Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam : Đảng củng cố quyền lực để tăng cường chống tham nhũng

Đăng ngày:

Ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, trở thành chủ tịch nước trẻ nhất của Việt Nam sau khi được Quốc Hội thông qua gần như với số phiếu tuyệt đối hôm 02/03/2023. Thuộc thế hệ trẻ và nổi tiếng trung thành với đảng Cộng Sản, ông Võ Văn Thưởng được cho là sẽ giúp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tăng cường ảnh hưởng, mạnh tay chống tham nhũng, như lời ông cam kết « kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực » khi tuyên thệ nhậm chức.

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 02/03/2023.
Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 02/03/2023. AP - Nhan Huu Sang
Quảng cáo

Ở cương vị chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng sẽ phải tập trung vào các vấn đề ở cấp độ Nhà nước và ngoại giao, trong khi ông lại tương đối « non nớt » trong lĩnh vực đối ngoại, theo đánh giá của giáo sư danh dự Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng là làm công tác Đảng và tham gia chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng khi đảm nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tại sao ông Võ Văn Thưởng lại được Ban Chấp Hành Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam giới thiệu làm chủ tịch nước ? Việc bổ nhiệm ông Thưởng tác động như thế nào đến chính trường Việt Nam ? Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.

*

RFI : Ông đánh giá thế nào về bối cảnh việc bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước Việt nam. Tại sao lại là ông Thưởng mà không phải là người khác ?

Benoît de Tréglodé : Bối cảnh chung là quyết tâm tiếp tục theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng đã khiến chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bị mất chức hồi tháng 01/2023, cũng như hai phó thủ tướng. Trong bối cảnh này, Bộ Chính Trị đã tìm người kế nhiệm. Ông Võ Văn Thưởng có lợi thế lớn là có lý lịch và sự nghiệp tương đồng với ông tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây là điểm quan trọng.

Ngoài ra, cần phải biết là sự nghiệp chính trị của ông Võ Văn Thưởng thăng tiến từ những vị trí trong Đoàn Thanh niên Cộng Sản, ngay những năm ông 20 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đưa ông đến thượng tầng của bộ máy Nhà nước.

RFI :Về mặt chính thức, ông Võ Văn Thưởng giữ vị trí số 2 trong bộ máy Nhà nước. Vị trí chủ tịch nước có cần kinh nghiệm ngoại giao vững chắc không ? Việc bổ nhiệm ông Thưởng có tác động như thế nào đến chính trường Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên, ông Võ Văn Thưởng hoạt động chính trị từ khá sớm. Con đường này đã đưa ông đến chức vụ bí thư tỉnh Quảng Ngãi trước khi nắm giữ những vị trí ở cấp quốc gia. Chức chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phải là vị trí trung tâm nhất trong bộ ba quyền lực, không phải là vị trí quan trọng nhất. Từ lâu, chức chủ tịch nước được coi như là một vị trí danh dự. Nếu nhìn từ điểm này thì không hẳn cần phải có kinh nghiệm ngoại giao.

Nếu nhìn vào quá trình sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng thì thấy ông không có kinh nghiệm về quốc tế. Vì thế, có thể đối với những người đang suy nghĩ về tương lai vào lúc mà Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 14 vào năm 2026 đang đến, thì họ có thể coi 2-3 năm tới là bài trắc nghiệm cho ông Thưởng để xem ông có thực sự hội tụ đủ tố chất cần thiết để đảm nhận một vị trí khác hay không.

Nhưng chưa có gì là chắc chắn nếu chúng ta nhìn vào những người đã giữ chức chủ tịch nước Việt Nam. Vị trí này không hẳn là bàn đạp để sau này nắm giữ những chức vụ quan trọng hơn.

RFI : Ông Võ Văn Thưởng là người miền nam, phải chăng ở đây có chủ đích cân bằng vùng miền ở vị trí « tứ trụ » ? Hay do chỉ có một ứng viên duy nhất được lựa chọn ?

Benoît de Tréglodé : Đúng thế, thậm chí còn có ý kiến cho là từ tháng 04/2021, không có đại diện của miền nam trong « tứ trụ », tức bốn chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam : tổng bí thư đảng, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước. Có thể có thêm khía cạnh này, dù tôi nghĩ rằng hiện nay ảnh hưởng của phe vẫn được gọi là « phe miền nam » bị phai nhạt một chút, bớt mạnh hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng khá thú vị vì ông là người miền nam, nhưng lại sinh ra ở miền bắc, tại tỉnh Hải Dương, trong một gia đình gốc Vĩnh Long tập kết ra bắc thời chiến. Ông Thưởng sinh năm 1970, sau đó ông học tập và bắt đầu sự nghiệp chính trị ở miền nam, nhưng dù sao ông vẫn sinh ra ở miền bắc. Chính việc có nguyên quán miền nam, sinh ở miền bắc này đã tạo cho ông Thưởng lợi thế lớn trong bộ máy Nhà nước hiện nay và ông đại diện cho miền nam Việt Nam.

