Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Thái Lan miền đất hứa cho các cầu thủ bóng đá châu Phi?

Đăng ngày:

Hơn 3000 cầu thủ bóng đá châu Phi đang chơi cho các câu lạc bộ ngoài lục địa đen. Nếu như các điểm đến ưa thích nhất vẫn là các giải vô địch của các quốc gia châu Âu như Ý, Pháp, Tây ban Nha, Anh Đức, nhưng giờ đây cũng có không ít cầu thủ châu Phi lại quyết định tìm đến những vùng đất xa xôi, như Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, hay Indonesia để thi thố tài năng

Các giải bóng đá sôi nổi ở Đông Nam Á  là điểm đến hấo dẫn ngày càng đông các cầu thủ châu Phi.
Các giải bóng đá sôi nổi ở Đông Nam Á là điểm đến hấo dẫn ngày càng đông các cầu thủ châu Phi. Ảnh; Reuters
Quảng cáo

Họ tới được đó bằng con đường nào ? Họ hy vọng gì ở vùng đất vốn vẫn bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới này ? Và điều gì đang chờ đợi họ ? Để giải đáp phần nào cho những câu hỏi, hôm nay TTCN xin được giới thiệu một phóng sự dài của thông tín viên RFI Arnaud Dubus, tại Thái Lan về các cầu thủ bóng đá châu Phi tại Thái Lan :

Trên một mặt sân lầy lội, một vài cầu thủ Cameroun cùng khoảng ba chục cầu thủ Thái Lan đang tập luyện dưới sự chỉ đạo của một cựu cầu thủ quốc tế Thái lan. Chúng tôi đang có mặt tại Choumbol, một thành phố loại trung bình, nằm cách thủ đô Bangkok 400 km về phía nam. Đây là một thành phố nằm tách rời hẳn với các khu du lịch này nên rất hiếm bắt gặp ở đây các khu biệt thự của người nước ngoài.

Chính tại đây, Cristian Manga, đến từ Yaoundé Cameroon, từ hai năm nay đang chơi trong câu lạc bộ bóng đá Football Club Choumbol, một câu lạc bộ hạng hai của Thái Lan. Hành trình đưa Christian tới Thái Lan là cả một chặng đường dài, bắt đầu từ cách đây 4 năm, khi đó anh mới 19 tuổi, anh cho biết:

« Tôi rời khỏi Cameroon năm 2006, đầu tiên tôi tới Ai Cập. Hiện nay ở Cameroun có rất nhiều người tự nhận là quản lý công ty môi giới cầu thủ. Họ là những người đứng ra thu tiền của các cầu thủ, của gia đình họ để giới thiệu các cầu thủ đến chơi bóng ở các CLB nước ngoài. Họ nói là có nhiều quan hệ, có đường dây liên hệ với châu Âu. Thế rồi tôi rơi vào một đường dây rởm. Nhân viên môi giới bảo tôi sẽ được kiểm tra để đến chơi tại Litva, vì thế họ đưa tôi transit qua Ai cập. Sau 10 ngày ở Ai cập họ nói sẽ lấy visa tôi vào Liva. Tôi đã rời Cameroon và đến Ai Cập như vậy đó ».

Cũng giống như rất nhiều cầu thủ châu Phi bị cuốn hút bởi viễn cảnh được chơi trong các câu lạc bộ ở châu Âu với những đồng lương hậu hĩnh, Cristian Manga đã bị lừa. Nhân viên chịu trách nhiệm đưa anh ta đến Ai Cập đã biến mất hút hơn chục ngày sau đó. Cristian kể tiếp:

« Ông ta đã bỏ rơi tôi một mình ở Ai Cập. Tôi không biết làm gì ra tiền để ra khỏi đó, hay để trở về nhà. Chơi bóng đá ở Cameroon thì chẳng kiếm được bao nhiêu. Mẹ tôi là một cô giáo, bà đã bỏ hết số tiền tiết kiệm của bà để cho tôi đi khỏi Cameroun. Tôi không biết sẽ thế nào nếu tôi lại đột nhiên trở về như vậy. Tôi đơn độc một mình và tôi đã suy nghĩ».

Thế nhưng rồi Cristian cũng đã ký được một hợp đồng 4 năm với một câu lạc bộ của Ai Cập. Nhưng một trở ngại nữa là anh phải trình ra các giấy tờ chứng minh anh đã chơi trong một câu lạc bộ của Cameroon gần nhất. Đây là loại giấy tờ xác nhận tình trạng tự do chơi cho bất kỳ câu lạc bộ nào ngoài nước.

