Vào nội dung chính
THỜI TRANG

Tom Ford, 20 năm sự nghiệp thời trang

Trong làng thời trang quốc tế, Tom Ford là một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất hiện nay. Năm nay 49 tuổi, anh là người đã từng khôi phục đà thành công của thương hiệu Gucci, phát huy thêm uy tín của công ty Yves Saint-Laurent. Tom Ford còn được biết đến nhờ đạo diễn bộ phim đồng tính A Single Man.

Quảng cáo

Tên thật là Thomas Carlyle Ford, anh sinh năm 1961 tại bang Texas, Hoa Kỳ. Đến New York vào năm 17 tuổi, anh tốt nghiệp sau đó ngành kiến trúc nội thất tại trường thiết kế Parsons (The New School for Design). Lúc còn nhỏ, Tom thật ra say mê ngành điện ảnh, muốn trở thành diễn viên trên màn ảnh lớn. Thời sinh viên, anh từng kiếm tiền nhờ đóng phim quảng cáo truyền hình.

Rốt cuộc, Tom Ford lại chọn cho mình ngành thời trang chủ yếu cũng vì anh dễ có cơ hội thăng tiến hơn. Anh bước vào nghề thiết kế từ năm anh 25 tuổi (1986). Sau một thời gian làm việc cho các công ty như Chloé và Perry Ellis, Tom Ford thật sự thành danh khi đầu quân cho thương hiệu Gucci vào năm 1990. Trong thời gian thực tập, Tom làm quen với Marc Jacobs, nổi tiếng sau này nhờ làm việc cho công ty hàng đầu của Pháp Louis Vuitton. 

Do thiếu kinh nghiệm, nên trong thời gian đầu làm việc cho Gucci, Tom Ford vẫn nấp mình trong hậu trường nhiều hơn là xuất hiện trước ánh sáng. Vào thời đó, uy tín của Gucci đang xuống dốc dữ dội, bị xem như là lỗi thời. Nhờ vào các bộ sưu tập y phục may sẵn do Tom Ford thiết kế, thương hiệu này mới dần dần khôi phục đà thành công.

Trong vòng gần 10 năm, trị giá của công ty Gucci được nhân lên gấp đôi từ 4 tỷ lên đến 10 tỷ đôla. Tuy được thăng chức giám đốc nghệ thuật, nhưng Tom vẫn không cảm thấy công lao của mìinh không được đền bù xứng đáng. Do vậy, anh chuyển sang làm việc cho hiệu thời trang Pháp Yves Saint-Laurent vào năm 2001, sau khi YSL bị tập đoàn Pinault mua lại. 

Một khu rừng không thể có hai cọp. Một ngai vàng không thể có hai vua. Thời còn sống, nhà tạo mốt lừng danh thế giới Yves Saint-Laurent không hề công nhận Tom Ford như là người thừa kế xứng đáng của mình. Điều đó dẫn đến khá nhiều xung khắc trong nội bộ. Sau khi ông Yves Saint-Laurent qua đời, Tom Ford trở thành người điều hành toàn bộ các khâu sản xuất từ y phục, mỹ phẩm, nước hoa, mắt kính cho đến việc quảng cáo, thiết kế các cửa hàng. Phải chăng Tom có quá nhiều tham vọng ? Dù gì đi nữa sau một thời gian dài làm việc cho các thương hiệu nổi tiếng, anh quyết định khởi nghiệp solo. 

Một khi tách ra hẳn các tập đoàn lớn, Tom Ford tung ra bộ sưu tập thời trang mang tên mình vào năm 2005, khai trương cửa hiệu Tom Ford đầu tiên trên đại lộ Madison Avenue tại New York. Tính đến nay, anh đã cho mở 20 cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Ý, Pháp, Nga, Anh và Nhật. Trong lối thiết kế, Tom Ford vẽ y phục theo phong cách tân cổ điển, mang đậm ảnh hưởng của các bậc thầy là Armani trong thời trang phái nam và Chanel về thời trang phái nữ.

Có người cho rằng Tom Ford, tuy nổi tiếng cùng thời với Marc Jacobs (Vuitton) và John Galliano (Dior), nhưng lại là nhà thiết kế có quan niệm thời trang gần với người Pháp nhất, ở chỗ : nét đơn giản làm nên vẻ thanh lịch. Tuy nhiên Tom Ford vẫn bị một số người chỉ trích trong cách tạo dựng phim quảng cáo, dùng nhiều biểu tượng và hình ảnh khiêu dâm để bán các sản phẩm của mình. 

Từ khi lập công ty riêng, Tom Ford có đủ thời gian để thực hiện đam mê đầu đời của mình. Tuy không được làm diễn viên, nhưng anh vẫn bắt tay vào việc chuyển thể lên màn bạc quyển tiểu thuyết A Single Man của Chistopher Isherwood. Từ thời thanh niên, Tom Ford vẫn không che giấu anh là gay. Do vậy, anh đã ôm ấp giấc mơ thực hiện cuộn phim này, dựa trên quyển tiểu thuyết được xem như là một trong những tác phẩm nổi trội đầu tiên về phong trào giải phóng đồng tính. Bộ phim này đã được đánh giá cao và giúp cho Colin Firth đoạt giải diễn viên xuất sắc tại liên hoan Venise. Liệu Tom Ford sẽ có tiếp tục quay phim hay không ? Đó đã là một chuyện khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.