dùng tới. Họ vượt qua mọi định kiến xã hội, vượt qua cái nhìn kì thị của những người được cho là bình thường để sống cuộc sống của họ, cuộc sống không quá phụ thuộc vào tiền bạc, sự nghiệp… sống gần gũi với thiên nhiên và vô tư gắn kết với nhau như trẻ nhỏ.

Định kiến xã hội thể hiện rõ nhất ở trường đoạn Fern về thăm gia đình em gái Dolly. Những câu hỏi mang tính mỉa mai, những cái nhìn kì cục mà chồng Dolly cũng như bạn bè của họ ném về phía Fern khiến người ta không khỏi khó chịu và xót xa cho cô. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của em gái, Fern vẫn kiên định và ngẩng cao đầu với lựa chọn của mình, bởi, cô là một phần của nước Mỹ, của lối sống Mỹ.  

Sẽ gặp lại nhau trên đường

Đây là câu nói thường trực trên môi của những người du mục. Chưa bao giờ có một lời từ biệt cuối cùng, bởi họ sẽ gặp lại nhau trên đường, con đường đưa họ đi từ vùng đất này tới vùng đất khác, thẳng tắp, hay vòng vèo, nhưng rồi họ sẽ gặp lại nhau. Giống như cuộc sống của chúng ta, một lúc nào đó, ta sẽ gặp lại nhau. Người sáng lập Hội người du mục đã nói với Fern như thế, rằng một ngày, cô cũng sẽ gặp lại Bo, tên gọi thân thương của người chồng quá cố của cô, dù họ đã bị chia lìa bằng cái chết. Bởi, cuối cùng, họ sẽ vẫn gặp nhau tại một điểm, là điểm cuối của chặng đường đời.

Trong phim, ta thấy Fern gặp lại khá nhiều người trên hành trình của mình. Là Swankie, một người du mục bước qua tuổi 75, bị ung thư phổi di căn lên não và đã chọn tự lái xe van cho tới giây phút cuối cùng. Để rồi, bà sẽ trở lại Alaska, nơi có những tổ chim núp dưới những vách đá chông chênh, bà mơ sẽ nằm lại đó, tưởng tượng mình chao nghiêng dưới cánh chim đầy tự do và bạn bè trong nhóm du mục trên khắp nước Mỹ sẽ ném những viên đá cuội nhỏ vào ngọn lửa cho linh hồn của bà khi nghe tin bà đã ra đi.

Là Linda May, bạn chu du của Fern, người làm cùng Fern ở nhiều nơi khắp miền Tây, mỗi lúc gặp lại Fern là một lần vui, chia sẻ với nhau từng công việc, từng giây phút thật tự do.

Là chàng thanh niên ngoài 20 tuổi bỏ nhà đi lang thang, được Fern tặng cho cái bật lửa và khi gặp lại, cậu tặng lại Fern một chiếc bật lửa khác, nghe nói là được làm từ xương khủng long. 

Cuối cùng, là Dave, người đàn ông du mục có sự quan tâm đặc biệt tới Fern. Người đã làm vỡ chiếc đĩa do Cha cô để lại cho cô và thật chẳng ngờ, sau này, ông đã tạo ấn tượng tốt với cô, thậm chí, có lúc đã khiến cô muốn dừng lại. Người ta thấy có vẻ như câu chuyện sẽ rẽ qua hướng khác, một giây phút mong Fern tìm được bến đỗ và một Mái Nhà thật sự sau chừng ấy chặng đường.

Họ cùng nhau làm việc ở một khu bảo tồn thiên nhiên, Fern và Linda làm công việc dọn vệ sinh trong khi Dave là hướng dẫn viên. Khi mùa vụ qua đi, họ lại di chuyển trên những chiếc van và một ngày, như là định mệnh, lại gặp nhau trên đường. Dave trở thành đầu bếp và giới thiệu cho Fern làm trong bếp cùng mình. Fern vẫn cố giữ vẻ ương ngạnh khác thường khi Dave kể về gia đình con trai của ông và đứa cháu nội sắp chào đời, ngỏ ý mời cô về thăm gia đình ông. 

Bước ngoặt lớn hơn vào Lễ Tạ Ơn, Fern bất ngờ xuất hiện ở nhà con trai Dave. Đây dường như là nút thắt đáng kể nhất từ đầu phim, để cho người ta phải chờ đợi và hi vọng. Liệu Fern có dừng lại? Ở nơi mà tất cả thành viên trong gia đình con trai Dave, cả bạn bè của họ đều chào đón cô? Nơi có nhiều phòng ngủ, có trang trại, có biết bao không gian và sự tự do thừa đủ cho hai người? Nơi có một ngôi nhà thật sự? Nơi mà Dave đặt đứa cháu nội vào tay Fern nhờ cô trông giùm phút chốc… khi Fern ôm đứa trẻ trong lòng, bàn tay bé xíu nằm gọn trong bàn tay Fern…

Biết bao chi tiết dược dày công dựng lên. Biết bao dòng thoại cổ xúy cho lối sống du mục. Biết bao khó khăn khi chu du một mình trên chiếc xe van cũ kĩ lúc hỏng săm, lúc rét cóng giữa đồng không mông quạnh… Khán giả có quyền hi vọng lắm chứ, rằng Fern sẽ dừng lại…

Nhưng… có lẽ còn rất nhiều điều, rất nhiều người mà Fern muốn gặp lại trên con đường cô sẽ đi, nên cô lên xe giữa lúc trời còn chưa sáng, để lời từ biệt trở nên dễ dàng hơn.

Fern trở về ngôi nhà xưa cũ, ngắm nhìn tất cả một lần nữa, rồi bước tới bờ biển, nơi những đàn chim làm tổ dưới gờ đá và cùng tung cánh vút lên thật tự do. Lần này thì Fern đem cho tất cả những thứ cô vẫn giữ, những kỉ vật của Cha mẹ và của cả Bo. Fern lái chiếc van đi, tiếp tục hành trình. Nhà không phải là những vật chất ấy mà Nhà là nơi ở trong tim cô.

Hẹn gặp lại trên đường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.