Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Pháp trên đường chinh phục châu Á

Đăng ngày:

Trước khi bước vào mùa giải mới, bóng đá Pháp đã mang trận tranh Siêu cúp nước Pháp đến Bắc Kinh trình diễn ngày 2/8/2014 giữa Câu lạc bộ Paris Saint Germain và Guingamp. Đây cũng là trận mở màn cho chiến dịch quảng bá chinh phục thị trường bóng dá châu Á rộng lớn và đầy tiềm năng.

Đội Paris Saint-Germain đã thắng đối thủ Guingamp, giành Siêu Cúp nước Pháp trên sân vận động ở Bắc Kinh, ngày 02/08/2014
Đội Paris Saint-Germain đã thắng đối thủ Guingamp, giành Siêu Cúp nước Pháp trên sân vận động ở Bắc Kinh, ngày 02/08/2014 Reuters
Quảng cáo

Từ 5 năm trở lại đây trận Siêu cúp Pháp đã trở thành một công cụ quảng bá thương hiệu bóng đá Pháp ra thế giới. Sau châu Phi -  Rades ởTunisie, Tanger ở Maroc - và Libreville ở Gabon (Châu Phi) rồi qua Bắc Mỹ với các trận đấu ở Montréal và New York, lần này Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp (LFP) hy vọng bước qua một chặng mới trong sự phát triển với việc hướng về Trung Quốc, thị trường mà từ lâu nay đã được nhiều nền bóng đá lớn của châu Âu khai khẩn.

Trận đấu tại Bắc Kinh giữa Paris Saint Germain và Guingamp

Paris Saint Germain với siêu sao Zlatan Ibrahimovic đã thể hiện sức mạnh ngay từ trận mở màn mùa bóng mới bằng danh hiệu Siêu cúp nước Pháp thứ 2 sau chiến thắng 2-0 trước Guingamp, câu lạc bộ vùng Bretagne trên sân vận động của Bắc Kinh.

Nhà vô địch Ligue 1 đã không để cho các cầu thủ Guingamp, chủ nhân của chiếc Cúp nước Pháp, một cơ hội nào ngay cả cú phạt đền của cầu thủ Mustapha Yatabaré ở phút thứ 31 cũng bị thủ môn PSG , Salvatore Surigu chặn đứng.

Các cầu thủ Paris còn hoàn thành sứ mệnh chiếm được cảm tình của người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, và không chỉ thắng lợi về kinh tế, Paris Saint Germain đã cho thấy họ vẫn có thể ngự trị Ligue 1 ở mùa giải tới, sẽ khai cuộc vào cuối tuần tới.

Trung Quốc với số dân 1,4 tỷ người không chỉ là một thị trường bóng đá lớn mà còn là cánh cửa để bóng đá chuyên nghiệp Pháp có thể bước vào châu Á, vùng đất mà các câu lạc bộ lớn của bóng đá thế giới đầu đã thu hút được số lượng lớn các cổ động viên và kéo theo đó là lợi nhuận kinh tế. Không ít các đội bóng lớn ở châu Âu vẫn đều đặn có những chuyến du đấu trình diễn ở châu Á trong nhiều năm qua.

Đi tiên phong phải nói đến bóng đá Ý. Năm 2009 trận Siêu cúp nước Ý đã được tổ chức tại Trung Quốc. Dù hơi chậm chân nhưng Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp đã lao vào cuộc khai khẩn vùng đất mới.

Lợi ích đầu tiên có thể khai thác ngay được ở thị trường bóng đá đầy tiềm năng này là bản quyền truyền hình. Từ khi Paris Saint Germain được chuyển qua tay ông chủ Qatar năm 2011 và tiếp đó là Monaco về với tỷ phú Nga Dmytri Rybolovlev, tiền thu từ bản quyền truyền hình của các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Pháp đã có được sự bùng nổ. Dự kiến có số này sẽ tăng từ 32,5 triệu euro lên 80 triệu mỗi năm từ nay trở đi . Giờ đây Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp đang muốn mở rộng quy mô làm ăn ra lĩnh vực quốc tế.

Tuy nhiên thu nhập của bóng đá Pháp trong lĩnh vực bản quyền truyền hình đến lúc này vẫn còn rất khiêm tốn ở châu Âu. Lấy ví dụ, giải Serie A của Ý mỗi mùa bóng thu được 125 triệu euro. La Liga của Tây Ban Nha thu 150 triệu và nhà vô địch trong lĩnh vực này không ai khác là giải ngoại hạng Anh với con số kỷ lục 850 triệu euro.

