Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

FIFA : Platini chưa ra sân đã bị cản phá

Đăng ngày:

Michel Platini muốn lãnh đạo bóng đá thế giới. Cựu đội trưởng của đội tuyển bóng đá Pháp hôm 29/07 vừa qua đã chính thức thông báo tham gia cuộc đua vào chức Chủ tịch FIFA, định chế quản lý bóng đá thế giới đang điêu đứng vì cơn bão tham nhũng. Nhưng chưa ra sân đấu, số 10 huyền thoại của đội tuyển Pháp đã bị tấn công dữ đội bởi hai đối thủ tiềm năng. Họ tố cáo Platini vẫn chỉ là « hiện thân cho hệ thống hiện nay » ở FIFA.

Các đối thủ tố cáo Platini vẫn là « hiện thân cho hệ thống FIFA cũ».
Các đối thủ tố cáo Platini vẫn là « hiện thân cho hệ thống FIFA cũ». REUTERS /Olivier Pon
Quảng cáo

Sau một hồi lưỡng lự, nhìn trước ngó sau, cuối cùng thì cựu danh thủ bóng đá Pháp, đương nhiệm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu đã chính thức ra ứng cử vào chiếc ghế chủ tịch FIFA mà ông Sepp Blatter 79 tuổi vừa giành được hồi tháng 5 vừa qua cho nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp của mình nhưng đã phải nhanh chóng từ bỏ.

Ứng viên người Pháp Platini được cho là có nhiều triển vọng và xứng đáng để với vị trí lãnh đạo định chế bóng đá của thế giới. Nhưng ngay sau khi vừa thông báo chính thức ra ứng cử chủ tịch FIFA, Platini đã vấp ngay phải những đường cản phá khá bất ngờ của Hoàng tử Jordani Ali bin Al Hussein, nhân vật phải bỏ cuộc trước ông Blatter ở vòng đấu thứ 2 hồi tháng 5 vừa qua.

Hoàng tử Ali đã ra ngay một thông cáo trong đó chỉ thẳng : « Platini không phải là tốt cho FIFA. Cung cách dàn xếp hậu trường, lót tay phải chấm dứt ». Chính Hoàng tử Ali đã từng nhận được sự ủng hộ tích cực của Platini cũng như các thành viên UEFA trong cuộc đọ sức với Blatter hồi tháng 5.

Một nhân vật khác dự kiến sẽ là đối thủ của Platini là ông Chung Mong-joon, người Hàn Quốc, một nhân vật có thế lực trong bóng đá châu Á và là tỷ phú, chủ nhân của tập đoàn xe hơi nổi tiếng Hyundai. Để dọn đường ra tranh cử, nhân vật này cũng đã có những tuyên bố gay gắt, đánh giá Platini cũng chính là « một sản phẩm của hệ thống hiện nay ở FIFA » và từng được Blatter che chở.

Đúng là Michel Platini đã khởi đầu sự nghiệp quản lý bóng đá từ dưới trướng của Sepp Blatter với chức cố vấn. Nhưng chính chủ tịch UEFA là người trực tiếp phản đối và yêu cầu Sepp Blatter rút lui khi các bê bối tham nhũng trong h FIFA bung ra. Mặc dù vậy, chỉ sau vài ngày công bố tham gia cuộc đua, cán cân ủng hộ ngày thêm nghiêng về phía Michel Platini

Bề dày kinh nghiệm quản lý từ khi rời sân cỏ là một sự bảo đảm cho Michel Platini trong cuộc chạy đua. Một bộ phận lớn trong thế giới bóng đá chắc hẳn cũng nhìn thấy điều đó. Trước tiên là châu Âu. Từ năm 2007 Platini là Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá châu lục này với những dấu ấn để lại là hiện đại hóa định chế quản lý bóng đá châu Âu, bênh vực quyền lợi cho những liên đoàn quốc gia nhỏ bé.

Cựu cầu thủ số 10 của đội tuyển Pháp chắc chắn sẽ thu đủ số phiếu của Liên đoàn châu Âu. Liên đoàn của châu Mỹ cũng có thể ủng hộ ứng viên người Pháp. Đang bị chấn động bởi vụ bê bối tham nhũng Fifagate, các liên đoàn Bắc và Trung Mỹ (Concacaf) hay Nam Mỹ ( Conmebol) cũng muốn nhân dịp thay đổi này để cải thiện hình ảnh. Với họ Platini có thể đại diện tốt hơn cả cho sự đổi mới.

