Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Milan Kundera : Tập sách cái cười và sự lãng quên

Đăng ngày:

Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng Sản. Trong Tập sách cái cười và sự lãng quên - Le Livre du rire et de l’oubli là những cái cười « ra nước mắt », còn « sự lãng quên » là « cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực, là cuộc đấu tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên ».

Nhà văn Milan Kundera. Ảnh năm 1963.
Nhà văn Milan Kundera. Ảnh năm 1963. AP - Nesvadba Frantisek
Quảng cáo

Sinh năm 1929 tại Brno ông đã định cư tại Pháp từ năm 1975 do sách của ông bị kiểm duyệt và tác giả đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản Tiệp Khắc. Khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, Tiệp Khắc trở thành hai quốc gia Cộng Hòa Séc và Slovakia.

Hai trong số rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch giả Trịnh Y Thư dịch sang tiếng Việt, đấy là Tập sách Cái cười và sự lãng quên - Le Livre du rire et de l’oubli (1978) và Đời nhẹ khôn kham -L'insoutenable légèreté de l'être (1984).

Trong bài tưởng niệm nhà văn Kundera vừa qua đời tại Paris hồi tháng 7/2023, dịch giả Trịnh Y Thư đã nhắc lại « Đời nhẹ khôn kham, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kundera, mở đầu với cảnh xe tăng Liên Xô nghiến nát đường phố Praha, thủ đô của Cộng hòa Séc, là quê hương của tác giả cho đến khi ông sang Pháp chọn cuộc đời lưu vong từ năm 1975. Đan xen các chủ đề về tình yêu và sự lưu vong, chính trị mang tính cá nhân sâu sắc, tiểu thuyết của Kundera đã giành được sự tán thưởng của giới phê bình, giúp ông có được lượng độc giả rộng rãi chẳng những ở phương Tây mà còn khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam ».

Cùng với dịch giả Trịnh Y Thư mời quý vị cùng tìm đến với Tập sách cái cười và sự lãng quên, được ông dịch sang tiếng Việt, xuất bản tháng 1/2021. 

                                                      *****

RFI : Xin kính chào dịch giả Trịnh Y Thư, Le livre du rire et de l'oubli là một cuốn tiểu thuyết với cấu trúc lạ kỳ, với những câu chuyện khác nhau và đôi khi tác giả tưởng chừng là « lười biếng » khi cần đặt tựa cho mỗi truyện ngắn của ông :     

Trịnh Y Thư : Kundera viết Tập sách cái cười và sự lãng quên vào quãng giữa thập niên 70. Tác phẩm có bẩy phần. Gọi mỗi phần là một truyện ngắn cũng đúng, nhưng theo chính Kundera, ta nên xem nó là một tổ khúc, như tổ khúc âm nhạc gồm bẩy biến tấu mà mỗi biến tấu là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau. Khác nhau nhưng vẫn có sự liền lạc chặt chẽ bởi mô-típ thắt buộc toàn tác phẩm : Cái cười và Sự lãng quên. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề, nội tại một suy tưởng, nội tại một tình huống duy nhất, giản dị, mà cái hiểu cứ dần dà trôi mất về cõi xa, ra khỏi tầm nhìn của chính tác giả.

Nếu bạn đọc cuốn sách này một cách kiên nhẫn và thành tâm, nó có thể thay đổi cuộc đời bạn.

RFI :  Nửa thế kỷ từ ngày tác phẩm này được xuất bản, giờ đây điều gì có thể thôi thúc độc giả tìm đến với Tập sách cái cười và sự lãng quên ?

Trịnh Y Thư : Lý do giản dị lắm, thưa chị, vì đó là một tác phẩm cực hay. Tôi xin mượn phát biểu của ba nhà văn, nhà phê bình Mỹ nói về cuốn sách này của Kundera. John Updike từng đánh giá đây là cuốn sách xuất sắc và độc sáng, được viết với sự trong trẻo và minh triết, nó mời mọc chúng ta trực tiếp đi vào. Còn John Leonard thì quan niệm Tập sách cái cười và sự lãng quên tự gọi là một cuốn tiểu thuyết, mặc dù nó là một phần truyện thần tiên, một phần phê bình, một phần chính luận, một phần nhạc học, một phần tự truyện. Nó có thể gọi bất kỳ cái gì nó muốn, bởi tổng thể cuốn sách là một thiên tài. Ted Solotaroff nhận xét, ảo diệu… Nếu bạn đọc cuốn sách này một cách kiên nhẫn và thành tâm, nó có thể thay đổi cuộc đời bạn.

Thiết tưởng, với những lời ca ngợi ấy, cuốn sách rất xứng đáng được nằm trên kệ sách của tất cả những ai quan tâm đến chữ nghĩa.

Milan Kundera : « Con người luôn luôn ấp ủ tham vọng muốn viết lại tiểu sử của chính mình, muốn thay đổi quá khứ, muốn bôi xóa mọi dấu vết của chính hắn và kẻ khác »

RFI : Về « cái cười » và về « sự lãng quên » : chúng ta có dễ tìm đến với « cái cười » của Kundera hay không ? Còn « sự lãng quên », những nguyên nhân nào dẫn tới « cái quên » đó và các nhân vật trong tiểu thuyết của Kundera cần « quên » cái gì ?