Như vậy là điểm hẹn Trung Quốc lần này sẽ là một bài trắc nghiệm cho kinh tế bóng đá của Pháp. Là một nền bóng đá đang trên đà phát triển ở châu Á, bóng đá và người hâm mộ Trung Quốc đã bắt đầu làm quen dần và thấy thuyết phục với các « sản phẩm bóng đá Pháp ». Bằng chứng là họ đã mời huấn luyện viên Pháp Alain Perrin về dẫn dắt đội tuyển quốc gia.

Ông chủ tịch Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp Frédéric Thiriez tuyên bố đầy phấn khích : « Tương lai thế giới và cả tương lai bóng đá đang chuyển qua Trung Quốc. Ở Trung Quốc, bóng đá phát triển một cách ngoạn mục và nhanh chóng và ở đây có thể tìm thấy một tiềm năng cho bóng đá Pháp. Các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi như Đức, Anh, Tây Ban Nha hay Ý, không nghĩ chúng tôi có mặt ở thị trường này ».

Cuộc chinh phục châu Á của Paris Saint Germain đầu mùa bóng

Sự kiện giành Siêu cúp nước Pháp trên đất Trung Quốc diễn ra đúng vào lúc Paris Saint Germain đang trên đà khẳng định đẳng cấp quốc tế. Chuyến du đấu lần này cũng còn là phép đo uy tín của PSG tại châu Á.

Với riêng đội bóng giàu có nhất nước Pháp hiện nay, chương trình du đấu châu Á chắc chắn còn là dịp tiếp thị tốt nhất. Sau khi chơi trận giao hữu từ thiện ở Hồng Kông, các cầu thủ Paris trước khi chơi trận Siêu cúp đã khánh thành hôm 31/7 một trung tâm huấn luyện và một điểm bán sản phầm của câu lạc bộ tại Bắc Kinh.

Ông Frédéric Longuépé, Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại của câu lạc bộ nói : « Sự hiện diện ở Trung Quốc và châu Á là rất quan trọng đối với Paris Saint Germain. Đây mà một bước tiến mới trên con đường quốc tế hoá của câu lạc bộ. Nó cho phép chúng tôi tiếp cận được các fan của mình. Dự tính ở châu Á số lượng người hâm mộ PSG có khoảng 120 triệu người và riêng ở Trung Quốc cũng phải có tới 25 triệu. Tuy nhiên con số này vẫn còn cách xa so vỡi các giải chuyên nghiệp lớn khác như Anh, họ đã bước vào quốc tế hoá trước chúng tôi nhiều ».

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho Paris Saint Germain để có thể bắt kịp với các ông lớn khác trong nền bóng đá châu Âu mặc dù Paris Saint Germain từ hai mùa bóng vừa qua đã vươn lên tốp 8 câu lạc bộ mạnh nhất châu Âu.

Hôm thứ Tư vừa qua, tại Bắc Kinh chỉ có một nhóm khoảng vài chục người hâm mộ Trung Quốc đứng trước cửa khách sạn để đón các cầu thủ của Paris Saint Germain và cũng không phải tất cả đều biết rõ cầu thủ của câu lạc bộ Paris.

Điều này cho thấy tất cả mới chỉ là sự khởi đầu của PSG và nếu muốn cắm chân được sâu và trở thành một thương hiệu thể thao thực sự ở vùng đất châu Á , câu lạc bộ này sẽ phải tiếp tục khẳng định được thế đứng cao nhất trong giải quốc gia cũng như châu Âu mà thuyết phục nhất là giành chiếc Cúp C1 mùa bóng này.

Pháp : Ligue 1 dè dặt trong mùa chuyển nhượng mùa hè

Hai tuần sau khi Cúp thế giới tại Brazil khép lại, ngày 8/8 tới mùa bóng 2014 -2015 giải vô địch quốc gia bóng đá chuyên nghiệp Pháp sẽ chính thức khởi tranh với trận Paris Saint Germain gặp Reims.

Các đội bóng của Ligue đã sẵn sàng cho cuộc so tài dài hơi. Thị trường chuyển nhượng của bóng đá châu Âu sẽ khoá sổ vào ngày 1/9, nhưng đến giờ các câu lạc bộ của Pháp dường như không dám mạnh tay vung tiền củng cố lực lượng như mùa bóng trước. Đây chỉ là sự tĩnh lặng tạm thời hay vì khó khăn tài chính mà các câu lạc bộ Pháp buộc phải xây dựng lực bằng chiến thuật nằm thở đành hài lòng với lực lượng cũ .

