Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Cùng bị Trung Quốc đe dọa chủ quyền, Việt Nam - Ấn Độ thắt chặt hợp tác quốc phòng

Đăng ngày:

Việt Nam được New Delhi khẳng định là « một quốc gia bạn hữu », khi « lần đầu tiên, Ấn Độ tặng một tầu hộ tống » INS Kirpan. Món quà được bàn giao ở cảng Cam Ranh ngày 22/07/2023, cùng với những hoạt động huấn luyện, là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, được Hải Quân Ấn Độ nhấn mạnh là « phản ánh cam kết của Ấn Độ hỗ trợ các đối tác có chung chí hướng nâng cao năng lực và tiềm lực quốc phòng ».

Ảnh minh họa : Một phái đoàn quân sự Việt Nam tham quan Triển lãm Hàng không Quân sự Aero India 2023, tại căn cứ không quân Yelahanka, Bengaluru, Ấn Độ, ngày 13/02/2023.
Ảnh minh họa : Một phái đoàn quân sự Việt Nam tham quan Triển lãm Hàng không Quân sự Aero India 2023, tại căn cứ không quân Yelahanka, Bengaluru, Ấn Độ, ngày 13/02/2023. AP - Aijaz Rahi
Quảng cáo

Chính sự hung hăng đòi chủ quyền trên biển và trên bộ, cũng như chính sách đối ngoại hiếu chiến của Bắc Kinh đã buộc Hà Nội và New Delhi thắt chặt hợp tác quân sự để cùng đối phó với một đối thủ chung là Trung Quốc, dù không nêu tên.

Không chỉ hung hăng, « bắt nạt » tầu dân sự và hải cảnh của các nước ở Biển Đông, Trung Quốc gia tăng bồi đắp các đảo nhân tạo, trong đó theo thông tin ngày 16/08 của AP, sự kiện mới nhất là xây đường băng mới trên đảo Tri Tôn, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Ladakh, trên dãy Himalaya, với đỉnh điểm là vụ xung đột đẫm máu tháng 06/2020. Bất đồng vẫn chưa được giải quyết sau 19 vòng đàm phán, kết thúc hôm 16/08, dù hai bên nhất trí kiềm chế, « duy trì hòa bình và ổn định » dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).

Ngoài ra, Ấn Độ còn là đối tác quốc phòng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh khó nhập vũ khí từ Nga do nước này bị phương Tây cấm vận và sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraina. Để hiểu hơn về mối quan hệ vững bền này, cũng như tiềm năng hợp tác song phương, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Úc.


RFI : Việt Nam là nước đầu tiên được Ấn Độ tặng tầu hộ tống (INS Kirpan) theo lời hứa của bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ khi tiếp đồng nhiệm Việt Nam ở New Delhi. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với cả hai bên ?

Nguyễn Thế Phương : Việc Ấn Độ tặng tầu hộ tống Kirpan cho Việt Nam nên đặt trong bối cảnh : sự trỗi dậy của Trung Quốc, mối quan hệ hợp tác vừa truyền thống vừa hướng tới tương lai giữa Việt Nam và Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều gặp phải những cái vấn đề rất lớn, đặc biệt là liên quan tới lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh tương đối rõ ràng ở hiện tại, cũng như là trong tương lai gần.

Đối với Ấn Độ, từ sau vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladak năm 2020, trong nội bộ Ấn Độ bắt đầu thảo luận lại về nền tảng căn bản của chính sách đối ngoại, tương đối ôn hòa, tức là theo nguyên tắc không liên kết. Nhưng từ sau sự kiện Ladak, Ấn Độ nhận ra rằng với nền tảng đối ngoại cũ, dường như không ổn lắm.