« Khi tôi liên lạc về cameroun đề nghi ông chủ tịch câu lạc bộ đến Liên đoàn bóng đá xin cho tôi giấy xác nhận trên thì ông ấy đòi rất nhiều tiền mà tôi không thể có được. Đây là loại giấy mà khi một cầu thủ rời khỏi nước, thì Liên đoàn bóng đá phải ký xác nhận là cầu thủ này hoàn toàn tự do ký các hợp đồng chơi bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài ».

Và số phận lại đưa anh đến với CLB Choumbol  tại Thái lan. Ông giám đốc điều hành của Câu lạc bộ tỏ ra khá hài lòng với các cầu thủ châu Phi đang chơi bóng ở đây.

« Họ là những cầu thủ tốt, có kỷ luật, luyện tập chăm chỉ. Về mặt kỹ thuật thì chưa hẳn họ đã hơn các cầu thủ Thái Lan nhưng về mặt thể lực thì họ hơn hẳn. Các cầu thủ châu Phi có kỷ luật rất tốt và giá của họ lại rất rẻ. 
Chúng tôi trả cho một cầu thủ châu Phi khoảng 300 euros mỗi tháng và tiền phụ cấp mỗi ngày khoảng 8 euros. Như vậy cũng là nhiều nếu so sánh với mức họ kiếm được ở Cameroun».

Để tìm hiểu xem việc mua bán cầu thủ từ châu Phi đến các châu lục khác diễn ra như thế nào, tại Bangkok, chúng tôi đã tìm đến một nhân viên người Cameroun chuyên môi giới cầu thủ đến với chơi cho các đội bóng ở châu Á. Đó là ông Binmingou quản lý một công ty có đăng ký hẳn hoi với tên gọi Black Tiger Football Agency. Ông nói công việc của công ty hoàn toàn minh bạch. Trái lại ông lên án những cách làm ăn không đàng hoàng khác mà theo ông đó là trò lừa đảo không hơn không kém. Họ hứa hẹn rất nhiều chỉ để thu tiền của gia đình cầu thủ sau đó thì đem con bỏ chợ. Thậm chí nhiều người đã không được câu lạc bộ nào tuyển dụng.

"Nói về những trò mafia của giới này thì là cả một câu chuyện dài. Trong đầu dân châu Phi, thì được đến châu Âu có nghĩa là có tiền. Để đưa các cầu thủ ra khỏi châu Phi, những tay môi giới hứa hẹn rất nhiều rằng họ có quan hệ rộgn ở châu Âu. Sau đó họ đòi gia đình ứng trước tiền số tiền này rất lớn có khi cả triệu Franc. Họ nói là để chi phí ăn ở chờ kiểm tra trình độ … Các khỏan này sẽ thu lại khi cầu thủ ký hợp đồng. Sau khi nhận tiền các tay môi giới quay ngoắt lại bỏ mặc các cầu thủ. Rơi vào tình trạng nợ nần, các cầu thủ bị lừa sang đây phải làm bất cứ việc gì. Có những người không tìm được câu lạc bộ nào tuyển dụng".

Rất đông các cầu thủ châu Phi đến đây qua tay các nhân viên môi giới rởm. Họ bi rơi vào tình cảnh bơ vơ không biết làm gì trong một đất nước mà họ không biết gì về ngôn ngữ cũng như văn hóa. Một số thì thoát được ra nhờ vào chuyên môn thực sự của họ. Ông Binmingou cho biết thêm:

« Cũng có một vài cầu thủ được tuyển vào các câu lạc bộ chơi trong giải vô địch quốc gia. Đó là những cầu thủ có chuyên môn tốt, từng chơi ở các giải bóng đá đỉnh cao. Họ đến đây sau vài tuần kiểm tra là được tuyển luôn. Lương của họ có thể 3000 đô la mỗi tháng, cộng thêm với các khoản thưởng. Nhưng số này chỉ là thiểu số thôi chiếm khoảng 10%. Số còn lại thì phải tiếp tục cuộc phưu lưu của mình. Họ nói tôi chơi tốt nhưng đó là họ cứ tưởng mình chơi tốt thôi, họ giới thiệu từng chơi bóng ở châu Âu … Có một số thì thực sự rơi vào tuyệt vọng, không có câu lạc bộ nào tuyển dụng, họ thậm chí không có cả tiền mua vé máy bay về nước,rồi rơi vào tình trạng không giấy tờ, phải xoay đủ cách để sống ».

