Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Tứ kết Cúp C1 châu Âu : Các câu lạc bộ Tây Ban Nha vẫn đáng sợ

Đăng ngày:

Hôm 18/3 vừa qua, tại Nyon (Thụy Sĩ) UEFA đã tiến hành rút thăm chia cặp đấu cho vòng tứ kết Cúp C1 bóng đá châu Âu, Champions League 2016. Tám đội bóng mạnh nhất của bóng đá châu Âu mùa bóng năm đã biết được các đối thủ của mình ở vòng tứ kết : Paris Saint Germain của Pháp gặp Manchester City của Premier League, Wolfsbourg của Đức gặp Real Madrid (Tây Ban Nha), Bayern Munich (Đức ) gặp Benfica Lisbone (Bồ Đào Nha) và FC Barcelona gặp Atletico Madrid đều là những đại diện của La Liga.

Một trận đấu giữa đội FC Barcelona với đội Arsenal tại Tây Ban Nha ngày 13/06/2016.
Một trận đấu giữa đội FC Barcelona với đội Arsenal tại Tây Ban Nha ngày 13/06/2016. Reuters / Carl Recine Livepic
Quảng cáo

Nhìn vào kết quả rút thăm trên thấy làng bóng Tây Ban Nha có 3 đại diện, Đức có 2, còn lại là các đại diện của làng bóng Pháp, Anh và Bồ Đào Nha. Không chỉ còn trụ lại với số lượng hùng hậu đến chặng tứ kết, các câu lạc bộ Tây Ban Nha còn là đối thủ mà đến trước khi có kết quả rút thăm hôm thứ Sáu, tất cả các đội bóng còn lại đều sợ bị chạm trán.

Cùng với nhà bình luận bóng đá Trần Tiến Đức tại Hà Nội, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tương quan lực lượng trong vòng tứ kết Cúp C1 sẽ bắt đầu trận lượt đi từ ngày 5 và 6 tháng Tư tới đây và lượt về sẽ diễn ra ngày 12 và 13 tháng Tư.

06:50

Ông Trần Tiến Đức - Hà Nội

Chiến tranh và khủng hoảng kinh tế làm tụt hậu bóng đá Ukraina

Các cầu thủ quốc tế ra đi, các sân vận động thưa thớt cổ động viên, đến cả các trận đấu trên truyền hình cũng mất dần khán giả. Đó là vài nét phác họa bầu không khí ảm đạm, lạnh lẽo trong làng bóng đá Ukraina, vốn cách đây vài năm được đánh giá là làng bóng đang có triển vọng của châu Âu. Một trong những nguyên nhân là vì Ukraina đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thêm vào đó là cuộc xung đột ly khai miền đông kéo dài liên miên.

Một nhà phân tích thể thao của Ukraina đã phải thốt lên về tình trạng của bóng đá nước này rằng « tất cả đang sụp đổ, các cầu thủ tài năng nhất người nước ngoài đều bỏ đi, ngân sách cho các câu lạc bộ bị cắt giảm ». Một bằng chứng cho sự xuống dốc đó là trong tuần Dynamo Kiev, niềm tự hào của bóng đá Ukraina đã bị Manchester City loại khỏi khỏi Cúp C1 châu Âu ở vòng 1/8.

Sự xáo trộn đầu tiên trong làng bóng Ukraina đó là vào năm 2014, sau khi Crimée bị sáp nhập về Nga. Hai câu lạc bộ của bán đảo này vốn là những đội bóng mạnh buộc phải rời khỏi giải vô địch quốc gia Ukraina , nhưng lại cũng không được chơi trong giải đấu của Nga vì Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (UEFA) cấm.

Cùng thời điểm đó, câu lạc bộ Shkhtar Donetsk và một vài đội bóng ở miền đông Ukraina thì lại không còn đất chơi bóng vì các cuộc chiến ly khai. Họ buộc phải về Kiev hay sang miền tây Ukraina để chơi bóng ở và có thể tiếp tục theo các giải quốc tế.

Vài năm gần đây, có một số câu lạc bộ Ukraina đã vươn cao trên đấu trường châu Âu, ví dụ như Dnipo Dnipropetrovsk, năm ngoái bất ngờ vào tận chung kết cúp C3 châu Âu ( Europa League). Những thành công đó đã giúp họ có tiền để chiêu mộ một số ngôi sao sân cỏ nước ngoài. Nhưng giờ đây, cơn bão khủng hoảng kinh đang đánh thẳng vào làng bóng Ukraina, nước đã từng tổ chức Euro 2012.

Theo thống kê của giải hạng nhất Ukraina, trong vòng hai năm trở lại đây, số lượng các cầu thủ nước ngoài chơi trong các câu lạc bộ của Ukraina đã giảm từ 170 xuống còn 60 cầu thủ. Hoặc các câu lạc bộ gặp khó khăn kinh tế phải bán các ngôi sao của mình đi, hoặc các cầu thủ nước ngoài cũng tự bỏ đi không còn thiết tha với giải đấu ngày càng ảm đạm buồn tẻ. Nhiều câu lạc bộ phải tuyên bố phá sản. Giải vô địch quốc gia hạng nhất của Ukraina từ năm 2014 chỉ còn 14 đội chơi thay vì 16 đội.

Ngay cả câu lạc bộ Dnipo, năm ngoái vừa tỏa sáng trên sân cỏ châu Âu thì nay cũng có nguy cơ bị cấm thi đấu. Lý do cũng lại là vì kinh tế khó khăn. Ông chủ tịch câu lạc bộ, Igor Kolomoiski, một nhà tài phiệt nổi tiếng Ukraina không chịu trả nợ tiền lương cho cựu huấn luyện viên người Tây Ban Nha Juande Ramos và các trợ lý của ông. Bị kiện câu lạc bộ có thể sẽ bị cấm thi đấu tới năm 2019.

Tất cả những biến động tiêu cực đó, cộng với trình độ chơi bóng ngày càng thấp đã kéo theo hệ lụy tất yếu là người hâm mộ quay lưng lại với bóng đá trong nước. Theo nhà tổ chức giải hạng nhất quốc gia, Petro Ivanov, số khán giả đến sân vận động xem các đội bóng trong nước thi đấu trong năm 2015 đã giảm xuống một nửa. Những khán giả đến sân chủ yếu là thanh niên mà đa phần là những thành phần cực hữu nổi tiếng những hành vi kỳ thị chủng tộc.

Giới quan sát bóng đá châu Âu đề có chung nhận định nếu bóng đá Ukraina muốn tồn tại thì phải có ngay những cải cách mạnh mẽ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.