Đối với Việt Nam, Ấn Độ được cho là một trong những đối tác quan trọng, đáng tin cậy nhất của Việt Nam. Bởi vì rõ ràng là quan hệ an ninh quốc phòng, nói gì thì nói, cũng là mối quan hệ mang tính nhạy cảm. Một trong số các đối tác quốc tế mà Việt Nam có thể thoải mái nhất trong việc hợp tác an ninh quốc phòng là Ấn Độ. Có rất nhiều lý do. Ấn Độ và Việt Nam có một mối quan hệ đối ngoại từ những năm 1945, tức là mối quan hệ truyền thống vững chắc. Cả hai nước đều có xu hướng đối ngoại, gọi là không liên kết.

Ở hiện tại, mối quan hệ giữa hai quốc gia là ngang hàng với Trung Quốc, tức là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Và trong quan hệ an ninh quốc phòng, Việt Nam không e ngại Ấn Độ. Điểm này khá khác với phương Tây bởi vì khi hợp tác với phương Tây, luôn có vấn đề nhân quyền và một số vấn đề chính trị nhạy cảm có thể khiến cho quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh bị chững lại. Trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ không có điểm này. Cho nên, tiềm năng đi tới trong lai rộng hơn rất nhiều so với phương Tây. Hạn chế duy nhất vẫn chỉ là một số hạn chế về mặt kỹ thuật và khả năng mà Việt Nam và Ấn Độ trao cho nhau trong mối quan hệ về an ninh-quốc phòng.

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) trước cuộc hội kiến chính thức với thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải), New Delhi, 12/10/2011
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) trước cuộc hội kiến chính thức với thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải), New Delhi, 12/10/2011 REUTERS/B Mathur

RFI : Ấn Độ có vai trò như nào trong việc giúp Việt Nam đa dạng hóa hợp tác quốc phòng theo tinh thần « Bốn Không » và làm đối trọng với Trung Quốc ?

Nguyễn Thế Phương : Từ trước tới nay, cả hai bên đã có một số dự án liên quan đến hợp tác quốc phòng-an ninh. Việc Ấn Độ trao tầu cho Việt Nam đáng lẽ nên xảy ra từ năm 2011 khi chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ và ông có mấy đề xuất với Ấn Độ. Đa số các đề xuất đó đã được thực hiện, ví dụ Ấn Độ đào tạo thủy thủ tầu ngầm, phi công máy bay chiến đấu cho Việt Nam, đồng thời hai bên cũng trao đổi một số vấn đề mang tính kỹ thuật và hợp tác về công nghệ quốc phòng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lúc đó cũng yêu cầu Ấn Độ có thể tặng lại một tầu hải quân nào đó cho Việt Nam nhưng Ấn Độ đã không đồng ý bởi vì trong giai đoạn đó, Ấn Độ đi theo chính sách ngoại giao không liên kết, họ cũng không muốn chọc giận Trung Quốc và không muốn làm tình hình căng thẳng. Nhưng tới hiện tại, năm 2023, Ấn Độ đã đồng ý với đề nghị mà Việt Nam đưa ra 12 năm trước đó. Việc này cho thấy sự biến chuyển tương đối lớn trong cách tiếp cận của Ấn Độ đối với tình hình trong khu vực, cũng như chính sách đối ngoại, quốc phòng của Ấn Độ.  

Ấn Độ có mối quan hệ khá chặt chẽ với Nga. Họ cũng có mối quan hệ an ninh, quốc phòng rất tốt với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Vậy điểm mà Việt Nam có thể học hỏi ở đây là gì ? Thứ nhất, Ấn Độ có kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với hai hệ thống công nghệ quốc phòng. Và điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng, ngoài Nga. Sắp tới, Việt Nam có thể mua một số trang thiết bị vũ khí, cũng như là tiếp nhận công nghệ công nghiệp quốc phòng của các nước phương Tây, với hệ vũ khí phương Tây. Và với kinh nghiệm của Ấn Độ, họ có thể giúp Việt Nam điều hòa hai công nghệ vũ khí đó lại với nhau để tạo ra một hệ thống vũ khí phù hợp với đặc trưng, cách đánh và chiến thuật của Việt Nam. Về việc này, Ấn Độ và Israel rất có kinh nghiệm.  

