Vào nội dung chính
KHÁM PHÁ

Giả thuyết mới : Con người chinh phục châu Mỹ cách nay hơn 15 ngàn năm

Một khối lượng di tích lớn chưa thấy vừa được phát hiện trong một khu khai quật khảo cổ ở tiểu bang Texas Hoa Kỳ cho thấy là có nhiều khả năng, những người đầu tiên tới châu Mỹ cách nay ít nhất 15 500 năm, tức là sớm hơn 2 000 năm so với những giả thuyết hiện có.

Eo biển Bering, nơi giả định rằng người Châu Á đã vượt qua đó để sang Châu Mỹ vào thời kỳ băng hà
Eo biển Bering, nơi giả định rằng người Châu Á đã vượt qua đó để sang Châu Mỹ vào thời kỳ băng hà Ảnh chụp từ vệ tinh, theo Wikipedia
Quảng cáo

Cho đến nay, dựa trên những di tích khai quật được tại nhiều khu vực vào năm 1932, các nhà khoa học cho rằng những người đầu tiên đến sinh sống ở châu Mỹ trong thời kỳ được gọi là văn hóa Clovis, tức là cách nay hơn 13 000 năm. Đặc trưng của thời kỳ này là kỹ thuật đẽo gọt đá lửa silex hai mặt nhọn sắc. Đó có thể là những người từ châu Á tới, qua eo biển Bering trong thời kỳ băng hà. Sau đó, nhóm người này lan tỏa ra toàn châu lục và xuống tới Nam Mỹ.

Thế nhưng, tại khu di tích ở Texas, được gọi là Debra L.Friedkin, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 15 528 đồ vật bằng đá, cho thấy là, con người có thể đã đến châu Mỹ sinh sống trước các bộ tộc Clovis.

Theo ông Michael Waters, thuộc đại học Texas, tác giả chính các bài viết về công trình này được đăng trên tạp chí Khoa học Mỹ ngày 25/03/2011, phát hiện tại Texas buộc các nhà khoa học phải nghĩ lại thời điểm chinh phục châu Mỹ. Điều chắc chắn là những công cụ và vũ khí tìm thấy ở Texas là do con người chế tạo và cách nay khoảng 15 500 năm. Có nghĩa là chúng còn cổ xưa hơn những di tích được tìm thấy cho đến nay ở Bắc Mỹ.

Chuyên gia Waters nhận định, di tích ở Texas rất quan trọng, cho phép thúc đẩy cuộc tranh luận về thời điểm những nhóm người đầu tiên đến chinh phục châu Mỹ, cũng như về nguồn gốc nền văn hóa Clovis.

Giả thuyết về việc các bộ tộc Clovis đến định cư tại châu Mỹ có nhiều điểm gây tranh cãi. Ví dụ, các nhà khảo cổ không hề tìm thấy dấu vết của kỹ thuật đẽo gọt đá silex của các bộ tộc Clovis ở đông bắc châu Á, nơi được coi là điểm xuất phát của nhóm người đầu tiên tới châu Mỹ. Các mũi tên nhọn bằng đá silex tìm thấy ở Alaska được làm ra trước thời điểm các bộ tộc Clovis tới châu Mỹ khoảng 1000 năm và với một cách thức khác. Mặt khác, 6 khu di tích khảo cổ được cho là cùng thời kỳ văn hóa Clovis được khai quật tại Nam Mỹ lại không hề có vết tích cụ thể nào của nền văn hóa này.

Hơn nữa, theo giới chuyên gia, tại nhiều khu di tích được khám phá trong những năm vừa qua ở Bắc Mỹ có nhiều chỉ dấu khả tín theo đó, nhóm người đầu tiên đến đây trước các bộ tộc Clovis. Như hai khu khảo cổ ở Wisconsin, phía bắc Hoa Kỳ, có những di tích cách nay từ 14 200 năm đến 14 800 năm v.v.

Chuyên gia Michael Waters nhấn mạnh, đã đến lúc phải từ bỏ hẳn giả thuyết về bộ tộc Clovis và xây dựng một mô hình mới giải thích về quá trình chinh phục châu Mỹ. Trên khía cạnh này, khu khảo cổ Debra L.Friedkin đã tạo ra một bước tiến lớn, hướng tới một sự hiểu biết mới về những cư dân đầu tiên tại châu Mỹ.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.