Trịnh Y Thư :  Đọc Kundera, chúng ta dễ dàng nhận ra tính hài (và ở chừng mực nào đó, châm biếm) thấm đẫm trong văn ông. Kỳ thực, đối với ông, hài là một thuộc tính bất khả tách ly của văn chương. Tập sách cái cười và sự lãng quên không thiếu những mạch đoạn khiến người đọc cười chảy nước mắt, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta hiểu chủ ý của ông là chọc cười độc giả. Để hiểu tính hài của Kundera, ta phải tìm hiểu tính hài trong văn Kafka. Vâng, chính Kafka đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận đem tính hài vào văn chương. Kafka lấy mặt nạ của cái khả lý đeo lên cái bất khả lý, trong lúc tuyệt đối duy trì tính chính xác tâm lý, nó khiến tiểu thuyết của ông mang vẻ mê hoặc, huyền ảo lạ lùng. Chuyện bông đùa, giai thoại, chuyện hài hước: chúng là những bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy giữa cảm quan nhạy bén của hiện thực và thần trí tưởng tượng, tiểu thuyết liều lĩnh đi vào cái bất khả lý. Kundera bảo như vậy.

Còn « Sự lãng quên », cụm từ này có ý nghĩa gì trong tác phẩm ? Ta hãy nghe chính Kundera định nghĩa như sau về « sự lãng quên » và nó chính là chủ đề tái hiện hoài hoài suốt cuốn sách. Kundera bảo : « Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên ». Về điểm này, Kundera nói rõ trong tập tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết : « Con người luôn luôn ấp ủ tham vọng muốn viết lại tiểu sử của chính mình, muốn thay đổi quá khứ, muốn bôi xóa mọi dấu vết của chính hắn và kẻ khác ». Ông cũng nói thêm, nó không phải sự lừa dối, nó tuyệt đối không có công lý trong đó, nhưng cùng lúc nó đem lại nguồn an ủi.

Kundera không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. 

RFI : Ngoài « cái cười » và « sự lãng quên » tiểu thuyết này của Milan Kundera đầy thi vị và có thể nói là một Kundera đã viết về tình yêu ? Tuy nhiên bối cảnh chính trị thời kỳ Chiến Tranh lạnh, hình bóng của một chế độ toàn trị luôn ẩn hiện trong các tác phẩm của ông. Đọc Kundera dưới lăng kính đó, không thể phủ nhận là sách của ông rất mang tính thời sự. 

Trịnh Y Thư : Đúng vậy, thưa chị, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó.

Với ông, lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch sử dụng một cách dè sẻn để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói « Tiểu thuyết gia không phải kẻ hầu của sử gia » thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận. Cũng như hầu hết các tiểu thuyết gia tầm vóc khác của thế giới, Kundera cương quyết chống lại mọi chủ thuyết luận đề trong văn chương. Tuy vậy, bàng bạc trong những tác phẩm của ông, người ta nhận thấy những chủ đề sau hiển lộ rõ ràng : cuộc sống lưu vong ; căn tính, đời sống vượt qua lằn ranh biên thùy (bên kia tình yêu, bên kia nghệ thuật, bên kia sự nghiêm túc) ; lịch sử như cái gì liên tục trở lại ; và lạc thú của một đời sống ít có những điều « quan trọng ».

Bởi, như phần lớn chúng ta, Kundera chẳng thể nào đứng ngoài những biến động lịch sử khốc liệt của thế hệ ông. Thế kỷ XX, châu Âu của ông chứng kiến sự đổ nát kinh hoàng chưa từng thấy trước đó bao giờ. Hai cuộc Thế chiến, Lò thiêu, Quốc xã, Quân phiệt, Cộng sản, như những bóng ma, cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tâm tư người dân lục địa đó. Bohemia của ông – miền đất tuy nhỏ bé nép mình giữa hai cường quốc Đức và Nga nhưng lại là giao điểm chính trị và văn hóa quan trọng – luôn luôn là mảnh đất chịu thiệt thòi và bị giẫm nát trong bất kỳ cuộc tương tranh lớn nhỏ nào. Ở châu Âu, ngoài Ireland, Bohemia có lẽ là quốc gia duy nhất mà nền văn học bao giờ cũng trĩu nặng tính thời đại và lịch sử. Dù sao chăng nữa, Kundera khó lòng hoàn toàn đi chệch ra khỏi quy luật đó.

« (...) Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết »

RFI : Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trọng đại nhất trong tiểu thuyết Kundera ?

Trịnh Y Thư : Câu trả lời giản dị lắm : Đó chính là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. Đưa ra một định nghĩa cho tiểu thuyết, ông nói : « Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu câu hỏi : Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết ». Kundera cả quyết rằng sự nảy sinh của nhân vật tiểu thuyết không giống sự ra đời của con người nơi cuộc sống bên ngoài ; « họ có mặt do một tình huống, một câu văn hay một ẩn dụ bên trong cái vỏ bọc hàm chứa những khả thể cơ bản liên quan đến con người mà tác giả nghĩ rằng chưa ai khám phá hay đề cập điều gì trọng yếu về nó ». Xem thế, tính sáng tạo trong tiểu thuyết Kundera chủ yếu nằm ở điểm này. Và qua tác phẩm chúng ta thấy ông truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông nắm bắt được điều muốn tìm kiếm; bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.