Vào nội dung chính
SỨC KHOẺ

Các biện pháp mới nhằm đẩy lùi thuốc lá tại Pháp và Châu Âu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thuốc lá là thủ phạm của 6 triệu trường hợp tử vong hàng năm, nạn nhân bao gồm những người hút thuốc và những người buộc phải sống trong môi trường có khói thuốc. Đấy là chưa kể các căn bệnh cấp tính và mãn tính do khói thuốc lá gây ra.

Một phụ nữ hút thuốc  tại Snarestone, miền Trung Anh quốc. Anh quốc đã thi hành luật cấm hút thuốc nơi công cộng kể từ năm 2007.
Một phụ nữ hút thuốc tại Snarestone, miền Trung Anh quốc. Anh quốc đã thi hành luật cấm hút thuốc nơi công cộng kể từ năm 2007. Reuters
Quảng cáo

Con số người chết vì thuốc lá còn cao hơn số người tử vong vì các bệnh lao hay HIV/Sida. Riêng tại Pháp, có khoảng 60.000 chết vì thuốc lá mỗi năm, tức là gấp khoảng 15 lần số nạn nhân tử vong vì các tai nạn giao thông đường bộ.

Nhân ngày Quốc tế không thuốc lá 1/6, tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Xavier Bertrand đã đưa ra các biện pháp mới để đẩy lùi nạn hút thuốc, đang có chiều hướng gia tăng trở lại tại Pháp. Một vài con số thống kê cho thấy, trong thời gian từ năm 2005 đến 2010, số người hút thuốc lá hàng ngày tại Pháp đã tăng từ 27 lên 29%, đặc biệt đáng ngại là tỷ lệ này ở phụ nữ tăng nhanh hơn nam giới, và một phần ba các phụ nữ có thai hút thuốc lá. Sau hai thập kỷ xu thế hút thuốc lá đi xuống, hiện nay nạn nghiện thuốc lá đang có phần tăng trở lại ở Pháp. Mà như chúng ta biết Pháp là một trong số các quốc gia đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn hiệp ước chống thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới. Và Pháp cũng là một trong những nước có các biện pháp chống thuốc lá đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo một kết quả điều tra do Viện theo dõi vệ sinh quốc gia Pháp xuất bản vào năm 2008, Pháp đứng hàng thứ 7 trong số các nước có các biện pháp tích cực để đẩy lui nạn hút thuốc, sau các nước Anh, Ireland, Iceland, Na Uy, Malta và Thụy Điển.

Một điều đáng ngạc nhiên là những nước như Đức, vốn là nơi có phong trào bảo vệ môi sinh phát triển mạnh, lại là một trong số các quốc gia Châu Âu đội sổ trong công cuộc chống thuốc lá. Một trong các điều tra cho thấy có đến 4/5 các quán bar hay cà phê tại Đức không tuân thủ luật cấm hút thuốc tại nơi công cộng trong nhà.

Thực trạng hút thuốc lá tại các nước Châu Âu như thế nào? Gần đây một báo cáo rất thú vị mang tên « Eurobaromètre spécial 332 » được công bố. Báo cáo này do một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha tiến hành trên 27 nước Châu Âu cho thấy rất nhiều mặt khác nhau trong thực tế đời sống liên quan đến việc hút thuốc và bỏ thuốc. Theo kết quả báo cáo, khoảng 1/3 người Châu Âu từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, trong đó hơn 10% thường xuyên sống trong môi trường có khói thuốc. Đối với những người bỏ thuốc, thì khoảng 70% quyết định vì lý do sức khỏe cá nhân, khoảng ½ do gia đình, bạn bè mong muốn, bên cạnh đó cũng gần một nửa cho rằng giá thuốc là một yếu tố để bỏ thuốc lá. Và một phần ba thì do sự thúc đẩy của những người sống bên cạnh, không chịu nổi khói thuốc.

Theo tin của AFP cuối tháng trước, một nhóm 57 chuyên gia đã đệ trình một bản báo cáo mang tên EQUIPP (Europe Quitting : Progress and Pathways) cho thấy các biện pháp chống sự phụ thuộc vào thuốc lá tại Châu Âu hiện nay còn chưa đủ mạnh. Mục tiêu báo cáo đặt ra là bài trừ nạn hút thuốc một cách quyết liệt hơn và cải thiện các điều kiện hỗ trợ cho việc cai thuốc. Riêng đối với Pháp, các chuyên gia khuyến cáo, cần làm sáng tỏ hơn các lợi ích về y tế và kinh tế của việc ngăn ngừa nạn hút thuốc và của việc cai thuốc, tăng ngân sách tài trợ cho việc cai thuốc, tăng cường phổ biến kiến thức về việc cai thuốc.

Bộ Y tế Pháp đang có các nỗ lực theo hướng này, với việc chuẩn bị ra một thông tri nhắc nhở việc tôn trọng lệnh cấm hút thuốc tại nơi công cộng, cấm bán thuốc cho người vị thành niên và thuốc lá có tẩm hương liệu. Bộ Y tế cũng dự kiến sẽ cấm bán « thuốc lá điện tử » tại cửa hàng dược phẩm. Và đặc biệt là các khoản trợ giúp sẽ được tăng lên đối với những phụ nữ có thai nào muốn cai thuốc.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.