Nói đến chuyện mua sắm đầu mùa bóng ở Pháp người ta vẫn nhìn vào trước tiên tay nhà giàu Paris Saint German. Từ vài năm nay, câu lạc bộ của thủ đô Paris này vẫn quen làm cháy chợ chuyển nhượng mùa hè với những thương vụ đình đám và ồ ạt. Mùa hè 2011, Paris Saint Germain đã làm làng bóng đá Pháp sửng sốt với một loạt các hợp đồng : với Javier Pastore trị giá 42 triệu euro, 11 triệu với Kevin Gameiro, rồi với Blaise Matuidi (10 triệu) hay Jérémy Menez (8 triệu). Đó là không kể những hợp đồng nhỏ trị giá một vài triệu euro.

Mùa hè tiếp theo, năm 2012, PSG lai tiếp tục vung tiền ra mua Zlatan Ibrahimovic với giá 20 triệu, Thiago Silva 40 triệu ; Ezequiel Lavezzi 30 triệu và Paris còn bổ sung thêm bản hợp đồng với Lucas trị giá 40 triệu vào mùa đông, trước khi tiếp tục đà mua sắm năm 2013 với Edison Cavani có giá 63 triệu, Marquinho 31 triệu, Lucas Digne 15 triệu, rồi đến Yohan Cabaye 25 triệu. Mua vào nhiều như thế nhưng Paris Saint Germain bán ra rất ít. Mùa chuyển nhượng hè năm nay, đến giờ này mới chỉ có David Luiz được bán ra với giá 50 triệu.

Xu hướng mua sắm của Paris Saint Germain có thể phản ánh tình trạng chung của Ligue1 mùa chuyển nhượng năm nay. Chỉ có 10 cầu thủ ký hợp đồng mới với các câu lạc bộ Pháp với giá chuyển nhượng từ một triệu euro trở lên từ khi mở chợ chuyển nhượng hôm 10/6 vừa qua ?

AS Monaco, cũng là một đại gia của bóng đá Pháp cũng không có được thương vụ nào nổi đình nổi đám. Câu lạc bộ của Công quốc Monaco trong tay tỷ phú Nga này mới chỉ có một bản hợp đồng 8 triệu euro với cầu thủ Pháp gốc Côte d’Ivoire Tiémoué Bakayoko. AS Monaco chủ yếu tính chuyện thu về với việc bán Emmanuel Rivière cho Newcastle giá 6,4 triệu và đặc biệt là bán danh thủ Colombia vừa toả sáng ở Cúp thế giới Brazil 2014, James Rodiguez cho Real Madrid với giá 80 triệu euro.

Cuối cùng nhìn chung có thể thấy, những vụ chuyển nhượng cao nhất trong nước Pháp chỉ thấy chiều xuất ngoại. Ngoài Rodiguez, bóng đá Pháp còn xuất đi một loạt các cầu thủ như CLB Monpellier bán Rémi Cabella sang Newcastle với giá 15 triệu, Lille bán à Divock Origi cho Liverpool với giá 12 triệu.

Có nhiều cách lý giải cho xu thế tăng thu giảm chi này của bóng đá Pháp đầu mùa bóng này. Ngoài hai ông lớn PSG và Monaco thì các câu lạc bộ khác của Pháp đều không có đủ tiềm lực tài chính để lao vào thị trường cầu thủ đang trong tình trạng ngày càng thêm lạm phát, một thị trường có thể nói là đầy nghịch lý, càng khủng hoảng thì giá lại càng tăng. Thêm vào đó quy định của liên đoàn bóng đá Pháp thắt chặt quản lý mức lương cầu thủ và việc tuyển mộ lính mới của các câu lạc bộ chuyên nghiệp cũng đã làm hạn chế sức mua của các câu lạc bộ.

Trong trường hợp hai đại gia hàng đầu của Ligue 1, việc dè dặt mua sắm của PSG và Monaco có thể được giải thích bằng việc áp dụng các quy định mới về tài chính của UEFA ( fair play financier). Tháng 5 vừa rồi, định chế quản lý bóng đá của châu Âu này đã tuyên phạt PSG 60 triệu euro đồng thời giới hạn mức tuyển quân cũng như mức lương cầu thủ. Để có thể mua thêm quân lúc này, Paris chắc hẳn sẽ phải chờ bán bớt đi quân cũ trước. Tham vọng lôi kéo các sao lớn với những bản hợp đồng lớn vẫn luôn là tham vọng của ông chủ Qatar giàu có.

Thị trường chuyển nhượng, còn một tháng nữa mới kết thúc, chắc sẽ còn chứa đựng những phi vụ bất ngờ ở hai câu lạc bộ lớn của Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.