Liên đoàn bóng đá châu Á cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với cựu thủ quân của đội tuyển Pháp, cho dù nhân vật nổi tiếng và có nhiều thế lực của bóng đá Hàn Quốc Chung Mong-joon, ông chủ thừa kế của tập đoàn Hyundai đã tuyên bố tham gia cuộc đua.

Cuối cùng chỉ còn châu Phi là đang còn tỏ ra lưỡng lự với úng viên Chủ tịch UEFA. Cũng cần phải nói thêm là gần đây quan hệ giữa liên đoàn của hai châu lục Âu và Phi có vẻ căng thẳng khi Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) quyết định đẩy lùi thời điểm tổ chức Cúp bóng đá châu Phi CAN 2015 về cuối năm ngoái vì dịch Ebola. Cho rằng quyết định đó làm ảnh hưởng đến các giải đấu của châu Âu, UEFA đã lớn tiếng chỉ trích CAF. Châu Phi cho rằng châu Âu đã can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Michel Platini còn có 7 tháng nữa để vận động làm sao có được đa số trong 209 liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên tham gia bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch FIFA.

Chủ tịch một định chế quản lý bóng đá giàu có và thế lực nhất thế giới như FIFA chắc chắn là một vị trí không ít người them muốn từ lâu nay. Cho đến giờ, mới chỉ có những tiếng nói ngỏ ý muốn tham gia cuộc đua. Từ nay đến ngày 26/10, hạn chót nộp đơn ra ứng cử, chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều đối thủ mới và sẽ còn những màn cản phá ngoạn mục.

Nhưng từ khi còn là cầu thủ để trở thành cầu thủ số 10 huyền thoại của bóng đá Pháp, Michel Platini đã chấp nhận mọi cản phá của đối phương, giờ đây để khoác chiếc áo số 1 của FIFA, chắc chắn là Platini cũng sẽ không ngại va chạm.

Michel Platini muốn có một chiến dịch tranh cử không kéo dài và cuộc bỏ phiếu diễn ra trước khi kết thúc năm 2015. Nhưng Sepp Blatter thì lại không muốn thế đã đẩy thời điểm bầu cử lại đến tận 26/2 sang năm. Chủ tịch UEFA dự báo sẽ không có gì dễ dàng cho ông trong cuộc chạy đua vào chức chủ tịch FIFA.

Những người thân cận dự tính là ngay từ giờ Platini đã có thể có được từ 115 đến 120 phiếu ủng hộ, tức là hơn một nửa trong số 209 liên đoàn quốc gia. Đây là điểm thuận lợi cho Michel Platini cũng như có thể làm nản chí những đối thủ. Thế nhưng con số trên cũng chưa đủ để bảo đảm cho ông có được một chiến dịch tranh cử êm đẹp.

Michel Platini biết là người ta sẽ còn nhắc lại sự ủng hộ của ông trong việc trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2022 cho Qatar, một quyêt định đang gây nhiều tranh cãi. Ngoài ra còn vụ lùm xùm quanh việc con trai của ông, Laurent Platini làm việc cho một cong ty cung cấp trang thiết bị thể thao có dính dáng đến Quỹ đầu tư Qatar. Một số đối thủ khác sẽ có thể nhằm vào những điểm yếu này của Platini để khai thác trước khi đến hạn cuối cùng nộp đơn xin ứng cử, ngày 26/10 tới.

Michel Platini biết tất cả những điều đó. Chính vì thế mà hồi tháng 5 vừa qua, ông đã từ chối ra ứng cử đối mặt với Sepp Blatter. Nếu lần này Platini quyết định đi đến cùng tức là ông đã ý thức được những điểm mạnh và nghĩ rằng chiến thắng có thể đang ở trong tầm tay. 

Vovinam Việt võ đạo hải ngoại tìm về cội nguồn 

Đầu tháng 8 này, đoàn võ sư và võ sinh của Tổng liên đoàn Vovinam Việt võ đạo Thế giới, một tổ chức quốc tế của Vovinam Việt võ đạo ở hải ngoại, có chuyến trở về đất tổ Hà Nội tập huấn. Chuyến đi về với cội nguồn của các môn sinh làng võ Việt này là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa.

Thể thao Chủ nhật đã có cuộc nói chuyện với Võ sư Trần Nguyên Đạo, Tổng thư ký Hội đồng võ sư Tổng liên đoàn Vovinam Việt võ đạo Thế giới, tại Paris.

06:34

Võ sư Trần Nguyên Đạo

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.