Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

“Tình thơ không biên giới”: Tuyển tập song ngữ Việt - Pháp của những người yêu thơ

Đăng ngày:

Tìm đến những vần thơ để làm khuây khỏa nỗi lòng trong những ngày tháng mà con người phải sống cách biệt do đại dịch Covid-19, đó chính là bối cảnh ra đời của Hội những người yêu thơ, mà tuyển tập “Tình thơ không biên giới” có thể được coi là đứa con tinh thần đầu tiên của của họ. 

Bìa của tuyển tập " Tình thơ không biên giới", xuất bản tại Huế năm 2021.
Bìa của tuyển tập " Tình thơ không biên giới", xuất bản tại Huế năm 2021. © RFI The Hung PHAM
Quảng cáo

Như lời tựa của quyển sách, “Tình thơ không biên giới”, xuất bản tại Huế tháng 07/2021, không phải là tuyển tập của những thi sĩ chuyên nghiệp, mà thật ra là bao gồm sáng tác của “những người yêu thơ và những người đang tập làm thơ” từ mọi miền của Việt Nam và ở khắp các châu lục, trong đó có các bạn thơ từ Pháp, Brazil, Madagascar… Các bài thơ tiếng Việt được chuyển ngữ sang tiếng Pháp và ngược lại các bài thơ tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt. 

Bìa của tuyển tập " Tình thơ không biên giới", xuất bản tại Huế năm 2021.
Bìa của tuyển tập " Tình thơ không biên giới", xuất bản tại Huế năm 2021. © RFI The Hung PHAM

Nhân một cuộc họp mặt của hội những người yêu thơ tại Paris hôm 15/04/2022, RFI Việt ngữ đã có dịp gặp một số tác giả của tập thơ này, mà đầu tiên là ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch Hội Interface Francophone Paris, một tổ chức mà ông đã thành lập từ năm 1994 để ủng hộ cho Thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội 1997:

“ Chúng tôi thấy phải làm sao cho tiếng Việt được thế giới biết đến, phải vận động cho tiếng Việt Nam. Cho nên tôi đã cùng với một số anh em tại Paris, trong nước, ở Úc, ở Hoa Kỳ bàn với nhau là mình làm một tuyển tập thơ của những người yêu thơ để phổ biến tiếng Việt. 

Hội Interface Francophone mới họp lại anh em và chúng tôi có đề nghị với đại sứ quán Pháp và Institut français ( Viện Pháp ) ở Việt Nam hỗ trợ chúng tôi đưa ra một tập thơ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Sau đó, tôi đã tập hợp tổng cộng 35 thi sĩ vừa người Việt, vừa người Phi châu, Pháp, Úc, Mỹ, Brazil. Những người nào làm thơ tiếng Việt thì tôi dịch sang tiếng Pháp, những người nào đóng góp thơ bằng tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, thì tôi dịch sang tiếng Việt. 

Đây là một nỗ lực để giúp đưa tiếng Việt Nam lên hàng thế giới, đi song song với tiếng Pháp, ngôn ngữ của văn chương, ngôn ngữ của một đất nước rất tiến bộ, rất văn minh. Nếu mà tiếng của nước ta đi song hành với tiếng Pháp, thì trong ý thức và tiềm thức của mọi người trên thế giới sẽ thấy rằng tiếng Việt là một thứ tiếng có giá trị. 

Trong tinh thần đó, đại sứ quán Pháp ủng hộ về tinh thần và về mọi phương tiện. Họ nói là nếu làm ra thì họ sẽ đưa tập thơ đến báo chí, đến Institut français để phổ biến trong những classes bilingues ( lớp song ngữ Pháp-Việt ) ở Việt Nam, đăng trên tờ Le Courrier du Vietnam. Institut français thì sẽ phát tập thơ cho những người đến sinh hoạt tại các cơ sở của Institut français trong nước.

Còn về tài chính thì chúng tôi tự lực hết. Nhưng tôi phải bỏ thêm tiền để in tập thơ tại Huế.”

