Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Cơ quan AFD của Pháp hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết khí hậu

Đăng ngày:

Với bờ biển dài đến 3.200 km, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tác động nhất của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với tăng trưởng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ, đang làm gia tăng các rủi ro xói lở ven biển, ngập lụt đô thị và hạn hán trên cả nước.

Smoke billows from Pha Lai thermal power plant in Hai Duong province, Vietnam on June 12, 2023. Power outages are leaving Vietnamese homes and businesses without power for hours at a time.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 12/06/2023. Cơ quan AFD của Pháp đang hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng. AP - Huy Han
Quảng cáo

Tại hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP26 ở Glasgow, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt đến trung hòa carbon vào năm 2050. Chính là để thực hiện mục tiêu đó, vào tháng 12/2022, Việt Nam đã ký hiệp định thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng ( Just Energy Transition Partnership - JETP) với nhóm G7, Liên Hiệp Châu Âu, Na Uy và Đan Mạch. 

Hoạt động tại Việt Nam ngay từ năm 1993, Cơ quan Phát triển Pháp ( Agence Française de Développement - AFD ) trong nhiều năm qua vẫn hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược và triển khai nhiều dự án chống biến đổi khí hậu. 

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 29/11/2023, ông Hervé Conan, giám đốc AFD Việt Nam, trước hết đánh giá về mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam: 

Hervé Conan: Việt Nam rõ ràng là một trong năm quốc gia lục địa dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhất thế giới, một phần là do Việt Nam có một vùng bờ biển dài hơn 3.000 km, khiến các thành phố ven biển dễ hứng chịu các cơn bão nhiệt đới, mà tần suất và cường độ sẽ gia tăng cùng với biến đổi khí hậu. Với địa hình như vậy, Việt Nam có nguy cơ ngập lụt rất cao cùng với các thiên tai ngày càng nặng nề. 

Việt Nam cũng có hai vùng đồng bằng có độ cao gần bằng với mực nước biển, cho nên có nhiều nguy cơ bị ngập mặn, hiện tượng mà chúng ta đã thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như đồng bằng sông Hồng, nơi mà lượng phù sa trong con sông đã giảm rất nhiều do các đập trên thượng nguồn. Do mực nước biển dâng cao, tình trạng ngập mặn ngày càng lấn sâu trong đất liền. 

Vì những lý do nói trên mà Việt Nam đã hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu rất mạnh. Chúng ta đã thấy là mỗi năm trôi qua, thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các thành phố càng tăng. Nói cách khác, biến đổi khí hậu đã là một thực tế ở Việt Nam, mà toàn thể người dân phải hứng chịu tuy chưa phải là hàng ngày, nhưng đã là thường xuyên. 

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và nhất là trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon năm 2050, cơ quan AFD đang hỗ trợ Việt Nam như thế nào, ông Hervé Conan cho biết:

Hervé Conan: Kể từ sau hội nghị COP21 ở Paris, tại Việt Nam, AFD được giao nhiệm vụ thuần túy về khí hậu, nhằm hỗ trợ Việt Nam, giống như với toàn bộ các nước đang trỗi dậy, thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra tại COP21, nhằm giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu đối phó với các nguy cơ liên quan biến đổi khí hậu: lũ lụt, sạt lở bờ biển, bão nhiệt đới.

Không chỉ là một quốc gia rất dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam còn là một nước phát ra ngày càng nhiều khí thải CO2, vì có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có sản lượng năng lượng tăng đều đặn mỗi năm và hiện vẫn dựa rất nhiều vào nguồn điện than.

Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050, phi carbon hóa sản xuất năng lượng, dần dần thay thế các nhà máy điện than bằng các năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt trời. 

Hiện giờ Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các nguồn năng lượng tái tạo đó do sự yếu kém của mạng lưới truyền tải điện tại một quốc gia có địa hình trải dài như vậy. Hệ thống truyền tải điện qua sóng vô tuyến phải được tăng cường. AFD đang cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tài trợ một số dự án nhằm tăng cường mạng lưới điện: đường dây tải điện, trạm tải điện.

Chúng tôi cũng tham gia vào dự án trạm thủy điện tích năng Bác Ái ( tỉnh Ninh Thuận ), sử dụng thiết bị công nghệ tích hợp bơm - tuabin đảo chiều và động cơ - máy phát đảo chiều, để bảo đảm cho sự cân đối của mạng lưới điện. Chúng tôi cũng làm việc với EVN về dự án mở rộng các nhà máy thủy điện. Ở Việt Nam hiện nay không còn chỗ để xây các nhà máy thủy điện lớn mới, cho nên điều chúng tôi làm đó là nâng cao giá trị của các đập thủy điện hiện có, qua việc tạo khả năng sản xuất mới cho các đập này. 

Nói chung là AFD làm việc rất chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tư cách một đối tác trên thực địa để hỗ trợ họ trong tiến trình chuyển đổi năng lượng. Giai đoạn đầu tiên của tiến trình đó là trước hết giúp EVN củng cố các đường dây tải điện. Tiếp đến là phải hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư ồ ạt vào các nhà máy điện Mặt trời, nhà máy điện gió, trong đất liền hoặc ngoài khơi, những nguồn năng lượng mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

Bị đe dọa nhiều nhất do tác động của biến đổi khí hậu chính là vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhất là các thành phố ven biển. Ông Hervé Conan, giám đốc cơ quan AFD ở Việt Nam, nói về những dự án để các địa phương đó đối phó với những nguy cơ, như xói lở bờ biển, ngập mặn…: 

Hervé Conan: Về vấn đề các bờ biển và đồng bằng sông Cửu Long, nên biết rằng đến khoảng năm 2100, từ 40% đến 50% đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ biến mất, tức là một phần diện tích lớn của Việt Nam có thể biến mất.

