Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá: Paris Saint - Germain, 50 năm với giấc mơ thành câu lạc bộ lớn

Đăng ngày:

Hai bàn thắng trong 149 giây để làm sống lại tham vọng châu Âu của Paris Saint-Germain. Vào đúng sinh nhật lần thứ 50, 12/08/2020, đội bóng của thành Paris đã giành được chiến thắng trước câu lạc bộ Ý Atalanta để bước vào vòng bán kết của Champions League sau 25 năm mong đợi. Giấc mơ trở thành một câu lạc bộ lớn có từ cách đây 50 năm đang rất gần hiện thực với đội bóng thành Paris.

Biểu tượng của đội tuyển bóng đá Pháp Paris Saint Germain
Biểu tượng của đội tuyển bóng đá Pháp Paris Saint Germain © Copy d'écran
Quảng cáo

Sau bảy mùa bóng ở giải châu Âu liên tiếp bị chặn lại, khi thì từ vòng 1/8 khi thì ở tứ kết, cuối cùng người khổng lồ của làng bóng Pháp, PSG, đã vượt qua giới hạn như tiền định ở đấu trường châu Âu bằng một cuộc lội ngược dòng chớp nhoáng, ngoạn mục trên sân vận động Estadio da Luz ở thủ đô Bồ Đào Nha Lisboa.

Khi đại diện từ nước Ý có được bàn mở tỷ số nhờ công của Mario Pasalic, nhiều người đã nghĩ đến một cú sốc mà Atalanta tạo ra trước gã khổng lồ nước Pháp để tiến vào vòng bán kết. Tuy nhiên, những học trò của huấn luyện viên Tuchel đã lật ngược thế cờ bằng một phép màu được tạo ra chỉ trong 3 phút : Marquinhos lập công, san bằng tỉ số ở phút 90, trước khi cầu thủ vào thay người Eric Maxim Choupo-Moting mang về thắng lợi cho PSG 3 phút sau đó. Có điều đáng nói là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của PSG đều ghi dấu giầy của các cầu thủ dự bị.

 Siêu dự bị lập công lớn

Cách đây ba tuần, Kylian Mbape rời sân cỏ trong nước mắt, bị bong gân mắt cá chân. Khả năng không thể tham dự trận gặp Atalanta đã được dự kiến gần như chắc chắn. Đến Lisboa với tâm trạng rất lạc quan, Mbapé được tung vào sân ở cuối hiệp hai trận tứ kết khi mà PSG đang trong thế thua và bế tắc hoàn toàn lợi. Mọi người đã nghĩ kết quả trận đấu đã được định đoạt. Như bình luận của huấn luyện viên của Atalanta, Gian Piero Gasperini,  số 7 của PSG đã thay đổi tất cả.

« Khi Mbapé nhập cuộc đã tạo rất nhiều động lực cho PSG khi đó đang bị dẫn bàn. Anh ta đã có đóng góp căn bản trong những lần mở tốc độ và gây rất nhiều nguy hiểm cho chúng tôi ».

Rõ ràng ngay khi vào sân, Mbape đã khiến hàng hậu vệ của đội bóng Ý phải choáng váng, buộc phải lùi về sâu. Sau khi Maquinhos san bằng tỷ số. Chính nhà vô địch thế giới trẻ này đã có đường chuyền quyết định cho Eric Maxim Choupo Moting ấn định chiến thắng. Tiền đạo Camerun này cũng vậy đáng lẽ ra không chơi trận này. Khủng hoảng Covid-19 làm PSG bị thiếu nhân lực, nên anh đã được triệu tập vớt và cuối cùng Choupo, từ cầu thủ dự bị đã trở thành người hùng.

« Tôi tự nhủ khi được vào sân, tốt rồi, tất cả đều có thể trong cuộc sống. Tôi đã tin vào mình, tin vào đồng đội. Tôi nghĩ toàn đội không bao giờ mất hy vọng. Một câu chuyện thật đặc biệt ».