Là một trong những người sáng lập hội người Việt yêu thơ, bà Nguyễn Hợp, chủ tịch công ty từ thiện Vicaris Việt Nam, kể lại  sự ra đời của hội này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành tại Pháp:

“ Ngày 17/03/2020, bắt đầu confinement (phong tỏa), mọi người đều phải ở trong nhà. Để làm sao chia sẻ những giây phút rất nhiều phiền muộn, vì nhiều người lo âu về một căn bệnh hoàn toàn mới lạ, anh Nguyễn Duy Tân, anh Nguyễn Thái Sơn, cùng với anh Thẩm Hoàng Long và tôi cùng nhau thành lập nhóm yêu thơ.

Lúc đầu nhóm chỉ có bốn người, nhưng không sao, mình không phải là những nhà thơ, mà chỉ là những người yêu thơ, chỉ mong muốn được chia sẻ tiếng lòng của mình trong giai đoạn khó khăn này, để làm sao mọi người vững tinh thần chống lại căn bệnh thật sự là rất đáng sợ lúc đó.

Từ 4 người, sau đó, người nọ chuyền tai người kia, nhóm bắt đầu lan rộng không chỉ ở Paris, mà còn ở Việt Nam và các nước như Úc, Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Bỉ. Hiện tại thì nhóm yêu thơ đã có khoảng 700 hội viên và thỉnh thoảng hội có tổ chức các buổi gặp gỡ, họp mặt.”

Trong tập thơ “ Tình thơ không biên giới”, thi sĩ tự do Nguyễn Hợp đóng góp một bài thơ với tựa đề “ Tại sao? Tình yêu?”:

 “ Năm vừa rồi, trong một lần về Việt Nam, có tham gia một vài phong trào ở Việt Nam. Khi đứng trên chiếc cầu ở quận 4, tôi nhớ là vào ngày 17/03/2021, bổng nhiên tôi rất nhớ Paris và dĩ nhiên khi nhớ Paris thì mình sẽ nhớ những gì mà mình yêu thương nhất mình đã để lại Paris. Trong khoảng 15 phút mình đã viết ra bài thơ Tình yêu? Tại sao?. Đó là một câu hỏi, nhưng cũng không phải là câu hỏi. Mình chỉ muốn nói là trên đời này không có gì đẹp hơn tình yêu. Đó có thể là tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi, tình yêu của con người với cuộc sống. Thôi thì cũng như rất nhiều người khác, mình cũng làm thơ về tình yêu lứa đôi.”

Là một bác sĩ, nhưng Thúy Nga Nina Nguyễn, chủ tịch Hội NINA Pháp Việt Paris, cũng là tác giả của nhiều tập thơ, CD thơ nhạc. Trong tuyển tập “ Tình thơ không biên giới”, Thúy Nga Nina Nguyễn giới thiệu đến độc giả hai bài thơ về hai mùa đông và mùa hè:

“ Lần đầu tiên được tham gia tập thơ “ Tình thơ không biên giới, cảm xúc của Nina là rất vui và tự hào, bởi vì trong nhóm thơ tại Paris, mình được đóng góp những tình cảm, cảm xúc của mình bằng hai ngôn ngữ Pháp-Việt. Bên cạnh đó, mình cũng rất là vui vì có một số bạn thơ, nhà thơ ở Việt Nam gởi thơ sang và mình cũng được tham gia để dịch các bài thơ Việt sang tiếng Pháp.

Mỗi người được hai bài, thì mình chọn một bài về mùa đông, một về mùa hè, nói lên những cảnh đẹp của Paris, cũng như tình cảm của những người con của Paris trong mùa đông và muốn mùa đông đó được nồng ấm, cũng như chia sẻ với các bạn bốn phương mùa hè rất đẹp của Paris, để mọi người thấy cảnh đẹp tuyệt vời của Paris, một thành phố mà từ lâu đã mang lại nhiều cảm hứng cho các nhà thơ và các nhà văn”. 

Trong giới thi sĩ tại Pháp, ông Nguyễn Duy Tân không phải là một tên tuổi xa lạ. Là một công chức nay đã hưu trí, luật gia Nguyễn Duy Tân là một chuyên gia Ngôn ngữ Pháp và cũng là thành viên của Hội Thi Nhân Pháp ( Société des Poètes de France ). Ông đã xuất bản nhiều tập thơ Việt và Pháp. Thơ của Nguyễn Duy Tân thì thâm thúy và ý nghĩa sâu xa, như 2 bài “Thơ là gì?” và “ Hồn thơ, tình và mộng” mà ông đóng góp cho tuyển tập “ Tình thơ không biên giới”:

“ Hai bài thơ này là trong tập thơ thứ hai của tôi làm tại Hà Nội năm 2005. Tôi muốn mọi người hiểu “Thơ là gì?”. Nhưng họ in hơi sai, tức là thiếu những chữ in gras ( in đậm ). Hơi tiếc, bởi vì mỗi một câu thơ của tôi có chữ, chẳng hạn như:

Thơ là gì?