Như trường hợp của Cristian Manga mà chúng ta gặp ở phần đầu của phóng sự này, anh tự nhận thấy sự nghiệp cầu thủ của mình có nhiều hứa hẹn. Chúng tôi đã gặp lại anh tại Bangkok, anh vừa mới rời khỏi câu lạc bộ Choumbol.

« Tôi đã rời đội Choumbol, vì ở đó sau một năm sang đến năm thứ hai đội vẫn không lên được hạng nhất. Đội đã thay huấn luyện viên mới. Người ta trả lương cho tôi kém hơn trước và thế là tôi rời đội ».

Với công ty Black Tiger football Agency, Binmingou cố gắng đấu tranh với việc các câu lạc bộ Thái Lan bóc lột các cầu thủ châu Phi. Một công việc không mấy dễ dàng. Các câu lạc bộ bóng đá ở Thái Lan, nhất là những câu lạc bộ hạng hai lợi dụng tối đa việc thiếu quy định trong lĩnh vực này :

« Ở đây một cầu thủ đến chỉ cần thử vài ba ngày nếu được người ta đưa vào sử dụng ngay, cho các cầu thủ đó thi đấu giải ngay. Họ làm cho các cầu thủ tin là mình đã có tên trong đội rồi. Anh ký hợp đồng nhưng hợp đồng đó không bao giờ được tôn trọng. Thí dụ như khi các cầu thủ bị chấn thương, không chơi bóng được là các đội bóng ngừng ngay việc trả lương. Rồi điều kiện nhà ở sinh sống họ để các cầu thủ tự lo… Đó là trường hợp đối với các cầu thủ tự đến xin việc. Còn với công ty môi giới như chỗ chúng tôi thì không diễn ra như vậy. Việc đầu tiên là tôi phải bảo đảm cầu thủ có nơi ở tốt, lo visa cho họ, sau đó phải thảo luận các điều kiện hợp đồng ký với câu lạc bộ …»

Cristian đang ở trong tình trạng không có câu lạc bộ nào nhận. Anh phải tự tập với một vài người bạn Cameroun để duy trì thể lực và phong độ cho dù chưa tìm được đội bóng nào tuyển dụng với đồng lương hợp lý. Dù sao thì anh cũng vẫn muốn ở lại Thái Lan. Với anh, đây là mảnh đất mà từ đó các cầu thủ châu Phi có thể tìm được cơ hội.

« Ở Thái lan này có rất nhiều cầu thủ Cameroun đã tới đây và họ đã tìm được những đường dây để đến Indonesia, nơi có thể trả lương cao hơn, hay Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, Pháp hay Bồ Đào Nha. Như vậy từ đây có rất nhiều cơ hội. Từ đây anh có thể đi đến nơi khác. Hơn nữa bóng đá ở Thái Lan phát triển mạnh hơn ở Cameroun. Tôi muốn ở lại đây một năm nữa để tìm cơ hội đi tiếp đến nơi khác ».

Hiện có rất đông cầu thủ trẻ người Phi sau một hành trình không đơn giản để đến châu Á, đang lao vào cuộc phưu lưu cố tìm cách gia nhập vào một đội bóng nào đó. Đó có thể là các câu lạc bộ ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam Trung Quốc hay Miến Điện. Đặc biệt là Miến Điện. Đất nước này vẫn nằm dưới chế độ độc tài hàng chục năm qua nhưng đây lại là miền đất rất hấp dẫn các cầu thủ trẻ châu Phi. Bởi vì chính quyền Miến Điện tạo những điều kiện rất tốt về tiền lương và sinh hoạt cho các cầu thủ nước ngoài đến chơi trong các đội bóng của họ.

Christian chỉ là một ví dụ trong số hàng nghìn cầu thủ châu Phi đang chơi trong các câu lạc bộ có tên tuổi hay vô danh ở lục địa Á châu, từ trung Quốc đến Miến Điện, từ Việt Nam qua Thái Lan. Châu Á đang muốn cải thiện trình độ bóng đá của mình và họ coi các cầu thủ bóng đá châu Phi là một nhân tố đóng góp quan trọng vào tiến trình này. Nhưng bắt đầu đã có sự cạnh tranh, ngày càng có nhiều cầu thủ Brasil cũng đến tìm kiếm các hợp đồng ở lục địa này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.