Để vùng này thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi tham gia vào việc chống ngập mặn với các dự án xây đập để ngăn nước mặn xâm nhập vào các cánh đồng. Chúng tôi cũng tham gia vào việc chống xói lở ở các bờ biển, cũng như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi còn hỗ trợ toàn bộ các thành phố ven biển đang phải đối đầu với tình trạng xói lở, với các cơn bão nhiệt đới, đặc biệt là các tỉnh miền trung còn phải đối phó với nguy cơ ngập lụt, bằng những dự án quy hoạch, những biện pháp để giảm thiểu nguy cơ ngập lụt, để bảo vệ toàn bộ dân cư mà phần lớn thời gian trong năm vẫn phải sống với lũ lụt khi xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. Chúng ta biết là những hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ gia tăng trong những năm tới. 

Chúng tôi làm việc với từng tỉnh để hỗ trợ việc thiết lập các dự án quy hoạch tính đến nhiều nhất có thể được những yếu tố của thiên nhiên, tính việc quản lý các hồ chứa nước để giảm thiểu lượng nước đổ vào các thành phố khi mưa nhiều.

Nói chung, chúng tôi vừa hỗ trợ về kỹ thuật cho các tỉnh, vừa đầu tư vào các cơ sở hạ tầng lớn của các thành phố. Chúng tôi cũng tham gia vào nghiên cứu với chương trình GEMMES, mà giai đoạn 2 sẽ được khởi động nhân hội nghị COP28, để hỗ trợ Việt Nam những công cụ giúp đưa ra các quyết định, giúp đề ra các chiến lược, chính sách thích hợp nhất trong bối cảnh phức tạp của Việt Nam: kinh tế tăng trưởng mạnh, dân số ngày càng đông, rất dễ bị tác động, chuyển đổi sinh thái phải đi kèm với an ninh năng lượng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu về điện của một nền kinh tế tăng mạnh và của một dân số ngày càng đông.”

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng Lượng Công Bằng ( JETP ), cơ quan AFD cũng đang giúp Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và cũng hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới truyền tải điện, theo lời ông Hervé Conan: 

Hervé Conan: Cộng đồng quốc tế đã cam kết trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới sẽ cấp cho Việt Nam 15,5 tỷ đôla trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng. Riêng nước Pháp, thông qua cơ quan AFD, đã cam kết cấp ít nhất 500 triệu euro. Tài trợ của Pháp sẽ được cụ thể hóa qua các dự án lớn, đặc biệt là với EVN để một phần là tăng cường các đường dây truyền tải điện. Chúng tôi cũng làm việc với các ngân hàng công thiết lập các khoản tín dụng cho khu vực tư nhân để các doanh nghiệp này đóng góp vào tiến trình “xanh hóa” sản xuất năng lượng.

Ngoài những đầu tư đó, chúng tôi cũng đóng góp những kỹ năng chuyên môn của Pháp về chuyển đổi năng lượng, để hỗ trợ cho chính phủ trong việc chọn lựa các giải pháp. Mặt khác, giai đoạn 2 của chương trình nghiên cứu GEMMES sẽ giúp cho việc mô hình hóa những tác động kinh tế xã hội của các chính sách mà Việt Nam sẽ chọn, để xác định những chính sách nào có ít tác động kinh tế xã hội nhất đối với người dân. 

Nói chung đó là sự hợp tác theo diện tương đối rộng nhằm hỗ trợ Việt Nam về nhiều mặt của tiến trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là một thách đố rất lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi một cuộc cách mạng mới, hoặc như một số người gọi, một “đổi mới” thứ hai, một thay đổi quan trọng cần thiết để có được một tăng trưởng xanh trong những năm tới như mong muốn của Việt Nam.” 

Nhưng một tài liệu nghiên cứu được đăng trên trang web của cơ quan AFD trong tháng 11 có đưa ra lời cảnh báo cho Việt Nam:

"Về lâu dài, nền kinh tế có thể bị mắc kẹt vào bẫy quốc gia có thu nhập trung bình nếu chính quyền không giải quyết được hai vấn đề mang tính cơ cấu: một là năng suất và mặt khác, và hai, mạnh mẽ hơn, là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Việc chống biến đổi khí hậu hiện nay dường như được thực hiện rất nghiêm túc trong quy hoạch của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, nhiều chiến lược hiện nay phải được phối hợp một cách hài hòa để tránh những mâu thuẫn và trên hết phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể. Thế mà, sự nặng nề của bộ máy quan liêu và của tiến trình ra quyết định theo chiều dọc vẫn còn là những hạn chế cản trở việc thực thi các dự án. Mặc dù có những cải tiến nhất định, nạn tham nhũng, tình trạng thiếu minh bạch và thống kê rời rạc tiếp tục tác động tiêu cực đến rủi ro quốc gia. Cơ quan công quyền sẽ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức này, thông qua việc gia tăng đầu tư công và cải thiện năng lực thực hiện."

  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.