Là tiếng con tim rung động hoài

Là tình lữ thứ đã phôi phai

Là nhung nhớ cũ không về lại

Là tiếc tuổi xuân đã một mai

Những chữ “tiếng”, “tình” , “nhớ”, “tiếc”, tôi cho in đậm, nhưng họ lại quên! 

Bài thơ của tôi kết thúc là :

“Vậy khi ai hỏi thơ là sao?

Thì hãy trả lời với những chữ sau:

Tình nhớ tiếc vui say mộng sắc

Hương đàn ca hát hứng yêu đời”

Còn về bài “ Hồn thơ, tình và mộng”, thơ thì bao giờ cũng có tình ái, tình yêu, mơ mộng, nhưng tôi thì thích mơ mộng, phải làm sao mà cho người đọc có cảm xúc như tôi. Tôi thấy cũng hơi khó, nhưng tôi cứ viết như thế. Tôi là người đi trong mộng, nhưng tôi muốn là ai cũng đi trong mộng như tôi: 

Hồn tôi mênh mông như trời đất

Thơ là gió thoảng xôn xao

Tình tôi là sóng biển dạt dào

Năm, tháng, ngày ru gào nhân loại.”

Như đã nói ở trên, ngoài các nhà thơ người Việt, “Tình thơ không biên giới” còn quy tụ những nhà thơ nước ngoài, mà tiêu biểu là Thierry Sinda, người Pháp gốc Congo, con của Martial Sinda, nhà thơ hàng đầu của vùng châu Phi nhiệt đới thuộc Pháp. Ông chính là người đã sáng lập Festival Mùa Xuân của những thi sĩ châu Phi và những nơi khác ( Printemps des Poètes des Afriques et d’Ailleurs ). Thierry Sinda cho biết ông rất vui vì trong tuyển tập thơ Pháp Việt, không chỉ có thơ của ông, mà còn có tác phẩm cha ông và của nhà thơ lớn Madagascar Jacques Rabemananjara: 

“ Tôi rất vui mừng được tham gia vào tập thơ này. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tham gia vào một hoạt động thơ văn của Việt Nam, vì cách đây vài năm tôi cũng đã từng tham gia tại khu Little  Saigon, California, với Hội Thơ Quốc Tế, vào một tập thơ Việt-Pháp-Anh. Còn bây giờ, ngay tại Paris, tôi quen biết nhiều người trong cộng đồng người Việt, nên rất vui khi được mời tham gia tập thơ song ngữ Pháp-Việt và tôi cũng mang theo tác phẩm của người bảo trợ trước đây cho festival của tôi, là nhà thơ lớn của Madagascar Jacques Rabemananjara và người bảo trợ hiện nay là cha tôi Martial Sinda. 

Tôi rất vui mừng là thơ của châu Phi được đến với độc giả Việt Nam. Trước đây đã từng có mối liên hệ giữa châu Phi với châu Á và châu Mỹ La tinh. Tôi rất vui khi thấy trong năm 2022 này, chúng ta trở ngược lại vết chân của ông cha ta. Ngoài ra, giữa hai nước Việt Nam và Congo còn có sự liên hệ thông qua khối Pháp ngữ, vì chúng ta đều từng là thuộc địa của Pháp. Nhưng nước Pháp cần phải làm hơn nữa, quan tâm hơn nữa đến khối Pháp ngữ, làm nhiều hơn nữa cho các thuộc địa cũ, dù là ở Đông Dương, hay châu Phi, vì tôi có cảm tưởng chúng ta bị nước Pháp hiện nay lãng quên.”  

Tham vọng của những người chủ trương “Tình thơ không biên giới” không dừng lại ở tập thơ Việt-Pháp, mà họ còn hướng đến việc ra một bản song ngữ Việt-Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.