RFI : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ hưu. Dường như ông Võ Văn Thưởng được coi là người kế nhiệm ông Trọng. Liệu điều đó có giúp « phe miền nam » có thể có lợi thế trong tương lai ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết, tôi nghĩ là hiện giờ, không thể biết được ai sẽ thay thế tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Liệu ông Trọng có làm đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026 không ? Liệu ông Trọng có từ chức trước thời hạn vì lý do sức khỏe không ? Không ai thực sự biết được chính xác.

Rất nhiều chính trị gia quan tâm đến vị trí lãnh đạo chế độ Việt Nam. Người ta từng nói đến chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, một trong những người từng được coi là ứng cử viên. Người ta cũng biết là từ Đại Hội Đảng lần thứ 13, bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng quan tâm đến vị trí này.

Tôi nghĩ là còn quá sớm để có thể đưa ra kiểu giả thuyết như vậy. Vì thế việc coi tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vừa mới được bầu hôm 02/03, là một ứng cử viên kế nhiệm chức tổng bí thư đảng thì tôi nghĩ là cũng chưa đủ chắc chắn. Ông Thưởng có một sự nghiệp thú vị vì đó là sự nghiệp của cán bộ Đảng vẫn luôn bảo vệ tư tưởng, học thuyết Mac-Lênin ở Việt Nam, hệ tư tưởng của Nhà nước. Ông Thưởng có chung điểm này với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người sử dụng những năm lãnh đạo cuối cùng để bảo vệ tư tưởng, tương lai và thành công của chế độ chính trị Việt Nam.

RFI : Có nghĩa là chiến dịch chống tham nhũng sẽ được tiếp tục tiến hành mạnh tay ?

Benoît de Tréglodé : Chiến dịch chống tham nhũng gần như là yếu tố thường trực trong đời sống chính trị Việt Nam. Đúng là trong nhiệm kỳ thứ 3, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biến chống tham nhũng thành « thương hiệu » của ông. Chính ông là người tung hết chiến dịch chống tham nhũng này đến chiến dịch bài trừ tham nhũng khác từ 10 năm qua.

Nhưng trước thời ông Trọng, chính trường Việt Nam vẫn được điểm xuyết bằng những chiến dịch chống tham nhũng. Vì thế, chống tham nhũng không phải là điều gì mới và xu hướng này vẫn chưa sẵn sàng dừng lại. Có hai yếu tố giải thích cho việc này.

Trước tiên, như mọi người đều biết, tham nhũng ở Việt Nam diễn ra ở mọi tầng lớp trong xã hội, có tham nhũng vặt, tham nhũng ở quy mô vừa và đại tham nhũng. Vì thế, một đảng đang tìm kiếm tính chính đáng, đang tìm cách củng cố tính chính đáng trong một đất nước trẻ, năng động, một đất nước mở cửa với thế giới, nhất là với những chế độ chính trị khác nhau ở châu Á, thì rất cần cho người dân thấy rằng Đảng có khả năng bắt những con cá lớn, rằng Đảng phải thể hiện sự trong sạch nhất định và đấu tranh chống tham nhũng trong thành phần đảng viên. Vì thế, điều quan trọng là Đảng cần phải củng cố vị trí ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với giới tinh hoa, như người ta vẫn nói, quan trọng là cũng phải tranh thủ thời cơ này để có thể gạt bỏ những đối thủ cạnh tranh vướng víu nhằm củng cố tham vọng của mình.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp.


Không có thay đổi lớn trên chính trường Việt Nam

Sự kiện chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xin thôi mọi chức vụ ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khiến truyền thông quốc tế tốn không ít giấy mực. Việc đảng Cộng Sản Việt Nam gấp rút bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng thay thế, sau đó được Quốc Hội nhanh chóng thông qua, cũng được bình luận rất nhiều trong những ngày vừa qua.

Điểm chung đầu tiên, được truyền thông và giới chuyên gia nhận định là việc bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng, thành viên trẻ nhất của Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, làm chủ tịch nước Việt Nam không gây bất ngờ và xáo trộn lớn cho đất nước. Đối với trang BBC, đây là « lựa chọn an toàn » và là « lựa chọn rất thận trọng », loại bỏ những quan ngại về khả năng Nhà nước cảnh sát.

Tiếp theo, về đối ngoại, Việt Nam luôn cố giữ cân bằng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc hiện cạnh tranh và đối đầu nhau trên nhiều mặt trận (Biển Đông, chiến tranh Ukraina, thương mại…). Việc bổ nhiệm một cán bộ Đảng chuyên nghiệp làm chủ tịch nước có thể khiến Bắc Kinh hài lòng, nhưng cũng không hẳn làm phật lòng phương Tây vì chủ tịch nước Việt Nam vẫn được coi là một chức vụ « danh dự » và quyền hạn trao cho chủ tịch nước vẫn còn hạn chế, theo trang Nikkei Asia.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, cho rằng « với tư cách là chủ tịch nước, ông Thưởng có lẽ sẽ không đề xướng các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam »« cần có sự đồng thuận rất cao trong số các lãnh đạo chủ chốt. Hơn nữa, chính sách đối ngoại là kết quả của quyết định tập thể và đồng thuận trong Bộ Chính Trị ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.