Đúng là câu chuyện đặc biệt. Ban lãnh đạo của PSG đã đánh tín hiệu không cần đến cầu thủ Camerun này, trước khi đổi ý, muốn giữ lại anh thêm mùa hè này để phòng xa. Ở PSG Eric Choupo-Moting là một cầu thủ dự bị hạng sang, một tiền đạo chưa bao giờ thoát ra khỏi được những cái bóng lớn như Neymar, Mbapé hay Di Maria. Nếu không có dịch Covid-19, tiền đạo người Camerun này có lẽ giờ đã ở nơi khác rồi. Trong một câu lạc bộ đã quá nhiều sao, nhất là ở hàng tấn công, chiếc áo tiền đạo quả là quá rộng đối với Choupo-Moting. Hai năm đầu quân cho PSG, anh chỉ được thi đấu tổng cộng 50 trận, ghi 12 bàn, chưa kể trong những lần ra sân còn hay phạm phải những lỗi ngớ ngẩn.

Thế nhưng anh vẫn tìm được chút cơ hội hiếm hoi trong cái câu lạc bộ hội tụ các danh thủ đa quốc gia này. Từ vai đóng thế, Choupo-Moting trở thành nhân vật cứu tinh trong 10 phút cuối huy hoàng của PSG tại Lisboa. Giờ có ra đi, tiền đạo này có thể ngẩng cao đầu và tên anh sẽ còn lưu lại mãi trong lòng cổ động viên PSG.

Với chiến thắng nhiều ý nghĩa này, các cầu thủ Paris Saint Germain đã vượt qua ngưỡng tâm lý của chính mình. Từ 1995, đây là lần đầu tiên Paris Saint Germain qua ải tứ kết Champions League. Đối thủ tới của Paris Saint Gernain là câu lạc bộ Đức Leipzig, cửa vào chung kết dường như sáng thêm khi không phải gặp một câu lạc bộ của La Liga, vẫn luôn là khắc tinh của PSG

Xứng tầm với Kinh đô ánh sáng?

Paris Saint Germain vẫn luôn là một trong số rất ít câu lạc bộ bóng đá được hâm mộ nhất của nước Pháp, dù đội bóng đá không ít lần gây thất vọng tràn trề cho các cổ động viên. Với tuổi đời 50, có thể coi là trẻ trong làng bóng châu Âu, PSG ra đời chính thức ngày 12/08/1970, với tham vọng là một đội bóng lớn xứng tầm với « Kinh đô ánh sáng » của thế giới.

Tất cả bắt  đầu  từ một nhật xét khá cay đắng của ông Jaques Georges, chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Pháp (FFF) vào thời bấy giờ. Vào cuối những năm 1960, tất cả các thủ đô  Châu Âu đều có một hoặc vài câu lạc bộ bóng đá lớn, tại sao Paris lại không có ?  Theo ông Jaques Georges,  bóng đá cũng như những lĩnh vực khác « phải xứng tầm với Kinh đô ánh sáng ».Và thế là ông vận động mở cuộc « tham khảo ý kiến dân » để chọn một cái tên cho đội bóng tương lai của thủ đô Pháp. Trong số những cái tên được đề xuất : Inter Paris, Racing Club Paris hay Paris Football Club, cuối cùng Paris Football Club (PFC) được chọn với 60 nghìn phiếu bình chọn.

Lúc đó PFC mới chỉ đội bóng ảo, có tên nhưng không có quân cũng như không có sân vận động. Thế là các lãnh đạo của Liên Đoàn Bóng Đá Pháp, Pierre-Etienne Guyot và Guy Crescent tìm một đội bóng thực đang chơi trong giải hạng nhất để sáp nhập vào cái tên đó. Ý đồ này không thành. Bị hối thúc, PFC quay sang với đội Stade Saint-Germain, một đội bóng thành lập từ 1904, nhưng đang lẹt đẹt chơi ở hạng 2. Paris Saint-Germain đã ra đời như thế.

