Vào nội dung chính
TRIẾT HỌC

Iran bị truất quyền tổ chức Ngày Hội Triết học Quốc tế 2010

Triết học thường vẫn được coi như chỉ liên quan đến giới hàn lâm, tuy nhiên, một sự kiện diễn ra đầu tuần này đáng thu hút sự chú ý của công chúng. Ngày thứ ba (8/11), UNESCO vừa công bố quyết định hủy bỏ việc tổ chức ngày Hội Triết học Quốc tế tại Iran, dự kiến diễn ra trong ba ngày cuối tháng 11 tới. Được biết, quyết định đăng cai của Iran đã được UNESCO chấp nhận từ năm 2008.

Sinh viên Iran biểu tình trước tòa nhà trước đây là đại sứ quán ở Teheran ngay 4/11/10.
Sinh viên Iran biểu tình trước tòa nhà trước đây là đại sứ quán ở Teheran ngay 4/11/10. Reuters
Quảng cáo

Tuy nhiên, gần đây nước Cộng hòa Hồi giáo này đã tỏ ra ngày càng độc đoán hơn, với việc chỉ định ông Gholam Ali Haddad Adel, một đại biểu của phái cứng rắn của chế độ, một người thân cận của lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, làm trưởng ban tổ chức và người điều khiển các cuộc tranh luận.

Vào cuối tháng 10, bộ trưởng Iran phụ trách khoa học đã tuyên bố « tạm đình chỉ » việc giảng dạy triết học và xã hội học phương Tây trong các trường đại học, nhằm « kiểm tra » xem các môn học này có phù hợp với tư tưởng Hồi giáo chính thống hay không. Ngày Hội Triết học Quốc tế, nếu được tổ chức, sẽ có khả năng bị chính quyền Teheran sử dụng để đánh bóng hình ảnh của chế độ độc đoán này.

Xuất hiện một cách khá âm thầm năm 2002 tại Paris, Ngày Hội Triết học Quốc tế của Unesco, kể từ năm 2005, được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần, tại các nước Chilê, Marốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Nga. Trong bối cảnh chính quyền Teheran gia tăng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giảng dạy và học tập trong lĩnh vực này, việc UNESCO chấp nhận đề nghị của Iran đăng cai tổ chức Ngày Hội Triết học Quốc tế có thể làm phương hại nặng nề đến hình ảnh của tổ chức rất có uy tín này. Điều này không phải là không thể xảy ra, vì vào cuối tháng 10, UNESCO, sau nhiều tháng bị chỉ trích quyết liệt, vì lập ra một giải thưởng mang tên người tài trợ - tổng thống độc tài nước Guinea Xích đạo, mới chấp nhận ngưng giải này lại.

Theo nhà triết học Iran Ramin Jahanbegloo, người vừa thoát khỏi bàn tay tử thần trong nhà tù Iran, việc chấp nhận để cho nhân vật kể trên làm người điều hành Ngày Hội Triết học Quốc tế có khác nào tổ chức một hội thảo triết học tại Berlin vào năm 1938, dưới thời phát xít Đức, với phụ trách là bộ trưởng tuyên truyền Quốc Xã Goebbels.

Bộ Ngoại giao Pháp và phái bộ Hoa Kỳ tại UNESCO ngay lập tức hoan nghênh quyết định vừa được tổ chức này đưa ra.

Để bù vào kế hoạch bị hủy bỏ, ngày 18/11 tới, Ngày Hội Triết học Thế giới sẽ được tổ chức ở trụ sở UNESCO tại Paris, được mở cho công chúng rộng rãi, với nhiều chủ đề như : « Các nhà triết học nữ và thái độ chính trị chính thống », « Al-Fârâbi (nhà triết học Thổ Nhĩ Kỳ, sống vào khoảng thế kỷ X), người thông ngôn xuất chúng giữa các nền văn hóa », « Xem xét lại các hệ lụy trí thức, văn hóa và chính trị của khái niệm văn minh », « Lý trí và các cuộc chiến đấu của lý trí »… Bên cạnh đó, không thể bỏ qua cuộc trưng bày với một số công cụ nghe nhìn, có mục tiêu điều chỉnh lại các quan niệm sai lầm giữa hai thế giới phương Tây và Ảrập ồi giáo, và đồng thời một triển lãm ảnh có chủ đề « Phương Đông và Phương Tây : các cội rễ tâm linh của Châu Âu ».

Với việc truất quyền không cho chế độ độc đoán Iran tổ chức Ngày Hội Triết học Quốc tế, có thể thấy UNESCO vẫn tiếp tục theo đuổi triệt để lý tưởng vì một nhân loại dân chủ, tiến bộ và hòa bình. Tuy nhiên, con đường lý tưởng này đầy gian truân và trắc trở.

Bởi, nói như nhà triết học Pháp Patrice Vermeren, dẫn lời của nhà chính trị, ba lần làm thủ tướng Pháp, Léon Blum (1872-1950), nguyên Phó chủ tịch Unesco, ngay bản thân, giáo dục, văn hóa và khoa học cũng có khả năng quay về chống lại chính các lợi ích chung của nhân loại. Sự phát triển và hoàn thiện của giáo dục, văn hóa, khoa học không thôi không đủ. Ngay bản thân các khái niệm triết học cũng đã từng bị thao túng, bị sử dụng làm công cụ tuyên truyền cho các chế độ toàn trị, hoặc các phương thức cai trị mang tính độc đoán.

Tăng cường các hiểu biết và trao đổi, đẩy lui sự vô minh và các định kiến giữa các xã hội, giữa các nền văn hóa, chính là điều kiện để đi đến một sự đoàn kết tinh thần và trí tuệ của toàn nhân loại - là cơ sở duy nhất đảm bảo cho một nền hòa bình bền vững và đích thực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.