Thứ hai, Ấn Độ có kinh nghiệm trong việc phát triển nền quốc phòng nội địa khá hiệu quả. Đây cũng là điều Việt Nam cần học hỏi vì bản thân của một nền quốc phòng mạnh là khi có thể tự sản xuất các loại vũ khí quan trọng cho riêng mình mà không cần phải mua. Khi chiến tranh xảy ra, họ có thể có đủ khả năng duy trì khả năng chiến đấu. Công nghiệp quốc phòng và nền tảng công nghiệp quốc phòng là điểm mạnh của Ấn Độ. Họ cũng mong muốn xuất khẩu một số loại vũ khí nội địa sang Việt Nam. Điều này hiện nay chưa diễn ra được nhưng sắp tới hoàn toàn có thể là Ấn Độ cung cấp một số loại vũ khí cho Việt Nam.  

Điểm thứ ba mà Việt Nam có thể hợp tác với Ấn Độ là về mặt an ninh hàng hải. Không chỉ liên quan đến vũ khí mà còn có thể là trao đổi về mặt chiến thuật-chiến lược. Các tầu hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam, cũng như là tập trận với Hải Quân Việt Nam hoặc trong các vấn đề liên quan tới chống cướp biển, bảo vệ những tuyến đường biển quan trọng. Khi mà Việt Nam, cũng như ASEAN, là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ, đặt trong bối cảnh « chính sách hướng Đông », vấn đề an ninh hàng hải trỗi dậy, đồng thời cũng phù hợp với bối cảnh Hải Quân Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều ở Ấn Độ Dương, khu vực mà bản thân Ấn Độ cho là vùng ảnh hưởng của mình.  

Có thể tạm gọi là ba lĩnh vực quốc phòng mà Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác sâu hơn trong tương lai. Ngoài ra, hoàn toàn có thể mở rộng ra những hợp tác mới, ví dụ an ninh mạng, vệ tinh, tích hợp công nghệ của thời đại 4.0 vào quốc phòng như IA… Đó là những mảng cụ thể trong hợp tác an ninh, quốc phòng mà cả hai quốc gia Ấn Độ-Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai. 

RFI : Ấn Độ tiếp tục hợp tác quốc phòng với Nga. Liệu đây có phải là cách đi vòng giúp Việt Nam tiếp tục trang bị hoặc mua thiết bị bảo trì của Nga để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây ? 

Nguyễn Thế Phương : Nói là « đi vòng » cũng không hoàn toàn chính xác bởi vĩ vũ khí Nga ở Ấn Độ hiện tại đã thay đổi một chút cho phù hợp với cách đánh của Ấn Độ, cho nên trong một số trường hợp cũng không hoàn toàn phù hợp.

Nhưng vấn đề căn bản ở đây không hoàn toàn là vũ khí mà nằm ở những thiết bị và phụ tùng có liên quan. Trước đây, Việt Nam phải mua trực tiếp từ Nga. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi mà Nga bị cấm vận và khả năng sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện tập trung chủ yếu cho cuộc chiến, Việt Nam khó tiếp cận được những phụ tùng như vậy. Và Ấn Độ là một trong những đối tác có thể thay thế cho Nga trong vấn đề về phụ tùng, bảo trì, bảo dưỡng. Còn toàn bộ vũ khí thì có vẻ hơi khó bởi vì trong một số hợp đồng quốc phòng có một số điều kiện ràng buộc ví dụ như không được bán vũ khí cho bên thứ ba.

Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây, như đã nói ở trên, thứ nhất đó là kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc chế tạo các loại vũ khí hệ Nga. Cái này Việt Nam có thể tiếp cận được. Thứ hai là phụ tùng thay thế mà Việt Nam có thể mua từ Ấn Độ, thay thế cho nguồn cung hiện bị thắt chặt từ Nga. Đây là hai điểm liên quan tới Nga mà Việt Nam có thể tận dụng trong mối quan hệ quốc phòng đang lên giữa hai nước.  

RFI : Ấn Độ cũng thắt chặt hợp tức quân sự với Mỹ, chế tạo vũ khí chung. Việt Nam có thể tiếp cận nguồn cung vũ khí này, như đã làm với Israel, trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức bật đèn xanh bán vũ khí cho Việt Nam, còn Hà Nội cũng tránh mua trực tiếp để tránh khiến Bắc Kinh giận dữ ?

Nguyễn Thế Phương : Điểm này đúng. Việt Nam có thể tiếp cận và coi Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp vũ khí quốc phòng trong tương lai. Nhưng ở đây cũng có một số điểm yếu. Về mặt truyền thống, Việt Nam hiếm khi mua một loại vũ khí tích hợp nhiều loại công nghệ khác nhau. Hợp đồng Brahmos là ví dụ cụ thể nhất vì Brahmos vừa có công nghệ Ấn Độ, vừa có cả công nghệ Nga. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn là có.  

Vế thứ hai liên quan đến việc Hoa Kỳ chưa chính thức bật đèn xanh bán vũ khí cho Việt Nam và Hà Nội cũng tránh mua trực tiếp vũ khí Mỹ để tránh làm Bắc Kinh phật lòng, cũng hoàn toàn không hẳn, mà là đến từ bản thân nhu cầu và mong muốn của Việt Nam. Các công ty quốc phòng Hoa Kỳ liên tục qua Việt Nam và họ liên tục làm truyền thông để thuyết phục Việt Nam mua. Nhưng vấn đề là Việt Nam chưa muốn, chứ không phải là Hoa Kỳ chưa bật đèn xanh.

Một truyền thống từ trước đến giờ mà chưa bao giờ bị phá vỡ là Việt Nam không bao giờ mua vũ khí, tạm gọi là « vũ khí nóng », tức là có thể đánh nhau được, của Mỹ và của Trung Quốc. Truyền thống này trong tương lai chắc cũng khó có thể bị phá vỡ.

Việt Nam có thể mua một số loại vũ khí hạng nhẹ như đồ dành cho huấn luyện, thiết bị cảnh báo kiểm soát. Hoặc là Việt Nam mua đồ đã qua sử dụng của một nước khác, như Nhật mua đồ của Mỹ, sau một khoảng thời gian dài Nhật muốn chuyển qua cho Việt Nam. Việt Nam nhập đồ « second hand », chứ không mua trực tiếp của Mỹ. Còn đối với Trung Quốc, Việt Nam sẽ chỉ mua một số thiết bị không tác động đến tác chiến, như gần đây có thông tin Việt Nam mua một số công cụ máy móc cho công binh để phục vụ cho các chương trình gìn giữ hòa bình với nước ngoài.

Vậy vai trò của Ấn Độ là gì ? Đó là Ấn Độ, cũng giống như Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể tiếp cận công nghệ vũ khí của phương Tây và với nền công nghiệp quốc phòng mạnh của những quốc gia đó, trong đó có Ấn Độ, họ có thể tự tạo ra các loại vũ khí « made in India », « made in Japan » hoặc « made in Korea » mà Việt Nam có thể tiếp cận theo hướng trung gian như vậy. Do đó, vai trò của Ấn Độ ở đây có liên quan tới bán các loại vũ khí mà Ấn Độ sản xuất, trong đó có công nghệ Mỹ, cho Việt Nam và giúp cho Việt Nam có thể tiếp cận được một số công nghệ lõi, công nghệ nguồn có yếu tố phương Tây, giúp cho Việt Nam có thể phát triển toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng nội địa của Việt Nam hiện tại.  

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Úc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.