Nhưng chỉ 2 năm sau ra đời, 1972, đội bóng của thành Parsi rớt xuống hạng 3. Phải nhờ vào tay nhà may Daniel Hechter, câu lạc bộ mới được vực dậy  từ năm 1974. Đây cũng là năm đội bóng có sân riêng Parc des Princes. Thế rồi sau một vụ bê bối tài chính năm 1978 ông Hechter bị loại khỏi chức chủ tịch câu lạc bộ. Nhà quảng cáo Francis Borelli lên thay (1978-1991). Cùng với ngôi sao đầu tiên người Algeri, Mustapha Dahleb (1974-1984), PSG giành được những danh hiệu đầu tiên : Hai cúp nước Pháp (1982,1983) và một chức vô địch Pháp (1986). Tuy thế cho đến hết thập niên 1980, tầm của PSG vẫn chỉ loanh quanh trong nước.

Phải đợi đến năm 1991, khi kênh truyền hình Canal plus nắm quyền làm chủ và nhà báo của kênh, ông Michel Denisot làm chủ tịch câu lạc bộ thì PSG mới bắt đầu có được tầm vóc khác.

Với việc tuyển mộ  danh thủ lớn Artur Jorge (Bồ Đào Nha), sau đó là Louis Fernandez (Pháp) về làm huấn luyện viên và nhất là một loạt các cầu thủ tên tuổi đang ở độ đỉnh cao của sự nghiệp như Paul Le Guen, David Ginola, Alain Roche, Vincent Guérin, Antoine Kombouaré, Bernard Lama, George Waeah, Rai, Youri Djorkaeff…, câu lạc bộ thành Paris bắt đầu bước ra sân chơi châu lục.

Sau nhiều hành trình dở dang, cuối cùng đến năm 1996, PSG cũng giành được danh hiệu châu Âu đầu tiên, Cúp các đội đoạt Cúp với chiến thắng trước câu lạc bộ Áo Rapid Vienne 1-0. Đây cũng là đội bóng thứ 2 của bóng đá Pháp dành được Cúp châu Âu, sau Marseille giành Cúp C1 năm 1993.

Bước vào thập niên 2000, PSG của Canal plus bắt đầu lâm vào khủng hoảng liên tiếp. Đội bóng được bán lại cho người Mỹ, tập đoàn Conoly Capital (2006-2011), nhưng mọi chuyện cũng không được cải thiện gì. Kết thúc mùa bóng 2008, PSG bị rớt xuống hạng 2.

Kỷ nguyên Qatar

Năm 2011, QSI, Quỹ đầu tư quốc gia của vương quốc dầu mỏ thừa tiền Qatar, mua lại câu lạc bộ của thành Paris và một cuộc lột xác cho PSG, trước tiên là bằng tiền. Hàng trăm triệu euro được ông chủ mới Qatar bơm vào để kéo về các ngôi sao bóng đá thế giới : Javier Pastor, Thiago Silva, David Berkham, Dani Alves, Neymar, Kylian Mpabé, Gianluigi Buffon…. đã tạo cho PSG một tầm mới. Chưa có được thành tích quốc tế nào, nhưng PSG đã thành công tài chính. Sau một thập kỷ với tiền đầu tư  của các ông chủ dầu mỏ, thu nhập của câu lạc bộ Paris đã nhân lên 6 lần (đạt 637 triệu năm 2019) và số lượng fan trên thế giới đã đạt con số 90 triệu. Trên sân cỏ, PSG giờ thống trị trong nước, nhưng ở đấu trường châu Âu, PSG liên tục trải qua các mùa bóng thất vọng, trong đó có những thất bại cay đắng chưa từng có.

Giờ là một câu lạc bộ giàu có hàng đầu châu Âu, có trong tay những cầu thủ giỏi nhất thế giới, đã được coi như là «  thương hiệu toàn cầu » nhưng PSG vẫn thiếu một danh hiệu Champions Ligue để có thể gia nhập câu lạc bộ « các ông  lớn » của bóng đá châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.